100 năm - Ân sủng và Sứ mạng "Vẽ vời cho con trẻ biết đường lên trời"

“Lòng nhân hậu và tình thương Chúa Ủ ấp tôi suốt cả cuộc đời” (Tv 22,6) Biến cố 100 năm sinh nhật Hội Dòng là cơ hội để chúng ta...


“Lòng nhân hậu và tình thương Chúa Ủ ấp tôi suốt cả cuộc đời” (Tv 22,6)

Biến cố 100 năm sinh nhật Hội Dòng là cơ hội để chúng ta nhìn lại lịch sử trong ánh sáng đức tin, tình yêu và ân sủng. Những ký ức, những biến cố thăng trầm của Hội Dòng là nhịp đập, là sự sống, là linh hồn của mỗi người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm chúng ta. Cảm nhận dòng chảy ân sủng, chúng ta sẽ dễ dàng đón lấy, tiếp nối và phát huy những truyền thống tốt đẹp của Hội Dòng.

Trong thời khắc linh thiêng của lịch sử, chúng ta chung tâm tình tri ân, cảm mến, cùng với nỗ lực canh tân bản thân để sẵn sàng viết tiếp những trang sử ghi dấu sự chuyển mình của 100 năm ân sủng.

KÝ ỨC NGẬP TRÀN ÂN SỦNG

“Trước khi ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi;

Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi,

Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”. (Gr 1,5)

Chúng ta nhìn về lịch sử, cách đây 100 năm, khi nền giáo dục Việt Nam thay đổi từ cơ chế tổ chức học đường đến các môn học, nhất là sự chuyển mình từ chữ Nôm sang chữ Quốc Ngữ, các trường công giáo không có đủ giáo viên để đáp ứng nhu cầu thực tế của Giáo Hội và xã hội. Đức Cha Allys, giám mục của Giáo phận Huế, trăn trở khi nhìn thấy nhiều trẻ em không được đến trường, và những trẻ em được đến trường lại học tại trường vô thần luôn có khuynh hướng chống đối Giáo Hội. Ngài thao thức đào tạo những nhà sư phạm để có thể giáo dục cho lớp trẻ về văn hóa - đức tin theo tinh thần Kitô giáo. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đức Cha Allys “nhất định sáng lập một tu hội mới có mục đích chuẩn bị giáo viên cho các trường giáo xứ”. Với sự cộng tác đắc lực của Cha Chabanon, người luôn ước muốn “nhen nhúm cho con trẻ kính mến Chúa, yêu thương người; dạy cho con trẻ mọi sự toàn vẹn hồn xác”, Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đã được khai sinh trong dòng chảy ân sủng và lòng thương xót Chúa (x.LSD, tr.18-19).

“Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,

bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con”. (Tv 138,5)

Hội Dòng ngụp lặn trong lời tạ ơn Thiên Chúa vì sự quả cảm của người cha và trái tim của người mẹ, khi hai Đấng sáng lập đã cân nhắc lựa chọn phương thế cứu rỗi các linh hồn là “vẽ vời cho con trẻ biết đường lên trời”. Các ngài chấp nhận tốn kém, chấp nhận khởi sự để đào tạo giáo viên, thành lập Dòng mới chuyên việc giáo dục.

Và để có thể trở thành những nhà nữ tu sư phạm chăm lo cho lớp trẻ được giáo dục văn hóa và đức tin theo tinh thần Kitô giáo, Hội Dòng đón lấy ân sủng tình yêu qua từng giai đoạn với những con người cụ thể và qua những biến cố thăng trầm của lịch sử. Hội Dòng đã được phủ bóng ân sủng khi chị em được huấn luyện chu đáo về đời sống nội tâm, được chuẩn bị tri thức với bằng cấp, được đầu tư cơ sở một cách vững chắc để đáp ứng cho sự đòi hỏi và phát triển của xã hội. Tất cả là hồng ân.

Ươm trồng đời sống nội tâm

“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.

 Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. (Ga 15,4.9b) 

Ngay từ những ngày đầu, Đức Cha Allys đã ủy thác cho cha Chabanon đảm nhận công việc huấn giáo cho Hội dòng mới. Cha Bề trên Chabanon vừa là vị linh hướng vừa là nhà huấn luyện. Ngài vừa đóng vai một người cha dạy dỗ, vừa là một người mẹ săn sóc, hướng dẫn chị em cụ thể trong cuộc sống. Ngài tận tình chăm sóc và yêu thương dạy bảo, ươm trồng vun xới cho mầm sống mới của Hội Dòng được lớn lên trong đời sống tu trì.

Ngài đặt nền vững chắc cho Hội Dòng từ đường thiêng liêng, giáo lý, cho đến tổ chức sinh hoạt, nâng cao văn hóa và đời sống vật chất của chị em. Mỗi tuần hai lần, Ngài đến giáo huấn. Ngài phụ trách cả việc dạy chữ nghĩa, giải tội và hướng dẫn các cuộc tĩnh tâm. Mỗi sáng ngài đến gẫm chung lớn tiếng cho chị em. Ngài xác tín việc tông đồ phải được nuôi dưỡng bằng đời sống nội tâm kết hợp mật thiết với Chúa. Vì thế, ngài giúp chị em sốt sắng làm các việc đạo đức, trung thành với các giờ kinh nguyện, tích cực tuân giữ lề luật và cùng nhau tìm kiếm Chúa trên hết (x.LSD, tr.20).

Như hạt mầm được sinh vào đất tốt, lối sống kính mến Chúa được tiếp nối, dưỡng nuôi qua dòng thời gian. Chị em được dạy dỗ, được hướng dẫn học biết Chúa Giêsu, ra sức yêu mến Ngài. Giờ tâm nguyện và kinh nguyện chung luôn được quan tâm, những lời giáo huấn chị em hằng tuần được lấy từ Lời Chúa. Sử sách ghi lại thuở ban đầu, Bà Bề trên Tịnh mỗi lần huấn giáo cho các chị đều lấy từ nguồn Lời Chúa, từ sách “Cứu thế Ngôn Hành” để giúp chị em yêu mến Chúa, gắn bó với Chúa và để có thể sống đẹp lòng Ngài (x.LSD, tr.62).

Ngày nay, qua Thư luân lưu hằng tháng của các bề trên, các chị cũng bắt đầu với Lời Chúa và suy tư trên Lời Chúa. Các chị xác tín rằng, chúng ta phải làm cho Lời Chúa trở nên nguồn sống vì Lời có sức biến đổi chúng ta thành những chứng nhân đích thực. Chúng ta không thể thi hành sứ mạng giáo dục đức tin và văn hóa cho con người thời nay (mọi thời) nếu không ở lại trong Lời Chúa (x.VK HND 20, tr.25).

“Muôn lạy Chúa, lời Ngài bền vững

đến ngàn đời, trên cõi trời cao”. (Tv 119,89)

Chúng ta hãy dừng lại trong phút giây thinh lặng để một lần nữa cảm nếm ân sủng và tình yêu đổ xuống trên Hội Dòng chúng ta. Tình yêu đối với Lời Chúa và Thánh Thể đã được Đấng sáng lập gieo vào lòng chị em, tiếp nối qua từng thế hệ. Để đến hôm nay, chúng ta có thể xác tín: Nguồn mạch đời sống của Con Đức Mẹ Vô Nhiễm không gì hơn là Lời Chúa và Thánh Thể. Nơi đó, chúng ta kín múc chính nguồn mạch của Tình Yêu, nguồn mạch Sự Sống và là Con Đường đích thực mà chúng ta phải “vẽ vời cho con trẻ” đi đến nơi.

Ý thức “vẽ vời cho con trẻ biết đường lên trời” là sứ mạng của Hội Dòng. Chị em ưu tiên đời sống nội tâm đồng thời trang bị cho mình hành trang tri thức để có thể chu toàn sứ mạng cách tốt nhất.

Trang bị tri thức cho sứ mạng

Hội Dòng được thành lập với mục đích “đẩy mạnh ngày một hơn việc cứu rỗi các linh hồn, đặc biệt qua công cuộc giáo dục giới trẻ theo tinh thần Kitô giáo” (NĐTL).

Cha bề trên Chabanon là người học thức uyên bác, ngài là giáo sư Đại Chủng Viện, và cũng là người phụ trách việc dạy văn hóa cho chị em. Chúng ta hãnh diện vì người cha tuyệt vời, đã luôn thao thức cho Hội Dòng mới thực hiện tốt sứ mạng giáo dục. Từ những ngày đầu thành lập Dòng, ngài đã viết những điều luật đầu tiên hướng dẫn chị em sống đời dâng hiến và cách thức thi hành sứ mạng. Ngài ưu tư về lối sống của người nữ tu giáo viên CĐMVN và luôn chăm lo hướng dẫn, dạy dỗ chị em, từ tinh thần đến tri thức. Ngài đã mời các nữ tu Dòng thánh Phaolô đến dạy cho chị em bước đầu. Các chị tiên khởi và các thiếu nữ mới gia nhập Hội Dòng đều được đào tạo qua các lớp sơ học, tiểu học. Các chị được chuẩn bị chu đáo cho sứ mạng giáo dục, cụ thể Hội dòng đã có những bước đột phá về tri thức đáng trân quý (x.LSD, tr. 25-26).

Những bước tiên phong đáng ghi nhớ:

Năm 1925, với kỳ thi “Sơ Học Yếu Lược” lần đầu tiên được tổ chức tại Huế, Hội Dòng đã có 22/24 chị tham gia thi và trúng tuyển.

Năm 1927, có 2 chị đậu bằng “Primaire Franco Indigène” (Tiểu học Pháp-Việt) và có thể mở trường trong Giáo phận.

Năm 1939, chị M. Candide Phạm Thị Thiên là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đậu bằng “Brevet Elementaire” tại Hà Nội (x.LSD, tr.25, 72).

Cũng nên kể thêm, năm 1952, bà Bề trên M. Hélène gởi hai chị M. Gonzaga Đỗ Thị Tùng và chị M. Céphas Trần Thị Diệp đi học tại trường Notre Dame du Langbian- Đà Lạt. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nữ tu bản xứ được gởi đi học xa nhà Mẹ và tại một trường Công giáo lý tưởng do các nữ tu người Pháp điều khiển. Sau đó, hai chị tiếp tục vào Đại học và đậu cử nhân Văn chương Pháp, cử nhân Sư phạm (x.LSD, tr.85).

Năm 1965, bà Bề trên M. Claudia đã mạnh dạn gởi 3 chị theo lớp Thần học tại Pháp. Đó là các chị M. Eugène Phan Thị Chiểu, M. Rosa Nguyễn Gia Hường Liên, và chị M. Cécilia Hoàng Thị Cung. Đây cũng là lần đầu tiên nữ tu Việt Nam được gởi sang Pháp tu học. Các chị được Chính phủ Pháp cấp học bổng vào Đại Học tại Stragsbourg.

Năm 1969, chị M. Consolata Bùi Thị Bông và chị M. Bénédictine Nguyễn Thị Điền thi đậu vào Đại học Y Khoa Huế. Đây là những nữ tu bác sĩ đầu tiên của Giáo phận Huế

Tiếp tục được đào tạo

Từ những bước tiên phong mạnh dạn đó, nhiều chị em bắt đầu vào Đại học, trường cán sự y tế, dưỡng nhi, dục nhi, nữ công gia chánh, kỹ thuật, thần học, giáo lý. Các chị dần dần được gởi sang Phi-luật-tân, Pháp, Ý để học Anh Văn, học chuyên ngành Giáo Dục và Thần Học (x.LSD, tr. 94-96).

Thế rồi, biến cố 1975 làm thay đổi đời sống của chị em, nhất là trong lãnh vực văn hóa. Có rất ít ơn gọi trong thời gian này và các chị em cũng ít được học hành.

“Nhưng đối với Ngài, tối tăm chẳng có chi mù mịt,

và đêm đen sáng tỏ như ban ngày,

bóng tối và ánh sáng cũng như nhau”. (Tv 138,12)

Sau gần hai mươi năm ngưng trệ, đến khoảng năm 1992, đất nước thay đổi. Có những biến chuyển tích cực trong lĩnh vực tôn giáo và văn hóa. Các ơn gọi bắt đầu được tiếp nhận trở lại, và hầu hết các chị em đều được theo học Đại Học, Cao Đẳng, hoặc Trung Cấp chuyên ngành, được thăng tiến phong phú trong nhiều lãnh vực như Sư phạm, Y tế, Xã hội, Thần học để có thể chu toàn sứ mạng. Ngoài ra, Chúa còn gởi các tình nguyện viên nước ngoài đến giảng dạy và giúp chị em một số chuyên môn, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đến nay, Hội Dòng vẫn gởi thêm các chị em đi du học để tiếp tục công cuộc phục vụ.

Dù trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, Hội Dòng vẫn luôn quan tâm tiếp nối ý hướng của Đấng sáng lập, đầu tư tri thức cho chị em để có thể đáp ứng những nhu cầu và đòi hỏi của xã hội. Chúa đã luôn đổ tràn ân sủng, Ngài dùng từng chị em như những dấu chấm nhỏ để viết lên trang sử của Hội Dòng.

“Muôn ngàn đời Chúa Chúa vẫn trọn tình thương”.

(Tv 136,2)

MỘT HIỆN TẠI CẦN ĐƯỢC CANH TÂN

100 năm hồng ân, nhìn về quá khứ, chúng ta tự hào về lối sống, sự nỗ lực của các chị em.

100 năm lưu dấu dòng chảy ân sủng của lời tạ ơn. Nhưng 100 năm không chỉ dừng lại trên những trang sử hào hùng, mà còn mở ra cho chúng ta một chân trời mới, với những thực tại mà chúng ta đang tiếp bước.

Lớn lên trong sứ mạng

Chúng ta tạ ơn Chúa vì dòng chảy sứ mạng của Hội Dòng luôn ngập tràn ân sủng. Chị em đón nhận đặc sủng của Đấng sáng lập, tiếp nối theo dòng thời gian và trong sự năng động của người nữ tu CĐMVN. Chị em thấm nhuần tình yêu Chúa Kitô, “yêu thương mọi người” và không ngừng thao thức cho công cuộc giáo dục giới trẻ theo tinh thần kitô giáo” (x.VK HND 20, tr. 31).

Với sứ mạng riêng biệt “vẽ vời cho con trẻ biết đàng lên trời”, chị em được trang bị đời sống nội tâm, trang bị tri thức để thi hành sứ mạng. Chị em say mê sống cho Chúa và tha nhân, luôn thao thức cho lớp trẻ được giáo dục, được sống xứng đáng với phẩm giá của họ.

Trải dài 100 năm lịch sử với biết bao thăng trầm của thời cuộc, từ cộng đoàn sứ mạng đầu tiên (Nước Ngọt, 1927), cho đến các cộng đoàn Hội Dòng hôm nay, chị em ý thức thể hiện sứ mạng đã lãnh nhận bằng sự nhiệt thành, dấn thân, năng động. Các lớp học được tổ chức trong bầu khí vui tươi, đậm tình thầy trò. Các học sinh, các phụ huynh và các nhân viên được gieo mầm đức tin. Chị em nỗ lực sống tinh thần hiệp thông, chân thành và tràn niềm vui của người phục vụ Tin Mừng, trở nên chứng tá sống động trong môi trường học đường (x.Sđd, tr.40-45).

Chị em ý thức dành ưu tiên cho giáo dục đức tin, tận tụy giúp người khác biết và yêu mến Chúa, đặc biệt qua việc dạy giáo lý. Ngoài ra, chị em còn có nhiều sáng kiến như hướng dẫn các nhóm lễ sinh, ca đoàn, các hội đoàn, thăm viếng, chia sẻ và khuyên nhủ anh chị em gặp khó khăn trong những hoàn cảnh cụ thể (x.Sđd, tr.52).

Chị em thể hiện ngày càng rõ nét thái độ và cung cách vui tươi, hiền lành, chân thật, khiêm tốn của người CĐMVN khi phục vụ sứ mạng. Tất cả là dấu chỉ của ân sủng mà nhờ đó, chị em xác tín hơn ơn gọi của mình, quyết tâm thực thi sứ mạng giáo dục theo tinh thần sư phạm của Chúa Giêsu, Mẹ Maria Vô Nhiễm và các Đấng sáng lập (x.Sđd, tr.55-63).

Bên cạnh đó, chị em cũng nhận ra những giới hạn của mình trong khi thi hành sứ vụ. Những thiếu sót, vụng về, nghèo nàn trong nội dung giảng dạy, trong phương pháp sư phạm và kỹ năng sinh hoạt là những yếu kém của người tông đồ. Chị em cũng đồng thời được mời gọi mở ra trong các mối tương quan, chấn chỉnh phương thức loan báo Tin Mừng cũng như lòng nhiệt thành khi thi hành sứ vụ để tất cả được gắn kết trong yêu thương, quan tâm và chia sẻ.

Ân sủng của Thiên Chúa đã luôn hiện diện với Hội Dòng trong những nỗ lực cũng như những giới hạn khi thi hành sứ vụ. Chúng ta tạ ơn Chúa với những ân ban Hội Dòng đã, đang nhận được đồng thời ý thức canh tân để có thể bước vào thiên niên kỷ mới “rượu mới, bầu da cũng phải mới” (x.Mc 2,18-22).

Những thách đố và lời mời gọi canh tân

Chúng ta đang sống trong một thời đại với nhiều dạng thức văn hóa, văn minh và công nghệ. Con người được định hình theo sự phát triển của xã hội, từ ý thức hệ đến cách sống và khó lòng có thể phân định được tốt xấu, đúng sai. Vì thế, việc am hiểu về con người và cuộc sống là một thách đố lớn lao cho mọi người và hơn hết là cho những nhà giáo dục.

Giáo dục luôn là ưu tư hàng đầu của mọi nơi, trong mọi thời. Bởi vì, giáo dục gắn kết với con người, với cuộc sống và với tất cả những biến chuyển của xã hội. Thách đố của nền giáo dục hiện nay cũng là thách đố của mỗi chúng ta và là thách đố của cả sứ mạng hiện tại, tương lai của Hội Dòng.

Chúng ta cần phải suy nghĩ, cần đầu tư và phát triển chuyên môn cũng như những giá trị Tin Mừng mà chúng ta mang trên vai bởi sứ mạng giáo dục được giao cho Hội Dòng.

Hội Nghị Dòng lần thứ 20 mời gọi chúng ta canh tân từ bên trong đến bên ngoài bằng cách “làm mới lại lòng nhiệt thành, phương pháp giảng dạy và cách diễn tả” để có thể thi hành sứ mạng cách tốt nhất (VK HND 20, tr. 56). Vì vậy, việc gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, làm mới lại tương quan với Ngài là lời mời gọi canh tân đầu tiên, vì chính trong cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Kitô chúng ta sẽ cảm nhận niềm vui Tin Mừng và được thôi thúc đem niềm vui ấy đến cho người khác. Hơn nữa, với tư cách là tu sĩ giáo viên CĐMVN, chị em cần canh tân “thinh lặng nội tâm” để có thể thống nhất đời sống. Giữa một xã hội ồn ào, cần lắm những giây phút thinh lặng: thinh lặng trong cầu nguyện, trong suy tư, trong việc rèn luyện bản thân để có đủ tố chất của người giáo dục; đồng thời, thinh lặng nội tâm giúp chúng ta giữ vững đức tin và sống tròn đầy ơn gọi làm người, làm con Chúa.

Việc biết áp dụng khôn ngoan các phương pháp sư phạm, những phương tiện tân tiến của thời đại cho mục tiêu giáo dục Kitô giáo cũng là lời mời gọi cần canh tân. Là những nhà giáo dục, chúng ta được mời gọi nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức, trang bị những hiểu biết căn bản, tiếp cận những phương tiện mà xã hội đang cung cấp để có thể hướng dẫn, định hướng giá trị tốt xấu, về sự thành nhân, thành tài cho những người trẻ mà chúng ta đồng hành.

Giữa một xã hội đề cao tự do cá nhân, tính toán hơn thiệt, hưởng thụ và ích kỷ, con người rất dễ vô cảm trước những nhu cầu của anh chị em đồng loại, nhất là những người nghèo, những người bị bỏ rơi. Lời mời gọi “đi ra”, dấn thân xây dựng nền văn hóa gặp gỡ là lời mời gọi nghiêm túc cần chúng ta quan tâm. Đối với chúng ta, những nhà giáo dục CĐMVN, chúng ta phải ý thức tự đào tạo, vượt qua những ích kỷ của bản thân, sống quảng đại để chính mỗi người sẽ là men muối trong xã hội hôm nay.

Lời mời gọi canh tân trong thời khắc linh thiêng của Năm Thánh, như một luồng gió mát thổi vào Hội Dòng, thổi vào mỗi một chị em, để tất cả chúng ta cùng nỗ lực trau dồi bản thân, xây dựng hiện tại cũng như tương lai của Hội Dòng trong hành trình phục vụ sứ mạng.

Chúng ta đã từng “đứng trên vai người khổng lồ”, nhưng cũng đến lúc chúng ta cần mạnh mẽ bước đi trên chính đôi chân của mình. Một kỷ nguyên mới mở ra, cần lắm những con người luôn thao thức, luôn trăn trở cho sứ mạng, để dòng chảy ân sủng tiếp tục tuôn trào trên Hội Dòng chúng ta.

CÙNG MẸ VANG LỜI MAGNIFICAT

100 năm trong góc nhìn sứ mạng, chúng ta cảm nhận một ký ức ngập tràn ân sủng và một hiện tại cần được canh tân. Tất cả đan quyện trong dòng chảy hồng ân. Chúng ta ca ngợi tình thương Chúa, tri ân Đấng sáng lập và cám ơn các Chị Tiền bối đã từng ngày dệt nên trang sử hào hùng. Cùng với Mẹ Maria Vô Nhiễm, Mẹ của chúng ta, và cũng là người mẹ, người chị trong sứ mạng giáo dục, chúng ta cùng cất lên lời kinh Magnificat với tâm tình tri ân:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,

danh Người thật chí thánh chí tôn!”  (Lc 1,46-49)

Mẹ là người nữ đầy ân sủng. Mẹ hằng chiêm ngắm Thiên Chúa, cưu mang Chúa Giêsu và mau mắn trao ban Chúa Giêsu cho anh chị em đồng loại. Hơn bất cứ lúc nào, chúng ta xin Mẹ cùng đồng hành với chúng ta. Xin Mẹ thắp lên trong chúng ta ngọn lửa nhiệt thành để chúng ta cùng luôn thao thức cho hạnh phúc của tha nhân, và nỗ lực thăng tiến bản thân phục vụ cho sứ mạng, vì một tương lai tươi đẹp của Hội Dòng chúng ta. Magnificat!

Nt. M. Matta Vỵ Chinh, FMI