Bài Giảng Lễ Giỗ Đức Cha Allys - Lý, ngày 23.04.2015

BÀI GIẢNG LỄ GIỖ ĐỨC CHA ALLYS (LÝ) Ngày 23/04/2015 Cv 8,26-40; Ga 6,44-51 Kính thưa…, hôm nay, cả hai Hội Dòng; Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và...


BÀI GIẢNG LỄ GIỖ ĐỨC CHA ALLYS (LÝ)

Ngày 23/04/2015

Cv 8,26-40; Ga 6,44-51

Kính thưa…, hôm nay, cả hai Hội Dòng; Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và Dòng Thánh Tâm, quy tụ về đây để dâng Thánh Lễ Tạ Ơn và cầu nguyện cho Đức cha Tổ Phụ ALLYS (Lý), nhân Lễ giỗ lần thứ 79 của ngài. Quả thật, đây không phải là dịp để chị em chúng ta tưởng nhớ Đức Cha như một vị anh hùng hào kiệt, hay như một vị cứu tinh nào đó… Nhưng, đây là dịp để chị em chúng ta tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa, là dịp để báo hiếu Đấng Sinh Thành, và cũng là dịp trở về với cuội nguồn của mình để duy trì căn tính, để siết chặt mối hợp nhất gia đình và tăng thêm cho các phần tử ý thức mình thuộc về con cùng một Cha. Với ý nghĩa đó, giờ đây, cộng đoàn cùng với tôi suy gẫm một vài ý tưởng sau:

Thứ nhất, Thiên Chúa sắp đặt cơ hội để chị em chúng ta được sinh ra. Thật thú vị thay, chị em chúng ta lại gặp thấy hình ảnh Đức Cha Tổ Phụ nơi Phó tế Phi-lip-phê, trong bài đọc I. Ông được Thiên Chúa, qua Thiên sứ, mời gọi: "Đứng lên, đi về hướng nam…, dọc theo con đường vắng" (Cv 8,26).  Đúng vậy, vì lòng yêu mến mọi người, nhất là những người còn ngồi trong bóng tối của đói nghèo, của thất học, và tội lỗi, những người chưa được ánh sáng của Đấng Phục Sinh soi chiếu, tựa như viên thái giám người Ê-thi-óp, cho nên, Đức Cha đã rời bỏ quê hương để đến với miền đất xa lạ xứ Huế này. Rõ ràng, sự quyến rũ của Thánh Thần và lòng yêu mến mọi người của Đức Cha đã không thể ngăn cản lòng nhiệt thành, sự hăng say và niềm vui trong việc loan báo Tin mừng Phục Sinh cho mọi người. Vì thế, tựa như Phó tế Phi-lip-phê, Đức Cha đã mau mắn "tiến lên, đuổi kịp xe của viên Thái giám" (x. Cv 8, 29).

Hơn nữa, vì tình yêu và lòng quảng đại, Thiên Chúa, trong Thánh Thần, đã kêu gọi Đức Cha Allys đi theo sát gót Đức Kitô, để chuyển dịch Tin mừng ra một lối sống đặc thù, để đọc các dấu chỉ của thời đại với con mắt đức tin, và để đáp ứng những nhu cầu của Giáo hội Việt Nam, cách riêng là Giáo phận Huế, một cách sáng tạo. Nhờ đó, hai Hội Dòng chị em chúng ta đã được sinh ra trên mãnh đất xứ Huế mộng mơ này. Quả thật, qua Đức Cha, Thiên Chúa đã chọn nơi này để làm nơi "chôn nhau cắt rốn" cho hai người con thân yêu của Ngài. Như vậy, ưu tư của Đức Cha, nay đã trở thành cơ hội để chị em chúng ta được sinh ra.

Thứ hai, Thiên Chúa nhào nặn và uốn nắn chị em chúng ta thành người, thành môn sinh của Ngài, bằng lòng thương xót và sự hướng dẫn của Thánh Thần, ngang qua bàn tay của các vị tiền bối, và được diễn tả qua chính lịch sử phát triển của mỗi Hội dòng. Quả thật, mỗi Hội Dòng đều có một lịch sử phát triển, tuy gắn liền với những thăng trầm của đất nước, của Giáo hội, nhưng nhờ Thấn Thần soi dẫn, và sự khôn ngoan của các tiền nhân, vẫn tạo ra những thể thức mới để thể hiện đặc sủng, những sáng kiến và những lối diễn tả lòng bác ái tông đồ mới mẻ. Nhờ đó, mỗi Hội Dòng tựa như hạt giống trở thành một cây lớn với nhiều cành lá sum sê, tựa như chim hải âu, vươn cánh bay ra đại dương mênh mông.

Lịch sử ấy không hoàn toàn là nhung lụa gấm vót, mà thậm chí, có lúc tưởng chừng như bị cắt đứt, bị chết ngộp và xóa sổ… Song vì có sự hiện diện của Đấng Phục Sinh, cho nên, lịch sử ấy vẫn là những trang sử huy hoàng, đáng để các thế hệ nối tiếp, tiếp tục viết. Thật vậy, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Vita Consecrata, viết: "Anh chị em không chỉ có một lịch sử huy hoàng để nhớ lại và tường thuật, mà còn có một lịch sử oai hùng cần viết nên! Hãy nhìn về tương lai, nơi mà Thánh Linh đã dự định thực hiện cùng với anh chị em những điều trọng đại hơn nữa” (VC, 110).

Thứ ba, Thiên Chúa nuôi sống chị em chúng ta bằng chính Lời Hằng Sống và Thánh Thể Tình Yêu. Đây không chỉ là nguồn lương thực nuôi sống chi em chúng ta mỗi ngày, mà còn là dấu chỉ tình yêu, mối dây hiệp nhất, và là động lực thúc đẩy chị em chúng ta loan báo Đấng Phục Sinh cho mọi người. Chẳng phải, Đức Cha Tổ Phụ đã dành trọn đời mình để yêu mến Thánh Thể, khiêm tốn và bác ái với mọi người, cũng như yêu mến các linh hồn đó sao! Trong tông thư gửi cho những người sống đời thánh hiến, nhân dịp năm đời sống thánh hiến,  Đức Thánh Cha Phanxicô thách thức các Tu sĩ: "Chúng ta có để cho Tin mừng chất vấn không? Tin mừng có phải là 'sổ tuỳ thân' cho cuộc sống hằng ngày và cho những lựa chọn của mình không? Đọc và suy gẫm Tin mừng ư! Chưa đủ! Nhưng hãy làm cho Tin mừng được hiện thực, hãy sống lời của Chúa."

Song song với Lời Hằng Sống là Mình Máu Chúa. Giáo hội dạy: "Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu" (LG, 11). Vì thế, mọi hoạt động tông đồ của Giáo hội đều quy hướng về và liên kết chặt chẽ với Hy tế Thánh thể. Thật vậy, khi cử hành và đón nhận Mình Máu Chúa, chúng ta được mời gọi trở nên tấm bánh Giêsu, để nuôi dưỡng một thế giới đang rất đói, và rất khát tình yêu; một thế giới đang cần đước Mình Máu Chúa nuôi dưỡng. Thật thế, Đức Giêsu, trong bài Tin Mừng, tuyên bố: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi ban, chính là Thịt Tôi, để cho thế gian được sống" (Ga 6,51).

Cũng vậy, mỗi thành viên trong Hội Dòng sẽ là tấm bánh được bẻ ra để chia sẻ sự sống yêu thương, nối kết các phần tử trong cộng đoàn và cả nhân loại thành một cộng đoàn huynh đệ, một gia đình của Thiên Chúa. Nhưng, để trở thánh tấm bánh Giêsu, nuôi dưỡng cộng đoàn và thế giới trong sự thật, niềm vui, niềm hy vọng và tình thương, chúng ta phải mặc lấy chính Đức Giêsu, tức là mặc lấy lòng thương xót, sự khiêm nhượng và hiền lành của Người.

Kính thưa…, như vậy, thiết nghĩ rằng, đã quá đủ, quá dư lý do để chị em chúng ta tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa, cũng như tưởng nhớ và báo hiếu Đấng Tổ Phụ. Nhưng, có lẽ, điều đẹp lòng Thiên Chúa nhất, và xứng đáng báo đền Đấng Sinh Thành nhất, đó là chị em chúng ta hãy sống giây phút hiện tại cách say mêhãy hướng đến một tương lai với niềm hy vọng, để viết nên những trang sử mới và tô đẹp vườn hoa thiêng liêng của Giáo hội. Đấy cũng là mục tiêu mà Giáo hội ước mong nơi mỗi chị em chúng ta, nơi mỗi cộng đoàn sống đời thánh hiến.

Ước gì chị em chúng ta làm được như vậy. Amen.

 Tu sĩ  Phó tế Gioan Baotixita Nguyễn Ái. CSC.