Đà sống nơi cha
“Ước ao nồng nhiệt làm vui lòng Chúa và một tình yêu rất lớn đối với các linh hồn.”
Người nghệ sĩ không làm nên cái đẹp, nhưng chính họ là người đã nhắc chiếc lá lên để cho mọi người thấy cả một bông hoa tuyệt vời ở bên dưới. Cũng vậy, cách nào đó các triết gia trong lịch sử cũng là những vị đã theo đuổi đến cùng lý tưởng làm người để vén mở chiếc lá che khuất thực tại cuộc sống hầu giúp đồng loại mình nhận ra ý nghĩa đằng sau đời sống nhiệm mầu này. Đi trong dòng lịch sử triết học, Henri Bergson là một triết gia xuất hiện vào giai đoạn triết học hiện đại, đã góp công không nhỏ vào việc tái lập sự quân bình trong tư duy của con người thế kỷ XX, một thời đại gồm những con người bị choáng mắt trước những thành tựu khoa học mà quên đi chiều kích tâm linh của mình. Với nỗi ưu tư lớn nhất là làm sao để sự sống con người khỏi bị tri thức hoá và vật lý hoá, Henri Bergson đã đưa ra tư tưởng học thuyết về đà sống, nó vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Ngẫm nghĩ dòng tư tưởng này, tôi bắt gặp sự diễn tả sống động đó nơi cuộc đời của cha mình - Đức Cha Allys, ngài nên nguồn cảm hứng không chỉ cho con cái mình sinh ra mà còn là tấm gương sống thánh trong lòng nhiều người.
Ngược với các triết gia trước đó, Henri Bergson xem thực tại - đối tượng của triết học không phải là “một hữu thể cứng nhắc, được nhận thực bởi những quan niệm của lý trí, nhưng là một sự biến thành thuần tuý và chỉ có khả năng trực giác mới khám phá được sự giải thích phổ quát về các sự vật.”[1] Nói khác đi, thực tại đối với vị triết gia này là những gì đang biến thành, đang được trở nên mỗi ngày, vì thế nó luôn mang tính năng động, sáng tạo không ngừng. Điều đó đồng nghĩa với việc chấp nhận một sự thay đổi hay xê dịch trong không gian và thời gian, thoát ly khỏi quan niệm không gian, thời gian của toán học, vật lý, thoát khỏi sự cố định, bất biến đã được định hình.
Thật vậy, kể từ Descartes – một triết gia thời cận đại, đã làm bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử, đặt giá đứng của chủ thể lên đúng chỗ, “nhân linh ư vạn vật”, làm bàn đạp cho các giai đoạn triết học theo sau. Như thế, các triết gia về sau tiếp tục đề cao vị thế của con người là một chủ thể có ý thức. Với chủ thể tính đó, Henri Bergson cho rằng chỉ có thời gian nội tại trong tâm hồn con người: đó là thời gian tồn tục (là durée). Tuy nhiên, để có thể bắt được thời gian này, con người phải nhờ khả năng trực giác, vì trí khôn chỉ có khả năng phân tích và nghiên cứu không gian và thời gian trừu tượng, không thể nào thấu hiểu được thời gian của sự biến thành. Như vậy, với Henri Bergson, sự sống vừa thay đổi, vừa tồn tại như một dòng sông: dòng sông luôn chảy, và nước đang chảy cũng là nước đang được đón nhận từ nguồn. Vậy, đà sống luôn mang tính sáng tạo, vì nó làm nảy sinh các hình thức sống ngày càng phức tạp hơn. Điều đó thôi thúc con người hiện sinh không ngừng vươn lên, đón nhận cuộc đời đầy sức sống và phấn khởi, xoá tan mọi nhàm chán của cuộc sống máy móc và vụ hình thức.
Triết lý đà sống ấy tôi đọc thấy rõ nét nơi gương sống thánh của cha mình - Đức Cha Eugène Marie Joshep Allys (Lý). Thật vậy, cuộc đời của ngài là cả một dòng chảy không ngừng, chảy xiết bởi những thao thức, trăn trở khôn nguôi cho việc làm rạng danh Thiên Chúa và tìm kiếm hạnh phúc cho các linh hồn. Chính trong mối tương quan luôn hướng về Thiên Chúa và ngôi vị khác trong tình yêu để hoàn thiện mình mà ngài đã hoạt động cách hăng say, năng động và sáng tạo trong từng giây phút được hiện hữu của mình. Tôi thiết nghĩ, phải chăng điều đó đã sớm định hướng cho cha tiến đến với ơn gọi dâng hiến, tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời mình ngang qua việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Ước muốn đó đã đưa cha đến với quyết định chọn lựa dành cả cuộc đời được thánh hiến trong ơn gọi linh mục, rồi sau này được làm giám mục dấn thân cho vùng truyền giáo xa xôi, hẻo lánh, nghèo nàn và lạc hậu trên mảnh đất An Nam (nước Việt Nam nay). Năm 23 tuổi, chỉ sau vỏn vẹn 2 tháng được chịu chức linh mục (10/10), ngài đã khăn gói lên đường ra đi (16/12), chuyến đi xa quê không một ngày trở về, lòng đầy nhiệt huyết với “ước ao nồng nhiệt làm vui lòng Chúa và một tình yêu rất lớn đối với các linh hồn.” Sự năng động của vị thừa sai trẻ đến với đất Việt, gắn bó với địa phận Bắc Đàng Trong (Huế), dấn thân cho Giáo hội tại vùng đất này và sinh ra rất nhiều hoa trái thiêng liêng. Quả vậy, đà sống nơi cha đã là nguồn sức mạnh giúp ngài vượt qua mọi khó khăn bước đầu tiếp xúc với con người, văn hóa và ngôn ngữ khác. Điều đó thể hiện qua việc ngài đã vui học tiếng Việt và hòa mình vào trong nếp sống của người dân nghèo, cùng ăn uống, cùng sinh hoạt, chịu cực chịu khổ như một người muốn thuộc về nơi đây, vì thế, ngài đã thích nghi rất nhanh. Đồng thời, tôi cũng nhận thấy cha sống tính chất sinh động của đà sống, “sự biến thành, cái thực tại đang hình thành mỗi ngày” hiện rõ nơi những thao thức, sáng tạo không ngừng của sứ vụ mục tử của ngài. Những cưu mang đó được sinh ra qua những hành động cụ thể của cha, những cột mốc đánh dấu sự sống động, dấn thân cách trung thành cho Chúa và tha nhân đến hơi tàn sức kiệt. Cụ thể, sau nỗi ưu tư dai dẳng “mong cho lớp trẻ được giáo dục trong đức tin và thăng tiến về văn hóa”, năm 1920, Đức cha Allys sau khi nhậm chức giám mục 12 năm, ngài đã sinh ra đứa con gái đầu đời, Dòng chị em Con Đức Bà chẳng hề mắc tội tổ tông, nay là Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Phú Xuân- Huế; và đứa con trai sau 5 năm, Dòng Sư huynh giáo giảng viên Thánh Tâm Chúa Giêsu, nay là Dòng Thánh Tâm Huế. Ngoài ra, ngài cũng nhiệt huyết hết mực trong nhiều công tác coi sóc của đời mục tử, như đốc công xây dựng chủng viện Kim Long (1877), mua thêm đất và cho xây dựng lại nhà thờ chánh tòa Phủ Cam trong 4 năm (1898), bảo trợ việc thành lập đan viện kín Carmel, Kim Long (1909), bảo trợ việc thành lập đan viện Xitô ở Phước Sơn, Quảng Trị (1918), giao cho cha nghĩa tử Trần Văn Trang thành lập dòng chị em Mến Thánh Giá cải cách, nay thành Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, và nhiều những hoạt động lớn nhỏ nữa đến hết đời ngài. Trong 23 năm làm cha sở tại Phủ Cam, kiêm Quản hạt Bên Thủy, cha hoạt động rất năng nổ, hăng say, đem lại nhiều thay đổi tích cực cho bộ mặt giáo xứ, nhất là đưa rất nhiều tâm hồn về với Chúa. Vào năm ngài đến giáo xứ, Phủ Cam có khoảng 500 giáo dân, lúc ngài rời chức vụ, số giáo dân ở đó lên tới 2.400 và toàn giáo hạt có 11000.[2] Đặc biệt, lúc về già, cha nghỉ hưu vì 2 mắt đã mù hẳn, nhưng ngài vẫn tiếp tục dòng chảy sinh động cuộc đời mình bằng việc dành phần lớn thời gian cho việc hiện diện trước Thánh Thể Chúa, cầu nguyện cho các nhu cầu của Giáo phận. Ngoài ra, sự linh động của con người đang trong đà sống nơi cha còn lộ rõ nơi một nhân cách trưởng thành. Thật vậy, với sự vui vẻ, lạc quan, ngài được người ta gọi là “vị giám mục mỉm cười”, hay người ngoại giáo kêu ngài “ông tiên bên đạo”. Cha đơn sơ giản dị, thích đối thoại ôn hòa với mọi người, can đảm, kiên quyết, khiêm tốn, bác ái, đặc biệt ngài có lòng yêu mến cách riêng với Bí tích Thánh Thể và các linh hồn, ngài nói: “Ngày nào ra trước tòa phán xét, tôi chỉ sợ hai điều: một là khi còn sống đã không yêu phép Thánh Thể cho đủ, hai là không hết tình cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục.”
Nhìn ngắm cuộc đời của cha, tôi cảm nhận một đời sống hiến dâng cho Chúa và tha nhân trọn vẹn, đúng nghĩa. Đời sống của một con người đã thoát ra khỏi thế tĩnh của sự ù lì, cứng nhắc, thụ động để sống sự năng động, sáng tạo và vươn lên không ngừng trong tình yêu để cách nào đó, cha trở nên như người nghệ sĩ, người nhắc chiếc lá lên cho cả nhân loại thấy muôn kỳ công tuyệt vời của cuộc sống mà tụng ca Đấng Hóa Công. Noi gương cha, con ao ước chính mình cũng được thôi thúc để năng động, lên đường luôn trong đời thánh hiến của mình mỗi ngày.
M. Matta Khánh Linh (Khấn tạm), FMI