Hà Úc ngày ấy...và chị tôi

Sau 90 năm Hồng Ân, trong niềm cảm phục và hãnh diện về Quý Chị sẽ là động lực cho chúng em hân hoan tiếp bước trong một chân trời mới đầy tươi sáng và hy vọng...


Trong tâm tình tạ ơn mừng Sinh Nhật 90 năm thành lập cộng đoàn Hà Úc, chị em chúng tôi có cơ hội “tìm về cội nguồn” khi lần giở lại những trang sử liệu quý hóa, và đặc biệt là qua chứng từ sống động của những cựu học sinh Hà Úc. Đặc biệt, thời gian này chị em chúng tôi thật hạnh phúc đón chị M. Nathalie Ngô Thị Nghĩa về nghỉ dưỡng và chữa bệnh tại Cộng đoàn. Chúng tôi xác tín đây là một hồng ân, một quà tặng Chúa ban cho cộng đoàn dịp lễ tạ ơn 90 năm. Vì chị là một người đã được sống tại cộng đoàn 13 năm. Giai đoạn I từ: năm 1970 -1973;  Giai đoạn II từ: năm 1981-1992.

Mỗi giờ cơm, mỗi buổi học tập, mỗi tối chơi chung... là những lúc chị em chúng tôi háo hức nghe chị kể lại chuyện xưa nơi mái nhà thân thương, trên mảnh đất mà hôm nay chị em chúng tôi đang được thừa hưởng và tiếp nối công trình xây dựng của Quý Chị Tiền bối. Những câu chuyện mà chúng tôi cứ tròn xoe mắt ngạc nhiên và những trận cười giòn giã. Thời gian sau 1975, cộng đoàn có những năm chỉ có 2 chị em, chị phụ trách là chị Ephrem Nguyễn Thị Oanh lo nấu rượu nuôi heo. Mỗi ngày, lúc chị ngồi băm cây chuối là lúc các em nhỏ mỗi người 1 cái đòn, 1 quyển vở ngồi xung quanh để chị cho vài chữ và tập đọc theo chị. Còn chị Nghĩa thì lo phụng vụ và các việc may vá thêu thùa. Thời đó, tuy chỉ có một cây đèn dầu lớn với quyển tập trang lớn được viết bằng mực, từ ngòi bút làm bởi thân cọng chổi đót được cắt ngắn và gọt lép một đầu, vậy mà chị và ca đoàn vẫn tập 3, 4 bè có khi hăng hái tới 11h00 tối. Giáo xứ ngày ấy rất đông giáo dân, Chúa Nhật cũng ba Thánh lễ. Lớp Khai Tâm là đông nhất, có lúc gần 200 em. Canh thức Giáng Sinh vẫn gần chục bài múa. Có nhiều bài chị phải tự hát và ngâm thơ để các em diễn vì không có sẵn nhạc. Các em nhỏ được chọn làm thiên thần phải hy sinh mấy đêm liền trằn trọc, khi trên đầu đầy những thanh tre nhỏ được chị chẻ ra và cuốn từng lọn tóc nhỏ kẹp vào bằng cọng thun để vài ngày quăn quăn cho đẹp ... Đúng là chuyện lạ có thật!

Rồi nữa... Ai có thể tưởng tượng nổi, một ngày nọ, sáng đó giáo xứ có lễ cưới cho 6 cặp bạn trẻ. Mới 1h00 sáng, các em đã tới ngồi ngoài sân nhà chị cười nói rộn ràng, vì đợi chị kẹp tóc, trang điểm, cài hoa... Làm chị phải nói đùa: “Đám cưới của các em mà như là đám cưới của chị vậy! Hihi...” Mà khi đó nhà các chị quá nhỏ, một gian nhà được ngăn đôi vừa để ngủ, vừa để đồ dùng, chỗ đâu mà tiếp đón... Thế là các cô dâu chú rễ đành ngồi đợi bên vỉa hè, nơi gần chuồng heo của các chị...

Dù cuộc sống vất vả khó khăn như mọi người Việt Nam trong hoàn cảnh chung thời ấy, nhưng tình làng nghĩa xóm giữa các chị và bà con xứ Hà Úc thật gần gũi gắn bó. Gia đình nào bất hòa, các chị cũng mời vào để hàn gắn lại. Ai có nắm rau, miếng thịt, con cá, chai dầu phụng... cũng đem vào cho chị. Còn các chị cũng lại dành dụm để chia sẻ cho các gia đình nghèo khổ xung quanh... Thời đó, lên Huế phải đi bằng tàu nước rất mất thời gian, nhưng lúc có cơ hội, các chị cũng tranh thủ về Dòng xin nhưng viên thuốc, kiếm từng trái khế, những miếng bánh tráng... để đem về chia sẻ lại cho bà con. Vì vậy, những ngày nay, khi có dịp chị Nghĩa về lại giáo xứ, nhiều gia đình và nhiều người từng là ca đoàn, là học trò của chị đến thăm. Niềm vui và sự trìu mến ấm áp của họ dành cho chị vẫn như ngày xưa đầy kỷ niệm lưu dấu lịch sử ấy.

Tạ ơn Chúa cho Hội dòng chúng em có những người chị đáng kính đã hết mình dấn thân gầy dựng nên cộng đoàn và làm chứng sống động cho ơn gọi Con Đức Mẹ Vô Nhiễm nơi miền cát trắng Hà Úc thân thương này. Ước mong, sau 90 năm Hồng Ân, trong niềm cảm phục và hãnh diện về Quý Chị sẽ là động lực cho chúng em hân hoan tiếp bước trong một chân trời mới đầy tươi sáng và hy vọng...

Nt. M. Isave Trần Thị Sa, FMI