"Hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước" Suy tư chủ đề Năm Thánh

Thần Khí của Thiên Chúa đã tác động trên tâm hồn Đức Cha Allys, Giám Mục Giáo Phận Huể để ngài “cảm thấy đau lòng khi thấy số đông...


Thần Khí của Thiên Chúa đã tác động trên tâm hồn Đức Cha Allys, Giám Mục Giáo Phận Huể để ngài “cảm thấy đau lòng khi thấy số đông con em học sinh công giáo đi học trường do các thầy giáo bên lương điều khiển” (LSD, tr.18). Trong giây phút trăn trở đau lòng đó, Thiên Chúa đã thổi sinh khí của Người vào Đức Cha. Chính nhờ “Hơi Thở Thánh” này mà sự khởi đầu do bởi cảm thức “đau lòng” ấy trở nên “sống động”.

Logo soi sáng Chủ Đề Năm Thánh

Maria - là sao mai chỉ đường và là Đấng nối kết Chúa Giêsu với người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Nơi Đức Giêsu, lòng Trời và lòng người được nối kết với nhau; “Trời” và “người” cuốn vào nhau tạo nên một dòng chảy tình yêu Thiên Chúa tặng trao mãi cho thế giới.

Kết hợp chủ đề “Hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” và các nét đặc trưng của Logo được phân tích trên đây, người viết sẽ dựa vào Lời Chúa1 để nêu lên phần nào vai trò của Chúa Thánh Thần trong Căn tính của Hội Dòng. Ước mong chị em chúng ta xác tín thêm một lần nữa Căn tính ấy để tiếp tục tiến bước và tiến bước cách mạnh mẽ nhờ Thần Khí hướng dẫn.

Thần Khí trong quá trình hình thành Hội Dòng

Ngay câu đầu tiên của Kinh Thánh, chúng ta gặp thấy: “Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1-2). Bởi sự bay lượn của Thần Khí, Thiên Chúa đã làm nên vũ trụ với biết bao kỳ công. Thần Khí không chỉ bay lượn để làm nên vũ trụ mà còn hoạt động, thấm nhập vào bên trong, biến xác thể “lấy bụi từ đất” vô tri và bất động thành thân thể sinh động. Bởi việc “thổi sinh khí” (St 2,7) của Thiên Chúa, Người đã truyền cho con người sự sống của Người cùng với sự tốt lành và thiện hảo.

Trong những thân thể sinh động đó, Thần Khí của Thiên Chúa tiếp tục hướng dẫn tuy dịu dàng nhưng mạnh mẽ để họ có thể tiếp tục công trình tạo dựng của Người từ thế hệ này qua thế hệ khác. Khi thời gian đến hồi viên mãn, chính Thần Khí bay lượn và đáp xuống trên Đức Maria, người thôn nữ Nazareth trong ngày truyền tin, Thiên Chúa bắt đầu khai mào một kỷ nguyên mới.

Cũng thế, vào ngày thiên ý nhiệm định, Thiên Chúa thiết lập một Hội Dòng trên mảnh đất của miền trung để giáo dục con cái Người. Giờ đã đến, Thần Khí của Thiên Chúa đã tác động trên tâm hồn Đức Cha Allys, Giám Mục Giáo Phận Huể để ngài “cảm thấy đau lòng khi thấy số đông con em học sinh công giáo đi học trường do các thầy giáo bên lương điều khiển” (LSD, tr.18). Trong giây phút trăn trở đau lòng đó, Thiên Chúa đã thổi sinh khí của Người vào Đức Cha. Chính nhờ “Hơi Thở Thánh” này mà sự khởi đầu do bởi cảm thức “đau lòng” ấy trở nên “sống động”.

Bởi sự dẫn dắt và bảo ban của Chúa Thánh Thần, Đức Cha bắt đầu xây dựng một Hội Dòng giáo dục như là một trong những “công cuộc tạo dựng mới” tại mảnh đất Giáo phận Huế thân yêu và lập nên “Trường sư phạm các nữ tu bản xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm” đầu tiên tại Việt Nam.

Như đã chúc lành cho công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã nhìn đến “Trường Sư Phạm” này và nói: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất” (St 1,28). Thế là, ân huệ của Thiên Chúa không ngừng tuôn chảy trên Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm trong suốt 100 năm qua, để rồi hôm nay đã có gần 470 thành viên phục vụ trong 13 Giáo Phận.

Thần Khí trong Linh Đạo Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

Con Đức Mẹ Vô Nhiễm tự nguyện bước theo Chúa Kitô vác Thánh Giá và yêu mến Mẹ Maria Vô Nhiễm với hết tình con thảo” (LS 3).

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô: “Là một Kitô hữu, chúng ta chỉ có một con đường độc nhất để đi theo, đó là đường Giêsu2. Đối với người nữ tu CĐMVN, đường Giêsu đó là con đường chính Chúa Giêsu vác thánh giá lên đồi Canvê (x.LS 3). Như thế, khi chúng ta tự nguyện chọn bước theo Chúa Giêsu vác thánh giá là: (1) cùng Mẹ Maria thông phần vào hy tế của Chúa Giêsu, “chịu đau khổ tàn khốc với Con Một của mình” (LS 75); (2) bắt chước cung cách của Ngài khi bước vào cuộc thương khó: “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây” (Ga 18,5); (3) đón nhận khổ đau và đã biến khổ đau thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại: “Tông đồ bằng sự hiện diện liên lỉ trước mặt Thiên Chúa với một tâm hồn in dấu Thập Giá Đức Kitô, hy sinh vì phần rỗi thế gian” (LS 93).

Bước theo Chúa Kitô vác thánh giá lên đồi Canvê, người nữ tu CĐMVN sẽ cùng với Mẹ Maria lắng nghe lời trăn trối của Ngài. Đưa mắt nhìn xuống Mẹ, Chúa Giêsu nói về từng người chúng ta: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Chúa Giêsu đã trao mỗi người chúng ta cho Đức Mẹ chăm sóc. Và rồi, Ngài nhìn chúng ta và nói về Mẹ đang đứng đó: “Đây là mẹ của con” (Ga 19,26-27). Dựa trên lời trối của Chúa Giêsu, chúng ta sống sâu đậm tình mẫu-tử thiêng liêng với Đức Mẹ.

Trong viễn cảnh này, nền tảng của mối quan hệ mẫu tử giữa Đức Maria và từng người chúng ta được xây dựng trên sự hy sinh từ bỏ: (1) Đức Giêsu sắp từ bỏ mạng sống và từ bỏ người mẹ yêu dấu của mình. Ngài tự rút ra khỏi vòng tay Mẹ và trao lại cho Mẹ một người con khác: “Thưa Bà, đây là con Bà”; (2) Đức Maria cũng sắp từ bỏ người Con theo huyết nhục của mình mà mở vòng tay đón lấy người con khác; (3) Cũng thế, chúng ta phải làm “trống” lòng mình để có một nơi xứng đáng đón nhận Đức Maria “về nhà”. Từ ý thức này, chúng ta được mời gọi yêu mến và tôn sùng Mầu Nhiệm Thánh Giá cách cụ thể bằng việc thực hành khổ chế theo tinh thần của Đấng Sáng Lập (x. LTK I,1; VI).

Từ Thánh Giá, Chúa Giêsu thiết lập và trao ban sự sống mới. Trong sự sống này, một đàng, Ngài đã muốn Mẹ trở nên Mẹ của dòng dõi những người được tái sinh trong Đức Kitô từ cây Thánh Giá; đàng khác, Ngài muốn chúng ta đón nhận Đức Maria như mẹ của riêng mình. Chính vì thế, Luật Sống mời gọi cộng đoàn cũng như cá nhân tỏ lòng sùng kính Mẹ (x.LS 83) và  biết “đặt niềm tin, cậy, mến yêu đặc biệt vào Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm, nhận Người làm mẫu mực và làm Mẹ riêng mình với hết lòng con thảo” (LS 5).

Ý thức mình là “con riêng” của Mẹ, mỗi ngày vào lúc 3 giờ chiều, chúng ta hiệp nhau quỳ dưới chân Thánh Giá cùng với Mẹ để tạ ơn Chúa Giêsu “đã nhớ đến chúng con trong giờ cứu rỗi này và ban Đức Maria làm Mẹ chúng con”. Đây cũng là giây phút chúng ta tha thiết xin Mẹ che chở và “làm cho chúng con được trở nên ngoan ngoãn dưới tác động của Chúa Thánh Thần” để mỗi ngày trở nên người nữ tu CĐMVN hơn (x.Kinh Ba Giờ).

Thần Khí trong Đặc Sủng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

Đặc sủng của Hội Dòng là ơn gọi yêu mến” (LS 3).

Thập Giá Đức Kitô là dấu chứng hùng hồn cho thấy tình yêu của Ngài. Tình yêu đã khiến Ngài tự hạ mình, tự hủy mình và tự hiến mình cho con người. “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Nơi thập giá, tình yêu đến cùng, hy sinh đến cùng và khiêm hạ đến cùng đó được bộc lộ. Cái chết trên thập giá của một con người là tột đỉnh của sự nhục nhã và đau đớn; thế nhưng, cái chết trên Thập Giá của Con Thiên Chúa đã trở thành nguồn Ơn cứu độ cho cả nhân loại.

Ngay từ giây phút đầu thai, Đức Maria đã được Thiên Chúa chuẩn bị để có thể đón nhận tình yêu của Người không chút dè giữ. Được phủ bóng bởi Thánh Thần, Mẹ luôn hướng về Thiên Chúa với trọn cả con tim. Với tâm hồn trong sạch, Mẹ đã quảng đại trao trọn xác hồn cho Thiên Chúa để phục vụ kế hoạch của Người bằng một tình yêu trọn vẹn. Chính tình yêu đó đã cho Mẹ đủ sức mạnh mà lặng lẽ bước đi bên cạnh Con trên đường Thánh Giá và chứng kiến cái chết của Con cách thấu cảm.

Noi gương Đức Trinh Nữ Maria, những “chàng trai trẻ” đã để cho tình yêu Chúa Kitô lay động trái tim mình. Chính vì thế, cuộc đời của các Đấng sáng lập Hội Dòng đã để cho tình yêu Ngài hướng dẫn. “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” (Châm ngôn của ĐC Chabanon), Ngài thúc bách “tôi yêu thương mọi người” (Châm ngôn của ĐC Allys).

Từ Hội Nghị Dòng lần thứ 18, chúng ta đã đón nhận và mang trên mình Thánh Giá Chúa Giêsu với chữ M bên dưới. Với tất cả tự do và tự nguyện, chúng ta ý thức mình đang sống đặc sủng tình yêu. Ước mong sao khi khoác Thánh Giá vào mình, chúng ta sẽ lập lại với các Đấng sáng lập: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi yêu thương mọi người” và thật sự sống hết lòng với tình yêu đó.

Thần Khí trong Tinh Thần Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

“... Chị em lấy tinh thần khiêm tốn, sẵn sàng hiến dâng và vâng phục của Mẹ Maria được diễn tả trong lời thưa: ‘Này tôi là nữ tỳ Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài’ làm thái độ căn bản cho tâm hồn mình trong đời sống thánh hiến và thừa sai” (LS 4).

Văn Kiện Hội Nghị Dòng thứ 19 đã nêu rõ: Đức Kitô – Người Con vâng phục của Cha đã từ trời xuống thế để làm theo ý Cha. Ngài sống vì Cha nên luôn ước mong làm đẹp lòng Cha trong mọi sự. Cả cuộc đời dương thế của Ngài là tìm cách làm cho ý Cha được thể hiện. Ngài vâng phục Cha một cách tuyệt đối cho đến giây phút cuối cùng (x.VK HND 19,25-27). Thư Do Thái viết: “Khi vào trần gian, Đức Kitô đã nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5-7).

Cũng cùng một tinh thần đó với Thiên Chúa là Cha, Đức Maria đã đáp lời sứ thần khi Mẹ được mời gọi cộng tác vào chương trình của Người: “Này tôi là nữ tỳ Chúa, xin hãy thực hiện cho tôi như lời Ngài” (Lc 1,38). Với tất cả ý thức và tự do, Đức Maria đã nói tiếng “vâng” như kéo dài tiếng “Vâng” của Ngôi Lời khi Ngài đến thế gian như thư Do Thái đã ca tụng. Lời “vâng” của Đức Maria trong tư cách của người “nữ tỳ” mang dáng dấp “người tôi tớ đau khổ” được mô tả trong sách ngôn sứ Isaia (x.Is 53) mà Đức Kitô con của Mẹ sẽ thực hiện sau này (x.VK HND 19, tr.29).

Từ khi Maria thưa tiếng “vâng”, Chúa Thánh Thần ngự xuống tràn đầy trên Đức Maria. Mẹ đã mở rộng tâm hồn đón nhận và để mặc Người hướng dẫn cuộc đời của mình. Mẹ trở nên dụng cụ ngoan ngoãn, khiêm tốn trong tay Chúa Thánh Thần, hiến dâng trọn vẹn thân xác và tâm hồn vào chương trình của Thiên Chúa. Mẹ đã đón nhận ý Chúa không một chút dè dặt hay do dự. Mẹ cũng không đòi một điều kiện nào. Tiếng vâng ấy, Mẹ không chỉ thưa lên một lần, nhưng phải xóa mình đi để thưa từng ngày một, kể từ Nazareth hôm đó cho đến đồi Canvê.

Như Đức Kitô, người con hiếu thảo của Cha và như Đức Maria, người nữ tỳ của Thiên Chúa, người CĐMVN cũng phải thưa vâng trong mọi hoàn cảnh. Lời “vâng” khiêm tốn thưa lên trong những sự khó thường ngày gặp phải một cách vui vẻ và bình an đó sẽ tháp nhập chúng ta vào dòng dõi của những Đấng nói tiếng Fiat.

Dòng dõi những người nói tiếng Fiat không thể là người chiều theo thúc đẩy của vị kỷ nhưng là người được Thánh Thần hướng dẫn để biết đặt trọng tâm vào Thiên Chúa và tha nhân. Đó là dòng dõi của những con người lắng nghe Lời, để Lời biến đổi và trổ sinh hoa trái. Người nữ tu CĐMVN thuộc dòng dõi những người nói tiếng Fiat. Nghĩa là khi gia nhập vào Hội Dòng này, chúng ta đóng cọc đời mình trong thái độ vâng phục để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và là họa ảnh của Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm. Giữa mỗi biến cố cuộc đời, chúng ta sẽ thưa lên trong ý thức, tự do, khiêm tốn và đầy tin tưởng: “Này tôi là nữ tỳ Chúa”.

Thần Khí trong Đặc Tính Con Đức Mẹ Vô Nhiễm3

Vẻ nguyên tuyền của Mẹ thúc bách chị em gìn giữ tâm hồn trong sạch” (LS 5).

Nhìn vào Logo, chúng ta dễ dàng nhận thấy thân xác bị treo trên Thánh Giá của Chúa Giêsu đã kéo “trái tim” và “bông lúa” lên theo. Đây là điều mà Chúa Giêsu đã hứa: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người đến với tôi” (Ga 12,32). Ngài lôi kéo tất cả mọi người khi Ngài bị treo lên. Quyền năng từ trái tim đầy nhân hậu không để cho Ngài nhượng bộ trước sự dữ do con người gây ra: đang khi con người giương Đức Giêsu lên cao để Ngài chết cách nhục nhã, thì Ngài lại lôi con người lên theo để họ được sống cách dồi dào. Bởi sự lôi kéo của Ngài, cả nhân loại được nâng lên khỏi sức nặng của tội lỗi. Nhờ Đức Kitô giải thoát, cái “tôi” yếu đuối đã bị “giật bứt” ra khỏi con người ích kỷ bởi một sức mạnh phi thường.

Đức Trinh Nữ Maria đã được hưởng ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội ngay từ giây phút đầu thai. Được Chúa Thánh Thần phủ bóng, Mẹ đã hết lòng cộng tác với ơn thánh. Thiên sứ đã gọi Mẹ bằng danh hiệu “Đấng Đầy Ân Sủng” (Lc 1,26). Tâm hồn và thân xác của Mẹ là cung điện của Con Thiên Chúa làm người. Chính vì thế, sau khi hoàn tất hành trình trần thế, cả hồn lẫn xác Mẹ được “lôi kéo” lên hưởng vinh quang vĩnh cửu cùng với Thiên Chúa Ba Ngôi và triều thần thánh trên trời.

Con người có tự do để chọn sống theo Thần Khí hoặc sống theo tính xác thịt (x.Gal 5). Như Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm, chúng ta được mời gọi sống theo Thần Khí nghĩa là phải để cho Chúa Kitô “lôi kéo”. Bởi lẽ: (1) Chúng ta được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Người (x.St 1). Chúng ta là những “thụ tạo mang Hơi Thở của Người”, được thông chia chính sự tốt lành, thiện hảo của Người; (2) Chúng ta là những người đã được Thiên Chúa thánh hiến và sai vào thế gian, nhưng lại không thuộc về thế gian (x.Ga 17); (3) Chúng ta là những người được tái sinh từ cạnh sườn Đức Kitô, được mời gọi tìm kiếm và hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ không chú tâm vào những gì thuộc hạ giới (x.Col 3,2). Hãy để cho những gì thuộc về “Xê-da” (x.Mt 22,21) rơi rụng khỏi tâm trí, ngõ hầu chúng ta có thể nhẹ nhàng theo Ngài.

Là người CĐMVN, chúng ta thuộc dòng dõi những người nói tiếng Fiat, những người sống theo Thần Khí. Thế nên, hãy canh chừng, đừng để lòng mình loay hoay tìm kiếm những gì thuộc tầm thấp. Hãy sinh “hoa trái của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an...” (Gl 5,22-23). “Tâm hồn trong sạch” không cho phép chúng ta nói ra những lời khó chịu, càm ràm, trách móc... nhưng là lời Magnificat như Mẹ. Đó là cành huệ tinh trắng, tươi nở, ngát thơm mà Thiên Chúa ước mong nơi người CĐMVN.

Thần Khí trong Sứ mạng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

Nhờ tình yêu Chúa Kitô thúc bách, Hội Dòng đã lãnh nhận sứ mạng riêng biệt qua trung gian hai Vị Sáng Lập” (LS 92).

Theo Tin Mừng Gioan, giây phút Chúa Giêsu tắt thở chính là lúc Người trao ban Chúa Thánh Thần: “Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30). Thần Khí trút ra từ hơi thở của Đấng đã chết ấy, chính là luồng sinh khí khai sinh sự sống là Giáo Hội. Chính nhờ Thần Khí tuôn trào ra từ Thập Giá của Đức Kitô, Thiên Chúa thực hiện một cuộc sáng tạo mới.

Lãnh nhận Chúa Thánh Thần của Đấng Phục Sinh, Giáo Hội không ngừng tiếp nối sứ mạng của Ngài: ra đi loan báo Tin Mừng. Chính Chúa đang tuôn đổ dẫy đầy Thánh Thần trên Hội Dòng chúng ta. Từ Thánh Giá Đức Kitô, biểu tượng của sự tự hủy, Thiên Chúa đã làm nên bao nhiêu bông hạt. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt” (Ga 12,24). Chúa Kitô, “Hạt Giống” của Thiên Chúa đã chấp nhận tự hủy mình ra không (x.Pl 2,6), nay đã trổ sinh muôn vàn bông hạt. Đức Maria, mảnh đất tốt tiếp nhận “Hạt Giống” đã vận dụng cả thân xác và con tim để sinh hoa trái. “Hai Bông Hạt” của Giáo Phận Huế đã vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách mà đem lòng yêu thương mọi người nên Thiên Chúa cho trổ sinh không biết bao nhiêu hoa trái. “Sáu Bông Hạt” đầu tiên đã cùng Đức Maria, theo gót Chúa Kitô bước vào dòng dõi những người nói tiếng Fiat, tiếp tục tự hủy mình và nhờ thế đã sinh được nhiều bông hạt như Hội Dòng chúng ta có ngày hôm nay.

Noi gương Đức Maria, chúng ta đón lấy Hơi Thở Thần Khí mà Đức Kitô trao ban để trở nên “tạo thành mới”. Là con của đấng thuộc hội Truyền Giáo Paris, chúng ta phải có một nhiệt huyết rao truyền Tin Mừng như các ngài. Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi rao giảng Tin Mừng sau khi “thật sự có kinh nghiệm thâm sâu với Đức Kitô” (VK HND 19, tr 81) cũng như đã để cho “Lời Chúa chiếu dọi và biến đổi” (VK HND 20, tr 27). Với những nét rất riêng và rất đặc trưng của Hội Dòng, mỗi người được mời gọi có trách nhiệm tự huấn luyện mình, quyết tâm luyện tập để nên chứng nhân ơn gọi CĐMVN: vui tươi, hiền lành, thành thật và khiêm tốn (VK HND 18, chương I).

Kết luận:   “Hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước”

“Hơi Thở” thổi vào “bụi từ đất” làm thành Adam, ông đã “sống” và “sinh sôi nảy nở”; “Hơi Thở” thổi vào Giáo Hội, làm nên dấu chỉ ơn cứu độ của Thiên Chúa cho trần gian, có đến hai tỷ người trên thế giới tin nhận Thiên Chúa; “Hơi Thở” thổi vào Đức Cha Allys để ngài hình thành Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và phát triển không ngừng; và “Hơi Thở” đó đang tiếp tục thổi vào 470 thành viên đang phục vụ trong 13 Giáo Phận. Trong suốt 100 năm qua, Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động qua mỗi biến cố và trong thời gian cụ thể, để rồi hôm nay, Hội Dòng tiếp tục bước đi trong tinh thần của Đấng sáng lập.

Nhờ Chúa Thánh Thần tác động, các Hội Nghị Dòng đã dần dần khám phá ra Căn tính của mình. Căn tính đó được xây dựng trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa. Vì thế, chúng ta hãy ngoan ngùy để Thần Khí dẫn dắt vào trong Lời Thiên Chúa và để cho Lời đó biến đổi. Hãy bước theo tinh thần, đặc sủng của Đấng sáng lập và các vị Tiền bối mà tiếp tục Sứ mạng của Hội Dòng với những nét rất đặc trưng làm nên người nữ tu CĐMVN.

Một khi đã chọn gia nhập vào Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, chúng ta chọn gia nhập vào dòng dõi những người nói tiếng Fiat. Điều này có nghĩa là sống theo Căn tính của Hội dòng, và đó chính là con đường nên thánh của chúng ta. Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt, nào chị em chúng ta hãy can đảm lao mình về phía trước, lao mình vào thế kỷ thứ hai mà Thiên Chúa đang mở ra cho Hội dòng chúng ta. Chúng ta “Hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước!”.

Nt. Maria Phan Thị Hiển, FMI  

1 Trong Tân Ước, tác động của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu khá rõ: Chúa Thánh Thần làm cho Ngôi Hai thành bào thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1); Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống công khai rao giảng Tin Mừng của Ngài (Lc 4); Chúa Thánh Thần thúc đẩy Đức Kitô để Ngài trở nên của lễ vẹn toàn trong cuộc thương khó (Dt 9,14); Chúa Thánh Thần làm cho Đức Kitô phục sinh (Rm 1,4); Riêng đối với Tin Mừng thánh Gioan, hơi thở của Con Thiên Chúa trong thân xác con người cũng là Thần Khí: “Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30). Các điều trên cho thấy, toàn bộ đời sống của Đức Kitô được hướng dẫn và thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần. Vì thế, trong các phần liên quan đến Đức Kitô sẽ đề cập dưới đây, người viết không lập lại hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Ngài.

2 Trích bài giảng của ĐTC Phanxicô ngày 3/5 tại nhà nguyện Matta.                                     

3 Theo nghĩa thông thường, cụm từ “vô nhiễm” được hiểu là trong sạch, không ô nhiễm. Trong Luật Sống, cụm từ “tâm hồn trong sạch” hoặc “đức trong sạch” được gặp thấy tại các chương khác nhau (điều 5, 7, 27, 83, 92, 97). Trong VK HND thứ 19 nêu rõ: chúng ta thể hiện đức trong sạch của mình bằng cách sống bốn nét đặc trưng của người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Trong bài viết này, đức trong sạch hiểu cách rộng hơn đó là sự trong sạch của một tâm hồn hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và đây được xem như là đặc tính của Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.