Lịch sử Hội Dòng

NGUỒN GỐC VÀ LỊCH SỬ DÒNG CON ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM


NGUỒN GỐC VÀ LỊCH SỬ

DÒNG CON ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM

Nguồn Gốc

ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG

Trong suốt thời gian phôi thai của Giáo Hội Việt Nam và trong những tháng ngày tiếp theo của hành trình đón nhận Tin Mừng cứu độ Ðức Kitô, Thánh Thần Chúa đã gởi các Nhà Truyền Giáo đến với con dân nước Việt đang lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt, như một quà tặng nhưng không của Tình Yêu Thiên Chúa.

Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys (tên Việt là Lý), là một trong những Giám mục thuộc Hội Thừa Sai Paris. Ngài là một nhà Truyền giáo giàu nhiệt huyết trên vùng đất xứ Huế. Ngài sinh ngày 12.02.1852 tại giáo phận Rennes nước Pháp. Chịu chức Linh mục ngày 10.10.1875, và sau 2 tháng, ngài lên đường truyền giáo tại Việt Nam lúc vừa mới 23 tuổi.

Vào đầu thế kỷ XX, tình hình Giáo hội Việt Nam được bình yên sau những cơn bắt đạo tàn khốc của các vua chúa Triều Nguyễn. Với tầm nhìn bao quát và với tấm lòng chạnh thương của người Mục tử, ngài nhận thấy vấn đề khẩn trương hơn cả cho toàn vùng Đông Dương lúc bấy giờ, vì lợi ích các linh hồn đó là vấn đề tài tư thục. Nỗi ưu tư vẫn canh cánh bên lòng ngài lúc này đó là, làm sao lớp trẻ được giáo dục trong đức tin và thăng tiến về văn hóa? Sau nhiều ngày cầu nguyện và dưới vự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, ngài thấy cần đáp ứng  nhu cầu khẩn thiết của giáo phận trước cánh đồng truyền giáo đang lên phơi phới sau bão tố cấm cách.

----------------------------------

Lịch Sử Hội Dòng

Từ 1920-1931: Giai đoạn hình thành

Vào những năm 1919-1920, Giáo phận Huế đã có nhiều trường giáo xứ hơn trước, nhưng chưa có trường tiểu học theo đúng nghĩa, vì thiếu giáo viên được huấn luyện chu đáo. Đức Cha Allys muốn mở trường tư thục nhưng điều này quả thật không dễ, vì: “Muốn mở trường phải có thầy dạy mà chúng tôi thì thiếu hết mọi sự. Lại nữa, đào tạo giáo viên hao tốn nhiều hơn huấn luyện thầy giảng, vì giáo viên phải hiểu biết nhiều hơn thầy giảng”. (Trích trong một lá thư gởi về Pháp của Đức Cha Allys, báo Les Missions Catholiques số 2417, ngày 01.10.1915). 

Nhờ Chúa an bài, cuối cùng ngài đã quyết định lập một trường sư phạm (École Normale) hay còn gọi là trường sư phạm nữ tu bản xứ (École Normale des Religieuses Indigènes) để đào tạo một số nữ giáo viên dạy giáo lý và chữ nghĩa. Đó là cơ sở giáo dục và đào tạo các nữ tu tương lai. Đồng thời Ngài muốn đào tạo họ thành những nữ tu có khả năng phục các công cuộc bác ái xã hội, cô nhi viện, trường nữ công gia chánh[1]. Ngài đặt tên là Dòng Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông, sau nầy được gọi là Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (Filles de Marie Immaculée - FMI).

Năm 1920, Đức Cha Allys đã khởi đầu Hội Dòng bằng cách tách một nhóm gồm 6 nữ tu Mến Thánh Giá Dương Sơn như những hạt mầm đầu tiên của Hội Dòng mới. Chiều ngày 07.9.1920 đáp lại lời mời gọi của Đức Cha các chị gồm 4 chị áo đen: Catarina Liễu, Anna Thay, Agatha Thường, Anê Trông, và 2 chị áo trắng: Madalêna Quế và Maria Hạn, rời Phước viện Dương Sơn, đặt chân lên mảnh đất Phú Xuân, Huế, trong vườn của tòa Giám mục cũ đời Đức Cha Caspar Lộc.

Cha Chabanon

Vì bận rộn với công việc của giáo phận, Đức cha Allys ủy thác việc điều hành và đào tạo những chị em đầu tiên của dòng mới nầy cho cha Alexandre Paul Marie Chabanon, Bề trên Đại chủng viện Huế. Thánh lễ sáng ngày 08.9.1920, lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, do chính Cha Chabanon cử hành tại Nguyện đường Đan viện Carmel đã trở thành ngày lịch sử khai sinh Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Phú Xuân, Huế. Bởi tình yêu đời đời của Thiên Chúa và sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria, Hội Dòng đã được khai sinh giữa lòng Đất Mẹ Giáo phận Huế.

Những tháng ngày tiếp theo, một số nữ tu Mến Thánh giá ưu tú khác từ các phước viện Di Loan, Cổ Vưu, cùng với một số thiếu nữ ngoài đời đáp lại lời mời gọi của Đức cha gia nhập dòng. Hội Dòng mới khởi đầu với 6 nữ tu nhỏ bé, đơn sơ nhưng đầy phó thác vào Tình yêu Thiên Chúa. Gia đình chị em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm ngày một thêm đông. Đức ái liên kết nhóm thiếu nữ đơn sơ khiêm hạ tiên khởi ấy trong sự đồng tâm nhất trí. Chị em yêu mến cảnh khó nghèo của buổi ban đầu, hăng hái làm việc trong kham khổ và thiếu thốn.

Thay mặt Đấng Sáng Lập, cha Chabanon đảm nhận vai trò Bề Trên của Hội dòng để hướng dẫn các chị trên đường bước theo Chúa Kitô. Ngài viết Luật Tiên Khởi, đặt nền tảng tu trì vững chắc cho chị em. Ngài chỉ dạy chị em đặc biệt sống tình con thảo với Mẹ Maria Vô Nhiễm, ngài viết: “Chị em phải tin, cậy, mến yêu Đức Mẹ, nhận Người làm mẹ riêng mình, cùng tỏ mình là con Đức Bà thật, lại là Con Đức Bà chẳng hề mắc tội tổ tông, chẳng hề đúng bơn nhơ nào, cho nên hằng gìn giữ linh hồn mình cho vẹn sạch cùng yêu chuộng đức sạch sẽ cách riêng.”[1]

Hội dòng cứ lặng lẽ lớn lên trong ân huệ, sự chúc lành của Thiên Chúa và Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ngày 24.8.1924, tại Nguyện đường dòng Kín Carmel, Đức cha Lécroat, Khâm sai Tòa Thánh tại Việt Nam[2] chủ tế Thánh lễ khấn lần đầu của mười một chị. Đây là lễ khấn đầu tiên của Hội dòng.

Sau thời gian được đào tạo, các chị đến lúc trưởng thành để lên đường sứ vụ. Ngày 3.3.1927, một số chị đã hân hoan đến nhiệm sở Nước Ngọt, thuộc huyện Phú Lộc cách Huế 48 km về hướng Nam[3]. Đây là cộng đoàn đầu tiên của Hội dòng được thành lập giữa người nghèo. Các chị đã sống chan hòa giữa dân, làm chứng về Chúa bằng cuộc sống vui tươi, giản dị và khiêm tốn. Cộng đoàn tông đồ đầu tiên này đáp ứng cách đầy đủ sứ mạng của Hội dòng theo ý định của Đấng Sáng Lập, phục vụ trong các lãnh vực: trường học, nhà thêu may, bệnh xá, cô nhi viện, viện dưỡng lão.[4]

Ngày 22.5.1930, sau gần 10 năm kể từ ngày thành lập dòng, Đức cha Allys gửi Thỉnh nguyện thư lên Tòa Thánh xin Đức Thánh Cha Pio XII châu phê Hội dòng theo Giáo luật. Trong văn thư xin Tòa Thánh châu phê thiết lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đấng Sáng Lập viết: “...Cho đến nay Địa phận Huế chưa có hội dòng chị em bản xứ nào khác chuyên dạy thiếu nữ, vì chị em “Mến Thánh Giá” hay “Con Đức Mẹ Maria” như nói ở trên không phải là nữ tu đích thực, họ chỉ sống chung mà không có lời khấn, họ chỉ có đọc kinh và làm việc tại nhà, vì còn kém nên không có khả năng dạy học. Các chị em mới này thuộc quyền địa phận, có lời khấn đơn, vĩnh viễn, sẽ mang tên là “Con cái Đức Maria Vô Nhiễm.” Mục đích chính thứ nhất là dạy các thiếu nữ trong trường, mục đích thứ nhì và tùy là lo cô nhi viện và các sở.”[5]

Vào ngày 3.7.1931, Thánh Bộ Truyền Giáo phúc đáp bằng văn thư cho Đức cha Columban Dreyer, Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông dương, cho phép Đấng bản quyền giáo phận ban hành Nghị Định thiết lập Hội dòng theo Giáo luật.

Ngày 14.8.1931, Đức cha Alexandre Paul Marie Chabanon đã ban hành NGHỊ ĐỊNH THIẾT LẬP Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, chính thức công nhận đường lối và tinh thần tu trì của Hội Dòng. Từ đó, Hội Dòng tiếp tục phát triển, lập thêm các cộng đoàn và mở trường trong các giáo xứ.

Từ 1931-1969: Giai đoạn phát triển

Các cộng đoàn được thành lập như những đóa hoa đua nở trong vườn hoa Giáo phận. Bước chân nhỏ bé âm thầm của các nữ tu lần lượt đến các thôn làng và các giáo xứ. Hội Dòng đã lập thêm 35 Cộng Đoàn phục vụ từ Thừa Thiên Huế đến tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình. Đời sống văn hóa khởi sắc, chị em đã vào các ngưỡng cửa Đại Học, các trường công lập, các chuyên ngành...

Cảnh sống khó nghèo, đạm bạc của các cộng đoàn càng làm cho chị em gần gũi với những người nghèo ở thôn quê. Nhiệm vụ của chị em là giáo dục con em về đức tin và văn hóa, cộng tác với các linh mục trong việc mục vụ như tập kinh sách, tập hát phụng vụ, lo hoa đèn trong nhà thờ, dạy tân tòng, đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân... và phục vụ thuốc men cho người đau yếu.

Năm 1936, Hai Đấng Sáng Lập từ giã trần gian đi về Quê Trời, Hội Dòng rất thương tiếc nhưng vẫn tin tưởng hai Đấng Tổ Phụ tiếp tục cầu bầu và theo dõi mỗi bước đường của con cái đang trung thành với tinh thần ý hướng của các ngài. Dù thời điểm rất khó khăn, chiến tranh, đói khát, bệnh tật, nhưng các cộng đoàn vẫn tiếp tục lan rộng đến Quảng Bình.

Cũng năm 1936, sau khi Đức Cha Chabanon qua đời, Đức Cha Lemasle Lễ kế vị Giám mục Giáo phận (1936-1946). Ngài đề nghị tất cả chị em đều thêm tên “Maria” ở trước tên mình để nhắc nhở mình là con Đức Mẹ, thuộc gia đình của Mẹ Maria.

Năm 1945, các chị em sống dưới bom đạn, nhiều lần còn phải tản cư lên núi, mạng sống lắm lúc bị đe dọa, ám sát hoặc chết vì súng đạn. Do thiếu an ninh, một số Cộng đoàn tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình bắt buộc phải đóng cửa. Dù vậy, nhân sự vẫn tăng nhanh dẫu giữa những biến động chiến tranh 1945 - 1947, 1954...

Từ 1969-1975: giai đoạn biến chuyển

Ngày 24.08.1969, đáp lời mời gọi của Đức Cha Paul Seitz (Phaolô Kim), Giáo phận Kontum, nhóm đầu tiên gồm 4 chị em tình nguyện lên miền truyền giáo Pleiku để phục vụ anh chị em Jrai. Chúa là Cha đầy lòng thương xót đã mở đường cho chị em đến với anh em nghèo khổ nhất tại Tây Nguyên. Đây là bước khởi đầu cho ơn gọi phục vụ các anh em dân tộc thiểu số của Hội Dòng. Bao nhiêu năm trời chị em đã phấn đấu để hòa nhập với cuộc sống của người sắc tộc, và đến hôm nay, nhiều chị em tiếp nối nhau, tiếp sức cho nhau để trung thành với ơn gọi truyền giáo này.

Tuyển Viện Hùng Vương – Pleiku, những năm đầu mới thành lập.

Cũng năm 1969, sau biến cố Mậu Thân (1968), được phép Đức Tổng Giám mục Giáo phận Huế và Sài Gòn, Dòng đã tiến hành lập cơ sở đầu tiên ở Xóm Mới, thuộc Giáo phận Sài Gòn, khởi đầu cho việc mở rộng các Cộng Đoàn ở Miền Nam sau này.

Trong tinh thần hội nhập văn hóa theo Công Đồng Vatican II, chị em đã chọn Áo Dài Việt Nam làm tu phục của Hội Dòng. Đó cũng là cách trung thành với ý hướng Đấng Sáng Lập muốn chị em hòa đồng giữa lòng dân tộc.

Từ 1975 – đến nay: giai đoạn trưởng thành

Năm 1975, các cộng đoàn mới vùng Sài Gòn, Tây Nguyên dần dần được thiết lập, trong khi vì hoàn cảnh chiến tranh Hội Dòng phải đóng cửa 35 cộng đoàn nhỏ.

Ngày 30.4.1975, đất nước thống nhất, một số chị em di tản vào Đà Nẵng và Sài Gòn, 7 chị em di tản ra hải ngoại. Nhiều cơ sở và trường học nhà nước trưng dụng. Bộ đội Giải Phóng được sự chấp thuận của Đức tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền mượn Nhà Mẹ của Hội dòng làm khu an dưỡng. Số chị em trở về tạm trú tại Nhà Kín.

Tuy nhiên, Chúa có đường lối đặc biệt cho Hội Dòng, nhiều cộng đoàn mới xuất hiện ở Giáo phận Sài Gòn, Xuân Lộc và các Giáo phận khác. Năm 1976, tái lập một số cộng đoàn ở Huế đã đóng cửa trong thời gian chiến tranh. Chị em không quản gian nan, mệt nhọc, sống trong cảnh đơn nghèo lao động. Sau một thời gian, các Cộng đoàn lần lượt mở lớp mẫu giáo, chị em trở lại với nghề nhà giáo vì thao thức với sứ mạng giáo dục.

Năm 1992, Phòng Khám Từ Thiện bắt đầu hoạt động, khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo không phân biệt tôn giáo.

Ngày 13.12.1994, một ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử Hội Dòng: Ngày trở về Nôi Mẹ sau gần 19 năm cho Quân đội mượn sử dụng, làm sao diễn tả hết được niềm vui! Ai ai nghe biết cũng chung niềm vui và nhận thấy quả thật đây là một phép lạ Thiên Chúa và Mẹ Hiền Vô Nhiễm đã ban cho Hội Dòng. Việc tái thiết một cơ ngơi hoang tàn, xuống cấp quả là một thách đố. Công việc bên ngoài ấy tuy quan trọng, nhưng nỗ lực của chị em là luôn luôn đặt hàng đầu việc huấn luyện con người dâng hiến để có khả năng đáp ứng nhu cầu loan báo Tin Mừng trong một thế giới nhiều thách đố và phát triển không ngừng.

Bước vào ngàn năm thứ ba, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chuẩn bị cho toàn thể Giáo Hội một Năm Thánh và lời mời gọi “Hãy khởi sự lại từ Chúa Kitô”. Hội Nghị Dòng XVI đã đẩy mạnh toàn thể chị em khởi sự lại từ Chúa Kitô, quyết tâm sống Phúc Âm, loan báo Tin Mừng trong tư cách người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Chị em xác tín Chúa đang đưa Hội Dòng tiến bước trên con đường mà Chúa Giêsu, Giáo Hội và các Đấng Sáng Lập đã đi, là loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó. Chúa Thánh Thần đã mở đường cho các cộng đoàn mới hiện hiện diện trong các vùng sâu vùng cao.

Đến năm 2024, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm có: 510 Khấn sinh (Vĩnh khấn: 429; Khấn tạm: 81); 33 Tập Sinh; 9 Tiền Tập Sinh; 70 Thanh Tuyển.

Hội dòng có 63 Cộng đoàn, Sở và Điểm hiện diện - phục vụ trong 11 Giáo phận tại Việt Nam và 3 Giáo phận ở Hoa Kỳ.

Mẹ Maria là ngôi sao dẫn lối cho Hội Dòng trong mọi lãnh vực.


[1] LTK, I,1.

[2] LSD, tr. 53. Năm 1923, ĐGH Pio XI cử Đức cha Lécroate, Giám mục đại diện Tông Tòa giáo phận Sienhsien Trung Hoa làm Khâm Sứ sang Việt Nam xem xét tình hình (x. Trần Chu Quang, Hành Hương Giáo Phận Tập II, tr. 335-337).

[3] Nay là cộng đoàn Têrêsa Nước Ngọt.

[4] LSD, tr. 59.

[5] Thỉnh nguyện thư của Đấng Sáng Lập 22.5.1931. 


[1] Archives de MEP, Compte-rendu 1920-1921, tr. 6.

LỄ KHẤN DÒNG 2024

Hồng ân Tiên Khấn (02.8.2024)

Hồng ân Vĩnh Khấn, 25 năm, 50 năm Khấn Dòng (05.8.2024)

*********

TU PHỤC CỦA HỘI DÒNG QUA CÁC GIAI ĐOẠN

18 19 20 21

CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI DÒNG

Từ 1920-1975

23

Trường Tư Thục Mai Khôi – Gia Hội (Huế) do chị em đảm trách

24

Dạy May, đan, thêu… cho các thiếu nữ

26

Chăm sóc bệnh nhân

311

Sống giữa anh em sắc tộc Jrai

1975 đến nay

Giáo dục Mầm Non

Nội Trú Cấp I & II

Nội Trú Cấp III

Nội Trú Sinh Viên

Cơ Sở Bảo Trợ Xã Hội Nước Ngọt

Nhà Tình Thương Xuân Phương

Đồng hành với giớt trẻ

Mục vụ giáo lý...

Khám, chữa bệnh

Băng bó những mảnh đời bất hạnh

47

Niềm vui chân chất, giản dị với anh em sắc tộc.

-----------------