Trung thành với tình yêu

Để trung thành với Thiên Chúa, người tu sĩ không tự sức mình nhưng cậy dựa vào ơn Chúa.


Đời sống thánh hiến là một lời đáp trả tròn đầy của con người dành cho Thiên Chúa, nơi đó mỗi tu sĩ diễn tả tình yêu của mình cho Đấng Chịu Đóng Đinh theo những cách thế khác nhau. Từng ngày sống, người tu sĩ được mời gọi trung thành với điều mình đã tuyên hứa qua Ba Lời khuyên Phúc âm. Thực thế, yêu mến Thiên Chúa là điều không bao giờ dễ dàng. Vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào người tu sĩ giữ được sự trung thành của mình? Sức mạnh nào giúp người tu sĩ kiên trì mỗi ngày? Nếu chẳng phải là bởi tình yêu.

Nhìn về lịch sử cứu độ, chúng ta biết có một vị Thiên Chúa trung tín với con người, ngay khi tổ tông sa ngã, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Độ. Lời hứa cứu độ ấy theo suốt dọc dài lịch sử của nhân loại và được hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô qua mầu nhiệm Nhập Thể. Mặc dù loài người phủ nhận Thần tính của Chúa Giêsu nhưng Thiên Chúa vẫn luôn trung thành với lời hứa của mình, vẫn để Con của Người đến và ở giữa trần gian, sống, làm việc và chết như một tội nhân. Điều này chứng thực rằng, chỉ trong tình yêu và với tình yêu mà loài người được đón nhận ân sủng và sự tha thứ của Thiên Chúa. Chính vì thế, mỗi người Kitô hữu cũng nên đáp trả bằng một đời sống trung thành với Thiên Chúa, yêu mến và phụng sự Người, ngoan ngùy để Lời Chúa đụng chạm và được biến đổi, hầu đời sống của người tín hữu phản ảnh vẻ trung thực về khuôn mặt xót thương của Thiên Chúa.

Cùng với những người sống đời thánh hiến, chúng ta cảm nhận đôi chút về cuộc sống của họ, tương quan cá vị giữa họ với Thiên Chúa. Tôi tự hỏi, phải chăng người tu sĩ khác với người thường, khi nhìn thấy sự trung thành dành cho Đấng họ kết ước, nhìn thấy sự nỗ lực trong những bất lực của phận làm người. Tôi tự hỏi, người tu sĩ đã sống sự trung thành của mình với chất liệu gì? Ngay khi mà đời thánh hiến hay cụ thể hơn trong đời sống cộng đoàn vẫn còn đó những mảng tối, những góc khuất, nhưng họ vẫn vui vẻ tiến bước, lạc quan với những nghịch cảnh, tin yêu trước những thách đố. Tôi ấn tượng những hình ảnh ngày đêm miệt mài với cuốn Lời Chúa, say mê với Bí tích Thánh Thể. Tôi thực lòng cảm động trước những lời cầu nguyện chất chứa nỗi niềm dâng lên Đấng thấu hiểu. Có lẽ rằng, tình yêu đã làm cho người tu sĩ vượt qua rào cản giữa thụ tạo và Đấng Tạo Hóa, làm cho “hai người” trở nên gần gũi và đáng yêu. Chính tình yêu đã giúp người tu sĩ trung thành với lời cam kết, trung tín với Đức Giêsu, dẫu còn đó những cám dỗ và ngờ vực, những ước muốn và nặng nề của thân xác. Hẳn là người tu sĩ đã cảm nhận sâu sắc sự trung tín của Thiên Chúa dành cho họ, cảm nhận được tình yêu thẳm sâu nơi Tấm Bánh trong Nhà Tạm. Vậy đó, cuộc sống vẫn mãi vần xoay, thời gian có thể làm cho con người già đi hay kém hơn nhưng sự trung thành được kết bởi tình yêu thì mãi vững chắc và kiên định.

Thiết nghĩ rằng, để trung thành với Thiên Chúa, người tu sĩ không tự sức mình nhưng cậy dựa vào ơn Chúa, tin tưởng sự song hành của Ngài, phó thác cho Đấng đã kêu gọi và tuyển chọn. Có lẽ sẽ chẳng một ai dám tự hào mình có khả năng giữ sự trung thành này trong từng ngày sống, trong suốt cuộc đời. Rồi cũng sẽ chẳng có một sự trung thành nào bền bỉ nếu không đặt nền trên tình yêu và sẽ chẳng có một sự trung thành ý nghĩa nếu chỉ thi hành dựa trên luật. Có thể nói, người tu sĩ trung thành được là nhờ tình yêu và với tình yêu người tu sĩ có thể trung thành. Thật vậy, Thiên Chúa sẽ không trách móc khi chúng ta chưa hết lòng yêu mến Ngài, nhưng có lẽ Ngài sẽ buồn khi chúng ta thiếu sự trung thành. Vậy nên, để giữ “liên lạc” với Chúa, mỗi chúng ta, cách riêng là những ai sống đời thánh hiến phải biết ưu tiên dành thời gian cho Chúa và bận tâm cùng với những nỗi bận tâm của Ngài.

Tôi, một nữ tu, từ kinh nghiệm của cá nhân cùng với những chia sẻ của chị em. Tôi cảm thấy đời sống thiêng liêng trước tiên và trên hết luôn đòi hỏi sự trung thành, một sự trung thành với lòng mến. Trung thành từ những điều giản đơn, đồng thời thiết lập cho mình những “quy tắc” riêng với Chúa. Tuy nhiên, bản thân mang trong mình nhiều giới hạn, những ươn lười chưa được khắc phục. Tôi cần ơn Chúa và chính sự cộng tác của bản thân ít nhiều sẽ giúp tôi có được một tương quan cá vị với Thiên Chúa, một tương quan thân tình với chị em và mở ra với tha nhân. Ước mong sao, tôi luôn hành động với lòng mến và nhờ lòng mến tôi trung thành yêu Chúa, yêu mọi người, yêu ơn gọi.

M. Anna Mỹ Hằng (Học viện Huế), FMI