Kho Tàng Vô Giá

 Đức Cha Alexandre Paul Marie Chabanon KHO TÀNG VÔ GIÁ  Đấng đồng sáng lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, vị Cha chung kính yêu của chúng ta. Ngài...


 Đức Cha Alexandre Paul Marie Chabanon

KHO TÀNG VÔ GIÁ

 Đấng đồng sáng lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, vị Cha chung kính yêu của chúng ta. Ngài đã ra đi nhưng hình ảnh và con người của Ngài vẫn sống mãi trong tim những người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Ngài đã để lại cho con cái Ngài một kho tàng thiêng liêng vô giá, mà qua bao đời, bao thế hệ, hết lớp này đến lớp khác, chị em đã được cuốn hút để noi gương bắt chước Ngài và làm sống lại những kho tàng thiêng liêng ấy bằng hành động thiết thực, cụ thể. Để tiếp nối Ngài dấn thân không ngừng trong sứ mạng loan báo Tin Mừng, trong việc giáo dục giới trẻ về văn hóa và đức tin cũng như làm chứng bằng đời sống thánh thiện để Tôn Vinh Thiên Chúa và làm rạng danh Mẹ Maria Vô Nhiễm.

Vậy kho tàng đó là gì? Đó chính là Đặc sủng và Linh đạo của Đức Cha.

Có lẽ là con cái Ngài, không ai trong chúng ta lại không có những khám phá và những cảm nghiệm riêng về linh đạo và đặc sủng của Đức Cha kính yêu của chúng ta. Em xin được cùng với các chị chia sẻ những cảm nghiệm và những khám phá nhỏ bé của em về linh đạo và đặc sủng của Đức Cha và những ảnh hưởng của Ngài trong đời sống dâng hiến của em.

I.Khám phá đặc sủng của Đức Cha Chabanon:

Với khẩu hiệu: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách”, Đức Cha đã diễn tả đặc sủng của Ngài bằng chính cuộc sống của Ngài.

Với tình yêu Chúa Kitô thúc bách, Đức Cha đã đáp lại tiếng Chúa kêu gọi và ra đi lúc còn rất trẻ mới 23 tuổi, để hướng về những tâm hồn ngoại giáo vượt qua bên kia đại dương, một nơi xa xôi, nghèo khổ, mọi rợ của quê hương chúng ta. Vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách Ngài đã dấn thân trọn cả con tim và nghị lực cho quê hương Việt Nam, cho Giáo phận Huế và đặc biệt cho Hội Dòng của chúng ta.

Chính nhờ ơn nhạy cảm với tình yêu Chúa Kitô, Ngài đã gắn bó mật thiết với Chúa Kitô để yêu thương mọi người, để trao ban tình yêu của Chúa cho mọi người bằng hành động thiết thực không phân biệt Pháp – Việt, không phân biệt sang – hèn, không phân biệt lương – giáo.

Những bước đầu đầy gian lao khốn khổ, thử thách, bắt bớ trong sứ mạng mới, nơi môi trường sống mới. Đức Cha đã gắn bó với tình yêu Chúa Kitô trong âm thầm, hy sinh và dấn thân để vượt qua tất cả. Ngài ưu tư nhiều về công việc tông đồ và dấn thân quên mình cho sứ mạng của Chúa Kitô ngay cả khi sức khỏe yếu đến mức nguy kiệt. Ngài đã sống một cuộc sống hao mòn cho tình yêu Chúa Kitô. Suốt 40 năm trong sứ mạng tông đồ, Ngài không một lần trở về quê hương, và chuyến đi cuối cùng đưa Ngài về Pháp cũng là lúc Ngài từ giã cuộc đời.

Quả thật, tình yêu Chúa Kitô đã thúc bách trong trái tim Ngài, để cả cuộc đời Ngài sống chết cho tình yêu Chúa. Chính vì thế, hôm nay đây Ngài đã để lại cho chúng ta một bức tranh sống động, một kho tàng thiêng liêng cao quý về đời sống thánh thiện của Ngài. Đó là nét linh đạo trong đời sống của Ngài. Chúng ta cùng nhau khám phá.

II.Khám phá linh đạo của Đức Cha Chabanon:

  1. Yêu thích ẩn dật và kể mình bằng không:

Một đặc điểm trong con đường thiêng liêng của Ngài là yêu thích ẩn dật và kể mình bằng không. Dù đến từ một nước văn minh, nhưng Ngài không thích những hào nhoáng bên ngoài, không thích đưa đón rước xách, không thích được hầu hạ hay những nghi lễ long trọng bên ngoài. Ngài sống thật nghèo khó: một đôi giày, một đôi tất mạng đi nhiều lần, chiếc áo choàng bạc màu. Ngài cũng dạy chị em rất kỹ về nhân đức khó nghèo, từ bỏ dính bén mọi của cải để tự do phụng sự Chúa trong các tâm hồn.

Ngài còn là vị mục tử quên mình cho đoàn chiên, là người Cha hy sinh trọn vẹn cho con cái, chẳng bao giờ Ngài quan tâm đến bản thân, ngay cả lúc sức khỏe của Ngài đến mức nguy kiệt, Ngài mới đồng ý lên đường chữa bệnh, đó cũng là lúc Ngài đón nhận hơi thở cuối cùng.

Thật sự, Đức Cha đã kể mình bằng không để sống cho Thiên Chúa và con cái của Ngài trong sự ẩn dật, khiêm tốn.

  1. Một con người trầm lặng - tế nhị - khiêm tốn và hiền hòa:

Đức Cha cũng là con người trầm lặng, tế nhị, khiêm tốn và hiền hòa. Đặc điểm này diễn tả con người nội tâm sâu xa của Đức Cha.

Ngài rất ít nói, hay nói đúng hơn là dè dặt trong lời nói. Suy nghĩ đắn đo trước khi quyết định một điều gì. Trong Luật Tiên Khởi Ngài có viết cho chị em: “Hễ đa ngôn thì đa quá.” “Kẻ hay nói nhiều cũng hay lỗi nhiều. Hễ ai muốn làm các việc thờ phượng cho nên, cần phải giữ sự vắng vẻ bên trong, chớ để lòng trí mình tưởng nhớ những điều vô ích, mà sự giữ miệng ở lặng hay giúp cho đặng ở vắng vẻ cô tịch bề trong nhắc lòng trí lên cùng Chúa”(LTK VI).

Ngài rất tế nhị với mọi người, không bao giờ thấy Ngài nói xấu người thân cận. Ngài còn biết cách nói một lời để ngăn chặn một câu chuyện thiếu bác ái. Bên ngoài xem ra Ngài có vẻ lãnh đạm nhưng bên trong tàng ẩn một quả tim vàng.

 Sự hiền lành cũng là nét nổi bật của Cha chúng ta, chẳng bao giờ chị em thấy Ngài nổi nóng, mặc dù chị em thật kém cỏi, ngây ngô. Ngài luôn hiền từ chỉ dạy với tất cả tình thương mến.

  1. Đời sống nội tâm sâu xa:

Tất cả mọi nét nổi bật trong linh đạo của Đức Cha đều xuất phát từ đời sống nội tâm sâu xa của Ngài. Mọi hoạt động của Ngài đều được nung nấu bởi tình yêu Chúa Kitô thúc bách. Ngài sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể và luôn kết hợp với Chúa trong mọi công việc.

Khi huấn luyện các chủng sinh và các nữ tu, Ngài luôn chú trọng đến đời sống kết hợp với Chúa, từ bỏ ý riêng và làm theo ý Chúa. Trong Luật Tiên Khởi, Ngài chỉ dạy chị em phương pháp nguyện ngắm, Ngài nhắc đi nhắc lại việc ở với Chúa, lắng nghe tiếng Chúa phán bảo trong lòng. Lúc Ngài làm Linh mục quản xứ, Ngài chăm lo thánh hóa bản thân của giáo dân. Đối với Ngài, Ngài luôn ý thức rằng thân xác là bình đựng Mình Thánh Chúa. Ngài cũng đặc biệt yêu mến Trái Tim Chúa Giêsu, sùng kính Đức Mẹ và thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Ngài nhắc nhở chị em “Phải tin cậy mến yêu Đức Mẹ, nhận Người làm Mẹ riêng mình, cùng tỏ mình là con Đức Bà thật, chẳng hề đúng bợn nhơ nào, cho nên hằng giữ linh hồn mình cho vẹn sạch cùng yêu chuộng đức sạch sẽ cách riêng.” (LTK I,1)

  1. Con đường nên thánh:

Cuối cùng Ngài đã vạch ra cho chị em một con đường nên thánh cụ thể:

Chịu cho vui lòng những sự khó thường ngày thường gặp, cùng sẵn lòng bỏ đi mà làm các việc bổn phận cho nên, ấy là mến Thánh Giá cùng thông phần Thánh Giá Chúa Giêsu” (LTKI,1).

 Có lẽ nếu đi vào từng chi tiết của cuộc sống Ngài, chúng ta không thể kể hết những nét linh đạo cao quý mà Ngài đã để lại cho chúng ta. Chúng ta hãy tiếp tục học hỏi Ngài, để yêu mến Ngài hơn và tiếp tục chia sẻ cho nhau những cảm nghiệm của chính mình về Đấng Tổ Phụ của chúng ta.

 III. Ảnh hưởng của Đức Cha trong đời sống dâng hiến của em trong tư cách người con Đức Mẹ Vô Nhiễm:

Là Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, em cảm thấy mình cũng được thông phần vào linh đạo và đặc sủng của Mẹ, của Hai Đấng Sáng Lập, đó là được thông phần vào ơn nhạy cảm với Đức Cha đối với tình yêu Chúa Kitô. Em luôn ý thức cùng với Hội Dòng đón nhận sứ mạng qua Hai Đấng Sáng Lập: đem niềm tin và ơn cứu độ đến cho muôn dân, đặc biệt qua việc giáo dục giới trẻ trong tinh thần Kitô Giáo.

 Dù chỉ những cảm nhận ít ỏi, nhưng đặc sủng và linh đạo của Đức Cha khắc ghi trong trái tim em. Chiêm ngắm Đức Cha với đời sống thánh thiện của Ngài, với những nét linh đạo thật cao quý, làm cho em cũng tự hào được làm con của Đức Cha và ước ao noi gương bắt chước ngài.

  • Ước ao bắt chước ngài say yêu trái tim Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
  • Ước ao nên giống ngài trong sự ẩn dật, khiêm tốn.
  • Ước ao cùng với ngài dấn thân trọn vẹn trong thầm lặng, hiền hòa và bác ái.
  • Ước ao được sống gắn bó với ngài để nhờ lời cầu bầu của ngài, em mãi mãi trung thành với Chúa, với Hội Dòng.

Càng học biết Đức Cha, em càng kính phục và yêu mến ngài. Đồng thời quyết tâm duy trì những kho tàng thiêng liêng cao quý mà Đức Cha đã để lại cho Hội Dòng, cũng như cho chính bản thân em.

Linh đạo của Đức Cha cũng vạch ra cho em con đường nên thánh thật rõ ràng và cụ thể theo tinh thần người con Đức Mẹ Vô Nhiễm là:

  • Chu toàn bổn phận hằng ngày với tinh thần hy sinh từ bỏ.
  • Chịu cho vui lòng những sự khó thường ngày, thường gặp.

Đây là điều em thường suy niệm và quyết tâm thực hiện như con đường nên thánh mà Chúa mời gọi em trong tư cách người con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Khi nhìn đến tinh thần tông đồ của Đức Cha: rời bỏ quê hương từ lúc còn rất trẻ 23 tuổi, ra đi đến một nơi xa xôi, nghèo khổ không biết đến tương lai. Ngài đã sống suốt cuộc đời hy sinh, dấn thân trọn vẹn cho sứ mạng loan báo Tin Mừng Chúa cho đến hơi thở cuối cùng, cũng giúp em nhìn lại tinh thần tông đồ của chính mình. Đồng thời mời gọi và thúc đẩy em phải dấn thân hơn trong sứ mạng truyền giáo. Đặc biệt trong thời điểm hôm nay lời mời gọi của Đức Thánh Cha trong sứ mạng truyền giáo càng thôi thúc em nhiệt thành, và hăng say hơn bằng hành động thiết thực cụ thể qua lời cầu nguyện, Chuỗi Mân Côi và chu toàn bổn phận với tinh thần hy sinh từ bỏ.

 KẾT LUẬN:

 Khám phá ra những nét đặc sủng và linh đạo của Đức Cha cũng giúp em được tác động và biến đổi. Đồng thời mời gọi em làm chứng về Đức Kỉtô bằng kinh nghiệm thâm sâu của chính mình.

Chính việc canh tân liên tục là nguồn mạch tăng trưởng cho chính chúng ta trong đời sống dâng hiến. Là Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, em không thể không thấm nhuần tinh thần và đặc sủng của Mẹ cũng như của Hai Đấng Sáng Lập, để trở nên những người con thánh thiện, những chứng nhân của Chúa Giêsu Phục Sinh, những tông đồ được nung nấu bởi tình yêu Chúa Kitô thúc bách, những chứng nhân cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy cùng nhau học sống và noi gương Đấng Tổ phụ của chúng ta. Ước gì những cảm nghiệm nhỏ bé của mỗi chị em góp nên những kinh nghiệm thiêng liêng cao quý thúc đẩy chúng ta trong cuộc sống dâng hiến. Để chúng ta được cùng nhau sống lại bầu nhiệt huyết yêu mến Chúa và Mẹ Maria của Đấng Tổ Phụ của chúng ta, và nhờ lời cầu bầu của ngài, chúng ta sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu hơn, yêu mến Mẹ hơn và xứng đáng là con cái của ngài hơn.

Thục Uyên -FMI