Giuse - Thinh lặng để truyền thông
Trong sự thinh lặng, ngài nói cho nhân loại biết về Đức Giêsu là Lời đích thật của Chúa Cha
Cuộc sống ngày nay đầy ắp những tiếng động, tiếng ồn. Đâu đâu, vào giờ nào, v.v cũng có những âm thanh vang vọng, cách âm thầm và tiệm tiến, nó có thể phá vỡ thế giới nội tâm của con người[1]. Lắm lúc người ta sợ những khoảng lặng vì nó thật khác lạ so với nhịp sống vội của con người thời nay, kèm theo đó làm cảm giác trống trải của thinh lặng mang đến. Thông thường, người ta thích nói nhiều và ngại thinh lặng vì những giây phút đó, nó thúc bách chúng ta phải đi sâu vào bên trong và gặp gỡ con người chân thật nhất của mình. Thinh lặng, một cách nào đó, xem ra đang lội ngược dòng thời đại.
Trong sứ điệp nhân ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 46, Đức Bênêđictô XVI cũng đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng của thing lặng qua chủ đề: Thinh lặng để truyền thông[2]. Thời nay, con người có rất nhiều cách để truyền thông. Truyền thông bằng lời nói, hình ảnh, trên các ứng dụng… nhưng truyền thông bằng thinh lặng vẫn mang một giá trị sâu sắc. Quả thật, “Thinh lặng thì khó nhưng nó làm cho con người có khả năng để cho Thiên Chúa hướng dẫn. Thinh lặng sinh ra thinh lặng. Nhờ Thiên Chúa là Đấng thinh lặng nên chúng ta có thể đạt tới sự thinh lặng”.[3]
Mặc dù đang trong mùa Chay Thánh, Giáo hội vẫn dành một ngày đặc biệt để mừng kính thánh Giuse. Sự xuất hiện của ngài trong mùa Chay Thánh như một lời nhắc nhở để giúp con người ý thức lại việc sống mùa Chay cách tròn đầy và ý nghĩa hơn. Trong các trang Tin Mừng, thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria xuất hiện trong sự âm thầm, thinh lặng đến tận cùng. Không một âm thanh nào từ môi miệng ngài nói ra được các thánh sử ghi lại. Tại sao vậy? Phải chăng ngài là một người kiệm lời hay điều này xuất phát từ một lí do nào khác sâu xa hơn? Có thể thấy, trong các bản văn Tin Mừng, thánh Giuse xuất hiện chỉ một vài lần và chủ yếu trong thời thơ ấu của Đức Giêsu (x. Mt 1,18-25; 2,13-18; Lc 2,1- 20.22-28.33-35.41-50; 3,23 v.v). Mặc dù không nói lời nào nhưng trong thinh lặng và bằng chính việc thinh lặng, thánh Giuse đã truyền thông cho con người những thông điệp vĩ đại, mang tính hiện sinh qua mọi thời.
Tin Mừng của thánh Matthêu đã thuật lại việc thánh Giuse được truyền tin, ngang qua giấc mộng. Ngài là người công chính và sống đức ái tròn đầy khi muốn âm thầm ra đi để bảo vệ cho người đã thành hôn với mình (x. Mt 1,18-25). Trong khi ngủ, ngài được thiên thần báo mộng cho biết kế hoạch nhiệm lạ của Thiên Chúa để cứu độ nhân loại. Không chút nghi ngờ, tính toán, ngay khi tỉnh giấc, thánh Giuse đã nhanh chóng thực hiện lời sứ thần truyền. Không một lời thắc mắc, phân minh, phản kháng, ngài chỉ làm điều mà ngài tin là Chúa Thánh Thần đang mách bảo. Chính thói quen, đúng hơn là nhân đức thinh lặng đã giúp thánh Giuse nhạy bén trong việc nhận ra tiếng của Thiên Chúa và ý muốn của Người. Giữa bao tiếng huyên náo, giữa một xã hội bon chen và tìm kiếm những lợi lộc, hư danh, lạc thú cho bản thân, sự thinh lặng của thánh Giuse trong biến cố truyền tin đã truyền thông cho con người biết: điều quan trọng không phải là sống theo ý riêng của mình, cũng không phải là tìm những gì có lợi cho bản thân, ngay cả những kế hoạch, công việc tưởng chừng như là tốt, điều quan trọng là lắng nghe và thực thi thánh ý Thiên Chúa trong những biến cố, dù có phải thiệt thân hay hy sinh chính mạng sống mình. Thật vậy, khi đồng ý đón Maria về nhà trong lúc bà đã cưu mang một trẻ thơ mà không phải là cốt nhục của mình, thánh Giuse đã chấp nhận bỏ đi biết bao dự định và tính toán cho cuộc đời. Như Đức Maria, ngài cũng đã buông mình để Thiên Chúa dẫn ngài đi đâu tùy ý. Chắc chắn đây không phải là ý định ban đầu của ngài, nhưng, phân định trong thinh lặng, ngài chuyển hướng ý muốn của mình theo ý muốn của Chúa với một sự tự do tròn đầy.
Sau biến cố truyền tin cho thánh Giuse, thánh sử Matthêu cũng thuật lại cách sống động biến cố các nhà chiêm tinh đến bái lạy Hài Nhi Giêsu. Thánh Matthêu viết rõ: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2,11a). Trong khoảnh khắc đó, thánh Giuse đang ở đâu? Phải chăng ngài lặng lẽ ẩn mình để cũng suy đi nghĩ lại trong lòng những điều đã xảy ra và đang diễn ra mà có lẽ lòng ngài chưa hiểu thấu? Không cần ra mặt trong tư cách là cha của Hài Nhi, không tìm danh tiếng hay sự công nhận của người đời, âm thầm vẫn là chọn lựa ưu tiên của ngài.
Thêm một lần khẳng định, thánh Giuse đã không nói một lời nào nhưng sự thinh lặng của ngài có sức truyền thông mãnh liệt hơn muôn vàn lời nói. Thay vì nói, ngài hành động và hiện diện trong những khó khăn đầu đời của Chúa Giêsu. Quả thật, “ngài không nói, nhưng ngài làm, và điều đó thể hiện vào ngày Chúa Giêsu nói với các môn đệ của mình: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21)” [4]. Ngài lao động, chăm sóc và giáo dục Chúa Giêsu và bảo vệ gia đình thánh (x. Lc 2,1-7.22.33-35.41-51 v.v). Ngài đã làm tròn nhiệm vụ của mình. Sự thinh lặng của Giuse không phải là sự im lặng vô nghĩa, mà là một sự lắng nghe sâu sắc của một tâm hồn khiêm tốn, chu toàn trách nhiệm được trao phó mà không quản ngại khó khăn (x. Mt 2,13-18) hay cần được đền đáp, chú ý, một sự thinh lặng bộc lộ nội tâm cao quý của ngài[5]. Trong sự thinh lặng, ngài nói cho nhân loại biết về Đức Giêsu là Lời đích thật của Chúa Cha, chính “Lời mà thầm lặng”. Đó là một lời truyền thông tuyệt đỉnh. Có thể nói, trong đời sống đức tin của người Kitô hữu hôm nay, việc sống thinh lặng và khiêm tốn theo gương thánh Giuse có thể giúp mỗi người nhận ra sự hiện diện của Chúa trong những điều bình dị, trong những khoảnh khắc ít được chú ý nhất trong ngày sống. Thinh lặng đúng nghĩa không phải là một sự trốn tránh thực tại mà là một cách để chúng ta tập trung vào những giá trị đích thực, để lắng nghe sự chỉ dẫn của Chúa và để thực hiện những hành động yêu thương, vượt lên trên cả việc chu toàn bổn phận, trách nhiệm. Vì vậy, “chúng ta hãy học biết nơi thánh Giuse vun trồng những không gian thinh lặng, từ đó có thể nổi bật một Lời khác, tức là Chúa Giêsu, Ngôi Lời”[6].
Việc ngài ra đi cũng âm thầm như khi ngài đến. Trong thời gian Đức Giêsu hoạt động công khai, không một thánh sử nào đề cập đến sự hiện diện của ngài nữa. Không biết khoảng thời gian đó, ngài làm gì và ở đâu. Có lẽ, ngài biết ngài cần phải nhỏ lại để Đức Giêsu được lớn lên. Hình ảnh thánh Giuse là một minh chứng rõ ràng rằng, đôi khi, thinh lặng chính là cách tốt nhất để truyền thông đức tin, tình yêu, sự khiêm tốn và tinh thần trách nhiệm. Thánh Giuse không nói nhiều, nhưng ngài đã làm rất nhiều qua việc cộng tác đắc lực trong công trình cứu độ của Thiên Chúa.
Trong tinh thần của mùa Chay Thánh, Giáo hội cũng mời gọi con cái mình “đi vào thanh vắng cho hồn trầm lặng” để chiêm ngắm tình yêu của một vị Thiên Chúa đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Những khoảng lặng bên ngoài sẽ giúp cho mỗi người có được những khoảng lặng sâu sắc bên trong để kết hiệp với Chúa và cảm nếm tình yêu vô thủy vô chung của Người. Khi nhiều người vẫn đang miệt mài với những tìm kiếm, vui chơi, ồn ào bên ngoài, thinh lặng chính là một cách sống tỉnh thức, là một sự truyền thông cho thế giới biết rằng, con người cần được sám hối, hòa giải, canh tân, đồng thời hàn gắn các mối tương quan, đặc biệt để yêu, để hiểu và để nên giống Chúa hơn. Điều này chỉ có thể xảy ra khi và chỉ khi, cùng với ơn thánh Chúa, con người biết đi sâu vào nội tâm của mình để biết và chân nhận bản thân mình, v.v. Tắt một lời, khi con người biết sống thinh lặng để Thần Khí hướng dẫn, họ không chỉ tìm thấy ánh sáng cho hành trình đức tin, mà còn trở thành chứng nhân truyền thông sống động về tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng thế giới.
M. Anna Thảo Ly (Học viện), FMI
[1] x. ĐHY ROBERT SARAH CÙNG VỚI NICOLAS DIAT, Sức mạnh của thinh lặng, Nxb Đồng Nai, 2019, tr. 143.
[2] NGUYỄN VĂN KHẢM, Suy tư về Sứ điệp nhân ngày TG TTXH lần thứ 46: Thinh lặng để truyền thông, truy cập ngày 16.3.2025, tại https://tgpsaigon.net/bai-viet/suy-tu-ve-su-diep-nhan-ngay-tg-ttxh-lan-thu-46-thinh-lang-de-truyen-thong-37011
[3] ĐHY ROBERT SARAH CÙNG VỚI NICOLAS DIAT, sđd, tr. 27.
[4] ĐỨC PHANXICÔ, bài giáo lý về thánh Giuse – bài 4. Thánh Giuse, con người thinh lặng, truy cập ngày 16.3.2025, tại https://xuanbichvietnam.net/trangchu/bai-giao-ly-ve-thanh-giuse-bai-4-thanh-giuse-con-nguoi-thinh-lang/.
[5] Ibid
[6] Ibid.