Một hành trình

Đi giữa "chảo lửa" Tây Nguyên Xin nói ngay, không phải “chảo lửa” trong lĩnh vực bóng đá mà là vùng nắng nóng lạ đời ở Tây Nguyên vốn...


Đi giữa "chảo lửa" Tây Nguyên

Xin nói ngay, không phải “chảo lửa” trong lĩnh vực bóng đá mà là vùng nắng nóng lạ đời ở Tây Nguyên vốn bốn mùa mát mẻ. Đến đây xem cái nóng này có khác gì “nắng như rang” ở Phan Rang và trải nghiệm những món ăn khá độc đáo... đó là một trong những nét nổi bật khi người ta nói đến vùng nằm lọt thỏm giữa bốn bề đồi núi, mưa nhỏ giọt, nắng hạn triền miên. Vùng đất Krông Pa thuộc tỉnh Gia Lai từ lâu được xem là “chảo lửa”, cái “rốn hạn” của Tây Nguyên.

Hồn nhiên giữa thiên nhiên

Với món đặc sản nổi tiếng là bò một nắng và muối kiến vàng.

Đó chính là Krông Pa, nơi mà tôi đã có cơ hội được biết đến trong tháng thực tế hè năm nay.

 

     

Mọi người có biết ???

Krông Pa, nơi hai chị em chúng tôi đến là một huyện nằm ở phía tây nam tỉnh Gia Lai. Bắc giáp huyện Ia Pa; huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên; Nam giáp huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk; Đông giáp huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, tỉnh Phú Yên; Tây giáp huyện Ea Hleo, Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk; thị xã Ayun Pa.

Người dân nơi đây chiếm 70% là dân tộc thiểu số mà phần lớn là người Jrai.

Đoạn đường cách cộng đoàn Plei choet chừng 120 km đã đưa 2 chị em đến với vùng đất mới này. Thật là lạ lẫm với ngôn ngữ , với người dân, với khí hậu, với mảnh đất cát trắng bụi mờ... và với văn hóa của dân tộc bạn.

Hai chị em rất vui và háo hức khi được giao dạy kèm môn Toán và Tiếng Việt cho các em tại hai Buôn: Buôn Ia Rsai và Buôn Ngol.

Nhờ đó mà hai chị em có cơ hội tiếp xúc, gần gũi với các em nhỏ, các bạn trẻ trong Buôn. Và sống thân tình với con người Jrai qua những bữa cơm, giấc ngủ trưa tối, tham dự thánh lễ, sinh hoạt cộng đồng... Cách sống và văn hóa của họ khác hẳn so với “mình” nhưng phải khẳng định một điều là con người Jrai thật hiền lành và tốt bụng.

Nơi đây, hai chị em được gặp hai cha Dòng Chúa Cứu Thế đó là cha Mác-cô Bùi Duy Chiến và cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hùng, người dân nơi đây xưng hô cách thân thiện là “Ma”. Hai Ama là những vị đầy nhiệt huyết trên cánh đồng truyền giáo mà hai chị em được dịp tiếp xúc và học hỏi. Một tháng qua đi thật mau, chị em đã phần nào hiểu được những vất vả, nỗi thao thức của các ngài cách riêng và của tất cả những nhà truyền giáo nói chung.

Chúng con sẽ luôn nhớ đến món quà của người dân Jrai (đó là chiếc túi xinh xắn) và những gương mặt thân thương trong lời cầu nguyện mỗi ngày.

Tạ ơn Chúa và Mẹ Hiền Vô Nhiễm đã luôn đồng hành cùng hai chị em chúng con suốt một tháng qua. Gìn giữ chúng con trên những chặng đường ghồ ghề đầy sỏi đá để đi đến với những anh chị em trong tình Chúa. Chúng con rất vui và hy vọng rằng mình sẽ có được thêm những cơ hội trải nghiệm như thế để tiếp tục sống ơn gọi năng động của người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

“Này con đây, xin Chúa hãy sai con đi. Đi làm chứng nhân cho Ngài và trở nên muối men cho đời, cho người khắp nơi. Trần gian hôm nay còn nhiều lầm than đắng cay. Với Chúa vào đời, tình yêu hiến trao mọi người. Muôn ân phúc cao vời Ngài ban như mưa tưới gội. Trần gian thêm thắm tươi, muôn người sống trong an vui.” (trích lời bài hát “Xin hãy sai con” – Lê Nguyễn)

Maria Lê Hậu (Kinh viện), FMI