Theo dấu chân cha

Trong cuộc đời mỗi người chắc hẳn ai cũng có những kỷ niệm hay những ký ức đẹp về một người đã từng đi qua và thay đổi cuộc đời...


Trong cuộc đời mỗi người chắc hẳn ai cũng có những kỷ niệm hay những ký ức đẹp về một người đã từng đi qua và thay đổi cuộc đời mình. Những dấu chân ngang qua đó mãi luôn in sâu trong tấm lòng của ta. Cũng vậy, hôm nay vẫn còn đó bước chân của người Cha Sáng Lập yêu quý đã đi ngang qua mảnh đất Huế này, những bước chân in đậm và sâu.

Hình ảnh “dấu chân” được chị Bề Trên trong thư tháng Đấng Sáng Lập nhắc đến đã khơi lên trong lòng tôi một cái nhìn mới về những bước chân truyền giáo của người Cha.

Nghĩ về những dấu chân có lẽ là một đề tài khá mới với riêng tôi, đặc biệt trong thời gian Hội Dòng bước vào năm thánh 100 năm. Phải, Đấng Sáng Lập đã đi và đã để lại những dấu chân thật sâu và đậm trên dải đất Việt Nam này. Sẽ không có những bước chân truyền giáo hôm nay nếu không có những bước chân đầu tiên của những nhà truyền giáo như Cha đến Việt Nam. Câu Lời Chúa “Hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” ( Gl 5,25) sẽ thích hợp khi nói đến điều này. Tôi thiết nghĩ, những bước chân của Cha ngày nào đến Huế cũng mang một chút gì đó băn khoăn, lo lắng của tuổi 23 khi đặt chân đến mảnh đất nghèo xứ Huế này. Vậy mà dần dà bước chân ấy đã trở nên cứng cáp hơn khi Cha để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn Cha từng bước. Sống nơi đây, chứng kiến những con người nghèo khổ, những đứa trẻ không được học hành cũng khơi lên trong lòng Cha một nỗi ưu tư về lớp trẻ… Chính lòng tin tưởng vào hoạt động của Chúa Thánh Linh đã thổi bùng ngọn lửa ấy trong ý định lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Trải bao năm tháng bôn ba xuôi ngược giữa đời, nơi đất khách quê người, chưa một lần Cha đặt chân về quê hương xứ sở. Chưa một lần vơi đi lòng yêu mến Chúa trong Cha. Từ cuộc sống của một ông tây, Cha đã trở nên một vị Giám Mục giản dị, gần gũi và thân thương với bao người sang hèn. Họ gọi Cha với cái tên gọi thật thân thương “Ông tiên bên đạo”. Cha đã bước đi rong ruổi khắp miền này xứ nọ, đã “đặt bước chân mình lên dấu chân thầy Giêsu”(thư chị Bề Trên). Đã kề vai vác lấy cây thập giá nặng nề đỡ Chúa Giêsu, khi phải sống trong thời điểm bắt bớ đạo gay gắt. Bao ngày tháng chiến tranh bom đạn dội trên mái nhà nhưng Cha vẫn kề vai sát cánh với đoàn chiên của mình. Noi theo Chúa Giêsu, Cha yêu cho đến cùng và chưa một lần trở về quê hương. Gánh ưu tư chồng chất trên đôi vai người Cha già, không màng đến sức khỏe ngày càng yếu dần và cuối đời lại bị mù hai mắt, “sẽ không còn thập giá nào lớn hơn thế nữa”( Ts.A). Cha đã đi và nay bước chân ấy đã in sâu trên mảnh đất nghèo này. Tôi đã từng nghĩ: tại sao Cha làm được những điều như thế? Phải chăng là tình yêu Giêsu đang bừng cháy trong Cha? Phải chăng vì một tình yêu quá lớn Cha dành cho mọi người? Bởi khi yêu, người ta chấp nhận hy sinh đến cùng vì người mình yêu. Cha đã ôm trọn một tình yêu như thế đó. Dẫu cho hôm nay Cha đã nằm xuống, thân xác Cha đã an nghỉ nơi lòng đất, nhưng đứa con tinh thần Cha đã sinh ra nay càng lớn mạnh. Dẫu vậy, con đường của Cha đi vẫn còn dang dở và cần lắm những bước chân để nối gót cho con đường ấy, chính là bước chân của những người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Tiến vào năm Thánh 100 của Hội Dòng, lòng tôi cũng tự hỏi:

 Tôi phải làm gì để có thể bước đi như Cha? Một cách mạnh mẽ và xác quyết?

Phải chăng là sống cho đẹp trong môi trường mà tôi đang sống này, qua những cử chỉ yêu thương với người chị em quanh tôi, là trở nên những chứng tá sống động trong môi trường tôi đang sống?

Phải chăng là sải những bước chân thật dài, thật xa để băng qua những khó khăn trắc trở về địa hình hay lối sống, để đặt những bước chân lên vùng truyền giáo xa xôi, để đến gần những tâm hồn đang lạnh giá, cô đơn?

Phải chăng là mang lấy trái tim, đôi tay của người mẹ dịu hiền, của người cha mạnh mẽ để yêu thương và dạy dỗ những đứa trẻ được trao cho tôi?

Thật sẽ có thật nhiều cách để cùng Cha đặt bước chân mình lên bước chân Thầy Giêsu. Nhưng sẽ không dễ nếu tôi sợ hãi, hay do dự chần chừ trong những bước đi giữa xã hội hôm nay. Nhưng cùng sẽ rất dễ nếu tôi biết lao mình trong tình yêu của Chúa. Chắc hẳn ngày xưa khi Đấng Sáng Lập Dòng hành động như vậy cùng không mong được mọi người ca tụng, nhưng chỉ vì TÌNH YÊU, một tình yêu thực sự mà thôi. Hãy lắng nghe tiếng gọi mời của Chị Bề Trên “đừng tìm cách lo lắng làm sao để lưu dấu chân trên lối đi nhưng hãy tiến bước cách xác tín và triệt để… đó là việc của Chúa và nhờ danh Ngài mà thôi”. ( Thư Chị Bề Trên)

Cám ơn Chúa đã khơi lên trong con những suy tư vụng về của người con nhỏ, nhưng ước mong từng ngày sống, con cũng biết sống trọn vẹn từng giây phút của năm Sa Mạc Hồng Ân đang dần qua này. Xin Mẹ Maria Vô Nhiễm cùng bước đi với con.

Anna Minh Chi (Tập Sinh), FMI