Có nên sử dụng mạng xã hội hay không?

Trong bối cảnh phát triển của khoa học và công nghệ, mạng xã hội được đánh giá như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người, nhất là các bạn trẻ.


Trong bối cảnh phát triển của khoa học và công nghệ, mạng xã hội được đánh giá như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người, nhất là các bạn trẻ.

Mạng xã hội (socical network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến, chia sẻ hình ảnh,…

Việt Nam là một trong số nhiều nước có tốc độ phát triển nhanh về công nghệ thông tin, số người sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng. Theo thống kê của bộ thông tin và truyền thông năm 2021, số lượng người sử dụng mạng xã hội là 72 triệu người (chiếm tỉ lệ 73% dân số). Theo đó, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 thế giới về tỉ lệ người dân sử dụng mạng xã hội, là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và Youtube cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỉ lệ khá lớn.

Mạng xã hội là một mảnh đất thuận lợi trong việc tiếp cận, tìm kiếm, chia sẻ thông tin và đem lại những giá trị tích cực trong cuộc sống.

Một trong những lợi ích của mạng xã hội đó là không gian để chia sẻ thông tin và cập nhật những tin tức hàng ngày. Nơi đây, người truy cập có thể học hỏi và biết thêm những vấn đề đang xảy ra cả về trong nước và thế giới. Sự cập nhật thông tin ở mạng xã hội có thể diễn ra đồng thời với sự kiện, nghĩa là thông tin được truyền tải tức thời và lan tỏa một cách nhanh chóng.

Bên cạnh việc thu nhận những thông tin, mạng xã hội còn là nơi mỗi cá nhân có thể chia sẻ (đăng tải) những thông tin, cảm xúc và bày tỏ quan điểm với người khác. Đây là cơ hội thuận lợi để trao đổi, giao lưu thông tin, tăng khả năng kết nối, tương tác giữa người dùng một cách nhanh chóng, tiện lợi. Ví dụ, mọi người có thể gặp gỡ nhau qua công cụ trò chuyện trực tuyến và kết nối ở khắp mọi nơi.

Ngoài ra, mạng xã hội là môi trường tốt giúp các em học sinh có thể tìm tòi, khám phá, rèn luyện và đem lại những kiến thức bổ ích trong suốt quá trình học tập.

Đặc biệt hơn, dạo gần đây, mạng xã hội là không gian lý tưởng để bán hàng, kinh doanh trực tuyến. Ngồi ở nhà với chiếc điện thoại thông minh livetreams, người bán hàng có thể kết nối với khách hàng ngang qua những lượt bình luận, chats để chọn lựa cho mình những sản phẩm ưng ý và phù hợp. Nhất là các bà mẹ nội trợ, học sinh – sinh viên có thể kiếm thêm thu nhập bằng công việc này.

Mạng xã hội phát triển mở ra mang một hướng đi mới và đem lại những năng lượng tích cực. Sử dụng đúng mục đích và có ý thức, mạng xã hội là một kênh giải trí xóa tan những căng thẳng, mệt mỏi sau một ngày làm việc mệt mỏi. Những giây phút được thư giãn qua những bộ phim, bài hát,... sẽ khiến cuộc sống trở nên nhẹ nhàng và năng lượng sống tích cực nhiều hơn.

Đối với con người trong xã hội hiện đại, mạng xã hội là một món ăn không thể thiếu trong cuộc sống. Nhưng bên cạnh đó, mạng xã hội luôn tồn tại hai mặt và để lại nhiều hệ lụy xấu trên nhiều khía cạnh cuộc sống của con người. Và một thuật ngữ mới được xuất hiện “nghiện mạng xã hội”

Một số quan điểm cho rằng, nghiện mạng xã hội khiến con người rơi vào trạng thái bị lệ thuộc. Khi đó, con người đánh mất chính mình và rơi vào một thế giới ảo. Mọi vấn đề thực tiễn trong cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán và đi vào lối mòn.

Đây là một thách thức lớn đối với xã hội ngày hôm nay. Bởi lẽ, nếu lạm dụng mạng xã hội sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc, học tập,… của nhiều người, nhất là các bạn trẻ.

Trước hết, con người rơi vào một thế giới ảo. Trước viễn cảnh đó, câu hỏi đặt ra là  “Nếu không có mạng xã hội, con người sẽ như thế nào?’’. Vì mọi nhu cầu sinh hoạt dường như khép kín trong một không gian không có thật. Trong không gian ấy, bạn có thể kết nối được với nhiều bạn bè ở khắp nơi trên thế giới nhưng khi ấy, bạn không còn dành thời gian để có những cuộc gặp gỡ trực tiếp. Khủng khiếp hơn, tâm lý của con người trở nên nhạy cảm, khép kín với thế giới bên ngoài. Mọi cảm xúc tự nhiên dường như trở thành một đề tài để bàn luận và thông cảm trên một status tâm trạng. Mới đây, nhiều hiện tượng tiêu cực cũng xảy ra bắt đầu từ facebook như trào lưu "nói là làm" đang tràn lan. Điển hình là trường hợp bé gái 13 tuổi ở Khánh Hòa sẵn sàng đốt trường vì nhận được 1.000 like trên facebook.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy những người sử dụng mạng xã hội quá mức có xu hướng mắc bệnh về tâm lý. Họ cảm thấy tiêu cực và tinh thần trở nên sa sút, mệt mỏi dẫn đến bệnh trầm cảm, ADHD (rối loạn tăng động, giảm chú ý ở người lớn), lo âu và thiếu ngủ. Tâm lý này đã được thể hiện qua bài đăng của Ashley, 17 tuổi, đến từ Singapore: “Làm thế nào để chúng ta có thể ngăn bản thân và bạn bè mình lún sâu hơn vào cái hố sâu thẳm của sự hoài nghi và khao khát này” (Mạng xã hội có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên - Tổ chức Unicef).

Thứ hai, mạng xã hội giết chết sự sáng tạo ở con người. Mọi thông tin dường như đều có sẵn trên các trang mạng, diễn đàn. Chỉ một từ khóa, chúng ta sẽ có nhiều chọn lựa để trả lời cho các vấn đề mà mình muốn tìm hiểu. Đây là vấn đề nan giải đang xảy ra tràn lan, nhất là ở các bạn học sinh, sinh viên. Khả năng tư duy, tự tìm tòi và phát triển bộ não ngày càng suy giảm.

Thứ ba, mạng xã hội là nơi xuất hiện những nội dung không lành mạnh ngày càng nhiều với mục đích kiểm soát điện thoại di động của người dùng để âm thầm khai thác tiền kỹ thuật số và câu “like”. Bên cạnh đó, những nội dung phản cảm, không mang tính giáo dục len lỏi một cách tinh vi, không kiểm soát đến với người dùng ảnh hưởng đến tinh thần sức khỏe và tâm sinh lý của con người.

Mạng xã hội còn “cướp đi” thời gian vận động, tập luyện thể dục thể thao của con người, hậu quả là càng ngày chúng ta càng tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương, béo phì, tiểu đường...

Khó có thể phủ nhận được những gì mà mạng xã hội đem lại. Tuy nhiên, để đưa mạng xã hội trở thành một công cụ tiện ích, đáp ứng những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống con người đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực và cộng tác với nhau đẩy lùi những điểm tiêu cực mà mạng xã hội để lại.

Quan trọng nhất là ý thức của mỗi cá nhân. Việc sử dụng mạng xã hội đòi hỏi chúng ta cần biết chọn lựa những nội dung lành mạnh và có tính toàn cầu, tránh xa những trang web không chính thống, không lành mạnh để không là tín đồ ngu muội và lệ thuộc. Chúng ta cần hướng tới điều tích cực, trong sáng, lành mạnh, cái đẹp và có ích.

Chúng ta hãy là người sử dụng mạng xã hội thông minh để dùng mạng xã hội một cách hiệu quả chứ không là nạn nhân của nó. Không chia sẻ mật khẩu với người khác, thường xuyên kiểm tra cài đặt bảo mật; mua sắm từ các trang web tin cậy, đọc các nhận xét và hỏi kỹ thông tin trước khi mua; không đăng thông tin cá nhân, không chia sẻ thông tin chưa xác thực, cẩn trọng với mỗi tương tác trực tuyến...Và hãy nhớ, đừng mê mạng xã hội mà quên đọc sách, đừng mải nói chuyện với người trên mạng mà quên giao tiếp với người thân, đừng “phây, chát” đến phờ phạc, phí phạm đời mình vào những điều vô nghĩa.

Mạng xã hội chỉ đem lại những ích lợi khi con người ý thức về bản thân và sử dụng máy móc, công nghệ một cách thông minh và có hiệu quả. Đây là thông điệp của toàn xã hội, gia đình và mỗi cá nhân để xây dựng một thế giới trở nên đẹp đẽ và tươi màu.

Maria Hồng Thắm (Thanh tuyển), FMI