Bước chân không ngừng nghỉ

Nếu không lên đường và tiếp tục con đường của mình thì sẽ chẳng bao giờ biết được cảm giác đứng lên khi vấp ngã.


Những người hành hương của hy vọng – là chủ đề của năm Thánh 2025 mời gọi những người lữ hành bước đi trong tiếng gọi của Chúa qua sự hướng dẫn của Mẹ Giáo hội. Và mỗi cá nhân chỉ khi lắng nghe được tiếng gọi, để biết được cùng đích của hành trình thì sẽ bước đi không ngừng nghỉ với một niềm tin phía trước sẽ là hạnh phúc, sẽ bước đi giữa những khó khăn với một niềm hy vọng phía trước là bình an. Con đường của chúng ta không ai giống con đường của ai. Tuy nhiên, chỉ có một người gọi, đó là Chúa. Và cũng chỉ có một tiếng gọi, là tiếng gọi Nước Trời. Chỉ có một tiếng gọi và do một người gọi, thì giữa muôn vàn nẻo đường, chúng ta vẫn đi về cùng một hướng. Và trong cái toàn thể đó chúng ta sẽ liên hệ và ảnh hưởng lẫn nhau. Hành trình đức tin của người này sẽ liên quan đến cuộc sống của người kia. Nếu như ai đó từ bỏ con đường của mình hay chưa nổ lực đủ để đi hết con đường thì cũng sẽ ảnh hưởng đến người khác. Chính Chúa Giêsu, Người đã không dừng lại “con đường khổ nạn” khi Phêrô gợi ý cho Chúa bỏ cuộc.[1] Làm gì có Phục Sinh nếu Người nghe lời Phêrô từ chối thập giá. Làm gì chúng ta được cứu chuộc nếu như Người từ bỏ con đường của mình.

Mẹ Maria hay các Thánh, các ngài đã đi hết con đường mà Chúa đã vạch ra, trở nên ánh sáng chiếu soi con đường của những người đang đi. Đức Cha Allys Đấng Sáng lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm cũng đã đi con đường của một nhà thừa sai và đã nêu gương cho con cái của mình. Cũng biết bao con người lúc này đây, đang đi, đi một cách trọn lành để đến với “Đấng đang gọi mình”. Tôi thì sao? Tôi đi như thế nào trên đường lữ hành? Phải chăng đi với một tâm thế hy vọng và tin tưởng? Chỉ khi có hy vọng mãnh liệt lúc đó bước chân mới có thể bước đi, nhìn những bước chân không ngừng nghỉ đi trước của Giáo hội, để rồi cất bước, đi không ngừng nghỉ, đi chứ không bỏ cuộc, đi với một niềm hy vọng.

  1. Bước chân của Thầy Giêsu

Giữa cái nóng rát, gió khô của đất nước dân du mục, Chúa Giêsu nổi bật lên như làn gió mát của biển khơi. Giữa những con người loay hoay cho bản thân, Chúa Giêsu trổi vượt là con người làm cho người khác, cho những ai cần đến mình. Suốt ba năm rao giảng, Người đi không ngừng nghỉ, đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.[2] Mặc kệ đôi chân đã mỏi, dính đầy bụi bẩn, Chúa Giêsu vẫn đi ngay với ông Giaia đến chữa đứa con gái đang lâm bệnh.[3] Chúa Giêsu không bỏ rơi người cần mình mà đi với họ như là niềm an ủi, hiện diện để họ được yên tâm ngay khi thời khắc họ cần Chúa, chứ không chần chừ với những lý do của bản thân. Hay ngay cả khi Chúa Giêsu vừa ra khỏi hội đường thì lập tức đến chữa bệnh cho mẹ ông Simôn, rồi người ta đem đến cho người mọi kẻ ốm đau và quỷ ám, Người vẫn ở cùng với họ, chữa lành và trao ban niềm vui Nước Trời.[4]

Bước chân của Chúa Giêsu không dừng lại với sứ vụ bên ngoài, Người cũng bước đi đến với Chúa Cha, để tiếp tục nghe tiếng gọi, để không lạc đường, Người xác định rõ “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”.[5] Trong vườn cây dầu, mặc dù mang trong mình tâm hồn xao xuyến sợ hãi, Người vẫn xin vâng ý Chúa Cha[6] đi hết con đường mà Chúa Cha giao phó. Với những bước chân đầy thương tích của roi đòn, sỉ nhục, ghét bỏ và phản bội, Người vẫn vác trên vai thánh giá của nhân loại mà bước đi. Dù trên đường lên Canve, có lúc ngã đau, có lúc khó đi nhưng Người đã đi đến cùng và thưa lên với Chúa Cha “Mọi sự đã hoàn tất!”[7]

  1. Bước chân của Mẹ Maria

Khi Thiên Thần đến truyền tin cho Mẹ Maria, báo tin Mẹ sẽ cưu mang Con Thiên Chúa. nhưng đến ngày hạ sinh Con Thiên Chúa lại là nơi chốn hang lừa. Sau khi sinh con, Mẹ lại phải chạy trốn sang miền đất khác. Đến ngày lễ thanh tẩy nghe ông Simon kể về số phận của con mình và lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng mình. Con lớn lên đi rao giảng và một ngày nào đó nghe những lời dèm pha, kết án con của mình. Cuối cùng đứng dưới chân thập giá chứng kiến con mình đau đớn, bị bỏ rơi, bị bán đứng, bị giết hại. Tất cả đó là con đường mà Chúa Cha vạch ra cho Mẹ Maria, một con đường đầy khó khăn, dễ dàng làm cho người đi trên đó chùn bước. Mẹ có thể nói với Chúa Cha rằng: Tạo sao lại là tôi? Trong khi tôi đã đính hôn và sắp về nhà chồng? Tại sao con tôi là Con Thiên Chúa mà để tôi phải đau khổ như vậy? Hay tại sao con tôi lại phải chết cách oan ức như vậy? Nhưng dừng lại trên chặng đường Mẹ đi qua, chúng ta không tìm thấy một câu hỏi tại sao nào của Mẹ, không tìm thấy một lời nói thoái thác con đường của Chúa. Mẹ không bao giờ kêu trách nhưng câu hỏi duy nhất của Mẹ khi đón nhận Chúa Giêsu, và có lẽ cũng là câu hỏi mà Mẹ hỏi suốt cuộc đời mình là “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” Câu hỏi này không phải là từ chối, nhưng là để cộng tác với Chúa, và Mẹ đã cộng tác với Chúa suốt cả cuộc hành trình của mình, đồng ý đi hết chặng đường đời.

  1. Bước chân của Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys (Lý)

Được sinh ra và lớn lên trên một đất nước Pháp văn minh và đầy đủ, tưởng chừng như một tương lai tươi sáng với một vị linh mục có sức trẻ và cả tài trí, nhưng cha đã chọn một hướng đi mà Chúa muốn, trở thành một vị thừa sai đem Tin Mừng ra đi loan báo. Có lẽ rằng trước lúc lên đường sang Việt Nam, cha cũng hiểu sơ về nơi mình đến, nghèo khổ và chưa biết Chúa, nhưng chắc chắn còn nhiều khó khăn và thử thách hơn cả sự tưởng tượng. Được giao cho một giáo phận không chỉ “nghèo của cải nhất trần gian”, mà còn những cuộc bách hại và chống đối từ bên ngoài và những khó khăn đủ loại mà có lúc cha xin Chúa “tha” cho. Thế nhưng, cha không bao giờ bỏ cuộc và kêu ca, thất vọng hay phản kháng; trái lại, cha đón nhận trong tinh thần đức tin và với lòng can đảm sáng tạo, để từng bước kiên trì vượt qua. Không chỉ những lúc có sức khỏe mà cả những lúc đau yếu già cả, cha vẫn tiếp tục đi trên con đường Chúa đang vạch ra, không mất một niềm hy vọng nào. cha đã viết trong báo cáo mục vụ: “Những năm này, thị lực của con đã giảm đi rất nhiều, mắt trái của con hầu như không nhìn thấy được nữa và chỉ với nó, con sẽ không thể đọc và viết; về mắt phải, không phải là không khó khăn khi nó cho phép con đọc và viết. Dù bất cứ giá nào, con sẽ đi cho đến cùng”.[8] Nhờ múc lấy nguồn sức mạnh từ Chúa, nên cha đã kiên vững đi trên con đường đầy khó khăn và thử thách mà không từ bỏ hay thoái lui. Kết quả của cuối con đường là hành trình 61 năm sống trọn đời mình trên đất nước Việt Nam, tại giáo phận Huế, không một ngày trở về quê hương. Trong những ngày tháng đó, cha đã làm cho biết bao con người có một cuộc sống biết Chúa, một cuộc sống ấm êm bình an. Có rất nhiều con đường “dang dở” lại tiếp tục đến với Chúa nhờ sự kiên trì bước đi của cha, hai Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Tâm Huế cũng đã đi được hơn 100 năm từ ngày cha lập nên, để tiếp bước người đi hết con đường Chúa giao phó.

  1. Bước chân của tôi

Tôi hiện tại đang sống trong đời dâng hiến, là một Khấn tạm của Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, đầy mới mẻ, đầy nhiệt huyết của sức trẻ và đầy ước mơ dấn thân. Với linh đạo của Hội dòng “mời gọi bước theo sát Đức Kitô qua con đường thiêng liêng mà Đấng Sáng lập Dòng đã vạch ra, đó là lòng yêu mến và thông phần Thánh giá Chúa Giêsu; đồng thời sống tình con thảo đối với Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội”.[9] Những bước chân đi trước đó cũng đang cùng đi với tôi và mời gọi đi theo. Giáo hội cũng đang mời gọi những người con bước đi trong niềm tin và hy vọng. Tuy nhiên thực tại của cuộc sống ngày hôm nay cũng có lúc nào đó tôi muốn dừng lại vì những khó khăn thử thách, vì những “lội ngược dòng”. Nhưng những giây phút trầm mình để ngắm nhìn những bước chân không ngừng nghỉ đó, tôi lại muốn được bước tiếp, vì chỉ cần tôi lơi nghỉ thì một ai đó sẽ bị ảnh hưởng. Tôi nhận ra người môn đệ đi theo Chúa Giêsu cũng cần có những giây phút nghỉ ngơi ở lại bên Chúa để lắng nghe tiếng Chúa, để xem bản thân đang đi đúng đường hay không. Càng ở lại với Chúa thật nhiều, bước chân tôi lại càng muốn đi ra, vì nghe được tiếng gọi, thấy được rõ con đường đi, cảm được mình có thêm sức mạnh. Những khó khăn, cản trở chẳng qua là một dấu chỉ cho tôi biết rằng con đường mình đi qua là đúng, vì nó giống với con đường Chúa đi, giống với con đường của Mẹ Maria, Đức Cha Allys. Điều duy nhất tôi cần bây giờ là xin ơn kiên trì, can đảm của Chúa, luôn luôn ở lại với Người để được ra đi. Tôi cũng thật may mắn khi được làm con thảo của Mẹ Maria, được học biết và yêu mến Mẹ, chiêm ngắm con đường Mẹ đi qua, hân hoan lên đường như Mẹ dù phía trước là “đêm tối đức tin”. Con đường của tôi cũng được bảo đảm vì tôi thuộc về Hội dòng có lịch sử, có nền móng vững chắc, có Đấng Sáng lập, có quý chị Tiền bối và có cả chị em đang cùng đi. Nhờ vậy, tôi bước đi trên con đường Chúa muốn với lòng biết ơn vì được đón nhận trên đường tìm về quê trời.

Nếu không lên đường và tiếp tục con đường của mình thì sẽ chẳng bao giờ biết được cảm giác đứng lên khi vấp ngã, chẳng bao giờ biết được sự mạnh mẽ khi đối diện với thách đố và khó khăn. Và có lẽ rằng con đường nên thánh là lắng nghe tiếng Chúa và đáp trả một cách tin tưởng bằng sự kiên trì bước đi của những con người hy vọng.

Lạy Chúa trong cuộc sống của con, Chúa đã gọi. Con cũng đã lên đường và bước đi mỗi ngày, nhưng con không đủ can đảm như Chúa, như Mẹ Maria hay như Đấng Sáng lập Dòng. Những tham sân si của cuộc đời cứ khiến con không nhìn thấy được Nước Trời để rồi còn mất niềm tin, mất niềm hy vọng và chùn bước, xin cho con luôn tìm đến Người để được đi mãi con đường Chúa đã dọn cho con.

“Ðường kẻ lành đi là đường ngay thẳng,

lối người hiền theo là lối Chúa san bằng.

Vâng, lạy Chúa, trên con đường thánh ý vạch ra,

chúng con chờ đợi Chúa.”

(Is 26, 7-8)

Maria Diệu Ái (Khấn tạm), FMI


[1] Mt 16, 21-23

[2] Mt 9, 35

[3] Mt 9, 18 - 26

[4] Mc 1,29-39

[5] Ga 5, 17

[6] Mt 26, 36 – 46

[7] Ga 19, 30

[8] Thư ngày 21/6/1925

[9] Hiến luật điều 3