Nhà nguyện Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

Khi đến Huế, dọc theo bờ sông Hương, chúng ta sẽ nhìn thấy ngôi nhà nguyện Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Nhà nguyện Dòng tọa lạc trên đường...


Khi đến Huế, dọc theo bờ sông Hương, chúng ta sẽ nhìn thấy ngôi nhà nguyện Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Nhà nguyện Dòng tọa lạc trên đường Kim Long - Huế, bên cạnh dòng sông Hương thơ mộng càng tăng thêm vẻ đẹp vốn có của nó. Công trình này do ông Hội Nghi thiết kế, được khởi công xây dựng năm 1931 và khánh thành vào ngày 15/8/1931. Đây là công trình có bố cục hợp lý, kết hợp sử dụng kết cấu hiện đại phương Tây và các yếu tố truyền thống phương Đông.

  1. Lịch sử về sự hình thành và phát triển

Ngay từ thuở khai sinh, Đức Cha Allys đã để lại ngôi nhà của Đức Cha Caspar Lộc (Tòa Giám Mục cũ) làm nhà nguyện cho Hội Dòng. Thuở ban sơ ấy, mọi sinh hoạt của chị em đều ở trong ngôi nhà nguyện nhỏ này. Hiện nay, ngôi nhà này vẫn còn và được chọn làm Nhà Tổ.

Khi Hội Dòng thành lập được hơn 10 năm, số chị em ngày càng gia tăng, ngôi nhà nguyện cũ trở nên bé nhỏ. Bà Bề trên M. Thérèse Lê Thị Tịnh mời gọi chị em gia tăng cầu nguyện, hy sinh để Chúa thương ban cho Hội dòng có một ngôi nhà nguyện mới. Ông bà Lê Phát An là ân nhân đã giúp đỡ Hội dòng thực hiện ý nguyện này. Tháng 01/1931, nhà nguyện được khởi công xây dựng trong khuôn viên của Cộng đoàn Nhà Mẹ, trên con đường Kim Long, dọc bờ sông Hương. Sau 8 tháng, ngày 15/8/1931, Hội dòng tổ chức lễ Khấn cũng là lễ khánh thành ngôi nguyện đường mới này theo thiết kế của ông Nguyễn Văn Nghi, một thầu khoán nổi tiếng ở Huế vào thời đó. Và dưới sự hướng dẫn thi công của ông, một ngôi thánh đường rộng lớn đẹp đẽ và uy nghi vượt quá sức ước mong của chị em được dựng nên. Từ đó, Hội Dòng có nơi thờ phượng xứng đáng cho đến nay. Trong thư gởi về Hội Thừa Sai Paris ngày 25/12/1931, Đức Cha Allys đã viết: “...ngôi nhà nguyện do ông bà Lê Phát An cống hiến thì lại rất đẹp và khang trang. Cộng đoàn này thực sự ao ước sống trọn lành”.

Đến nay, nhà nguyện này đã trải qua vài đợt trùng tu, sơn sửa và mở rộng thêm. Lần đầu tiên, biến cố năm 1975, cơ sở của Hội Dòng bộ đội mượn để ở. Ngày 13/12/1994, bộ đội trả lại nhà. Ngày trở về lại nhà dòng, chị em phải đi qua những đống dĩ hạ hoang tàn đỗ vỡ, ngổn ngang, nhà nguyện thì trống trơn, lặng lẽ, bị hư hại rất nhiều. Họ đã biến cung thánh nhà nguyện thành sân khấu văn công... nên Hội Dòng đại trùng tu lại ngôi nhà nguyện dòng. Nhờ qua trung gian Đức Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, Hội Dòng được ân nhân Campana Cristoforo (Ý) giúp tu sửa lại nguyện đường Dòng đã hư hỏng trầm trọng. Những tháng kế tiếp, chị Bề Trên Céphas Trần Thị Diệp vất vả gõ cửa các ân nhân trong và ngoài nước xin giúp đở để tiếp tục cuộc đại trùng tu nhà nguyện. Vào năm 2000, Hội dòng mừng 80 năm thành lập, số ơn gọi gia tăng, ngôi nhà nguyện lại trở nên nhỏ bé, thế là hai cánh phải trái của nhà nguyện được mở rộng. Nhờ tài khéo léo của nhà thầu, những nét hoa văn tinh tế được thực hiện, khiến nhà nguyện vẫn trở nên một tổng thể duy nhất, mang lại nét đẹp, nhà nguyện Dòng mới được sạch sẽ khang trang như ngày hôm nay.

Nhân dịp chuẩn bị mừng Bách Chu Niên thành lập Dòng, năm 2019 nhà nguyện dòng được sơn lại mới, chỉnh ngói và nâng cấp những hạng mục khác. Sau vài tháng đã hoàn thành việc thi công, với sự hy sinh của chị em và sự trợ giúp của mọi người xa gần và sự tư vấn, trợ giúp của một nhóm thầu khoán nổi tiếng. Tạ ơn Chúa đã ban cho Hội dòng một nguyện đường thật khang trang và mới mẻ.

  1. Kiến trúc của nhà nguyện Dòng

Nhà nguyện Dòng tọa lạc trên khu đất của cộng đoàn Nhà Mẹ, có diện tích 18.000m2, dọc theo đường Kim Long và bên bờ Bắc Sông Hương của Thành phố Huế. Có thể thấy vị trí của nhà nguyện được đặt nằm ở trung tâm của khu đất Nhà Mẹ, theo dãy nhà chữ U, ngay mặt tiền của con đường và cũng gần trung tâm thành phố Huế. Điều này dễ dàng thuận tiện cho việc tham dự phụng vụ, tổ chức các sinh hoạt của Hội dòng trong các dịp đại lễ cũng như sự viếng thăm của quý thân nhân, ân nhân và quý khách đến với Hội dòng.

Nhà thờ nhìn về hướng Đông, với mặt bằng hình chữ thập Latinh, gồm một gian lớn chính giữa, có hai cánh, và hậu cung hình bán nguyệt, phía trên có gác đàn, một tháp chuông nằm ở cánh phải. Mặt bằng kiến trúc chính sâu 7,5m, bề ngang từ 10,6m, dài 15,5m và sức chứa hơn 250 người. Hai cánh trái phải có diện tích 7,80m và 8,1m. Diện tích cung thánh là 7,5m và 3,7m. Phía trước mặt nhà nguyện có tượng Thánh Tâm Chúa, ngay sân có tượng Mẹ Vô Nhiễm và toàn bộ sân được lót gạch, đá và xi măng.

Nội thất nhà nguyện rất đơn giản, nhưng lại tạo sự uy nghiêm với cấu trúc mái vòm cao có cột và luôn được chiếu sáng bởi hệ thống những cửa kính màu. Hệ thống cửa sổ dày đặc với nhiều màu sắc khác nhau. Hệ thống này tách khỏi chặng Đàng Thánh Giá bên dưới bằng một hình Thánh Giá cách điệu, đem lại cảm giác hướng thượng, phù hợp với các vòng cung bao quanh. Qua những khung kính lớn sắc màu, hệ thống cửa trên mảng tường và những ô thông gió với những họa tiết đơn giản nhằm phá vỡ cấu trúc nặng nề của những mảng tường giúp không gian nhà nguyện luôn ngập tràn ánh sáng lung linh, huyền ảo, tạo sự nhẹ nhàng, duyên dáng cho toàn bộ công trình.

Lòng nhà thờ có các gian chính, ngăn cách bởi các cột trụ. Hai bên tường là hệ thống các cửa sổ đan lưới, gồm hai lớp: một lớp bên ngoài là cửa gỗ, bên trong là cửa kính nhiều màu. Hệ thống các cửa sổ này chạy dọc hai bên tường, cách nhau 1m, giúp thông thoáng, mát mẻ và đưa ánh sáng, gió vào bên trong nhà nguyện. Bên trên cũng có các ô cửa kính màu cố định đưa ánh sáng lung linh vào bên trong. Ngoài ra, 14 bức tượng trưng cho 14 chặng Đàng Thánh Giá của Chúa được gắn liền theo lối giữa các của sổ.

Nhà nguyện đã sử dụng tông màu vàng mơ và trắng là chủ đạo, tuy đơn giản nhưng tạo cảm giác êm dịu, thanh bình, nhẹ nhàng như chính tấm lòng nhân từ, bao dung của Mẹ Maria. Ngoài ra, còn điểm thêm những đốm hoa xanh trông như tràng hạt mân côi, làm nổi bật là người con của Mẹ. Nhà thờ còn có gác đàn với lối đi lên bởi cầu thang gỗ hình xoắn ốc để dành cho ca đoàn.

Cung thánh với hậu cung có hình bán nguyệt, gần và giáp cung thánh, các cột áp sát tường tạo nên một tư thế vững chắc, tĩnh lặng nguyện cầu. Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả ánh nắng mặt trời của hai hướng Đông và Tây, nhà thiết kế đã cho lắp nhiều loại kính màu xanh, đỏ vào các cửa sổ tạo nên vẻ rực rỡ nhưng vẫn không kém phần uy nghi cho khu vực cung thánh. Sự phối hợp hài hòa về màu sắc của hệ thống kính màu gợi sự liên tưởng đến hệ ngũ sắc truyền thống được sử dụng trong ô hộc pháp lam và những trang trí thường gặp ở các công trình cung điện đền đài trong kinh thành Huế, đồng thời sử dụng rộng rãi hoa bê tông trang trí. Sự kết hợp này đem lại hiệu quả về tính thực dụng lấy sáng, che mưa, che nắng, đồng thời mang tính thẩm mỹ rất cao, cả trong nội thất lẫn ngoại thất.

Giữa cung thánh có đặt bàn thờ chính bằng gỗ, các đường viền xung quanh được chạm trổ những họa tiết rất tỉ mỉ. Phía trên cạnh đó có 2 bàn thờ nhỏ thờ Đức Mẹ và Thánh Giuse làm bằng bê tông, có hoa bê tông trang trí thành vòng cung. Phía cung thánh là hệ thống gương màu rực rỡ. Vào buổi chiều, khi nắng phía Tây chiếu vào bàn thờ, những mảng gương hiện lên một màu chói chang, nóng bức. Cây Thánh giá nằm trong một vũng sáng thật gợi hình và xúc cảm, đưa người nhìn vào bối cảnh lịch sử có thật của chiều thứ Sáu, chiều mà con Thiên Chúa bị hiểu lầm và kết án đóng đinh vào cây thập giá.

Kiến trúc của nhà nguyện đã tạo nên một hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời trong nội thất, cho một cảm giác tĩnh lặng, thánh thiện và trang nghiêm. Ánh sáng huyền ảo cũng làm các chi tiết kiến trúc, nội thất bên trong nhà nguyện nổi bật và đẹp hơn. Tất cả đã tạo nên một cảnh sắc tuyệt vời và nhẹ nhàng, làm dịu đi bầu không khí trang nghiêm vốn có thường thấy ở những nơi thờ phượng.

Kết cấu nhà thờ: Nhà thờ được xây bằng bê tông cốt thép, mái lợp ngói đất nung, thích hợp với khí hậu khắc nghiệt ở Huế. Vật liệu xây dựng chủ yếu là vật liệu địa phương như sắt thép, cát đá. Tuy nhiên, toàn bộ ngói, gạch bông lót nền nhà và cửa kính màu của nhà thờ được nhập hoàn toàn từ Pháp.

3. Tâm tình nơi nguyện đường

Nhà nguyện Dòng là nơi Thiên Chúa ngự, là nhà cầu nguyện, là linh hồn, sức sống của Hội dòng, nuôi dưỡng từng người bước đi vững vàng, mạnh mẽ tiến về với Thiên Chúa trong đời sống thánh hiến. Cũng chính nơi đây, Đấng Sáng lập Dòng, cha Bề trên Tiên khởi đã từng đến làm phép cho nhà nguyện vào dịp khánh thành. Đồng thời, các ngài thỉnh thoảng đến dâng thánh lễ, ban các phép bí tích cho các chị em. Hơn nữa, các ngài nâng đỡ, củng cố đức tin cho chị em trong thời buổi ban đầu mới thành lập trong nơi thánh thiêng này. Các chị Bề trên và quý chị tiên khởi cũng đã hiện diện trong ngôi nhà nguyện này để cầu nguyện với Chúa và với chị em.

Với kết cấu hài hòa, sâu lắng, đem lại sự ấm cúng, bình an cho những tâm hồn hiện diện trong ngôi nhà nguyện này, cách riêng cho những ai đã từng đặt chân vào mảnh đất thiêng này. Trong mặt bằng chữ thập, điều đó nói lên nét linh đạo thập giá của Hội dòng. Mặt trước của nhà nguyện có sự hiện diện của Mẹ Maria, đây là nét linh đạo thứ hai của Hội dòng, linh đạo Thánh mẫu.

Ngôi nhà nguyện có một ý nghĩa quan trọng đối với đời sống người tu sĩ, là chiếc nôi mà từ đó nhiều chị em đã được sinh hạ và lớn lên trong ơn gọi Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, trở thành người thi hành sứ mạng của Hội Dòng. Hằng năm, tại ngôi nhà nguyện của Mẹ Dòng các cuộc lễ lớn được cử hành như lễ Khấn Tạm, Khấn Trọn, các dịp lễ Tạ ơn kỷ niệm 25, 50, 60 Khấn dòng trong bầu không khí linh thánh. Cũng tại nơi đây, chị em khắp nơi trở về tĩnh tâm hoặc được bồi dưỡng cả về tâm linh lẫn thể xác. Các cuộc lễ giỗ, tĩnh nguyện mang lại sức sống cho chị em.

Nhìn lại, chúng ta cùng nhau tạ ơn tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa đã yêu thương, dìu dắt Hội dòng bước đi trong suốt hành trình hơn 100 năm qua. Đồng thời, chúng ta tri ân các thân nhân, ân nhân, bạn bè thân hữu xa gần đã chia sẻ vật chất cũng như cầu nguyện cho Hội dòng. Đặc biệt, nhìn lại hành trình dọc dài hơn 100 năm, Hội dòng được các Đấng Sáng Lập, quý chị Tiền bối và tất cả chị em cưu mang thao thức, chung tay góp sức xây dựng Hội dòng để Hội dòng tồn tại và phát triển như ngày hôm nay. Quả thật, đây là cả một công trình dài hạn làm nên vẻ đẹp bên trong lẫn bên ngoài. Hội Dòng hôm nay đã mang một diện mạo mới, có thể nhịp bước đăng trình cùng năm tháng. Nhà nguyện Dòng là một trong những công trình lưu dấu lịch sử của Hội dòng. Đối với Thiên Chúa ngôi nhà nguyện vật chất như thế nào không quan trọng lắm. Điều Ngài mong muốn là ngôi nhà nguyện tâm hồn “Đền thờ Thiên Chúa thật sự muốn ngự là tâm hồn công chính của mỗi con người” (1Cr 3,16-17). Vì thế, ước gì chúng ta biết dọn dẹp và chuẩn bị đền thờ tâm hồn mình thật xứng đáng, thật trong sạch, đẹp lộng lẫy để Chúa ngự vào. Chính Chúa sẽ điều khiển và hướng dẫn chúng ta luôn đi trong đường lối của Ngài.

Nt. Maria Lê Thị Phương Uyên, FMI