Phú Hiệp, một thoáng nhìn lại...

Chuẩn bị hành trình thực tế tại Phú Hiệp, đi xe đêm, lại mệt nhoài sau một ngày vui chơi, tôi ngủ một giấc đến khi nghe gọi đã tới nơi....


Chuẩn bị hành trình thực tế tại Phú Hiệp, đi xe đêm, lại mệt nhoài sau một ngày vui chơi, tôi ngủ một giấc đến khi nghe gọi đã tới nơi. Mưa vẫn rả rích, cái lạnh luồn vào da thịt, tôi khẽ rùng mình, nói với chị bên cạnh: “Phú Hiệp đây rồi hả chị, nhanh nhỉ?”. Đặt chân đến cộng đoàn lúc đồng hồ điểm 23 giờ, tôi ngủ đến khi trời sáng hẳn.

Chào thăm các chị trong cộng đoàn, hai chị em chúng tôi được chị phụ trách cho đi thăm nhà, vườn tược, rẫy cà phê…, nghỉ ngơi, và cuối ngày là Thánh lễ chiều tại giáo xứ. Chuẩn bị cho công việc vào ngày mai.

Sau một tuần được cộng tác với các chị trong cộng đoàn, được gặp gỡ, tiếp xúc với một vài người dân trong giáo xứ, được nghe chia sẻ của các chị, tôi ao ước thực hiện bài viết này với những mẫu phỏng vấn “người thật, việc thật”. Tôi sẽ ghi lại những nỗi niềm thao thức, những ưu tư của các chị, những cảm nghiệm thật sâu xa tình yêu của Thiên Chúa giữa cánh đồng mênh mông của sứ vụ Tông đồ. Tôi sẽ ghi lại những ước mong của cộng đoàn, chị em, Hội Dòng trong những tháng ngày hiện diện tại nơi đây. Qua đó, chúng ta có thể nhận thức được những gì mình đang trau dồi, đang thao thức, phần nào đụng chạm được thực tế của “giá trị ơn gọi thánh hiến”, đặc biệt là dấu ấn của người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm nơi mảnh đất này.

Buổi hẹn sáng nay với chị Phụ trách cộng đoàn Phú Hiệp:

- Thư giãn nhé chị, em hỏi chi chị trả lời thôi! (cười!!!)

- Em mới cần thư giãn chứ? Chị nhìn tinh nghịch.

- Dạ. Hôm nay em được ở trong vai hỏi còn chị phải trả lời mà! Cả hai chị em cùng cười thoải mái.

Em: Chị về cộng đoàn được mấy năm rồi chị? Trước khi về cộng đoàn, chị đã từng đến đây lần nào chưa?

Chị Phụ trách: Chị về đây được 4 năm rồi em (chị cười hóm hỉnh), trước khi chị về đây chị chưa biết gì về cộng đoàn, lúc chị nhận bài sai, lên đường nhận sứ vụ, chị còn để xe đỗ lại quá đường vào cộng đoàn, phải tìm hỏi mãi một lúc chị mới về đúng nơi… chặng hành trình như Abraham!!! Nhưng chị hoàn toàn phó thác cho thánh ý của Chúa.

Em: Sứ mạng chính của cộng đoàn mình là gì?

Chị Phụ trách: Ban đầu, cộng đoàn được thành lập với mục đích thực hiện công tác Mục vụ Tông đồ, và là nơi sẽ làm ngôi nhà hưu dưỡng trên cao nguyên yên tĩnh, mát mẻ, khí hậu trong lành.[1]

Nhưng khi hiện diện và với nhu cầu tông đồ thực tế, cộng đoàn thực thi sứ mạng Giáo dục qua trường Mầm non, giúp học bổng và bán trú cho các em mầm non, cấp 1 sắc tộc. Nhờ sự giúp đỡ của Quỹ Khuyến học của Giáo phận, nên cộng đoàn cũng duy trì được mô hình này đến nay. Cộng đoàn cũng thao thức và ưu tư cho các em được đến trường, được biết chữ,… thăm hỏi, động viên, và giúp đỡ gia đình các em, nhất là giúp cho phụ huynh ý thức hơn về việc cho con em đến trường. Cộng đoàn cũng quan tâm đến gia cảnh của các em, và cộng tác với thao thức về giáo dục của cha xứ nơi đây.

Bên cạnh đó, chị em được cộng tác trong công việc mục vụ như: dạy giáo lý, ca đoàn, đưa Mình Thánh Chúa, dạy giáo lý cho tân tòng… Ngoài ra, các chị còn thay nhau đi thăm viếng gia đình lương dân, những người có hoàn cảnh khó khăn, các anh em đồng bào…

Đứng trước một cánh đồng sứ vụ bao la, bát ngát, chị ý thức được sự nhỏ bé của mình. Nhưng chị và các chị em trong cộng đoàn luôn hăng say, cố gắng cùng nỗ lực hết mình với ơn Chúa, mong rằng sự hiện diện nhỏ bé của mỗi chị em, làm lan tỏa hương thơm của người Con Đức Mẹ Vô nhiễm thân thương nơi vùng núi xa xôi này.

Em: Em cảm nhận được những thao thức ấp ủ trong lòng chị qua những chia sẻ của chị, qua những sứ vụ mà chị đang chia sẻ với chị em nơi đây. Nhiệt huyết của chị cũng đang “rạo rực” trong ánh mắt, cử chỉ, lời nói và công việc của chị. Vậy, chị có thao thức, nhắn gởi gì tới cho thế hệ trẻ của Hội Dòng, cho chúng em không chị?

Chị Phụ trách (nở một nụ cười duyên): Chị muốn nhắn gởi đến các em, với nhiệt tâm trong mình, các em cứ dấn thân, và…đừng sợ! Điều thật sự quan trọng là phải biết bỏ mình, không ngại khó, không sợ vấp ngã. Mình cứ làm, nếu không biết cứ bàn hỏi, sai thì sửa lại. Những vấp ngã, những sai sót đó sẽ là kinh nghiệm quý cho ta biết mạnh mẽ cố gắng hơn lần sau. Các em cũng cần mở lòng hơn nữa, để cộng tác, để trau dồi được nhiều kinh nghiệm cho mình. Chị cũng nêu lên chất vấn rằng: “Tại sao tôi đang sống yên ổn, có những người yêu thương, chở che mà lại bỏ tất cả để theo đuổi ơn gọi, rồi sẽ đến một vùng đất xa lạ, ở với những con người xa lạ, làm những công việc cũng… xa lạ?”. Tất cả là vì: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi!”. (Nhìn ánh mắt của chị, tôi thấy một sức sống cho ơn gọi, cho lòng nhiệt thành tông đồ đang khơi lên trong chị ngọn lửa thông chia cho thế hệ sau).

Em: Vậy, đi vào thực tế, chị nhận thấy những kỹ năng nào mà người trẻ chúng em cần trau dồi cho sứ mạng và công cuộc tông đồ nơi đây?

Chị Phụ trách (vui vẻ trả lời không chút suy nghĩ): Học cắt tóc em à! để khi chúng ta dấn thân vào các làng, các vùng xa, hoặc với các em học sinh bán trú sắc tộc của mình, mình có thể mạnh dạn cầm cái “tông - đơ” mà cắt cho các em. Bên cạnh đó, học chụp hình cũng là một cách cho chúng ta tiếp xúc được với công nghệ, mà một cách nào đó có khoa học và kỹ thuật hơn, lưu lại những khoảnh khắc, hay những gì mình đem lại cho người nghèo những kỷ niệm khó quên.

Một điều nhắn gởi cuối cùng chị muốn nói với các em, những người em trẻ, với ba “nguyên tắc vàng” trong sứ mạng cũng như trong cuộc sống:

  • Sự cẩn mật tuyệt đối, nhất là đối với những chia sẻ cá nhân.
  • Tôn trọng người khác, trân quý mỗi một nhân vị như chính Thiên Chúa đang hiện diện nơi họ.
  • Không ép buộc người khác phải theo suy nghĩ hay khuôn mẫu của mình.

Có lẽ những điều chị chia sẻ không mới lạ, nhưng đã hẳn nó là kinh nghiệm thực tế trong hành trình dâng hiến cũng như cuộc sống đã dạy cho chị những bài học quý giá như vậy. Rất chân thành, giản dị và cởi mở, chị đã chia sẻ với một con tim tràn đầy lòng yêu mến ơn gọi, sứ vụ và con người.

Chân dung bình dị của “quý Dì Phú Xuân” - tên gọi thân thương của người dân nơi đây dành cho các chị em hiện diện ở cộng đoàn, từ giai đoạn đầu đặt chân trên mảnh đất Phú Hiệp cho đến nay, luôn là một hình ảnh đẹp, gần gũi, nhiều tình thương, năng động và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Như nhận xét của một chị giáo dân trong vùng: “Quý dì thương dân như con”, khi tôi hỏi: “Chị cảm nhận như thế nào khi được sống với các dì từ những năm đầu các dì mới đến đây?”

Tạ ơn Chúa khi tôi được đi thăm cụ bà Vũ Thị Nga 92 tuổi, là người đã sống gần gũi, thân tình với các chị tiên khởi của cộng đoàn Phú Hiệp từ giai đoạn đầu. Vẫn còn rất minh mẫn, bà đã kể lại những công việc, những khó khăn, vất vả của các chị. Bà lấy khăn tay lau giọt nước mắt chực trào ra, xúc động nói: “Các dì thương gia đình con lắm dì ạ!”. Cũng có một vài người cũng nói với các chị khi đến thăm gia đình họ rằng: “Nếu không có các dì có lẽ đã không có chúng con như hôm nay! Nhờ sự tận tình cứu chữa, thuốc men cho cha mẹ chúng con, nên giờ chúng con mới có đây!”.

Đã hẳn, việc thực thi sứ mạng là một điều quyết định sự tồn tại của cộng đoàn, nhưng tôi thiết nghĩ, cuộc sống gần gũi, bình dị, hành động của tình yêu, của sự trao ban luôn là dấu ấn khó phai trong lòng mỗi một con người mà chúng ta được tiếp xúc. Chúa luôn cần chúng ta là những người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, đon đả ra đi và đem tình yêu của Người trong niềm vui đến với con người hôm nay, mọi nơi, mọi lúc.

Maria Như Ý (Kinh viện, FMI)   

[1] sơ lược lịch sử cộng đoàn Phú Hiệp, p.1