100 năm - Tri ân nguồn cội

Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys Lý là người sáng lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Ngài sinh năm 1852 tại Pháp. Khi 23 tuổi, cha Allys qua Việt Nam...


Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys Lý là người sáng lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Ngài sinh năm 1852 tại Pháp. Khi 23 tuổi, cha Allys qua Việt Nam truyền giáo và ngài đã ở lại mãi mãi với người dân Việt mà không một lần trở về quê hương.

Cha Allys thấy hoàn cảnh Việt Nam lúc bấy giờ nghèo khó, trường đời có nhưng các em học sinh không được chăm sóc đời sống đức tin. Cha thao thức có những người nữ tu bản xứ đứng ra dạy các em cả về văn hóa cũng như đức tin. Từ đây, Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm ra đời vào ngày 8/9/1920.

Là người sáng lập nhưng trong cương vị Giám mục địa phận với nhiều bận rộn, Đức cha gửi gắm cho cha Alexandre Paul Maria Chabanon Giáo công việc hướng dẫn, chỉ bảo chị em từ những ngày mới khai sinh. Như một gia đình có cha có mẹ, Hội Dòng cũng được vinh dự đó, hai cha đã như người cha người mẹ tận tình chăm sóc, chỉ bảo cho đứa con ngày một khôn lớn.

Cha Allys là người vui tươi, hiền hòa, yêu thương tất cả mọi người. Tình yêu đối với Đức Kitô đã thúc bách ngài quên mình dấn thân phục vụ không kể lương giáo, giàu nghèo. Đúng với câu châm ngôn của ngài “Tôi thương mến mọi người”.

Dòng CĐMVN từ con số 6 bây giờ đã tăng lên hàng trăm. Suốt 1 thế kỷ tồn tại, Hội Dòng đã tiếp nối ý hướng của Đức cha Tổ phụ, luôn ưu tư và đẩy mạnh sứ mạng giáo dục. Đức cha Tổ phụ luôn mở rộng cánh cửa cho tất cả mọi người, thì chị em cũng dành một hoạt động để thương giúp người nghèo khó, bệnh tật. Đó là sứ mạng bác ái, y tế. Đến hôm nay, hoàn cảnh, con người, cơ sở hạ tầng đã thay đổi rất nhiều nhưng những giá trị truyền thống quý báu từ Đức cha Tổ phụ, các chị tiền bối thì luôn được được nhắc đến và lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nổi bật như: ưu tiên cho đời sống cầu nguyện, sống vui tươi và tiếp đón tất cả mọi người, chị em tập sống thánh mỗi ngày bằng việc chịu cho vui lòng những sự khó thường ngày thường gặp. Đó là dấu của người môn đệ, cũng còn là những gì Đức cha Tổ phụ đã sống và thật đáng để chị em học đòi bắt chước.

Cầu nguyện: Sử Dòng có ghi “sau giờ đọc kinh chung với giáo dân, cha Allys ở lại chầu Thánh Thể rất lâu. Lúc bị mù lòa hưu trí, ngài thường ở trong nhà thờ suốt buổi chiều để cầu nguyện và chầu Thánh Thể. Tuy vậy, trước khi qua đời, ngài còn nói “ngày nào ra trước tòa phán xét, tôi chỉ sợ 2 điều. một là khi còn sống đã không yêu phép Thánh Thể cho đủ, hai là không hết tình cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục”. Noi gương cha, hằng ngày chị em cũng dành ưu tiên cho việc thờ phượng, gặp Chúa trong cuộc sống, đặc biệt trong các giờ Phụng vụ.

Học tập: Thao thức của Đức cha Tổ phụ, người CĐMVN là những nữ tu nhà giáo. Là người giáo dục trước hết phải là người được giáo dục kỹ lưỡng về mọi phương diện. Vì thế chị em không ngừng trau dồi kiến thức văn hóa, khả năng chuyên môn, đặc biệt là các môn thần học. Rèn luyện các kỹ năng giúp cho công tác mục vụ như đàn, hát, sinh hoạt… Từ đây, chị em có thể ra đi và phục vụ trong nhiều lĩnh vực mục vụ.

Học và hành bao giờ cũng là cặp đôi song hành. Dầu đã đi phục vụ, Hội Dòng cũng tiếp tục vun xới nhân lực bằng các khóa bồi dưỡng, học tập nhằm nâng cao trình độ và nắm bắt được những thay đổi của thời đại để thích nghi và sáng tạo trong công việc tông đồ.

Lao động: Học tập là điều quan trọng thì công việc chân tay hàng ngày cũng được kể là một phần của sứ mạng phục vụ người nghèo của CĐMVN. Ngoài những giờ được ấn định cho việc thờ phượng, học tập, các sinh hoạt riêng, chị em còn dành giờ để xuống vườn trồng hoa, trồng rau. Tuy nhỏ nhưng với hết khả năng và tình yêu, Chúa cũng cho những luống rau lên xanh, vườn bắp đơm trái...  góp thêm vào bữa ăn trong ngày.

Khi viết thư về quê, Đức cha kể như sau: “mỗi ngày các học viên cũng dành thời giờ để thêu thùa, người làm len hay dệt lụa, thầy trò yêu thương thật tình, đến nỗi niềm vui sự hòa thuận và hoạt động lan rộng khắp tu hội”. Cũng vậy, chị em hôm nay, cũng đẩy mạnh sống đượm tình người bằng thái độ khiêm tốn, hiền hòa, vui tươi, lạc quan, thành thực, cởi mở, bao dung khi phê phán, giản dị khi tiếp xúc, nói lên sự thật trong bác ái- theo giáo huấn của Đấng Sáng Lập. (Luật Sống điều 63)

Kết. Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Nhìn lại 100 năm, Hội Dòng tri ân nguồn cội, nhớ về những vị đã nằm xuống. Các ngài đã âm thầm hy sinh biết bao mồ hôi, công sức cho sứ mạng tình yêu. Bước sang một trang sử mới, nhìn tới tương lai với niềm hy vọng. Hy vọng vì Chúa đang dẫn đường chỉ lối. Hy vọng để tiến bước trong Thần Khí.

Học viện Huế, FMI