Nôi Mẹ Phú Xuân

“Cung đền Chúa xiết bao khả ái Ôi Chúa tể càn khôn! Tâm hồn con đây khát khao hao mòn, Mong ước được vào ở trong đền Chúa”. (x. Tv 83...


“Cung đền Chúa xiết bao khả ái

Ôi Chúa tể càn khôn!

Tâm hồn con đây khát khao hao mòn,

Mong ước được vào ở trong đền Chúa”.

(x. Tv 83 – Lm. Hoàng Diệp phổ nhạc)

Tâm trạng khách hành hương mong ước về Đền Thánh Chúa trong thánh vịnh 84 (83), là nguồn cảm hứng để ghi lại nỗi khắc khoải nhớ quê hương của người con Đức Mẹ Vô Nhiễm suốt 19 năm dài mất Nôi Mẹ.

Mẹ vào đời

Mẹ em chào đời ngày 08.9.1920. Nôi Mẹ là ngôi tòa Giám Mục bỏ trống, giữa một vườn cây im mát sum suê nhãn, đào, xoài, mít, cam, quít, bưởi, chanh. Trước mặt Mẹ, sông Hương trong xanh lặng lẽ trôi, bên kia bờ là giáo họ Phường Đúc, nơi đây còn lại bao dấu tích của các thánh đời Minh Vương, triều Nguyễn. Bên trái Mẹ, cồn Dã Viên đã chứng kiến 4 thánh về trời vào thế kỷ 17. Phu Vân Lâu, Hồ Thương Bạc, các cửa Đại Nội, chợ An Hòa, Cống Chém khắc ghi biết bao gương anh hùng của tổ tiên. Sau lưng Mẹ là nơi thánh Anrê Trông, Emmanuel Triệu, Gioan Hoan, sinh trưởng và minh chứng niềm tin.

Em hãnh diện về “miền đất nhân sinh” của Mẹ em. Em tri ân sâu thẳm tình yêu Thiên Chúa tự đời đời đã dành cho Mẹ em. Và chính trên mảnh đất hoàng gia thấm đẫm vết máu anh hùng của các thánh mà chúng em lần lượt ra đời.

“Cả tấm thân con cũng như tấc dạ

Ngưỡng vọng lên Chúa Trời hằng sống

và hớn hở reo vui.

Kìa chim sẻ tìm được mái ấm,

Chim én nhẹ cũng làm tổ đặt con,

bên bàn thờ Ngài”.

Mẹ lớn lên

“Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Đặc biệt nhà em có hai cha. Cha cưu mang sinh thành và cha giáo dục nuôi dưỡng. Hai Đấng cũng vừa đóng vai cha vừa đóng vai mẹ. Chúng em vô vàn trân quý yêu thương.

Mẹ chúng em ra đời trong cảnh thanh bình đất nước và lặng lẽ lớn lên trong ân sủng, trong sự dắt dìu đầy trìu mến yêu thương của cha. Vừa tròn 7 tuổi (1927), các chị nhà em hăng hái mang hoài bão của cha đến những vùng đất xa lạ, xa nhà.

25 tuổi đầu, các chị đã đặt chân lên 20 điểm phục vụ trong tỉnh Thừa Thiên Huế và giáp giới Quảng Bình (Bồ Khê 1946). Bỗng nhiên biến cố Việt Minh khởi nghĩa, nội chiến tiếp diễn, nhà em phải trải qua năm tháng khiếp hãi lo âu. Các chị chúng em thường đi lại trên những tuyến đường gài bom mìn, hầm chông. Rồi những biến cố hoảng loạn 1968, 1972, Mẹ Dòng đang hoạt động trên 60 địa điểm phải theo sóng người di tản, và một số cơ sở phục vụ đành bỏ trống. Khủng khiếp nhất là biến cố 1975, một biến cố lớn lao toàn cả đất nước. Người dân xô bồ chạy loạn vào Nam. Ghe, gọ, xe, tàu đầy ắp người già người trẻ, ào ạt chạy dưới mưa đạn, trên đường, dưới biển. Kinh hoàng. Nhà em cũng trong sóng người đó. Một khúc quanh lịch sử vô cùng đau thương của Mẹ Dòng.

Mất Nôi Mẹ

Mẹ em nhận được lệnh phải ra khỏi nhà trong 24 tiếng. Sáng ngày 19.3.1975 cha Giuse Nguyễn Tiến Huynh dâng thánh lễ cuối cùng tại Nôi Mẹ, chúng em tuyên lại lời khấn, ngậm ngùi viếng nghĩa trang trong vườn và chan hòa nước mắt lên xe. Đó là chuyến xe cuối cùng chở chị cả M. Gonzague Đỗ Thị Tùng, một số chị em còn lại, nhà tạm, hương án bàn thờ, theo sóng người xô bồ di tản vào Đà Nẵng. Ngờ đâu chỉ mấy hôm sau, Đà Nẵng ngập tràn cờ đỏ sao vàng, chị em hết đường chạy. Ngày 11.4.1975, chuyến xe đầu tiên dò đường về lại Nôi Mẹ. Một cảnh hoang tàn đổ nát, hoang vắng, lạnh lùng, giữa sân nhiều đống rác nghi ngút khói. Trong nhà vật dụng ngổn ngang, điêu tàn... Lòng quặn đau, nước mắt không ngưng chảy.

Ngày 14.4.1975, chị em nhận được giấy Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền ký cho Bộ đội Quân khu 4 mượn cơ sở Dòng. Mượn mãi mượn hoài, chị cả Đỗ Thị Tùng mỏi gối chân chồn lên tỉnh về xã đòi nhà trong 19 năm liền. Chị em lưu lạc tha hương trên 11 giáo phận trong và ngoài nước, bơ vơ kiếm sống để được bảo vệ đời tu, đau đớn nát tan vì mất “Nôi Mẹ”. Trăn trở, buồn nhớ, khóc thương nơi mình đã chôn chặt cuộc đời, nơi đã được nuôi dưỡng và lớn lên, nơi nguyện trót đời ẩn náu để ngợi ca Tình yêu Thiên Chúa đã gọi tên con (x. Is 49,1) và đặt con trên miền đất Phú Xuân yêu dấu, không gì tách được con ra khỏi Tình yêu của Ngài (x. Rm 8,5).

Càng bấn loạn hơn khi được tin Đức Tổng Giám Mục Huế trao thư phó thác chị em cho các Giám Mục liên hệ theo Giáo luật 432. Từ đây mỗi vùng tự trị trong mọi cơ chế tổ chức, chỉ còn liên hệ với Mẹ Dòng và chị em vùng khác trong tình nghĩa mà thôi. Một nỗi buồn sâu đậm xâm chiếm lòng chị em khắp nơi: nhớ Mẹ, thương nhau. Dẫu rải rác, các chị vẫn tìm cách liên hệ và nhất trí kêu xin.

Lạy Chúa uy linh lặng nghe con cầu

Ngài là chính khiên mộc gìn giữ

nguyện xin đoái thương con

Tại cung thánh một ngày với Chúa

Hơn cả ngàn vạn vạn ngày hỉ hoan

ở trại người đời”.

Quả thật, Thiên Chúa giàu lòng xót thương đã lắng nghe lời con cái kiên trì kêu cứu. Đầu năm 1984, Đức Tổng Giám Mục Huế Philipphê Nguyễn Kim Điền ban phép cho chị em được hiệp nhất trong cơ chế tổ chức: 1 Bề Trên, 1 Ban Cố vấn, 1 Hiến pháp, 1 Nôi Mẹ.

“Hạnh phúc cho ai được cung chiêm Ngài

Hưởng nguồn ơn trong Đền Thờ Chúa

và sớm tối hoan ca.

Người hạnh phúc là người có Chúa,

Trên bước đường ngàn dặm nẻo hành hương,

giữ trọn lời thề”.

Được lại Nôi Mẹ

Ngờ đâu chiều 13.12.1994, có lệnh trả nhà. Một bữa cơm khoản đãi... và họ đã ra khỏi nhà. Nhanh như chớp, các chị chúng em nghênh tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm chui qua cửa hông nhà Kín. Đức Mẹ dừng chân đầu tiên giữa lòng Nguyện đường, lạnh lùng, trống vắng. Cờ đỏ sao vàng bọc Thánh giá Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse. Cung thánh làm nền sân khấu. Ngậm ngùi... Chúng em nghênh Đức Mẹ đi tiếp quanh nhà, băng qua các đống dĩ hạ, hoang tàn. Điểm cuối cùng chúng em đứng trước đài Đức Mẹ giang tay trên giếng nước (giữa sân Lộ Đức). Tấm tôn bọc Đức Mẹ lại, nhưng hỡi ôi, hai bàn tay Đức Mẹ đã mất tự bao giờ?

Trời tối mịt, chỉ còn các ngọn nến cầm tay. Lặng lẽ, bật khóc thành tiếng, nhưng là nước mắt của niềm vui. Con xa Nôi Mẹ đã 19 năm, chiến tranh, khói lửa, tản mác, tha hương. Nay con trở về với Mẹ, Mẹ với con. Tưởng đã chết, đã mất, ngờ đâu còn ngày sum họp! (x. Lc 15,24)

Lạy Chúa cao sang thiều quang chói rạng

Ngài tặng ban ơn huệ sự sống

và luôn chở che con

Người không bỏ lòng nào mến Chúa

Không chối từ lời nguyện cầu thành tâm

kẻ cậy vào Người”.

Thế rồi 3 tháng dọn nhà, xóm làng thăm viếng, và 15 năm trùng tu xây dựng lại nhà (1994-2009). Nôi Mẹ hôm nay đã lên tầng khang trang. Sứ mạng được tiếp nối, mạnh mẽ phát huy. Chị em với tính năng động đặc sủng, tùy hoàn cảnh để thích nghi. Chúng em cảm nhận sâu xa Mẹ Vô Nhiễm và hai Đấng Sáng Lập luôn đồng hành với nhà em. Mẹ em vẫn tin tưởng vào một tương lai xem ra có phần chắc chắn miễn là được Thiên Chúa khấn thương che chở. Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ!

Cây hoa Phú Xuân trăm ngành đua nở

Trong cơn gió mưa xin Mẹ chở che

Lạy Mẹ cho yếng sáng soi từ trời

Đầy vườn hoa nhụy sum sê sặc sỡ

Lạy Mẹ giữ gìn vườn xuân như gấm

Cho hồng tươi thắm cho huệ đầm ấm

Cho trăm hoa đượm sắc hương khắp vườn

Là vườn thiêng liêng rỡ ràng mọi phẩm”!

(trích bài hát Mừng Mẹ vẹn toàn, lời đoạn này của chị Mai Yên)

Nhìn quá khứ để Tri ân

Lúc này Mẹ em đã vào tuổi 100. Đầu tóc của Mẹ đã bạc màu với thời gian. Khuôn mặt trìu mến của Mẹ hằn lên vết nhăn vì những biến động thời cuộc. Nhưng não bộ Mẹ em vẫn tích cực hoạt động. Mẹ còn minh mẫn là nhờ sự chăm sóc chu đáo của các chị hút sức sống từ Thần Khí. Các chị luôn nhiệt tình năng động. Đàn em cứ thế bước theo.

100 năm không là bao với dòng thời gian, nhưng với Mẹ Dòng, 100 tuổi đủ để nói lên cảm nhận sâu xa rằng Tình yêu Thiên Chúa ôi vô cùng vĩ đại!           

“Kỳ diệu thay tri thức siêu phàm

Quá cao vời con chẳng sao vươn tới”. (Tv 138,6)

Không kỳ diệu sao, khi đoàn con của mẹ từ hơn 30 nhà nhỏ miền Trung chạy tản lạc khắp nơi, bằng thuyền, bằng ghe, bằng đường bộ, mà không mất một ai. Với ngày tháng lênh đênh trên biển, trên đường, mà lại có ngày tìm ra nhau, quy tụ, bảo vệ nhau sống, giúp nhau trung thành. Không kỳ diệu sao, từ một Hội Dòng bé nhỏ thuộc quyền giáo phận trên mặt bằng có ranh giới từ đèo Hải Vân Huế đến Nam sông Gianh tỉnh Quảng Bình, nay lại có mặt trên 13 giáo phận trong và ngoài nước. Một biến cố đã đưa Hội Dòng sống lại hình ảnh cộng đoàn tiên khởi: “Hội Thánh Giêrusalem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội, mọi người đều phải tản mác...Vậy những người tản mác này đi khắp nơi và loan báo Lời Chúa” (Cv 8,1-4).

Mẹ em thật sự đã trải qua biển cả sa mạc, nắng cháy, khô cằn, một khúc quanh đời người xoay chiều 1800. Thế nhưng hôm nay Thiên Chúa nhân lành đã quy tụ đông đủ các con và Mẹ trên một đảo xanh, sạch, đẹp, của thuở ban đầu.

Lời mẹ nhắn nhủ

Thiên Chúa thủy chung, yêu thương vô ngần. Mẹ mong các con luôn sắt son với Giao ước Tình yêu ban đầu, trung thành, sáng tạo với đặc sủng của cha. Nhờ ơn Chúa, Mẹ đã vượt qua hành trình 100 năm, có lúc phủ đầy sóng gió. Mẹ mong trí tuệ các con được phát huy bởi Thần Khí để viết tiếp những trang sử oai hùng cho Mẹ Dòng các con.

Nt. M. Léontine Đỗ Thị Lan, FMI  

Kỷ niệm 25 năm được trở về Nôi Mẹ (13/12/1994-13/12/2019)