Đến những miền xa của Đất nước

Người đạo nói: Chúa xuống thế làm người, đem ơn cứu độ cho nhân loại. Người ngoại đạo nói: lễ Giáng sinh, họ nghe nói về người tên...


Người đạo nói: Chúa xuống thế làm người, đem ơn cứu độ cho nhân loại. Người ngoại đạo nói: lễ Giáng sinh, họ nghe nói về người tên là Giê su, số nữa gọi là ông già Noel- một nhân vật huyền thoại, người được cho là chuyên lập danh sách các trẻ em, phân loại theo hành vi của từng người để phát đồ chơi và kẹo cho những đứa trẻ ngoan và than đá cho những đứa trẻ hư. Còn hôm nay, trong ngày Lễ Thánh Gia Thất, một số chị em của vùng Tây Nguyên đã đến thăm tất cả mọi người trong làng H’De, thuộc huyện Chư Păh- Gia Lai.

Thao thức ưu tiên cho người nghèo tại vùng Truyền giáo, qua những lần hỏi thăm, chị em cũng biết được một số vùng xa xôi, hẻo lánh, nơi có những con người sinh sống. Đa số, họ thuộc diện kinh tế khó khăn. Họ là những người anh em dân tộc thiểu số.

Sau hơn một giờ đồng hồ chuyển bánh, hai chiếc xe đã dừng lại tại một ngôi làng của 54 hộ gia đình, với gần 277 nhân khẩu, trung bình một gia đình có 5 người. Ngôi nhà nguyện nhỏ là một trong những điểm hẹn của mọi người nơi đây. Lúc này, hầu hết dân làng đều có mặt. Phần đông là các em nhỏ và phụ nữ, những khuôn mặt hiền hậu, ngây ngô, nhìn và nhìn.

Người dân ở đây sống bằng nghề nông. Đất để làm nương rẫy phần lớn ở bên kia sông. Ngày ngày họ đi trên chiếc cầu treo để qua làm vườn. Ông Dung- Biện trưởng của Làng nói: “Người làng mong có chiếc cầu treo ở gần làng nối sang đồi bên kia mà chưa được, thành ra phải đi chiếc cầu treo ở xa, chỗ người Kinh. Cuộc sống đạm bạc, nhưng cũng bình an. Ngôi làng tách biệt nên việc đi lại, ăn uống, các em đi học cũng gây không ít khó khăn”.

Màn chào hỏi được quy tụ trong nhà nguyện nhỏ. Các em cùng hát, cùng chơi và cùng dành ít phút để cầu nguyện, tạ ơn Chúa về buổi gặp gỡ.

Các phần quà được chuyển đến từ sự chắt chiu của chị em, các vị thân nhân, ân nhân gồm bánh, sữa, mì tôm và áo ấm. Một bà mẹ địu đứa con trên lưng xin thêm hai phần quà, ngập ngừng khi sử dụng tiếng Kinh: “hai đứa con lớp 5 và lớp 6 đang đi làm thuê cho họ”. Chị em là những trung gian chia sẻ những món quà vật chất cũng như tinh thần. Nhìn những đứa trẻ lấm lem, ai cũng mủi thương, không biết ngày mai các em sẽ ra sao. 

Người dân nghèo mà đậm chất đơn sơ, chất phác. Không ồn ào, không vội vàng. Chờ đến lượt thì nhận. Có những đứa trẻ chỉ dám lấy một phần, không kéo áo xin thêm cũng không dành lấy trước, chỉ ngồi chờ đến lượt mới dám đưa tay.

Thiên nhiên núi rừng là người bạn thân thiết của những con người nơi đây. Đã từng có những gia đình tìm ra nơi đô thị để làm ăn sinh sống. Giả như những con người âm thầm này không giàu để ra nơi đô thị thì cuộc sống họ vẫn êm ả trôi. Trôi giữa dòng đời nhiều biến động.

Nhìn lặng và dâng một lời nguyện. Xin Chúa Hài đồng ngự trị trong lòng chúng con.

Maria Dương Khiêm (Kinh viện), FMI