Vun xới, chăm sóc
Nhìn ngắm một số cây cảnh sau một một đợt trổ hoa tươi đẹp. Người chơi cây, biết cách chăm sóc để nó không bị kiệt sức, còi cọc hay...
Nhìn ngắm một số cây cảnh sau một một đợt trổ hoa tươi đẹp. Người chơi cây, biết cách chăm sóc để nó không bị kiệt sức, còi cọc hay lụi tàn khi nó cho một đợt hoa, mà luôn biết giữ cho nó vẻ tươi thắm và tràn sức sống. Còn nếu cây cho quả thì lại càng chăm sóc cho nó đạt được quả như mình mong ước. Cây càng quý thì càng được chăm sóc kỹ càng hơn, đó là theo lẽ tự nhiên. Thế nhưng, có khi ta lại bỏ quên mặc nó. Ta quên vun xới mảnh đất xung quanh nó cho nó một lượng nước nó cần mỗi ngày, một lượng dinh dưỡng bổ sung, có khi nó kiệt sức bởi hết mình khoe sắc. Có khi nó bị bứng ra khỏi mảnh đất nó đang sống, cũng có thể có loại cây cần thay đổi môi trường nhưng có loài cần chăm sóc nơi chính nó hiện diện.
Liên tưởng điều đó, tôi cũng trầm mình trong dòng tư tưởng nhỏ bé của tôi. Trăm năm vừa qua, cây Phú Xuân trải qua bao thăng trầm vươn mình như một cây cổ thụ nở rộ, khoe sắc tươi thắm và rực rỡ trong vườn xuân Mẹ Giáo Hội, là ân thánh của Thiên Chúa ban cho Hội Dòng. Cũng chính là lúc chị em được thừa hưởng những ân huệ linh thiêng, sự lành thánh và vẻ đẹp của muôn cánh hoa. Trang sử Trăm Năm đã trổ sinh ra nhiều bông hoa cũng đồng nghĩa là báo hiệu cho một mùa trái trong tương lai. Cánh hoa đang từ từ khép lại bao bọc cho những trái non e ấp. Theo dòng thời gian, Hội Dòng đang bước vào một thiên niên kỷ mới, đây có lẽ là thời điểm cho từng thành viên trong Hội Dòng bắt tay vào để chăm sóc. Làm cách nào để có thể bắt tay vào? Khởi điểm ở đâu? Như thế nào? Tôi nghĩ có lẽ chị em trong toàn Dòng có những sáng kiến đặc sắc, suy tư, trách nhiệm riêng cho của riêng mình. Còn riêng tôi, những câu hỏi đặt ra như là lời nhắc nhở cho riêng mình, khởi điểm cho chính bản thân tôi nơi cần phải vun xới chăm sóc trước tiên. Tôi phải bắt đầu mỗi ngày trong cách riêng của mình, với ơn thánh Chúa ban cho tôi mỗi ngày cùng với sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.
Cùng với chị em, tôi thấy Hội Dòng đang chuẩn bị cho một bước đi đầu tiên trong Hội Nghị Dòng 21. Dường như có những hướng đi mới mẻ và những thay đổi để phù hợp với thế giới và nhu cầu của sự phát triển Hội Dòng. Trong cách chăm sóc vun xới mới, có những thứ Hội Dòng cần cắt tỉa, có những thứ cần thay đổi, nhưng có nhiều thứ càng cương quyết để giữ lại. Cũng như cây có thể bứng đi để trồng nơi khác cho phù hợp nhưng có cây cần vun xới và chăm chứ đừng bứng nó ra khỏi mảnh đất nó đang hiện diện. Đây có vẻ là một điều phi lý nhưng có khi ta lại làm điều phi lý đó trong cuộc sống của mình, khi bứng cây ơn thánh ra khỏi cuộc đời mình khi kết thúc Trăm Năm thứ nhất. Vì xem như mọi sự đã hoàn tất. Cũng thế, các bông hoa, cành cây là điểm dễ thu hút nên ta lại bỏ quên điều quan trọng thân cây và bộ rễ. Cũng vậy, việc thay đổi, từ bỏ lối sống không tốt, dễ bị bỏ quên nhưng đó mới là cái lõi của đời sống dâng hiến. Cái lõi của đời sống theo Chúa là gì? Đâu là giá trị cho sự chọn lựa trên con đường dâng hiến của tôi? Điều gì lôi cuốn tôi trong giai đoạn này? Trong giây phút này? Tôi có để mình vượt ra khỏi đời tu là cốt lõi của tôi ngay khi tôi đang tồn tại trong Hội Dòng hay không? ...
Có lẽ một số câu hỏi đó là cơ hội để cho tôi vun xới lại mảnh đất của mình. Có khi trong thời gian vừa qua, tôi sống trong Năm Thánh nhưng lại không thánh. Có khi tôi lại trở nên quá ướt hay quá khô, chai lì ngay khi có nguồn nước bên cạnh. Nhìn thực tế vào xã hội hôm nay cũng cho tôi một cái nhìn tương tự nào đó. Khi xã hội càng phát triển, kỹ thuật công nghệ dường như đang trên đỉnh vinh quang, đem đến cho con người một lối hưởng thụ, thì thế giới lại rơi vào một khủng hoảng đạo đức đến kinh khủng. Một nạn đói len lỏi, một căn bệnh covid hoành hành đến mức làm điên đảo thế giới...
Trên đây là một chút suy tư cho riêng mình khi tôi quay lại với cốt lõi trong căn tính của người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, trong ba lời khấn và tình huynh đệ. Giây phút này, tôi cũng nguyện cầu Thiên Chúa cho tôi. Tôi dâng từng chị em trong Hội Dòng cho Ngài và cầu xin chị em được cảm nhận đâu là điều cần phải chăm sóc và vun xới trong đời sống của người dâng hiến. Ước mong cuộc đời của chúng tôi báo hiệu một mùa hoa trái tốt lành cho Hội Dòng, cho Giáo Hội.
M. Têrêxa Trần Hằng (Kinh viện), FMI