Con người đón nhận hồng ân đức tin

Đón nhận hồng ân đức tin cũng đồng nghĩa với việc đáp lại lời mời gọi kết hợp chặt chẽ và vĩnh viễn với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô...


Để chống lại chủ trương của nhóm Pêlagiô, thánh Augustinô đã nhấn mạnh đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, được ban cho con người tội lỗi. Con người được nên công chính nhờ đức tin, chứ không phải nhờ sự tuân giữ lề luật[1]. Trải qua bao thế hệ, đức tin vẫn luôn là một hồng ân mà Thiên Chúa tuôn đổ vào mỗi người, để con người được tham dự vào sự sống đời đời và sống một cuộc sống đích thực ngay giữa đời này. Đức tin quả là quà tặng của Thiên Chúa - Đấng đã đi bước trước để đến với chúng ta trong cuộc gặp gỡ này. Đức tin còn là sự chia sẻ sự sống với Thiên Chúa và cảm nhận sự sống của Người ở trong chúng ta. Như vậy, sống đức tin là để Chúa sống trong chúng ta và để Người trở thành ánh sáng chiếu soi cuộc đời mỗi người[2].

Nếu tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua việc ban Đức Giêsu cho nhân loại là một ơn ban nhưng không, thì tình yêu ấy cũng đòi hỏi một sự đáp trả tự do, tự nguyện: mỗi người phải chọn thái độ tin hay không tin vào Đức Kitô[3]. Con người là nhân vị và chủ thể[4] trong việc chấp nhận ơn cứu độ vĩnh cửu. Con người đón nhận đức tin đồng nghĩa với việc họ dự phần vào thái độ sâu xa nhất của Đức Kitô đối với Chúa Cha. Khi chấp nhận quà tặng của đức tin, họ được biến đổi thành một tạo vật mới[5]. Như vậy, khi đón nhận và tuyên xưng đức tin, con người không chỉ nói ngoài môi miệng nhưng là sự đáp trả của toàn bộ con người.

“Trở lại đối chiếu với định nghĩa của công đồng Vaticanô II về mặc khải và về đức tin, ta có thể nói rằng đức tin trước hết là mở lòng mình ra đón nhận quà tặng là chính Thiên Chúa trao ban chính mình, tức sẵn lòng đi vào trong tương quan mà Thiên Chúa thiết lập và mời gọi con người có với Ngài” [6]. Đón nhận đức tin là đón nhận tình yêu từ Thiên Chúa cách nhưng không (x. Ga 4,10); về phần con người, Người mời gọi họ “yêu tha nhân như chính mình” (Lv 19, 18; x. Mc 12,29-31)[7]. Như vậy, tình yêu là một lời đáp trả tuyệt vời cho những ai được Thiên Chúa mặc khải về chính mình.

Bí tích rửa tội là cửa ngỏ, qua đó, “con người đón nhận đức tin từ Hội Thánh. Chính Chúa Thánh Thần ban đức tin này cho ta trước, đang và sau khi rửa tội”[8]. Khi tin, con người bám chặt vào Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc sống. Đức tin là một đòi hỏi căn bản trong đời Kitô hữu. Có đức tin và sống theo đức tin vào Chúa Kitô thì mới được gọi là Kitô hữu. Nếu bỏ đức tin ra ngoài, người ta có thể trở nên là gì khác mà không phải là tín hữu của Chúa. Mặt khác, “tin không phải là một thái độ chấp nhận hờ hững, cũng không đơn thuần là chút cảm xúc hay lòng mộ mến bâng quơ”[9], mà chính là một hành động dấn thân, đưa con người tới gặp thiên Chúa một cách mật thiết mạnh mẽ.  Sống đức tin là nhìn bằng mắt của Đức Kitô, là chiêm ngắm thế giới và Thiên Chúa với chính Người. Theo thánh Phaolô, tin là “mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27), hoặc “mang lấy trong mình những tình cảm của chính Đức Giêsu Kitô” (Pl 2,5). Hoặc như “J.A. Cuttat đã nói rằng, tin là sống bằng trái tim Đức Kitô”[10].

Đón nhận hồng ân đức tin cũng đồng nghĩa với việc đáp lại lời mời gọi kết hợp chặt chẽ và vĩnh viễn với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, chấp nhận giáo lý của Người bằng sự tự do và yêu mến; tin nhận Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Chuộc, là tự nguyện vâng phục, khiêm tốn trao dâng chính bản thân và sống theo giới răn yêu thương của Người; là phải dấn thân cho đức tin được lãnh nhận và chọn Đức Giêsu là tình yêu duy nhất. Hơn nữa, sự dấn thân này không phải là một hành động được thực hiện một lần cho tất cả nhưng cần được canh tân và tăng trưởng mỗi ngày.

Khi đón nhận hồng ân đức tin, con người “bước vào tiến trình ‘phục vụ’ và tùng phục Thiên Chúa”[11] với lòng tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Người, họ sẽ gặp gỡ Thiên Chúa cách cá vị bằng chính lịch sử cuộc đời của họ. Chính sự can đảm dấn thân cho đức tin, người tín hữu đi tới chỗ kinh nghiệm về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, một kinh nghiệm có sức làm biến đổi người tin trong hành động.

Niềm tin Kitô giáo còn đảm nhận trách nhiệm về thực tại. Khi tin vào Chúa, điều đó không đảm bảo sẽ mang đến cho người tin một cuộc sống dễ dãi, bình an tạm thời hay ngăn chặn những thách đố xảy ra, nhưng nhờ tin, con người có sức mạnh và khả năng để đón nhận vì tin rằng có Chúa đang hiện diện, đồng hành với họ trên mọi bước đường, nhờ đó, họ có thể tìm chân lý của thực tại ngay trong chính những thăng trầm của cuộc sống giúp họ đạt tới ý nghĩa đích thật của đời mình. Thiên Chúa vốn đã hiện diện trong cuộc đời mỗi người, nhưng khi biết đón nhận, người tin mới nhận ra Người. Người Kitô hữu sống đức tin là sống đời mình như một lịch sử ơn cứu độ, trong đó, bản thân mỗi người tín hữu được trao ban cho Chúa trong một quá trình lịch sử. Như vậy, sống niềm tin là cả một cuộc phiêu lưu chứ không phải chỉ là một thái độ đạo đức[12] vì “niềm tin ấy không phải chỉ là một hệ thống tín điều, nhưng chính là một dòng sự sống” [13].

Đứng trước những thách đố lớn của xã hội về việc các giá trị đạo đức bị đảo lộn, người có đức tin dám “lội ngược dòng” để sống cho Chúa và các giá trị đã được lãnh hội, tức sống mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Chúa ngay trong cuộc sống hiện tại. Phải tuyên xưng đức tin bằng chính đời sống của mình, từ bên trong tâm hồn đến bên ngoài lời nói, hành động trong mọi hoàn cảnh để có thể nói được như thánh Phaolô: “Hiện nay, tôi sống trong xác phàm là sống niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20)[14]. Như vậy, ta không chỉ “tin có” mà phải “tin vào” và “tin theo”. Vì thế, khi nói đến “đức tin mang lại ơn cứu độ, thì đó không chỉ là chấp nhận chân lý mà thôi, nhưng còn là hoán cải và yêu mến”[15]. Quả thật, Thiên Chúa đã đi bước trước để ban tặng đức tin cho con người. Về phần mình, con người có nghĩa vụ phải tìm kiếm, khao khát, sẵn sàng đón nhận ơn đức tin và can đảm đổi mới cuộc sống qua những hành vi đạo đức thiết thực (x. Rm 10,8-13). Nếu thiếu những điều đó, đức tin có thể sẽ mờ nhạt và trở nên thiếu sức sống[16].

Tóm lại, đức tin là một món quà vô giá mà Thiên Chúa đã trao gửi cho con người. Dù con người có thể lãng quên hay chối từ, Người vẫn không ngừng tìm kiếm và mời gọi họ tìm kiếm Người để được sống cách trọn vẹn[17]. Tuy nhiên, con người có thể tự mình đánh mất hồng ân vô giá đó. Vì vậy, để có thể sống, lớn lên trong đức tin, chúng ta phải nuôi dưỡng đức tin bằng Lời Thiên Chúa và xin Người gia tăng đức tin cho chúng ta. “Đức tin ấy phải hành động nhờ đức mến, phải được nâng đỡ bằng đức cậy và phải đâm rễ trong đức tin của Hội Thánh”[18].

M. Anna Thảo Ly (Học viện), FMI


   [1] x. PHAN TẤN THÀNH, Đức tin theo sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Truy cập ngày 19.8.2024, tại https://www.tonggiaophanhanoi.org/duc-tin-theo-sach-giao-ly-hoi-thanh-cong-giao/.

[2] X. TADEUSZ DAJCZER, Hồng ân đức tin, Dg. Phạm Quốc Huyên, Nxb Tôn giáo, 2012, tr. 9-11.

[3] HỒ BẶC XÁI, Tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Gioan, Cần Thơ, 1995, tr. 63.

[4] X. KARL RAHNER, Nhân học Kitô, Nxb Từ điển bách khoa Sài Gòn 2010, tr. 65.

[5] LF, số 19.

[6] NGUYỄN HAI TÍNH, Đức Tin Kitô Giáo: Những đặc tính và chiều kích quy Kitô, truy cập ngày 16.6.2024, tại https://dongten.net/duc-tin-kito-giao-cac-chieu-kich-va-dac-tinh-quy-kito/.

[7] X. BÊNÊDICTÔ XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, Ban hành ngày 25.1.2006.

[8] HOÀNG MINH TUẤN, Sđd.

[9] x. LÊ HOÀNG NAM, Đức tin và sự bắt bớ, truy cập ngày 28.9.2024, tại http://www.giaophanhunghoa.org/vi/suy-niem-suy-tu/doc-va-suy-ngam/duc-tin-va-su-bat-bo-o81E014BD.html.

[10] ĐINH CHÍ THIỆN, Một Kitô hữu trước các Tôn giáo lớn, truy cập ngày 8.9.2024, tại https://sjjs.edu.vn/mot-kito-huu-truoc-cac-ton-giao-lon/.

[11] x. NGUYỄN HỒNG GIÁO (tuyển chọn và phiên dịch), Cho một đức tin sống động, Nxb Tôn giáo, 2009, tr. 52.

[12] x. NGUYỄN TRỌNG VIỄN, Trào lưu thế tục và đời sống đức tin. Nội san chia sẻ: Vấn đề tục hóa trong đời sống thánh hiến, số 94, năm thứ 26, tháng 6, năm 2019.

[13] x. Nội san: vấn đề tục hóa trong đời sống thánh hiến, Sđd tr.16- 20.

[14] NGÔ TÔN HUẤN, Đức tin là gì và phải sống đức tin thế nào? Truy cập ngày 17.8.2024, tại http://daminhtamhiep.net/2012/09/duc-tin-la-gi-va-phai-song-duc-tin-nhu-the-nao/.

[15] PHAN TẤN THÀNH, Đức tin theo sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, truy cập ngày 19.8.2024, tại https://www.tonggiaophanhanoi.org/duc-tin-theo-sach-giao-ly-hoi-thanh-cong-giao/.

[16] ĐỖ TRÂN DUY, Đức tin trong Công giáo, truy cập ngày 20.8.2024, tại https://www.nguoitinhuu.org/chiase/TrangDo/ductinconggiao.html.

[17] X. GLHTCG số 30.

[18] GLHTCG số 162.