Tâm sự với Cha yêu !

Lạy Đấng Tổ Phụ, người Cha kính yêu của con! “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Mặc dù khi con được sinh ra và lớn...


Lạy Đấng Tổ Phụ, người Cha kính yêu của con!

Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Mặc dù khi con được sinh ra và lớn lên trong Hội Dòng này, con không còn diễm phúc được thấy mặt người Cha dấu ái của mình nữa. Nhưng hôm nay, những ngày cùng với chị em quay trở về với cội nguồn, con có cảm giác như được sống trong bầu khí của một gia đình ruột thịt thân thương. Nơi mà cứ hằng năm đến ngày Giỗ Tổ, con cháu lại cùng về sum họp, quây quần bên nhau để ôn lại những truyền thống tốt đẹp, những ước muốn của tổ tiên và tìm cách giữ gìn, bảo tồn, phát huy gia sản quý báu đó... Tuy nhiên, sống trong một xã hội thực dụng, nơi mà con người chỉ muốn khám phá, tìm kiếm và bị lôi cuốn bởi những cái mới lạ hấp dẫn, việc tìm lại những giá trị cội nguồn của mình đâu còn mấy ai quan tâm, mà ngược lại còn cho đó là những gì đã lạc hậu và đời tu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng này. Vì vậy, ước gì mỗi khi được sống lại với những kỷ niệm, với những tâm tình của Cha qua Linh Đạo và Đặc sủng Cha để lại cho Hội Dòng, chúng con như được thông truyền thêm nguồn sinh khí mới cho ơn gọi của mình.

  • NGHĨ VỀ CHA:

Tình yêu Chúa Kitô thúc bách”, làm chiếu tỏa nơi Cha một đời sống nội tâm sâu sắc, được thể hiện bằng cuộc sống “Yêu thích ẩn dật và kể mình bằng không” của Cha, là hình ảnh tuyệt đẹp đã in vào tâm trí con và là một nguyên động cho lý tưởng sống mà con muốn dấn thân. Linh đạo ấy chắc chắn chỉ có thể được, khi tâm hồn Cha luôn hướng về Chúa thật thâm sâu chí thiết trong cầu nguyện như chính Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta cũng đã cảm nhận: “Thật không thể nào dấn thân trong công việc tông đồ nếu không có tâm hồn cầu nguyện”, “lời cầu nguyện mở rộng tâm hồn cho đến mức độ rộng lớn đủ để có thể tích chứa sự cho đi chính mình”, “hãy cầu nguyện để có thể hiểu Chúa Giêsu yêu thương chúng ta như thế nào, và để có thể yêu thương kẻ khác giống như vậy”... “Lời cầu nguyện trọn hảo không hệ tại ở nhiều lời, nhưng hệ tại ở sự sốt sắng của ước muốn chạm tới con tim của Chúa Giêsu”... ( Mẹ Thánh Têrêxa thành Calcutta Vị Tông đồ bác ái, số 4).

Như lời chị Léocardi Trương Thị Thuần kể rằng mỗi khi qua Dòng, Cha hay cúi đầu hơi nghiêng nghiêng nhìn chăm chỉ xuống đường, dường như đang thâm trầm cầu nguyện. Lúc ai chào, Cha ngẩng đầu lên và mỉm cười thật dễ thương!... Nhưng việc cầu nguyện đâu có thể có, nếu không yêu mến sự thinh lặng như Cha đã dạy chị em chúng con: “Hễ ai muốn làm các việc thờ phụng Đức Chúa Trời cho nên, thì cần phải giữ sự vắng vẻ bề trong, chớ để lòng mình tưởng lo ước mơ những điều vô ích. Mà sự giữ miệng, ở lặng giúp ta ở vắng vẻ tịch mạc bề trong, nhắc trí nhắc lòng lên cùng Chúa” (LTK chương VI). Song Cha đâu chỉ khuyên dạy người khác bằng lời nói suông, mà trước tiên Cha đã minh chứng cụ thể bằng chính cuộc sống thiết thân với Chúa, nhiệm nhặt nơi bản thân và hết mình cho người khác. Đúng thế, trong mỗi công việc dù lớn hay nhỏ, tất cả Cha đều chỉ vì và đều quy về lòng yêu mến Chúa mà thôi. Trong âm thầm khiêm tốn, Cha đã dấn thân với trọn cả con tim và nghị lực, không làm nửa vời nhưng làm cho đến kiệt lực, bình tĩnh, tận tâm, chu toàn bổn phận mà không sợ dư luận hay phê phán bác bỏ. Chính vì vậy, tuy học rộng, uyên bác, sâu sắc, đa năng... Cha đã không để bị “đánh mất mình” trong sự khoe khoang, danh dự, hào nhoáng bên ngoài chóng qua.

Cha ơi! quả thật Cha là một vị Mục Tử tuyệt vời! Nhiều khi con ước chi mình được gặp Cha dù chỉ một lần thôi, để lắng nghe từng lời nói của Cha, để thấy được từng cách ứng xử của Cha cũng mãn nguyện rồi. Vì khi được tiếp xúc với Cha, chắc không ai có thể quên được hình ảnh dịu dàng tế nhị, với những lời nói vắn gọn, đơn sơ chân thành đượm tình người của Cha. Đồng thời không thể không cảm phục những lời lẽ nơi Cha thật phù hợp, thâm sâu, xác đáng, đàng hoàng, không có chi dư thừa đáng trách. Nhất là không dễ làm ai thất vọng, ngoại trừ trong việc huấn luyện các tâm hồn đôi khi Cha hơi nghiêm khắc và đòi hỏi, nhưng đầy tình thương của một người cha và một người mẹ...

  • ĐIỀU CON MUỐN ....

Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.

Thực vậy, “ĐỜI SỐNG NỘI TÂM” chính là một báu vật quý giá nhất Cha đã trao lại cho người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và cho chính riêng con. Con yêu thích vô cùng! Vì sự thiết yếu của nó không thế thiếu được trong cuộc đời dâng hiến mà con đã lựa chọn. Người nữ tu phải làm nổi bật được chiều kích tâm linh từ nơi tư tưởng, ý muốn cho đến mọi lời nói, hành động... nghĩa là trong từng nhịp đập của trái tim mình. Đời sống ấy chỉ được nuôi dưỡng từ “Tình yêu Chúa KiTô thúc bách”, bằng việc chuyên chăm cầu nguyện, thường xuyên chiêm ngắm, liên lĩ kết hiệp và sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhưng đời sống nội tâm ấy sẽ được biểu hiện như thế nào ? Đó chính là sự phản ứng bằng nội tâm, do chính nội tâm điều khiển chứ không lệ thuộc vào những cái phù vân bên ngoài, như Cha đã làm gương cho chúng con. Chính nhờ phản ứng nội tâm này, sẽ giúp con bình tâm trước mọi biến cố, biết kiên nhẫn tìm Thánh Ý Chúa và sẵn sàng đón nhận trong yêu mến, trong vâng phục và lòng biết ơn... Đồng thời, cũng nhờ đó mà con mới có thể đặt vào trong mọi công việc một ý hướng ngay lành, dễ gần gũi các tâm hồn, mới đem lại bình an và sự hiệp nhất cho cộng đoàn huynh đệ được...

Cha ơi! nhiều lúc con không thể nghĩ tưởng được rằng “sao Cha của mình lại có một sức mạnh đến thế?” Khi phải đối diện với bao nhiêu điều trái ý, cực lòng trong trách nhiệm mục tử của mình mà lại chẳng bao giờ thấy Cha nổi nóng hay bất bình về vấn đề gì hoặc về ai, nhất là không bao giờ nghe Cha nói điều xấu của một người nào. Như lời Cha đã dạy chúng con: “Chẳng có gì phá hoại đức thương yêu nhau cho bằng sự gièm siểm như vậy, là khi nghe chị này nói về sự lỗi của chị kia, liền đi mách lại với kẻ ấy, người nào nhạy miệng hay nói gièm siểm như vậy, thật là kẻ thù gieo sự bất thuận giữa chị em” (LTK, chương VIII, phần A, số 3).

Tại sao? Và nhờ đâu? Chắc hẳn đó là nhờ đời sống thiết thân gắn bó với Đức Kitô, nhưng không chỉ có thế mà còn bằng cả một chuỗi ngày tháng dày công tập luyện, Cha mới có được một nhân đức phi thường ấy. Khi được học hỏi, cầu nguyện và suy nghĩ nhiều về nhân đức này của người Cha kính yêu, từ trong thâm sâu lòng con rất hối hận vì “mình chưa giống Cha” chút nào cả, nhưng bên cạnh đó lại trào dâng một niềm vui là mình vẫn có thể  “bắt đầu tập luyện” ngay từ hôm nay mà! Với ý thức và những quyết tâm đó, con bắt đầu dần dần kiểm soát được những phản ứng nóng nảy, bực bội, phàn nàn, than thở, khó chịu, trước những trái ý trong cách ứng xử của bản thân. Lúc đầu, con thấy rất khó chấp nhận nhân đức này với suy nghĩ: làm sao lại có thể bỏ qua được, khi “ai đó lại có thể quên những nguyên tắc đã thống nhất với nhau, hoặc lại coi thường những điều đã hứa sao?” Ít nhất là phản ứng nhăn nhó hay cằn nhằn vài lời: “phải cho họ biết lỗi  chứ”! Cha thấy đó, con tệ quá! Nhưng sau đó, càng hiểu về Cha của mình, con lại thấy càng xấu hổ. Thật vậy, trong đời sống chung, không thể tránh khỏi những điều cực lòng, cho dù nhiều lúc là tự chính con gây nên, nhưng gương sống của Cha đã giúp con có một sức mạnh để kiềm chế về lời nói và phản ứng của mình hơn trước kia, nhất là không kéo dài sự bức xúc ấy lâu nữa. Vì con nghĩ rằng mỗi khi phiền trách chị em về một điều gì, là chính lúc con tự đặt mình cao hơn chị em, tự xem mình hoàn hảo hơn và như thế là coi thường chị em rồi...  điều đó Chúa không muốn nơi hiền thê của Ngài, vì sẽ còn đâu nữa ý nghĩa của lời thưa: “Này con đây là tỳ nữ Chúa”. Đồng thời, con thấy mình sẽ phải trả giá cho những kết luận vội vàng, vì con đâu có thể biết được tất cả những ẩn khuất trong tâm hồn chị em, đâu nhận định được tường tận những nguyên nhân sâu xa nơi mỗi sự kiện... Qua đây, con càng thấm thía hơn nữa về điều Cha đã muốn chúng con: “Thương yêu nhau là yêu thật trong lòng chớ không phải có bộ tình nghĩa bề ngoài mà để lòng hiềm khích người nọ chẳng ưa người kia đâu. Vả tình yêu ấy thì phải tỏ ra lời nói, nơi mặt mày cùng trong việc làm. Phải nói cho hòa nhã dịu dàng, chớ nói lời gì châm chích cay đắng, huống nữa là không nên mắng mỏ, cãi cọ trách móc, nói hành, đừng ở khó mặt nhăn mày, nhún môi mà tỏ sự không bằng lòng với ai ... Phải sẵn sàng giúp nhau, nhất là những khi có việc gì khó nhọc, hèn hạ ...” (LTK, chương VII, phần A, số 2).

Thưa Cha !

Những tu sĩ trẻ chúng con trong thời đại hôm nay đã quá khẳng định về chính mình, tự cho mình là “mặt trời chính ngọ” chiếu sáng một cõi, vì thế, vừa dễ bất bình trong mọi vấn đề trái ý, vừa khó lắng nghe, khó đón nhận lời chỉ dạy của những người trách nhiệm và kinh nghiệm. Ngược lại, do chính sự bướng bỉnh, tự ái của chúng con đã dễ làm cực lòng người khác trong khi lại thiếu nhạy bén đủ để nhận ra thiếu sót của mình. Cha ơi! Do đó, con thấy rằng việc tập bình thản đón nhận mọi sự, mọi biến cố với một đức ái cao độ, với một lòng hiền lành khiêm nhường thật sự đã là khó, nhưng còn khó hơn bội phần khi phải luôn chú ý, phải cố gắng để đừng gây cớ cho chị em đau khổ và bất bình...

Lạy Cha kính yêu!

Nghĩ về Cha, nói đến Cha và tâm sự với Cha bao nhiêu cũng không thỏa lòng con ... lúc này, con chỉ biết gói trọn tất cả tâm tình trong lòng tri ân Tình yêu Thiên Chúa và Mẹ hiền Vô Nhiễm. Cảm tạ Chúa đã cho con được hiện diện trên cuộc đời này nhờ giọt máu và bao công ơn của người cha ruột thịt đã hy sinh cả việc gặp mặt con trong giây phút cuối cùng khi từ giã cõi đời, chỉ vì ước nguyện cho con sống trọn vẹn và hết mình trong ơn gọi. Nhưng con cảm tạ Chúa hơn khi con lại được sinh ra một lần thứ hai qua Hội Dòng mà Hai Đấng Tổ phụ đã cưu mang và nuôi dưỡng. Còn hạnh phúc nào hơn nữa! Khi con cảm nghiệm rằng lời khuyên dạy của Cha để lại qua từng nét chữ trong Luật sống lại là phương thế, là con đường dìu bước con NÊN THÁNH ...

Ngày nay, được hưởng Nhan Thánh Chúa, xin Cha thương hộ phù Hội Dòng chúng con, đặc biệt trong sứ mạng truyền giáo của thiên niên kỷ mới này. Xin cho chúng con luôn kết hiệp gắn bó thiết thân với Chúa Thánh Thể, luôn biết lắng nghe Chúa Thánh Thần, ngoan ngoãn hiếu thảo với Mẹ và hết mình dấn thân yêu mến các linh hồn trong sứ mạng của mình ....

                                                                                               Suối nhỏ - FMI

Kỷ nệm 130 năm Sinh nhật ĐC. Chabanon - 2003