Sức mạnh của thinh lặng

Nhìn lại cuộc sống mỗi ngày, thế giới chúng ta đang ở trong một tình trạng siêu bận rộn, tiếng động luôn tiếp diễn và ngày càng tăng cấp độ.


Giữa một xã hội xô bồ, ồn ào và náo động, con người dường như bị cuốn theo trào lưu thế tục mà quên mất cụm từ Thinh Lặng có tồn tại trên đời, một cụm từ nói lên sự ngọt ngào trìu mến và là một thực tại thiết yếu trong cuộc sống. Họ quên rằng sự thinh lặng là ngôn ngữ vĩ đại diễn tả nỗi khao khát và niềm tin vào Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa; là công cụ hữu hiệu để nối kết tình thân và là chốn ta tìm về để lắng nghe tiếng nói chân thật của cõi lòng mình. Có lẽ bối cảnh xã hội hôm nay là thời khắc “báo động” để chúng ta nhìn lại “không gian cô tịch” của lòng người.

Nhìn lại cuộc sống mỗi ngày, thế giới chúng ta đang ở trong một tình trạng siêu bận rộn, tiếng động luôn tiếp diễn và ngày càng tăng cấp độ. Con người thời nay như rơi vào một tình trạng lo âu mù mờ và ám ảnh. Họ trở nên lạc lỏng và thiếu thốn khi ở trong một bầu khí cô tịch, thanh vắng. Bởi chưng, ngày ngày tiếng ồn như ru ngủ, mê hoặc chúng ta trốn tránh chính mình; những âm thanh kéo chúng ta ra khỏi chính mình, và nhất là rời xa Thiên Chúa – Đấng hiện diện trong nơi thinh lặng. Vậy, chúng ta có nên tìm về nguồn, nơi chúng ta được sinh ra, nơi chúng ta được thực sự là mình? Chúng ta có nên giữ một khoảng không gian, nơi chỉ một mình mình trở về không? Tôi thiết nghĩ là cần và nên có. Vì sự thinh lặng trong đời sống đưa con người trở về với lòng mình, trở về với tha nhân và nhất là trở về với Thiên Chúa – Đấng hiện diện trong thinh lặng.

Có thể nói trở về với thinh lặng là trở về với tương quan Thiên Chúa vì chính trong sự thinh lặng, Thiên Chúa hiện diện. Thật vậy, Thiên Chúa không ở nơi ồn ào náo nhiệt của ánh hào quang trên sân khấu, Ngài cũng không ở trong phòng trà với tiếng nhạc xập xình… Thiên Chúa hiện diện trong ngọn gió hiu hiu.[1] Hẳn có thể nói, một khi chúng ta loại bỏ sự thinh lặng là chúng ta hủy diệt Thiên Chúa.[2] Vì thế, để gặp được Thiên Chúa, con người cần bước vào không gian cô tịch. Hơn nữa, khi bước vào và đứng vững trong thinh lặng, con người sẽ dần bước đến gần thiên đàng, vì Thiên Chúa hiện diện trong thinh lặng tuyệt hảo.[3] Chúng ta chỉ gặp được Thiên Chúa trong thinh lặng bất diệt, nơi Người luôn ngự trị. Vì thế, điều kiện cần và đủ là con người phải trở thành thinh lặng, trở thành “không gian thánh”, trở thành ngôi Đền thờ để Thiên Chúa cư ngụ[4] và nơi chúng ta biết rõ Thiên Chúa ở đâu trong cuộc đời mình.

Thinh lặng giúp chúng ta nhận ra bản thân mình rõ ràng nhất, nó tựa như chiếc gương soi phản chiếu toàn bộ con người chúng ta. Henri de Lubac đã từng nói: “chúng ta chỉ trở nên viên mãn khi trở nên trầm lặng trong cuộc sông nội tâm”. Nhà tu đức Maurice Zundel lại nói “chỉ có thinh lặng mới cho thấy những nơi sâu thẳm của cuộc sống”. Khi nhịp sống hằng ngày cứ liên tục vận hành mà không có khoảng lặng để nhìn lại, làm sao chúng ta biết được mình là ai? đang ở đâu và đi về đâu? Những giây phút thinh lặng đưa chúng ta vào tận cõi thâm sâu nhất nơi mà chúng ta cất giữ những bí mật và ngay cả những bí mật đôi khi chúng ta không hay biết gì. Sự thinh lặng dẫn chúng ta nhận ra căn tính của mình. Thế nhưng, thế giới chúng ta đang sống quá náo nhiệt làm chúng ta quên mất căn tính đích thực của đời mình. Vì thế, sự cô tịch và thinh lặng dẫn chúng ta vào căn nhà nội tâm và giúp chúng ta định hình căn nhà nội tâm của mình để sắp xếp và chỉnh đốn thật gọn gàng, ngăn nắp.

Sự thinh lặng là hành vi cao quý nhất của con người.[5] Thật vậy, một khi ở “trong sự ồn ào của tâm hồn, người ta không thể tiếp nhận được việc gì, cũng chẳng đón tiếp được người nào.”[6] Nhờ sự thinh lặng, chúng ta hiểu thấu được tha nhân, nói ít đi để lắng nghe và cảm thông nhiều hơn. Đi vào mối tương quan mật thiết với họ và ta tôn trọng đối phương như “họ là”. Nhờ sự thinh lặng, chúng ta lắng nghe, cảm thấu được những con người bên cạnh mình, và không đòi hỏi họ như chúng ta, theo sự sắp xếp chủ quan của riêng ta. Hơn nữa, nó mở rộng con tim chúng ta để cảm nghe những nỗi đau khổ, những thống khổ của anh chị em đang âm ỉ trong tâm hồn họ và đồng cảm với họ; đồng thời, giúp chúng ta hiệp thông với nhau trong đơn sơ và giản dị, trong cùng một niềm tin vào Thiên Chúa là Cha.

Là người sống đời thánh hiến trong ơn gọi nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, phải chăng cả cuộc đời tôi chỉ đi tìm kiếm Thiên Chúa, tìm lại chính mình và bước đi cùng chị em. Như thế, hẳn tôi phải tạo cho mình một sự thinh lặng nội tâm, một “không gian thánh” để bước vào sự cô tịch của lòng mình. Hiến luật cũng nhắn gửi tôi “chị em cần tạo cho mình một sự trầm lặng nội tâm sống động để dễ dàng nghe tiếng Chúa và kết hiệp mật thiết với Người”[7]. Như Đức hồng y Robert Sarah cũng nói “thinh lặng là một trong những phương thế chính yếu cho phép chúng ta đi vào tinh thần cầu nguyện, thinh lặng giúp chúng ta thiết lập với Thiên Chúa những mối tương quan thiết yếu và bền chặt”.[8] Tôi cũng cần chân nhận rằng, thinh lặng không phải là một nhân đức, cũng như ồn ào không phải là tội. Nhưng sự ồn ào, náo động và lộn xộn không ngừng của xã hội hiện đại là biểu hiện của những tội nghiệm trọng nhất – biểu hiện của những hành động nghịch đạo, phóng túng, và đồi bại luân lý.[9] Hơn nữa, tôi cần phải ý thức âm thanh và những đam mê kéo tôi ra khỏi chính mình, trong khi chỉ có thinh lặng buộc tôi phải chất vấn con người và cuộc đời mình. Thế mà, lắm lúc tôi hướng theo chiều gió” của những ồn ào náo động của thế giới, nó làm cho tôi lắm lúc mất chất men của người Kitô hữu, của người nữ tu. Lời mời gọi của Chúa Giêsu “anh em hãy đi vào thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” giúp tôi bước đi kiên định hơn trong xã hội hôm nay và biến sự cô đơn thành khung cảnh sa mạc thuận lợi cho việc gặp gỡ Thiên Chúa và cuộc chiến đấu thiêng liêng để được thanh luyện và trở nên mạnh mẽ trong đức tin.”[10]

Như những nốt lặng diễn tả sự trầm lắng, sâu sắc của một bản nhạc, sự thinh lặng thật ý nghĩa và cấp thiết trong đời sống của người Kitô hữu và nhất là những người sống đời thánh hiến. Ước gì tôi không bị những tiếng động, sự náo nhiệt chi phối khiến tôi nên ảo giác trên những hào nhoáng của nó. Đây là lúc tôi lặp lại trật tự đúng cho mọi ưu tiên, là lúc nên LẶNG để LẮNG giữa biển đời để dành riêng một cõi riêng tư cho Thiên Chúa bước vào.

Nt. Maria Trần Thị Thân, FMI 


[1] x. 1V 19,20

[2] ĐHY Robert Sarah, Sức Mạnh của thinh lặng

[3] ĐHY Robert Sarah, Sức mạnh của thinh lặng, trang 34

[4] x. 1Cr 6,19

[6][6] Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở trong tông hiến Vultum Dei quaerere

[7] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm – Huế, Hiến luật điều 48 §1

[8] ĐHY Robert Saral, Sức mạnh của thinh lặng, trang 41

[9] Sức mạnh của thinh lặng, trang 36

[10] Hiến luật, điều 48 §2