Vấn đề sử dụng Internet trong Truyền thông Mục vụ theo một số Văn kiện của Giáo hội Công giáo
Internet với những tính năng và giao diện hấp dẫn của nó có thể làm cho người dùng tự giam mình trước màn hình vi tính nhiều giờ mỗi ngày mà không ý thức rằng mình đang phí phạm sức khỏe...
DẪN NHẬP
Khái niệm về Internet bắt đầu xuất hiện từ thời chiến tranh lạnh vào những năm của thập niên 1960.[1] Từ đó cho đến nay, Internet trở nên quen thuộc với mọi người ở mọi lứa tuổi, len lỏi vào từng nhà, trở thành một phương tiện thiết yếu trong công việc, sinh hoạt, giải trí hằng ngày của hàng triệu triệu người trên thế giới.[2] Có thể nói rằng, Internet và mạng xã hội đã, đang và sẽ là một phần không thể thiếu trong chương trình sống của đa số mọi người thuộc mọi lĩnh vực xã hội, giáo dục, kinh tế, chính trị,...[3]. Như vậy, Internet là thế giới sống của con người ngày nay, đặc biệt là giới trẻ.[4] Chính vì những ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ của Internet đối với con người như vậy, nhất là trong lĩnh vực truyền thông mục vụ, nên đây xứng đáng là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của Giáo hội.
Đối với Internet cũng như những phương tiện truyền thông xã hội khác, điều chúng ta cần xác tín rằng: “Ngay cả khi lên án những lạm dụng quá đáng”, Giáo hội vẫn coi Internet và các phương tiện truyền thông là “những quà tặng của Thiên Chúa”, là “những phát minh kỹ thuật kỳ diệu”[5], mà theo kế hoạch quan phòng của Ngài, chúng sẽ liên kết mọi người trong tình huynh đệ và nhờ đó giúp mọi người cộng tác vào kế hoạch của Chúa để hưởng ơn cứu độ.[6] Giáo hội đã có nhiều văn kiện trình bày những quan điểm của mình liên quan đến Internet, trong đó có những văn kiện đề cập đến Internet như chủ đề chính như các văn kiện của Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội như Giáo hội và Internet, Đạo đức và Internet; bên cạnh đó còn có những văn kiện đề cập đến Internet như một trong những phương tiện của truyền thông xã hội như Sắc lệnh Inter Mirifica, Huấn thị Communio et Progressio, Huấn thị Aetatis Novae, Thông điệp Fratelli Tutti, các Sứ điệp nhân ngày thế giới truyền thông,…
I. TÌNH HÌNH SỬ DỤNG INTERNET TRONG TRUYỀN THÔNG MỤC VỤ HIỆN NAY
1. Đôi nét về khái niệm và tình hình sử dụng Internet hiện nay
a. Khái niệm và một số đặc điểm của Internet
Internet là một hệ thống thông tin toàn cầu có thể được truy nhập công cộng gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau. Hệ thống này truyền thông tin theo kiểu nối chuyển gói dữ liệu (packet switching) dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn hóa là TCP/IP (Transmission Control Protocol/Internet Protocol), ra đời vào năm 1983. Hệ thống này bao gồm hàng ngàn mạng máy tính nhỏ hơn của các doanh nghiệp, của các viện nghiên cứu và các trường đại học, của người dùng cá nhân và các chính phủ trên toàn cầu.[7]
Theo Huấn thị Đạo đức trong Internet, Internet có nhiều đặc điểm gây ra sự hấp dẫn đối với người sử dụng nó: tức thời, trực tiếp, rộng khắp thế giới, không tập trung, tương tác, có thể mở rộng đến vô tận về nội dung lẫn phạm vi, uyển chuyển và thích nghi tới mức đáng kể. Bất cứ ai có một số phương tiện kỹ thuật tối thiểu, khả năng kỹ thuật một chút đều có thể tham gia một cách tích cực vào không gian ảo này. Nhưng nếu người dùng không có những hiểu biết cần thiết, Internet có thể làm cho người ta thụ động buông mình trong “một thế giới ái kỷ, ái tôn với những yếu tố kích thích có thể tạo ra những hậu quả gần như say nghiện”[8].
Internet được thiết kế theo cấu hình không tập trung vào một chỗ dưới dạng các trang Web (World Wide Web – mạng lưới trải rộng toàn cầu) là một nguy cơ cho sự hoành hành của chủ nghĩa cá nhân thái quá: người ta được phép phát biểu tuỳ thích, được tự do làm gì tuỳ thích. Điều này có nghĩa là cộng đồng thế giới ảo này có nguy cơ trở nên cộng đồng của những người chủ trương tự do triệt để.[9]
b. Đôi nét về tình hình sử dụng Internet hiện nay
Hiện nay trên toàn thế giới có 5,1 tỉ người sử dụng điện thoại di động, chiếm 67% dân số toàn cầu. Có 4,7 tỉ người sử dụng Internet, chiếm 57% dân số toàn cầu. Có 3,5 tỉ sử dụng mạng xã hội và con số này tiếp tục tăng hằng năm, chiếm 45% dân số toàn cầu. Có 3,3 tỉ người sử dụng mạng xã hội trên điện thoại thông minh, chiếm 42% dân số toàn cầu. Thời gian mỗi người dành cho mạng xã hội mỗi ngày tính chung là 2 giờ và 16 phút. Đây là tính chung, còn dĩ nhiên có những thay đổi và khác biệt theo mỗi quốc gia và lứa tuổi.[10]
Những con số này cho thấy Internet đang là thế giới sống của đa số nhân loại ngày nay, nhất là người trẻ, và thế giới ấy tác động lên suy nghĩ cũng như cách sống của con người. Như vậy, vấn đề mà chúng ta cần quan tâm ở đây không chỉ là việc sử dụng các phương tiện truyền thông, nhưng là việc chúng ta cần có thái độ nào khi sống trong nền văn hóa kỹ thuật số với những tác động sâu xa của nó lên những ý niệm về không gian và thời gian, về nhận thức bản thân, nhận thức về người khác và thế giới, về cách thế chúng ta thông tin, học hỏi, thu thập thông tin và tương tác với những người khác.
2. Ảnh hưởng tích cực của Internet trong truyền thông mục vụ
a. Những lợi ích Internet mang lại cho con người
Như một cuốn bách khoa toàn thư, Internet là nguồn thông tin, kho kiến thức khổng lồ, là nơi giúp cho chúng ta dễ dàng tìm kiếm những thông tin thuộc mọi lĩnh vực qua các thời kỳ từ xưa đến nay. Internet cũng được đánh giá là công cụ tiện lợi nhất để truyền tải một số lượng thông tin lớn với tốc độ nhanh đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Đồng thời, Internet giúp thăng tiến đời sống tri thức qua việc học tập, nghiên cứu. Ngày nay, mọi người hoàn toàn có thể học trực tuyến hay đào tạo từ xa thông qua mạng Internet. Hình thức này giúp chúng ta tiết kiệm rất nhiều thời gian và có thể dễ dàng trao đổi trực tuyến với giáo viên khi có những câu hỏi cần được giải đáp.
Thúc đẩy tương giao xã hội: Một trong những lợi ích không thể không nhắc đến chính là việc kết nối mọi người từ Internet. Mọi người có thể cùng nhau trò chuyện, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trên các diễn đàn. Từ đó thúc đẩy tương quan giữa mọi người thuộc mọi quốc gia, lĩnh vực với nhau. Bên cạnh đó, Internet còn giúp cho mọi người thể hiện sự sáng tạo và trình bày ý kiến của mình thông qua các diễn đàn.
Mua sắm, giải trí trực tuyến: Ngày hôm nay, thông qua Internet, việc mua sắm dần trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết. Người mua có nhiều danh mục để chọn lựa, cân nhắc giá cả và an tâm về thanh toán trên Internet mà không cần phải tốn quá nhiều thời gian như trước. Đồng thời, Internet cũng mở ra thế giới giải trí đầy sức thu hút và đa dạng với vô số hình thức giải trí như chơi game, trò chuyện qua các diễn đàn, mạng xã hội, nghe nhạc, xem phim,...
b. Truyền thông mục vụ đã áp dụng Internet vào những hoạt động nào?
Sự ra đời của truyền thông trên Internet đã mở thêm những cánh cửa mới cho hoạt động mục vụ của Giáo hội trong thiên niên kỷ mới này.[11] Truyền thông mục vụ đã và đang ứng dụng Internet trong rất nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng.
Các website được các tổ chức, các trung tâm mục vụ, các Hội dòng, Tu hội, các giáo xứ thiết lập và hoạt động trên khắp thế giới cũng như tại mỗi địa phương. Đây là những kênh thông tin về mục vụ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu học hỏi của người Công giáo cũng như anh chị em ngoài Công giáo.[12] Đồng thời, các website cũng là nơi thuận lợi cho công việc chăm sóc mục vụ, ở đó người ta có thể trình bày những thắc mắc cũng như những nhu cầu thiêng liêng, luân lý và tinh thần của họ. Các độc giả có thể tìm thấy ở đây những bài suy niệm Kinh Thánh, những quan điểm Kitô giáo về các sự kiện lớn nhỏ xảy ra trên thế giới. Nó cho phép con người có thể tiếp cận trực tiếp và nhanh chóng với những nguồn tôn giáo và tâm linh quan trọng - như những thư viện, bảo tàng và các nơi thờ phượng quan trọng, hay các văn kiện của Huấn quyền Giáo hội, các tác phẩm của các giáo phụ và tiến sĩ Giáo hội, cũng như kho tàng khôn ngoan qua các thời đại.[13] Ngoài ra, Giáo hội cũng có những website mang tính học thuật cung cấp cho độc giả các bài viết và sách thần học quan trọng, rất có ích cho các sinh viên và nhà nghiên cứu.
Các email-thư điện tử cũng là một phương tiện hữu ích khác cho việc truyền thông mục vụ. Sử dụng email, người ta có thể liên lạc, trao đổi thông tin, các thông tin được truyền đi hầu như tức thời. Ngoài ra, các dịch vụ thư mạng miễn phí được cung cấp bởi các cổng của Giáo hội và các tổ chức khác giúp cho người ta có thể tiếp cận với các tin tức của Giáo hội nhanh hơn.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần kể đến các ứng dụng khác của Internet cho phép chúng ta giao tiếp với hàng trăm nghìn người chỉ bằng một cú nhấp chuột. Những ứng dụng như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube v.v... là một môi trường thích hợp để lan truyền những thông điệp về hy vọng và tình yêu. Điều quan trọng cần lưu ý là chúng ta có thể sử dụng các mạng xã hội của mình để mời mọi người tham dự Thánh lễ, yêu mến Thiên Chúa, đi xưng tội và tham gia nhiều sự kiện Công giáo khác. Chúng ta có thể tham gia sứ mạng truyền thông mục vụ qua những ứng dụng này bằng cách sử dụng Internet để cung cấp những nội dung giúp mọi người gặp gỡ được Chúa Giêsu. Đó có thể là một câu trích dẫn truyền cảm hứng, một lời an ủi từ Kinh thánh, một video giáo lý, một Thánh lễ hoặc một sự kiện được phát trực tiếp... tất cả đều chia sẻ sự phong phú trong truyền thống Công giáo của chúng ta. Những nội dung chia sẻ có ý nghĩa này sẽ đưa mọi người đến gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô.
3. Những thách đố và ảnh hưởng tiêu cực của Internet trong truyền thông mục vụ
a. Ảnh hưởng từ các dịch vụ thương mại qua mạng
Thomas L. Friedman trong tác phẩm Thế Giới Phẳng cho thấy tiềm năng kinh tế lớn lao của mạng Internet: “Internet làm cho toàn bộ thế giới này giống như một thương trường. Cơ sở hạ tầng này sẽ không chỉ thúc đẩy tìm nguồn sản phẩm có giá tốt nhất, chất lượng tốt nhất, từ địa điểm tốt nhất, mà còn cho phép chia sẻ nhiều tập quán và tri thức. Điều này rất tốt cho thế giới”[14].
Tuy nhiên, Internet cũng đem lại những ảnh hưởng tiêu cực trong lãnh vực kinh tế. Để duy trì sức thu hút, mạng là địa bàn mới của mọi loại quảng cáo, mọi loại hàng hóa sản phẩm, từ vật chất cho đến tinh thần. Quảng cáo trên mạng ngày càng đa dạng, hấp dẫn, nhưng phần nhiều mang tính lừa đảo, quấy rối những người sử dụng.[15] Ngoài ra, không thiếu những người đã lợi dụng Internet xâm nhập vào các trang web, lấy đi các tài khoản, thẻ tín dụng và cả những thông tin quan trọng của người khác để mưu lợi cá nhân cách bất chính. Điều này tạo nên bao hậu quả nhức nhối và những lo ngại về sự thiếu tin cậy của mạng Internet. Không những thế, tính thương mại còn ảnh hưởng trên các giá trị tôn giáo: “Những dữ liệu thống kê cho thấy một số người ghé thăm các trạm thông tin tôn giáo hành xử như đang đi mua sắm, lựa chọn những thành phần của những gói hàng tôn giáo được cắt xén theo sở thích.”[16] Một cách vô tình, thị trường truyền thông cũng có thể gây ra sự phân biệt giàu nghèo: “Các phương tiện truyền thông đôi khi được dùng để xây dựng và duy trì các hệ thống kinh tế, nhằm phục vụ cho sự chiếm hữu và tham lam… Cần phá vỡ hàng rào và sự độc quyền khiến cho nhiều quốc gia bị bỏ mặc bên lề của phát triển”[17]. Vì thế cần có những nguyên tắc chung để thiết lập và duy trì các hệ thống kinh tế phục vụ cho công ích và bảo vệ người nghèo.
b. Hiện tượng nghiện mạng xã hội
Internet với những tính năng và giao diện hấp dẫn của nó có thể làm cho người dùng tự giam mình trước màn hình vi tính nhiều giờ mỗi ngày mà không ý thức rằng mình đang phí phạm sức khỏe và thời giờ. Nhiều người trẻ hôm nay đang mắc phải căn bệnh “nghiện mạng” và thích đi vào không gian ảo trên mạng hơn là gặp gỡ trực diện với bạn bè. Có nhiều loại nghiện khác nhau như nghiện phim ảnh, nghiện cờ bạc, nghiện game, nghiện chat… Như vậy người sử dụng mạng cần ý thức rằng phương tiện truyền thông này có thể “làm tha hóa con người hay gạt ra ngoài lề rồi cô lập con người; lôi kéo con người vào những cộng đồng băng hoại được tổ chức xoay quanh các giá trị giả dối và phá hoại”.[18]
c. Vấn đề lạm dụng tự do ngôn luận
Các chương trình liên lạc qua mạng như điện thoại, email, chat room, các blogs, Podcast xuất hiện ngày càng nhiều; những trang giao tiếp xã hội cũng không còn xa lạ nữa, như Youtube, Multiply, Yahoo 3600, Facebook và MySpace… Qua các diễn đàn này, người tham gia có thể ăn nói bạo dạn hơn những trường hợp trao đổi mặt đối mặt. Họ có cảm tưởng rằng họ không phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Những quan niệm như thế đang khiến nhiều người trẻ trở nên phóng túng, chạy theo những thị hiếu thấp hèn và hạ giá chính mình.
Ngoài ra, việc phổ biến trên Internet cũng đặt ra một số vấn đề đạo đức như bảo vệ sự riêng tư, an toàn và cẩn mật đối với các dữ liệu, quyền tác giả, luật sở hữu trí tuệ, hình ảnh khiêu dâm, những địa chỉ thù nghịch, tung tin đồn và sát nhân dưới chiêu bài cung cấp thông tin, nhiều vấn đề khác nữa.[19]
Trong bối cảnh phức tạp đó, các Kitô hữu, nhất là người trẻ, rất cần để được hướng dẫn để hiểu và sử dụng cách đúng đắn công cụ hữu ích nhưng cũng đầy tiềm năng làm suy thoái con người này.
II. ĐÔI NÉT VỀ QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI TRONG VIỆC SỬ DỤNG INTERNET NHƯ MỘT PHƯƠNG TIỆN CỦA TRUYỀN THÔNG MỤC VỤ
1. Nền tảng thần học của Truyền thông mục vụ
a. Nền tảng thần học
Như Giáo hội hiểu, lịch sử truyền thông của con người tựa như một cuộc hành trình dài, đưa con người đi từ dự phóng tự kiêu của tháp Baben và từ sự sụp đổ khiến cho mọi người hồ đồ lẫn lộn và không hiểu nhau (x. St 11,1-9) đến ngày lễ Ngũ Tuần,[20] ngày Thánh Thần ban xuống ơn ngôn ngữ, như một cách khôi phục lại sự truyền thông, mà mục tiêu tập trung vào Đức Giêsu và nhờ sự hoạt động của Thánh Thần.[21]
Thật ra, Truyền thông mục vụ đã “bắt đầu trong sự hiệp thông yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và trong việc các ngôi ấy liên lạc với chúng ta”, cũng như bắt đầu từ ý thức rằng sự truyền thông của Ba Ngôi Thiên Chúa đã “vươn ra ngoài để đến với loài người: Ngôi Con chính là Lời được Chúa Cha “nói ra” từ đời đời; rồi trong Đức Giêsu Kitô và qua Ngài, là Con và là Lời đã thành xương thành thịt, Thiên Chúa truyền thông bản thân mình và ơn cứu độ cho mọi người”.[22]
Điều mà những ai đang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông mục vụ cần xác tín là: Đức Kitô chính là “nhà truyền thông hoàn hảo”[23] – là chuẩn mực và mẫu mực cho Giáo hội tiếp cận việc truyền thông, cũng như là nội dung để Giáo hội truyền thông cho thế giới. “Ước chi các người Công giáo đang tham gia vào thế giới truyền thông xã hội biết rao giảng sự thật của Đức Kitô một cách bạo dạn hơn bao giờ hết, rao giảng từ mọi nóc nhà, để mọi người có thể nghe được tình thương, là trọng tâm của thông điệp mà Thiên Chúa muốn thông truyền cho mọi người nơi Đức Kitô, hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn thế”[24].
Thiên Chúa vẫn tiếp tục truyền thông qua Giáo hội, là người cưu mang và giữ gìn mạc khải của Thiên Chúa, cũng là người có nhiệm vụ chính thức giải thích lời Ngài thông qua công tác giảng dạy của mình.[25] Ngoài ra, bản thân Giáo hội cũng là sự hiệp thông, một sự hiệp thông của những con người và những cộng đoàn Thánh Thể xuất phát từ sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa và mô phỏng sự hiệp thông ấy[26], vì thế, hiệp thông là bản chất của Giáo hội. Đây chính là lý do mạnh hơn mọi lý do khác giải thích tại sao “việc truyền thông của Giáo hội phải là việc truyền thông mẫu mực, phản ánh các tiêu chuẩn cao nhất của trung thực, trách nhiệm, nhạy cảm với các quyền của con người và những nguyên tắc cũng như những chuẩn mực khác có liên quan”.[27]
b. Một số văn kiện hướng dẫn về truyền thông mục vụ và sử dụng Internet
Truyền thông Mục vụ rất nhiều lần được nhắc đến một cách trực tiếp hay gián tiếp trong các văn kiện khác nhau của Hội Thánh về truyền thông. Đức Thánh Cha Piô XII trong Thông điệp Miranda Prorsus (1957) đã mời gọi các linh mục hãy học sử dụng các phương tiện này một cách đúng đắn bao nhiêu có thể theo bản chất của sứ vụ được uỷ thác cho họ.[28]
Vaticano II xác nhận lại nhiệm vụ này và mở rộng ra cho mọi Kitô hữu trong Sắc lệnh Inter Mirifica (1963), theo đó mọi con cái Giáo hội phải sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội cách đắc lực vào các công việc tông đồ khác nhau tuỳ theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian.[29]
Tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông đối với kế hoạch mục vụ đã được nhấn mạnh bởi Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (1971), huấn thị cho thấy nhu cầu bức thiết của việc phải tìm ra một đường lối mục vụ cho lãnh vực này.[30] Văn kiện được coi như Hiến chương của việc truyền thông, trình bày Đức Kitô như là một nhà truyền thông toàn hảo, và Bí tích Thánh Thể được nhìn như sự truyền thông hướng đến sự hiệp thông.[31]
Các chi tiết về một đường lối mục vụ sâu hơn đã được phác hoạ bởi Huấn thị Mục vụ Aetatis Novae (1992). Đặc biệt, văn kiện này nhấn mạnh những vai trò mà các phương tiện truyền thông phải đảm nhận trong sứ mạng Truyền thông mục vụ: phương tiện truyền thông phục vụ con người và văn hóa, phương tiện truyền thông phục vụ việc đối thoại với thế giới, phương tiện truyền thông phục vụ cộng đoàn nhân loại và sự tiến bộ, phương tiện truyền thông phục vụ sự hiệp thông của Hội Thánh, phương tiện truyền thông phục vụ việc tân Phúc Âm hóa.[32]
Cách riêng đối với Internet, Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội đã có hai văn kiện Đạo đức trong Internet và Giáo hội và Internet, hai văn kiện này trình bày cách chi tiết và rõ ràng về những quan điểm của Giáo hội về vấn đề sử dụng Internet cũng như thái độ cần có đối với những thách đố do Internet mang lại cho chúng ta hiện nay. Chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy trong những văn kiện này những chỉ dẫn của Giáo hội đối với mọi người thuộc từng vai trò khác nhau trong Giáo hội và xã hội, thuộc nhiều lĩnh vực tôn giáo, văn hoá, giáo dục, kinh tế, xã hội,…
2. Quan điểm của Giáo Hội về một số vấn đề liên quan đến sử dụng Internet trong truyền thông mục vụ
a. Vấn đề khía cạnh văn hoá
Trong tiến trình toàn cầu hoá, công nghệ thông tin mới và Internet sẽ truyền đạt và giúp làm cho người ta thấm nhuần một loạt các giá trị văn hoá - như những cách suy nghĩ về quan hệ xã hội, gia đình, tôn giáo, thân phận con người - những giá trị này vừa mới mẻ vừa hấp dẫn có thể thách thức, lấn át các nền văn hoá truyền thống.
Tổ chức các cuộc đối thoại giữa các nền văn hoá là một điều đáng trân trọng, “vì công nghệ truyền thông mới đang có ảnh hưởng rất lớn trên đời sống của các cá nhân và các dân tộc”.[33] Nhưng con người cần cảnh giác về sự khác nhau giữa đối thoại văn hoá và xây dựng chủ nghĩa đế quốc về văn hoá. Một vấn đề cần lưu ý là việc truyền đi những thông điệp đầy ắp những giá trị của nền văn hoá thế tục bên phương Tây cho những dân tộc và những xã hội nhiều khi chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng để đánh giá và đương đầu. Hệ quả là có nhiều vấn đề nghiêm trọng nảy sinh[34] tại nhiều nơi trên thế giới.
b. Vấn đề tự do phát biểu trên Internet
Vấn đề tự do phát biểu trên Internet cũng là một vấn đề phức tạp. Con người có quyền tự do phát biểu và trao đổi ý kiến. Tự do tìm kiếm sự thật và hiểu biết sự thật là một quyền căn bản của con người[35], cũng như tự do phát biểu là một nền móng xây dựng chế độ dân chủ. “Con người có quyền tìm biết sự thật, bày tỏ, giới thiệu quan điểm riêng của mình…”[36]. Công luận - “một hình thức diễn tả cơ bản của bản tính con người có tổ chức trong xã hội” - đòi hỏi cách triệt để sự “tự do bày tỏ ý kiến và thái độ”[37].
Tuy nhiên, đã có một số thế lực tìm cách ngăn chặn không cho công chúng tiếp cận thông tin - trên Internet hay trên các phương tiện truyền thông xã hội khác - vì thấy chúng có thể phương hại đến lợi ích cá nhân, hoặc tìm cách vận động dân chúng bằng việc tuyên truyền hay bóp méo thông tin, hoặc cản trở sự tự do chính đáng của người dân muốn phát biểu và lên tiếng. Mặt khác, trong các nước dân chủ tự do, khả năng tiếp cận các phương tiện thông tin để bày tỏ lập trường chính trị lại tuỳ thuộc vào sự giàu có, cũng như ảnh hưởng chính trị, sự trung thực của thông tin có thể bị ảnh hưởng hay bị xoay chiều đến mục đích tổn thương danh dự của người mình chống đối.
Ngoài ra, người ta cũng có thể lợi dụng Internet để cổ võ cho vô vàn hình thức thù nghịch, lăng mạ, bạc đãi, phỉ báng và bạo ngôn nhằm hủy diệt người khác, với việc không cần phải kiềm chế như phải làm trong giao tiếp thể lý. Qua máy điện toán và các thiết bị di động, tính hung hăng gây hấn mang chiều kích xã hội tìm được môi trường thuận lợi hơn bao giờ hết để phát huy tác hại của nó.[38]
c. Vấn đề giáo dục và huấn luyện
Giáo dục và huấn luyện là một lĩnh vực có nhiều triển vọng đối với Internet. “Việc giáo dục qua phương tiện truyền thông không chỉ dạy cho chúng ta biết một số kỹ thuật mà còn giúp chúng ta hình thành nên một số tiêu chuẩn thẩm mỹ và phán đoán luân lý cách trung thực, là một khía cạnh trong việc đào tạo lương tâm. Thông qua các trường học và các chương trình đào tạo của mình, Giáo Hội nên cung cấp việc giáo dục theo loại này”[39]. Giáo dục và huấn luyện về Internet nên được xếp thành một phần trong chương trình giáo dục truyền thông đầy đủ dành cho mọi thành phần trong Giáo hội: chủng sinh, linh mục, tu sĩ, giáo dân làm mục vụ như giáo viên, cha mẹ, sinh viên[40].
Cách riêng, giới trẻ Kitô giáo cần được giáo dục không chỉ để trở thành những Kitô hữu tốt biết tiếp nhận thông tin, mà còn là những công dân đích thực của thời đại truyền thông xã hội, một thời đại vừa mới bắt đầu[41], một thời đại trong đó các phương tiện truyền thông được coi là một phần của nền văn minh mà bây giờ chúng ta hiểu một cách chưa trọn vẹn[42]. Người trẻ cần phải học cho biết cách làm việc thành thạo trong thế giới của các thực tế ảo, đưa ra những phê bình có suy nghĩ chín chắn dựa theo những tiêu chuẩn luân lý lành mạnh để biết mình phải tìm kiếm điều gì trong các phương tiện ấy.
III. MỘT VÀI KIẾN NGHỊ CHO VIỆC SỬ DỤNG INTERNET TRONG TRUYỀN THÔNG MỤC VỤ Ở THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI
Trong thế giới Internet rộng lớn, thật quan trọng và cần thiết để mỗi người điều chỉnh lại nếp suy nghĩ và cách hành động của mình cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ đồng thời đảm bảo những tính chất của sứ mạng truyền thông mục vụ. Cũng quan trọng không kém khi mọi người thuộc đủ mọi cấp độ trong Giáo hội biết sử dụng Internet một cách sáng tạo theo phận vụ và vai trò của mình, để góp phần vào sứ mạng xây dựng Nước Thiên Chúa.[43]
1. Với các linh mục, tu sĩ, những người hướng dẫn đời sống tinh thần cho tha nhân
Các linh mục, tu sĩ cũng như những ai đang có sứ mạng hướng dẫn đời sống tinh thần cho con người trong khi tiếp xúc với các phương tiện truyền thông cần đảm bảo về hai mục đích chính yếu của việc sử dụng Internet theo quan diểm của Gíao hội: Một là sử dụng đúng đắn mạng Internet để phục vụ cho sự phát triển, công bằng và hoà bình trên thế giới; hai là thể hiện bản chất của Giáo hội là hiệp thông và truyền thông, bắt nguồn từ sự hiệp thông và truyền thông của Chúa Ba Ngôi.[44]
Các vị cũng cần lưu ý Internet có thể làm xao nhãng đời sống tâm linh của người tín hữu. Việc dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo có thể khiến họ lơ là trong việc cầu nguyện, tham gia các sinh hoạt tôn giáo, và phát triển đời sống đạo đức. Các linh mục, tu sĩ và các nhà đồng hành cần khuyến khích mọi người duy trì một sự cân bằng giữa việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số và các hoạt động tôn thờ, cầu nguyện, và các công việc thiện nguyện.
2. Với những người trực tiếp hoạt động trong lãnh vực truyền thông mục vụ
Những ai đang trực tiếp hoạt động trong lãnh vưc truyền thông mục vụ cần lưu ý rằng trách nhiệm của truyền thông xã hội là phải miệt mài bảo vệ con người và hết lòng tôn trọng phẩm giá con người.[45] Trong bất cứ trường hợp nào, truyền thông không được đánh mất trụ cột đạo đức của mình, phải để ý đến trọng tâm con người, xác tín rằng con người có một phẩm giá bất khả xâm phạm.
Các chuyên gia trong lãnh vực truyền thông phải dấn mình đặc biệt vào công cuộc nghiên cứu, đào tạo và hoạt động khoa học theo các hướng dẫn của Giáo hội.[46] Ngoài ra, cần lưu ý rằng các chuyên gia về truyền thông cũng cần được chăm sóc mục vụ.[47] Giáo hội có trách nhiệm “triển khai và cống hiến các chương trình chăm sóc mục vụ có khả năng đáp ứng một cách chuyên biệt cho các điều kiện làm việc đặc thù và các thách đố luân lý mà các chuyên gia truyền thông phải đối diện…”[48].
3. Với giới trẻ
Internet là cánh cửa mở đến một thế giới đầy hào hứng và quyến rũ, có ảnh hưởng giáo dục rất lớn. Nhưng không phải mọi sự ở bên kia cánh cửa đều an toàn, lành mạnh và chân thật. “Người trẻ cần được đào tạo về các phương tiện truyền thông, chống lại con đường dễ dãi là thụ hưởng mà không biết phê bình, nhận định”.[49] Vấn đề này phụ thuộc vào chính bản thân người trẻ, vào cha mẹ, gia đình và bạn bè, vào các chủ chăn…[50]
Khi Internet được trao vào tay người trẻ ở một độ tuổi quá sớm: hoặc nó có thể giúp làm cho đời sống của họ được phong phú thêm, vượt xa những gì mà các thế hệ trước dám mơ tưởng; nhưng nó cũng có thể dìm người trẻ vào trong chủ nghĩa tiêu thụ, trong cơn mê với những hình ảnh khiêu dâm và bạo lực, hay tình trạng cô lập bệnh hoạn.
Người trẻ, như thường nói, là tương lai của xã hội và Giáo hội. Việc sử dụng tốt Internet có thể giúp người trẻ chuẩn bị để lãnh các trách nhiệm trong xã hội lẫn Giáo hội, bằng cách học hỏi sự khôn ngoan qua việc lãnh hội tri thức, kinh nghiệm của những người đi trước. Người trẻ cần lưu ý rằng sự khôn ngoan không phát sinh từ những cái nhấp chuột tìm kiếm chớp nhoáng trên Internet, cũng không là một khối dữ liệu chưa được kiểm chứng. Đó không phải là phương cách để sự khôn ngoan được chín muồi khi gặp gỡ sự thật.[51]
TẠM KẾT
Như những phương tiện truyền thông xã hội khác, Internet vẫn luôn được Giáo hội nhìn nhận là “quà tặng của Thiên Chúa”, phục vụ cho truyền thông mục vụ, phục vụ cho sự thăng tiến của con người. Để sinh ích lợi từ món quà kỳ diệu này, Giáo Hội qua văn kiện Giáo hội và Internet mời gọi mỗi người vun trồng một số đức tính căn bản dường như đã quá quen thuộc với mỗi Kitô hữu: Khôn ngoan, Công bằng, Can đảm, Tiết độ.[52] Khôn ngoan là đức tính cần thiết để phân định điều tốt và điều xấu trong phương tiện truyền thông mới mẻ này và biết vận dụng cách thích hợp trong đời sống. Công bằng là đức tính cần thiết để xoá bỏ khoảng cách giữa người giàu và người nghèo thông tin trong thế giới hôm nay.[53] Muốn thế, cần phải cam kết phục vụ ích lợi chung của thế giới, hay có thể nói, cam kết “toàn cầu hoá sự liên đới”.[54] Mạnh mẽ, can đảm cũng là điều cần thiết để biết đứng lên bảo vệ sự thật trước chủ nghĩa tương đối hoá trong tôn giáo và luân lý, đứng lên bảo vệ tinh thần vị tha và quảng đại trước chủ nghĩa tiêu thụ cá nhân, đứng lên bảo vệ sự thanh cao trước nhục dục và tội lỗi. Và cũng cần có đức tiết độ - tức là biết kỷ luật chính mình khi tiếp cận với công cụ kỹ thuật tuyệt vời ấy, để sử dụng cách khôn ngoan và chỉ sử dụng làm việc tốt.
M. Matta Kim Quyên (Khấn tạm), FMI
-----
TÀI LIỆU THAM KHẢO
A-KINH THÁNH
NHÓM PHIÊN DỊCH CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ. Kinh Thánh trọn bộ Cựu ước và Tân ước. Hà Nội: NXB Tôn Giáo. 2007.
B-CÁC VĂN KIỆN CỦA CÔNG ĐỒNG VATICANO II, CÁC THÁNH BỘ VÀ CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG
BÊNÊĐICTÔ XVI. Sứ điệp nhân Ngày Thế Giới Truyền Thông năm 2008.
CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II. Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, về Giáo Hội. 07/12/1965. (Ủy ban Giáo lý Đức tin – Hội đồng Giám mục Việt Nam. 2012).
CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II. Hiến chế Tín lý Dei Verbum, về mạc khải của Thiên Chúa. 18/11/1965. (Ủy ban Giáo lý Đức tin – Hội đồng Giám mục Việt Nam. 2012).
CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II. Sắc Lệnh Inter Mirifica, về các phương tiện truyền thông xã hội. Rôma. 4/12/1965. (Bản dịch của Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X. Nhà in Việt Nam, Đà Lạt. 1972).
HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ TRUYỀN THÔNG. Huấn thị Aetatis Novae. 1992.
HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ TRUYỀN THÔNG. Huấn thị Communio et Progressio. 1971.
HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ TRUYỀN THÔNG. Huấn thị Giáo Hội và Internet. 2002.
HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ TRUYỀN THÔNG. Huấn thị Đạo đức trong Internet. 2002.
HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ TRUYỀN THÔNG. Đạo đức trong truyền thông. 2000.
GIOAN PHAOLÔ II. Diễn văn tại Giáo hoàng Học viện Khoa học Xã hội. 27/04/2001.
GIOAN PHAOLO II. Thông điệp nhân ngày Quốc tế Truyền thông lần thứ 24. 1990.
PHANXICÔ. Thông điệp Fratelli Tutti, về tình bằng hữu xã hội. 2022.
GIOAN PHAOLÔ II. Tông thư Tertio Millennio Adveniente, về việc Giáo Hội Công Giáo chuẩn bị mừng Đại Năm Thánh 2000. 10/11/1994.
GIOAN PHAOLÔ II. Thông điệp Centesimus Annus (Thông điệp Bách Chu Niên trong cuốn Các thông điệp xã hội). Rôma. 01/05/1991.
GIOAN PHAOLÔ II. Thông điệp nhân ngày Quốc tế Truyền thông lần thứ 24. 1990.
PIÔ XII. Thông điệp Miranda Prorsus. 1957.
C-SÁCH THAM KHẢO VÀ TẠP CHÍ
FRANZ-JOSEF EILERS. Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo. NXB Ngôi Lời, Manila, 2004.
NGUYỄN VĂN KHẢM, Hướng tới sự hiện diện tròn đầy ghi chép về bối cảnh ra đời tài liệu suy tư mục vụ về mạng xã hội, Bản tin Hiệp thông Hội đồng Giám mục Việt Nam số 139, tháng 1 và 2 năm 2024.
THOMAS L. FRIEDMAN. Thế Giới Phẳng. Nhà xuất bản trẻ. 2005.
D-TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN
BÁ TRUNG, Ai phát minh ra Internet? Internet đã hình thành và phát triển như thế nào?, tải xuống ngày 14/11/2024, tại https://quantrimang.com/lang-cong-nghe/lang-internet-da-phat -trien-nhu-the-nao-63700.
DNTECH. Lịch sử của Internet. tải xuống ngày 14/11/2024, tại https://dntech.vn/lich-su-cua -internet- 110-26.html.
NGỌC LAN. Luân lý mạng. tải xuống ngày 16/11/2024, tại https://gpbanmethuot.vn/giao-ly /luan-ly-mang-4337.html.
PHẠM NGỌC TÂN, TÔ THỊ HỒNG, PHẠM HỒNG BẮC, Một số ảnh hưởng của internet, mạng xã hội đến giới trẻ: nghiên cứu tổng quan, tải xuống ngày 14/11/2024, tại http://tapchikhoahoc.hvpnvn.edu.vn/vi/mot-so-anh-huong-cua-internet-mang-xa-hoi-den-gioi-tre -nghien-cuu-tong-quan.
[1] x. Đạo đức và truyền thông, số 8.
[2] x. BÁ TRUNG, Ai phát minh ra Internet? Internet đã hình thành và phát triển như thế nào?, tải xuống ngày 14/11/2024, tại https://quantrimang.com/lang-cong-nghe/lang-internet-da-phat-trien-nhu-the-nao-63700.
[3] x. PHẠM NGỌC TÂN, TÔ THỊ HỒNG, PHẠM HỒNG BẮC, Một số ảnh hưởng của internet, mạng xã hội đến giới trẻ: nghiên cứu tổng quan, tải xuống ngày 14/11/2024, tại http://tapchikhoahoc. hvpnvn.edu.vn/ vi/mot-so-anh-huong-cua-internet-mang-xa-hoi-den-gioi-tre-nghien-cuu-tong-quan.
[4] x. NGUYỄN VĂN KHẢM, Hướng tới sự hiện diện tròn đầy ghi chép về bối cảnh ra đời tài liệu suy tư mục vụ về mạng xã hội, Bản tin Hiệp thông Hội đồng Giám mục Việt Nam số 139, tháng 1 và 2 năm 2024.
[5] x. Giáo Hội và Internet, số 1.
[6] x. Communio et Progressio, số 2.
[7] x. DNTECH, Lịch sử của Internet, tải xuống ngày 14/11/2024, tại https://dntech.vn/lich-su-cua-internet- 110-26.html.
[8] x. Đạo đức trong truyền thông, số 2.
[9] x. Đạo đức trong Internet, số 8.
[10] x. NGUYỄN VĂN KHẢM, Hướng tới sự hiện diện tròn đầy ghi chép về bối cảnh ra đời tài liệu suy tư mục vụ về mạng xã hội, Bản tin Hiệp thông Hội đồng Giám mục Việt Nam số 139, tháng 1 và 2 năm 2024.
[11] x. FRANZ-JOSEF EILERS, Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo, NXB Ngôi Lời, 2004, tr.253.
[12] x. nvt., tr.254.
[13] x. Giáo Hội và Internet, số 5.
[14] x. THOMAS L. FRIEDMAN, Thế Giới Phẳng, tr. 331.
[15] x. NGỌC LAN, Luân lý mạng, tải xuống ngày 16/11/2024, tại https://gpbanmethuot.vn/giao-ly/luan-ly -mang-4337.html
[16] Giáo Hội và Internet, số 9.
[17] Đạo Đức trong Truyền Thông, số 14.
[18] Đạo Đức trong Truyền Thông, số 13.
[19] x. Đạo đức trong Internet, số 6
[20] x. Giáo Hội và Internet, số 2.
[21] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp nhân Ngày Quốc tế Truyền thông lần thứ 34.
[22] x. Đạo đức trong truyền thông, số 3.
[23] x. Communio et Progressio, số 11.
[24] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp nhân Ngày Quốc tế Truyền thông lần thứ 35, số 4.
[25] x. Hiến chế Dei Verbum, số 10.
[26] x. Huấn thị Aetatis Novae, số 10.
[27] x. Đạo đức trong truyền thông, số 26.
[28] x. Thông điệp Miranda Prorsus, số 152-154.
[29] x. Sắc lệnh Inter Mirifica, số 13.
[30] x. Huấn thị Communio et Progressio, số 162.
[31] x. Huấn thị Communio et Progressio, số 11.
[32] x. Huấn thị Aetatis Novae, số 6-11.
[33] GIOAN PHAOLÔ II, Diễn văn tại Giáo hoàng Học viện Khoa học Xã hội, số 11, ngày 27-4-2001.
[34] GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Tertio Millennio Adveniente, số 47.
[35] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Centesimus Annus, số 47.
[36] Gaudium et Spes, số 59.
[37] Communio et Progressio, số 25-26.
[38] x. PHANXICÔ, Thông điệp Fratelli Tutti, số 44.
[39] Đạo đức trong truyền thông, số 25.
[40] Aetatis Novae, số 28.
[41] Communio et Progressio, số 107.
[42] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp nhân ngày Quốc tế Truyền thông lần thứ 24, năm 1990.
[43] x. Giáo Hội và Internet, số 10.
[44] x. Giáo Hội và Internet, số 3.
[45] x. BÊNÊĐICTÔ XVI, Sứ điệp nhân Ngày Thế Giới Truyền Thông năm 2008, số 4.
[46] x. Communio et Progressio, số 113, 184, 185; và Aetatis Novae, số 32.
[47] x. Communio et Progressio, số 70-78; và Aetatis Novae, số 19, 29 và 33.
[48] x. Aetatis Novae, số 19.
[49] x. Đạo đức trong truyền thông, số 25.
[50] x. Giáo Hội và Internet, số 11.
[51] x. PHANXICÔ, Thông điệp Fratelli Tutti, số 50.
[52] x. Giáo Hội và Internet, số 12.
[53] x. Đạo đức trong Internet, số 10, 17.
[54] GIOAN PHAOLÔ II, Diễn văn với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và Uỷ ban Phối kết của Liên Hiệp Quốc, số 2, ngày 7-4-2000.