“Sức mạnh nội tâm” – Hành trang của người lữ hành hy vọng

Năm Thánh là thời gian đặc biệt để suy gẫm về ân ban lớn lao của lòng Chúa thương xót vốn luôn chờ đợi chúng ta, cũng như tầm quan trọng của việc hoán cải nội tâm.


Con người là một hữu thể chuẩn bị cho tương lai. Thánh Augustinô đã khẳng định: “mọi người đều nhất thiết hướng về tương lai”.[1] Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà “hành hương” là yếu tố cơ bản cho mọi sự kiện Năm Thánh. Hành hương hay “lên đường” là đặc điểm của người đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Đây là một cuộc “lữ hành thiêng liêng” tiếp nối cuộc “xuất hành” của dân Israel trong lịch sử. Trong cuộc hành trình này, người Kitô hữu có hai xu hướng: “sợ hãi” hoặc “hy vọng”. Trong đó, Hy vọng là ngọn đèn soi đường cho người lữ hành trong những thời khắc đen tối nhất. Đây không phải là một ước muốn mơ hồ, nhưng là một niềm tin chắc chắn dựa trên lời hứa của Thiên Chúa.[2] Hy vọng là đặc tính và là tên gọi khác của “Đức cậy”, diễn tả sức mạnh nội tâm từ đời sống kết hợp sâu xa với Thiên Chúa, tin tưởng và phó thác vào Ngài. Lòng trông cậy sẽ giúp con người đương đầu với những khó khăn, sợ hãi cản trở không cho chúng ta kiến tạo một tương lai tích cực.[3]

“Hãy trở về trong chính bạn. Chân lý ở trong con người nội tâm.”[4] Theo Giáo Lý Công Giáo, đời sống nội tâm là đời sống tha thiết với các chân lý thiết yếu của cuộc đời: mục đích đời mình, chết rồi đi đâu. Đời sống nội tâm là sống có Chúa, với Chúa và trong Chúa. Thánh Augustinô – “một siêu hình học” về đời sống nội tâm khẳng định: Chỉ có con đường nội tâm mới là con đường vắn tắt nhất dẫn đến Thiên Chúa được, đừng hướng ra ngoại tại, hãy trở về với chính mình và chính trong thẳm cung của con người mới có chân lý ngự trị.[5] Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông huấn “Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ” số 116 cũng khẳng định: Sức mạnh nội tâm là công trình ân sủng của Thiên Chúa. Nó sẽ giữ chúng ta không để bị cuốn đi bởi bạo lực đang tràn lan trong đời sống xã hội hiện nay, vì ân sủng dập tắt thói kiêu căng và làm con tim trở nên dịu hiền. Mỗi người được mời gọi hãy trở về với trái tim của mình và nhìn thấy ở đó những gì chúng ta có thể nhận thức về Thiên Chúa. Ngài ngự trong con người nội tâm, và chính trong con người bên trong, mỗi người được đổi mới theo hình ảnh của Ngài: “Nhờ có nội tâm, con người vượt trên vạn vật: khi con người quay về với lòng mình là lúc họ tìm về nơi nội giới thâm sâu này. Ở đó, Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn đang chờ đợi họ và cũng chính nơi đó, con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới ánh mắt của Thiên Chúa.”[6] Như thế, sức mạnh nội tâm sẽ trở nên nguồn động lực mạnh mẽ giúp những người lữ hành vượt qua những khó khăn, thử thách, thích ứng với những thay đổi, biến cố bất ngờ trong cuộc sống nhờ tin tưởng vào Thiên Chúa.

Chúng ta tự hỏi: nếu thiếu sức mạnh nội tâm, cuộc đời con người sẽ đi tới đâu? Năm Thánh là thời gian đặc biệt để suy gẫm về ân ban lớn lao của lòng Chúa thương xót vốn luôn chờ đợi chúng ta, cũng như tầm quan trọng của việc hoán cải nội tâm. Với chủ đề “Người lữ hành trên đường hy vọng”, Năm Thánh mời gọi chúng ta trên đường lữ hành với sức mạnh nội tâm, đây là điều cần thiết để sống các ân ban thiêng liêng tuôn đổ trên những người hành hương trong Năm Thánh.[7] Trong đó, cầu nguyện là sức mạnh thứ nhất của Hy vọng. Cầu nguyện sẽ mở cửa Hy vọng.[8] Cầu nguyện phải là hơi thở sự sống thiêng liêng,[9] diễn tả mối tương quan sống động của người Kitô hữu với Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh John Henry Newman, con người trí thức lỗi lạc đã nhận ra rằng cuộc gặp gỡ sâu xa nhất của Ngài với chính mình và với Chúa không đến từ việc đọc sách hay suy tư, mà đến từ cuộc đối thoại cầu nguyện của mình, từ trái tim tới trái tim, với Chúa Kitô, Đấng hiện diện sống động.[10] Một đời sống cầu nguyện thực sự phải diễn tả việc cảm và nếm nội tâm một cách sâu sắc.[11] Cầu nguyện không chỉ giúp mỗi người biết mình nhưng còn thấy họ được Thiên Chúa yêu thương nhờ đó thêm động lực biến đổi và canh tân con người nội tâm. Trong hành trình này, mỗi người chúng ta luôn có Thần Khí đồng hành và hướng dẫn, Ngài luôn hiện diện cùng Giáo hội lữ hành để chiếu tỏa ánh sáng hy vọng trên các tín hữu. Ngài giữ cho ánh sáng ấy luôn cháy như một ngọn đuốc không bao giờ tắt để nâng đỡ và ban sinh lực cho chúng ta. Nhờ Chúa Thánh Thần, niềm hy vọng sẽ luôn được đổi mới và vững mạnh.[12] 

Như vậy, sức mạnh nội tâm là một hành trang tối cần cho cuộc lữ khách trần thế của mỗi Kitô hữu. Hành trình đức tin của người Kitô hữu sẽ được thắp lên hy vọng bởi một sức mạnh “nội lực” và đích đến là bình an, hạnh phúc: Chúng ta tự hào trong nỗi gian khổ, vì biết rằng gian khổ sinh ra kiên trì; kiên trì sinh ra nghị lực; nghị lực sinh ra hy vọng. (x. Rm 5,3 - 4). Mỗi người cần làm cho cuộc lữ hành trần thế không chỉ là một nghi thức bên ngoài nhưng là dấu chỉ của cuộc hoán cải nội tâm, đến gần hơn với lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Riêng tu sĩ – với sứ mạng diễn tả thực tại Nước Trời tại trần gian, họ phải là những người “ôm ấp tương lai với niềm hy vọng”.[13] Chính trong những thực tại không chắc chắn, điều lớn nhất mà người sống đời thánh hiến phải chia sẻ với con người thời đại là “niềm hy vọng”. Đây là kết quả của đức tin vào Thiên Chúa của lịch sử đang tiếp tục tái diễn nơi tu sĩ: "Đừng sợ... bởi vì Ta ở cùng con" (Gr 1,8). Qua việc nỗ lực xây dựng đời sống nội tâm gắn kết mật thiết với Chúa, ước mong sao mỗi giây phút sống của tu sĩ là một bước tiến trong đời sống thiêng liêng, giúp mỗi người trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng.

Maria Nguyễn Oanh (Học viện SG), FMI 

 

[1] x. CANTALAMESSA, Bài giảng thứ hai dành cho giáo triều Rôma: Hãy trở về trong chính con người bạn, Tại  https://giaophanhatinh.com/bai-giang-thu-hai-cua-cha-cantalamessa-danh-cho-giao-trieu-roma-hay-tro-ve-trong-chinh-ban.htdiocese.

[2] x. PHANXICÔ, Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025Spes Non Confundit, số 3.

[3] x. LUIS JORGE GONZÁLEZ, Sviluppo umano in pienezza, (Bài giảng Thần học linh đạo, Dg Lm. Lê Công Đức PSS, 2024), tr 134 – 222.

[4] RANIERO CANTALAMESSA, Lên núi Sinai gặp gỡ Thiên Chúa Hằng Sống, (Dg Lm. Micae Trần Đình Quảng, Nxb Đồng Nai. 2023), tr. 78.

[5] x. PHAN VĂN TÌNH, Luận đề Con đường vươn tới Thiên Chúa với thánh Augustino và ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Tại https://www.hvcgthuvien.edu.vn/2023/07/thanh-augustino-sieu-hinh-hoc-ve-mot-kinh-nghiem-noi-tam.html.

[6] x. Docat, câu 47.

[7] x. BỘ LOAN BÁO TIN MỪNG, Tài liệu chuẩn bị cho Năm thánh 2025, (Dg Lm Lê Công Đức PSS, Phần giới thiệu).

[8] x. PHANXICÔ, Tiếp kiến chung ngày 20 tháng 5 năm 2020: Cầu nguyện giúp chúng ta hy vọng, dù giữa khó khăn thử thách, https://uybangiaoduchdgm.net/dtc-phanxico-cau-nguyen-giup-chung-ta-hy-vong-du-giua-kho-khan-thu-thach.html.

[9] PHANXICÔ, Tiếp kiến chung, ngày 9 tháng 6 năm 2021.

[11] x. LÊ HOÀNG NAM, Linh thao Inhaxiô Chú giải – Thần học - Ứng dụng, Nxb Đồng Nai, 2024, tr. 326.

[12] x. PHANXICÔ, Tông sắc Spes Non Cofundit – Hy vọng không làm thất vọng, số 3.

[13] x. PHANXICÔ, Tông thư Năm Đời sống thánh hiến, 2016.