Kiên trì trong hy vọng

Thế giới chúng ta đang sống cần lắm “những ngọn đèn” của những người sống đời thánh hiến, còn chần chừ gì nữa mà bạn không thắp lên ánh sáng của Niềm Hy Vọng.


Giữa một xã hội công nghệ phát triển và tiện nghi như hiện nay, đời sống con người không ngừng được nâng cao, đây cũng là một trong những thách thức cho những người đang sống đời thánh hiến. Chúng ta đang đối diện với “trào lưu xuất tu” có thể làm cho đời sống thánh hiến và sự sống của chính Giáo hội bị yếu dần đi. Dường như người sống đời thánh hiến đang đặt sai mục tiêu của đời mình? Vậy đâu là phương thế cho họ sống đời tu cách triển nở và hạnh phúc? Trước khi giải đáp vấn nạn này, người viết xin nêu lên một mẫu gương đã sống tròn đầy ơn gọi của mình và thực thi sứ mạng rao giảng Tin Mừng cách mạnh mẽ và nhiệt thành, đó là thánh Phaolô. Hình ảnh của thánh Phaolô soi sáng cho hành trình ơn gọi của tôi. Đặc biệt, lòng kiên trì trong đời sống đức tin, ơn gọi và sứ mạng của ngài trở nên động lực thúc đẩy tôi sống trung tín và kiên trì trong ơn gọi của mình, đồng thời can đảm trở nên chứng nhân hy vọng cho thế giới hôm nay.

Kiên trì trong đức tin

Phaolô là một con người đã từng bắt bớ những người theo Đức Giêsu, nhưng sau biến cố Đamat, cuộc đời ông bước sang một trang sử mới. Cuộc mạc khải mà trong đó ông bị mù suốt ba ngày đã biến Phaolô thành một con người mới. Kẻ truy lùng Đức Kitô đã được biến đổi thành một tông đồ nhiệt huyết loan báo Đức Kitô. Phaolô đã luôn kiên vững trong niềm tin vào Đức Kitô, cho dẫu gặp phải những gian nan, khốn khó. Trong các thư của mình, Phaolô luôn khẳng định: “Tôi là Phaolô, tông đồ của Đức Kitô Giêsu theo lệnh Thiên Chúa” (1Tm 1,1). Đức tin mạnh mẽ của Phaolô khơi lên trong tôi lòng khao khát để mỗi ngày sống kết hợp mật thiết với Chúa hơn, luôn “hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,2). Như thế, “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20), đây cũng là câu châm ngôn của bản thân tôi, nó nhắc nhở tôi luôn ý thức căn tính của mình là người thuộc về Chúa nên phải sống làm sao để hình ảnh của Đức Kitô được rạng sáng nơi cách ăn thói ở, cung cách phục vụ của chính tôi. Bên cạnh đó, hành trình đức tin của tôi không phải là một con đường bằng phẳng nhưng lắm lúc cũng gặp phải những truân chuyên và thử thách, có khi rơi vào cuộc chiến thiêng liêng trong chính con người nội tại, dầu vậy, tôi sẽ vẫn kiên trung như Phaolô vì biết rằng không điều gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô (Rm 8,35). Lòng kiên trung có được bao lâu tôi biết xây dựng một “đời sống nội tâm vững vàng” (Ep 3,16), biết “bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái” (Ep 3,17), đồng thời, không ngừng học hỏi về Đức Kitô để có thể “hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu và nhận biết tình thương của Ngài” (Ep 3,18-19). Như Phaolô, “tình yêu của Đức Kitô đã thúc bách ngài” (2Cr 5,14) trong đời sống, thì ước gì mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của tôi cũng phát xuất bởi động cơ là tình yêu của Đức Kitô. Và hoa trái của hành động vì tình yêu có thể giúp cho nhiều người cũng được củng cố đức tin và gia tăng lòng mến Chúa.

Kiên trì trong ơn gọi

Phaolô đã cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa một cách cụ thể qua con người của Đức Giêsu Kitô trong cuộc sống, nhất là qua biến cố Đamat. Phaolô đón nhận lời mời gọi của Chúa và đáp trả cách mau mắn. Phaolô ý thức tư cách là tông đồ trong nghĩa “những ai được sai đi” (2Cr 12,12) chứ không theo nghĩa chặt là trong tương quan mật thiết với các tông đồ khác. Vì thế, Phaolô gặp không ít sự chống đối từ một số người nghi ngờ và khinh thường quyền tông đồ của ngài. Không khuất phục trước những gièm pha, Phaolô vẫn thẳng thắn biện hộ về chức vụ tông đồ đã được lãnh nhận từ Chúa, ơn gọi này “không phải do loài người, cũng không phải nhờ một người nào nhưng bởi Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa là Cha” (Gl 1,1). Phaolô đã khiêm tốn tự nhận mình là “đứa trẻ sinh non” và là người rốt hết trong những người đại diện được Đức Kitô trao quyền rao giảng Tin mừng.

Nhìn lại ơn gọi của Phaolô, những khó khăn của ngài khi phải biện minh về mình để chứng tỏ quyền tông đồ dường như không liên quan gì đến ơn gọi của tôi, bởi vì tôi là nữ tu của Chúa, điều đó ai cũng biết và không cần tôi phải biện minh. Tuy nhiên, tôi phải hoán cải để nhìn nhận rằng: liệu qua cách tôi sống ơn gọi, tha nhân có nhận ra tôi là người thuộc về Chúa hay không? Gương sống của thánh Phaolô nhắc nhở tôi yêu mến ơn gọi của mình hơn, nhất là trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” (Rm 8,29). Chính khi cảm nghiệm tình thương của Chúa trong mọi biến cố, tôi mới có thể “hiến dâng thân mình làm của lễ” (Rm 12,1) cho Thiên Chúa với tất cả sự tự do và tự nguyện. Ơn gọi của tôi phát xuất từ ý muốn và lòng thương xót của Chúa, đây là một ân ban cao quý, dù tôi rất bất xứng. Như Phaolô, tôi ý thức về sự mỏng giòn của mình để không cậy dựa vào tài năng cá nhân nhưng bám vào ơn của Chúa. Để trung thành với ơn gọi, tôi cũng phải đánh đổi những nghị lực yêu thương, những nhu cầu chiếm hữu và khả năng tự định đoạt về đời mình, phải “coi mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi là được biết Đức Kitô” (Pl 3,8). Những từ bỏ này trở nên ngọt ngào hay cay đắng là phụ thuộc vào ý chí và tình yêu của tôi dành cho Chúa Giêsu. Phaolô đã chẳng còn nghĩ đến bản thân mình nhưng hoàn toàn trở nên khí cụ trong tay Chúa, dẫu khi bị xiềng xích, bị tù đày hay gian khổ vào cuối đời, ngài vẫn một lòng kiên trung. Về phía tôi, chẳng lẽ đôi chút khó khăn cộng đoàn hay yếu đuối của bản thân lại làm cho tôi chùn bước? Một lần nữa, tôi theo sự chỉ dẫn của Phaolô, là can đảm đi hết chặng đường, đủ khiêm tốn để lắng nghe và sống trong niềm hy vọng bất diệt vào Đức Kitô.

Kiên trì trong sứ mạng

Cả cuộc đời còn lại của thánh Phaolô sau khi được Chúa biến đổi là bôn ba rao giảng Tin Mừng. Chúa đã ủy thác sứ mạng cho ngài và ngài không ngơi nghỉ để chu toàn sứ mạng cao cả này. Đời tông đồ của ngài gặt hái nhiều thành công, đem nhiều linh hồn về cho Chúa nhưng cũng không thiếu những gian nan vất vả. Thánh Phaolô kêu gọi Timôthê nhưng cũng chính ngài đã sống xác tín này: “Vì Tin mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích” (2 Tm 2,9). Xem bảng liệt kê những lần Phaolô chịu khổ vì danh Chúa theo thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô, ta mới cảm phục tinh thần kiên cường của ngài thế nào: năm lần chịu đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, nhiều cuộc hành trình, gặp nhiều nguy hiểm do dân ngoại hay do đồng bào, chịu đói khát, chịu rét mướt trần truồng, hơn cả là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh (2Cr 11,24-28). Tuy nhiên, ông tỏ ra rất khiêm tốn không dám nhận là những công lao của mình: “Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2Cr 11,30). Vượt lên trên những gian lao khốn khổ, Phaolô luôn đề cao đức bác ái Kitô giáo: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái, đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14). Chỉ có sức mạnh từ Đức Kitô mới làm cho Phaolô kiên cường đến thế, ơn Chúa đủ cho ngài chu toàn sứ mạng. Cuộc đời Phaolô họa lại chân dung của Thầy Chí Thánh, sống tự hủy đến tận cùng vì tình yêu, dầu cho phải đối diện với cái chết nhưng ông không bao giờ mất niềm tin tưởng và cậy trông vào ơn trợ giúp của Chúa.

Hành trình đời tông đồ của Phaolô khơi lên trong tôi tinh thần quảng đại dấn thân cho sứ mạng của Chúa. Dẫu khi bị chống đối, bị hiểu lầm, bị thiếu thốn đôi chút, tôi sẽ sẵn sàng đón nhận vì tin rằng Chúa luôn phù trợ đời tôi. Bên cạnh đó, những lời khuyên nhủ sống bác ái của thánh tông đồ thúc giục tôi phải hy sinh chính bản thân mình, yêu thương một cách vô vị lợi đối với tất cả mọi người, và là một tình yêu chân thành, không giả dối. Chính sự liên kết mật thiết với Đức Kitô qua cầu nguyện sẽ hướng dẫn tôi trung thành với sứ mạng được ủy thác và can đảm trở nên chứng nhân cho tình yêu của Chúa.

Nhìn lại cuộc đời của thánh Phaolô, những người sống đời thánh hiến sẽ tìm được câu trả lời cho những nút thắt của người môn đệ Chúa Kitô. Lòng kiên trì của Phaolô trong đời sống đức tin, ơn gọi và sứ mạng trở nên như kim chỉ nam giúp mỗi người chúng ta dám đối diện với những thách thức của đời tông đồ, can đảm làm chứng cho Tin mừng của Chúa và nỗ lực rao truyền Lòng Thương Xót của Chúa cho hết thảy mọi người. Thế giới chúng ta đang sống cần lắm “những ngọn đèn” của những người sống đời thánh hiến, còn chần chừ gì nữa mà bạn không thắp lên ánh sáng của Niềm Hy Vọng. Hãy can đảm để cho Đức Kitô đi vào thế giới qua sự kiên trì dâng hiến của chính bạn.

M. Lucia Tuyết (Học viện Huế), FMI