Theo chân hai Đấng Sáng Lập

Như bao chị em khác, em cũng đã nhiều lần thốt lên: “Ước chi em được thấy và sống với hai Đức Cha Sáng Lập Dòng!” Đôi nét chấm phá...


Như bao chị em khác, em cũng đã nhiều lần thốt lên: “Ước chi em được thấy và sống với hai Đức Cha Sáng Lập Dòng!” Đôi nét chấm phá về chân dung đời sống của hai Đức Cha trong cuốn tiểu sử làm sao quý bằng điều mình thấy tận mắt phải không các chị ? Ông bà xưa thường nói: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.” Bây giờ lời nói cũng không nghe, gương tốt cũng không thấy nhưng đời sống của em phần nào đã được ảnh hưởng từ những trang sử viết về hai Đấng Tổ Phụ kính yêu. Nhìn lại hành trình ơn gọi, điều mà em được tác động mạnh mẽ nhất là lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể nơi hai Đức Cha Sáng Lập Dòng.

Câu nói bất hủ của Đức Cha Allys mà bao con cái của ngài, ai cũng ghi tâm khắc cốt: “Ngày nào ra trước toà phán xét tôi chỉ sợ hai điều: một là khi còn sống đã không yêu mến Thánh Thể cho đủ, hai là không hết tình cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục.” Còn Đức Cha Chabanon, tuy sử Dòng không đề cập cách rõ nét ngài yêu mến Thánh Thể như thế nào, nhưng viết rằng: “Đức Cha có đời sống nội tâm sâu sắc.” Một đời sống như thế chắc chắn phải xuất phát từ một tâm hồn yêu mến và gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể. Thật vậy, Đức Cha Allys, trong thời gian làm cha xứ, sau giờ đọc kinh chung với giáo dân ban tối, ngài thường ở lại chầu Thánh Thể rất lâu. Lúc bị mù loà hưu trí, ngài thường ở trong nhà thờ suốt buổi chiều để cầu nguyện và chầu Thánh Thể. Một hình ảnh rất đẹp và là một gương sáng cho em trong đời sống thánh hiến và nhất là khi làm việc tông đồ. Còn Đức Cha Chabanon, khi huấn luyện các chủng sinh và các nữ tu, ngài chú trọng đến đời sống kết hợp với Chúa, từ bỏ ý riêng và làm theo ý Chúa. Con người của ngài cũng chiếu toả một đời sống nội tâm sâu xa thâm thuý. Ngài lấy câu gương phúc: “Yêu thích ẩn dật và kể mình bằng không” làm châm ngôn cho đời sống thiêng liêng của ngài. Trong Luật Tiên Khởi của Dòng, ngài nhắc đi nhắc lại việc ở với Chúa, lắng nghe tiếng Chúa phán bảo trong lòng. Ngài xác tín việc tông đồ phải xuất phát từ một đời sống kết hợp với Chúa. Ngài là một con người trầm lặng và ngài năng nhắc nhở chị em sống trầm lặng để kết hợp với Chúa.

Suy ngẫm những điều này, em cảm nghiệm hai Đức Cha như một lần nữa lặp lại lời trăn trối của Chúa Giêsu khi lập bí tích Thánh Thể: “Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” Đối với em, làm việc này có nghĩa là yêu mến Chúa Giêsu hiện diện trong phép Thánh Thể. Vì là lời trăn trối nên nó mang tính thánh thiêng, quan trọng, buộc phải sống và được lưu truyền qua các thế hệ. Theo gương hai Đức Cha, em ý thức hơn về lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể trong năm tập giáo quy. Năm đó Giáo Hội chọn làm Năm Thánh Thánh Thể, em thật hạnh phúc và xin hai Đức cha cầu nguyện cho em có tâm hồn yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể như các ngài. Với ơn Chúa, từng bước cố gắng, em cảm thấy mỗi ngày em khao khát đến với Chúa Giêsu Thánh Thể nhiều hơn và hiện diện lâu giờ một cách thâm sâu. Em nhớ mãi một kỷ niệm, có một đêm em mơ thấy máu từ Nhà tạm chảy ra rất nhiều. Tỉnh giấc, em chạy đến sát chân Nhà tạm xem sao và em nghe Chúa nói: “Hãy ở lại với Chúa để cầu nguyện cho những người phá thai.” Nhìn đồng hồ thì gần 2 giờ sáng, em đã thức chầu Chúa đến sáng. Cũng từ giấc mơ đó, em quyết tâm chầu Chúa sau giờ cơm trưa mỗi ngày để cầu nguyện cho những người phá thai. Bây giờ nghiệm lại, có lẽ nhờ trung thành với việc thiêng liêng đơn sơ nhỏ bé này mà Chúa đã gìn giữ em bền đỗ cho đến hôm nay.

Bất cứ ở đâu, em luôn xác tín Chúa Giêsu Thánh Thể là chủ nhà và trọng tâm của đời sống. Vì thế, mỗi khi đến thăm cộng đoàn nào, em luôn có thói quen vào nhà nguyện chào Chúa. Và trước khi đi học, hoặc khi đi gặp khách, hoặc đi thăm người nào, hoặc trước khi đi đồng hành và cả lúc đi học về, em luôn đến chào Chúa và xin Chúa cùng đi với em. Suốt ngày sống, em kết hiệp với Chúa bằng việc rước lễ thiêng liêng. Nhớ lại những năm ở sở, đôi lúc công việc bề bộn, không đủ giờ chầu, lòng yêu mến Chúa đã giúp em nảy sinh sáng kiến: giờ chầu Thánh Thể của em là tìm nhiều dịp đi ngang nhà nguyện. Mỗi lần đi ngang, em cúi đầu chào Chúa và thì thầm với Ngài: “Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con yêu mến Chúa. Xin Chúa chúc lành cho con và cho mọi người.” Những lúc rỗi việc, nhất là khi gặp sự khó em luôn tìm đến Chúa Giêsu Thánh Thể để trút hết tâm sự với Ngài. Đến cộng đoàn nào có Chúa Giêsu Thánh Thể ở chung một nhà, em cảm thấy rất yên tâm và hạnh phúc. Giây phút cuối ngày, Chúa là điểm tựa cho em trải lòng ra với Ngài, dâng cả ngày sống cho Chúa trước khi đi ngủ.

Như hai Đức Cha Sáng Lập Dòng, em luôn thao thức muốn giúp cho nhiều người được biết Chúa và yêu mến Chúa. Có lẽ vì thao thức này mà Chúa đã thương gởi em đến phục vụ tại những cộng đoàn chuyên lo việc xã hội. Năm em tập II, đi sở Thuỷ Yên, em được chăm sóc 14 em khuyết tật. Mỗi sáng đón các em về cộng đoàn, em bồng và dẫn các em vào nhà nguyện chào Chúa. Rồi giờ tập cho các em đi, em luôn dẫn các em vào nhà nguyện để xin Chúa chữa lành cho các em. Ở Xuân Phương cũng vậy, em có cơ hội chăm sóc các trẻ mồ côi và các em nhỏ con nhà nghèo. Mỗi chiều trước khi các em đến trường, em hướng dẫn các em chầu Thánh Thể. Còn các bé Bêbê, em ẵm từng cháu tới sát Nhà tạm, cầm tay của bé sờ vào Nhà tạm chào Chúa, thay lời bé để cầu nguyện cho bé và gia đình của bé. Có lẽ với việc làm đơn sơ, âm thầm này mà Chúa đã thương cho một số gia đình của các cháu xin theo đạo.

Thánh Thể là một mầu nhiệm của Tình Yêu dâng hiến. Với châm ngôn sống: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách” và “Tôi yêu thương mọi người”, hai Đức Cha Sáng Lập Dòng đã thể hiện lòng yêu mến Thánh Thể qua việc dấn thân phục vụ đoàn chiên, cách riêng là tấm lòng của những người cha hiền đối với Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Với đặc sủng yêu mến, em luôn ý thức và cố gắng sống ơn gọi của Hội Dòng trong mọi môi trường, đặc biệt tại Viện Thần Học ICLA- Philippines, một môi trường cần gương sáng về lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và tình yêu đối với tha nhân. Những ngày đầu tiên đặt chân trên một đất nước khác, em rất ngỡ ngàng và không khỏi lo sợ: phải thích nghi với môi trường mới, phải sống với những “người bạn” xa lạ, phải học một ngôn ngữ thứ hai… tất cả được giải bày trước Chúa Giêsu Thánh Thể, một người bạn đồng hành ngày lại ngày rất thân quen và gần gũi.

Qua những trải nghiệm trong đời sống, em xác tín hơn rằng: Chúa Giêsu Thánh Thể sống động thật! Và “Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống dâng hiến.” (LS  ) Để có được một đời sống thánh thiện và một tinh thần phục vụ yêu thương thì trước hết phải yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Như Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, trong sứ điệp gởi cho những người sống đời thánh hiến nhân ngày thế giới cầu cho ơn gọi 29/4/2012, ngài nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của việc mục vụ ơn gọi sẽ là mang lại những đường hướng chỉ đạo cho một hành trình có hiệu quả. Một yếu tố trọng tâm sẽ là tình yêu đối với Lời Chúa, bằng cách vun trồng một sự quen thuộc ngày càng gia tăng với Thánh Kinh, và một đời sống cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn chăm chú và kiên trì, để có thể lắng nghe tiếng gọi của Chúa giữa biết bao tiếng nói đang chiếm đầy đời thường. Nhưng trên hết, Thánh Thể phải là “ trung tâm sống còn” của mọi hành trình ơn gọi : chính ở đó mà tình yêu của Thiên Chúa nối kết chúng ta trong hy lễ của Chúa Kitô, sự diễn tả hoàn hảo của tình yêu, chính ở đó mà chúng ta luôn học biết thêm nữa sống theo “mức độ cao” của tình yêu Thiên Chúa. Như thế, Lời Chúa, cầu nguyện và Thánh Thể là kho tàng quý giá giúp cho hiểu vẻ đẹp của một cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho Nước Thiên Chúa.”   

M.Madalena Thuần Lương, FMI