Các văn kiện về Đức Mẹ

Rất nhiều Đức giáo hoàng nói về Kinh Mân Côi dưới hình thức tông huấn, Thông điệp, tông thư, tông sắc... bằng các thứ tiếng như Latin, Anh,...


Rất nhiều Đức giáo hoàng nói về Kinh Mân Côi dưới hình thức tông huấn, Thông điệp, tông thư, tông sắc... bằng các thứ tiếng như Latin, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia...  Để tìm hiểu rõ hơn những tài liệu này, chúng ta có thể vào trang web của Toà Thánh (www.vatican.va). Dưới đây, chúng ta thử điểm qua một số văn kiện của các Đức giáo hoàng:

1/ Tông sắc “Consueverunt Romani Pontifices” (17/09/1569) của Đức giáo hoàng Piô V xác định hình thức và nội dung của Kinh Mân Côi như hiện nay.

2/ Tông hiến “Salvatoris Domini” (05/03/1572) của Đức giáo hoàng Piô V ban ơn đại xá cho những ai gia nhập Hội Mân Côi và năng lần hạt Mân Côi.

3/ Trong Tông thư “Ad Augendam”  (18/01/1785), Đức giáo hoàng Clemente  Xlll  đã ban một ơn đại xá cho những ai sốt sắng đọc Kinh Mân Côi. Ơn xá này có thể chỉ cho các linh hồn.

4/ Tông thư “Benedicentes” (27/01/1832) của Đức giáo hoàng Grêgôriô XVl tuyên bố rằng khi đọc chung Kinh Mân Côi thì có hiệu lực hơn đọc riêng. Ngài khuyến khích các giáo hữu hãy cùng nhau đọc Kinh Mân Côi, để đem lại sự an bình cho gia đình và cho xã hội. 

5/ Thông điệp “Supremi Apostolatus Officio” (01/09/1883) của Đức giáo hoàng Lêô XIII mời gọi các thành phần Dân Chúa siêng năng lần hạt Mân Côi và gia nhập Hội Mân Côi. Thông điệp cũng lược qua một số công hiệu của Kinh Mân Côi qua dòng lịch sử với những nhận định của nhiều vị giáo hoàng.

6/ Trong Tông thư “Salutaris Ille” (24/12/1883), Đức giáo hoàng Lêô XIII kêu gọi các giáo xứ, giáo phận đọc Kinh Mân Côi hằng ngày. Ngài đã thêm câu “Nữ Vương Truyền Phép Rất Thánh Mân Côi” vào Kinh Cầu Đức Bà.

7/ Thông điệp “Superiore Anno” (30/08/1884) của Đức giáo hoàng Lêô XIII trình bày về cách đọc Kinh Mân Côi.

8/ Thông điệp “Quod Auctoritate” (22/12/1885) của Đức giáo hoàng Lêô XIII công bố Năm Thánh đặc biệt ban ơn toàn xá cho những ai đọc Kinh Mân Côi.

9/ Thông điệp “Vi È Ben Noto” (20/09/1887) của ĐGH Lêô XIII nói về Kinh Mân Côi và đời sống công cộng.

10/ Thông điệp “Quamquam Pluries” (15/08/1889) của Đức giáo hoàng Lêô XIII nói về việc dâng hiến cho thánh Giuse, nhưng Thông điệp cũng mời gọi dân Kitô giáo tận hiến cho Đức Mẹ Mân Côi, đặc biệt là trong suốt tháng 10, tháng dâng kính Đức Mẹ Mân Côi.

11/ Thông điệp “Octobri Mense” (22/09/1891) của Đức giáo hoàng Lêô XIII kêu gọi người tín hữu hãy năng chạy đến với Đức Mẹ Mân Côi bằng việc năng đọc Kinh Mân Côi.

12/ Thông điệp “Magnae Dei Matris” (08/09/1892) của Đức giáo hoàng Lêô XIII cho chúng ta biết về sức mạnh của Kinh Mân Côi đối với lạc giáo Albigensê phá hoại Giáo Hội. Qua Thông điệp, Đức giáo hoàng ban rất nhiều ơn xá, đại xá cho những người siêng năng đọc Kinh Mân Côi.

13/ Thông điệp “Laetitiae Sanctae” (08/09/1893) của Đức giáo hoàng Lêô XIII nói về sự tận hiến cho Đức Mẹ Mân Côi. Nhờ sự can thiệp của Đức Mẹ Mân Côi, nhiều bệnh tật được chữa lành.

14/ Tông thư “Iucunda Semper Expectatione” (08/09/1894) của Đức giáo hoàng Lêô XIII xoay quanh hai yếu tố nền tảng của Kinh Mân Côi, đó là: khẩu nguyện và tâm nguyện. Hai yếu tố này gợi ý cho người tín hữu vừa đọc vừa suy niệm về cuộc đời của Chúa Giêsu cũng như Mẹ Maria.

15/ Thông điệp “Adiutricem” (05/09/1895) của Đức giáo hoàng Lêô XIII đề cao việc suy niệm về cuộc đời của Chúa Cứu Thế trong khi đọc Kinh Mân Côi.

16/ Thông điệp “Fidentem Piumque Animum” (20/09/1896) của Đức giáo hoàng Lêô XIII đề cập đến hình thức của kinh nguyện mang tên “Mân Côi” để diễn tả mùi thơm của Hoa Hồng, tượng trưng cho Đức Nữ Đồng Trinh Maria, Đấng được chào kính như Hoa Hồng mầu nhiệm.

17/ Thông điệp “Augustissimae Virginis Mariae” (12/09/1897) của Đức giáo hoàng Lêô XIII nói về Hội Mân Côi. Đức giáo hoàng cho rằng người tín hữu đọc Kinh Mân Côi mang tính công cộng và hoàn vũ, giống như các linh mục đọc Kinh Thần Vụ. Khi đọc chung, Kinh Mân Côi mang lại hiệu năng lớn lao nhất.

18/ Thông điệp “Diuturni Temporis” (05/09/1898) của Đức giáo hoàng Lêô XIII nói đến hai kinh nguyện căn bản của Kinh Mân Côi: Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng. Đức giáo hoàng cho rằng Kinh Mân Côi mang tính thần linh hơn là con người, do đó Kinh Mân Côi là hình thức cầu nguyện vững chắc nhất và hiệu quả nhất. Qua Thông điệp, Đức giáo hoàng cũng bày tỏ lòng tri ân về những hồng ân mà Đức Mẹ đã ban cho ngài suốt những năm dài trên vai trò dẫn dắt Giáo Hội.

19/ Trong Tông thư mang tựa đề  “In Caetu soladium” (29/10/1916) gửi cho Tổng Quyền Dòng Đa Minh, Đức giáo hoàng Benedictô XV nói nhờ Kinh Mân Côi, Giáo Hội đã đẩy lui các bè rối phá hoại Giáo Hội.

20/ Thông điệp “Appetente Die Fausto” (29/06/1921) của Đức giáo hoàng Benedictô XV nói về thánh Đa Minh. Đức giáo hoàng đánh giá cao những đóng góp của thánh Đa Minh và con cái của ngài qua Kinh Mân Côi cho Giáo Hội. Thông điệp cũng nói đến những đặc ân được ban một cách phong phú cho những người siêng năng lần hạt và cho những hội viên của Hội Mân Côi.

21/ Thông điệp “Rerum Ecclesiae” (28/02/1926) của Đức giáo hoàng Piô XI nói về các sứ vụ trong Giáo Hội, đặc biệt sứ vụ truyền giáo. Kinh Mân Côi là một lời cầu nguyện thường được đọc tại các giáo xứ và trong các nhà thờ để cầu nguyện cho sứ vụ truyền giáo, được dâng lên Thiên Chúa qua sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa.

22/ Tông thư “Inclytam Ac Perillustrem” (06/03/1934), Đức giáo hoàng Piô Xl cho rằng Kinh Mân Côi là “vũ khí mạnh nhất, để đập tan những bè rối đang phá hoại Giáo Hội, và đem bao nhiêu linh hồn lầm lạc trở về với Chúa, với Đức Mẹ”.

23/ Thông điệp “Ingravescentibus Malis” (29/09/1937) của Đức giáo hoàng Piô XI nói đến tầm quan trọng của Kinh Mân Côi trong đời sống đức tin, đó là một hình thức đạo đức bình dân nhưng lại rất ích lợi, nhất là trong việc đẩy lui những sự dữ, tội ác. Ngài khuyên nhủ người tín hữu siêng năng lần hạt Mân Côi.

24/ Thông điệp “Mediator Dei” (20/11/1947) của Đức giáo hoàng Piô XII nói về Phụng Vụ Thánh. Bí tích Thánh Thể là đỉnh cao và trung tâm của Phụng Vụ trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Thông điệp có đề cập tới những hình thức đạo đức bình dân khác nhắm tới việc thờ phượng Thiên Chúa, trong số đó, Kinh Mân Côi giữ một vị trí trổi vượt.

25/ Trong Tông thư “Ingruentium Malorum” (15/09/1951), Đức giáo hoàng Piô Xll cho rằng Kinh Mân Côi là một kinh nguyện tuyệt hảo, là một phương tiện phù hợp nhất và mang lại nhiều hoa quả nhất vì bản chất thần linh của nó. Đức giáo hoàng mời gọi các mục tử làm cho người giáo dân hiểu rõ hơn giá trị, phẩm chất, sức mạnh và sự tuyệt vời của Kinh Mân Côi. Ngài mời gọi đọc Kinh Mân Côi một cách tin tưởng để đẩy lui biết bao sự dữ đang gây ảnh hưởng đến thời đại.

26/ Tông thư “Novimus Libenter” (11/07/1959) của Đức giáo hoàng Piô Xll gửi cho Tổng Quyền Dòng Đa Minh, cho rằng Kinh Mân Côi là một phương tiện tuyệt hảo và rất có hiệu quả để đạt tới sự sống đời đời.

27/ Thông điệp “Grata Recordatio” (26/09/1959) của Đức giáo hoàng Gioan XXlll ca ngợi những giáo huấn của Đức giáo hoàng Lêô XIII về Kinh Mân Côi. Ngài cho rằng Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa và Mẹ Maria nhất.

28/ Trong Tông  thư   “Il Religioso Convegno”  (29/09/1961), Đức giáo hoàng Gioan XXlll công bố rằng Kinh Mân Côi là kinh nguyện thánh  mẫu. Đức giáo hoàng mời gọi tất cả mọi người tín hữu siêng năng đọc Kinh Mân Côi để suy ngắm cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

29/ Trong Tông thư “Oecumenicum Consilium” (28/04/1962), Đức giáo hoàng Gioan XXlll mời gọi các thành phần Dân Chúa đọc Kinh Mân Côi để cầu nguyện cho Công đồng Vatican II.

30/ Thông điệp “Mense Maio” (29/04/1965) của Đức giáo hoàng Phaolô VI kêu gọi người tín hữu đọc Kinh Mân Côi để cầu nguyện cho nền hoà bình thế giới, các nhà lãnh đạo..., và đặc biệt cho các nhu cầu của Giáo Hội qua Công đồng Vatican II.

31/ Trong Tông thư “Christi Matri” (15/09/1966), Đức giáo hoàng Phaolô Vl nói rằng Đức Maria là Mẹ Giáo Hội. Ngài khuyến khích tín hữu năng lần hạt Mân Côi. Ngài cho rằng Kinh Mân Côi là một phương thế hữu hiệu nhất để xin ơn trên nuôi dưỡng tâm hồn. Ngài đánh giá cao giá trị của Kinh Mân Côi. Ngài nói rằng Công đồng Vatican II mong muốn tất cả con cái Giáo Hội thường xuyên đọc Kinh Mân Côi.

32/ Tông huấn “Recurrens Mensis October” (07/10/1969) của Đức giáo hoàng Phaolô VI tha thiết khuyên dạy người tín hữu siêng năng đọc Kinh Mân Côi, vì như hơi thở cần cho cuộc sống thể xác thế nào thì Kinh Mân Côi cũng cần cho cuộc sống linh hồn như vậy.

33/ Tông huấn “Marialis Cultus” (02/02/1974) của Đức giáo hoàng Phaolô VI dạy rằng Kinh Mân Côi là một kinh nguyện tuyệt vời. Người tín hữu cần được sức mạnh của lời kinh này lôi kéo tới chỗ đọc kinh này một cách trầm lắng.

34/ Trong Tông thư “Rosarium Virginis Mariae” (16/10/2002), Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II cho rằng Kinh Mân Côi là phương pháp cứu rỗi chắc chắn nhất.

Qua tư tưởng của các Đức giáo hoàng về Kinh Mân Côi trong những văn kiện vừa kể trên, chúng ta thấy rằng các Đức giáo hoàng đã dành một mối quan tâm đặc biệt cho Kinh Mân Côi. Còn nhiều văn kiện khác nữa của các Đức giáo hoàng mà chúng ta không thể kể hết ở đây được. Nhưng với chừng ấy, chúng ta cũng thấy được giá trị, sức mạnh, công hiệu và ơn ích của Kinh Mân Côi.

Lm. FX. Trần Kim Ngọc, OP.

(http://kinhmancoi.net)