Năm Toàn xá: Năm Hồng ân

Tĩnh tâm tháng 03: Bài 6: Năm Toàn xá: Năm Hồng ân. Lời Chúa: “Công bố một năm Hồng ân của Đức Chúa” (Lc 4,19) Năm Toàn xá theo sách Lêvi...


Tĩnh tâm tháng 03:

Bài 6: Năm Toàn xá: Năm Hồng ân.

Lời Chúa:Công bố một năm Hồng ân của Đức Chúa(Lc 4,19)

Năm Toàn xá theo sách Lêvi được ngôn sứ Isaia loan báo được gọi là Năm Hồng ân (x. Is 61,2). Lời loan báo về Năm Hồng ân ấy được Chúa Giêsu khai mở và kiện toàn với sứ vụ của Ngài (x. Lc 4,19). Gọi là Năm Hồng ân vì trong Năm Toàn xá Thiên Chúa ban tràn đầy ân sủng của Ngài cho con người, tất cả mọi người không trừ ai. (x.Lc 7,1-10).

Như vậy, để hưởng hồng ân của Thiên Chúa, con người phải biết khiêm tốn mở lòng đón nhận, nghĩa là phải có lòng tin vào Chúa Giêsu. Nhờ lòng tin, họ được Chúa trừ quỷ (Mc 1,21-28), được chữa lành (Lc 4,38-40), được chỗi dậy khỏi tình trạng bại liệt do tội lỗi gây ra (Lc 5,17-26; 7,11-17).

1) Tin Thiên Chúa yêu thương chúng ta (Ga 13,1.5)

"1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng."

"5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau."

Khi nói về đức tin, một trong những khái niệm được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhấn mạnh, đó là sự gặp gỡ của cá nhân của con người với Thiên Chúa.

Từ ban đầu của lịch sử, Thiên Chúa đã muốn gặp gỡ con người. Thiên Chúa: thăm viếng Ađam - Evà trong vườn địa đàng (St 3,8) - thăm nom tất cả công trình Người đã tạo nên (x. Tv 65,10-12) - thăm Abraham và Sara (x. St 21,1-2) - đến với Môsê trong bụi gai bốc cháy (x. Xh 3,1tt) - thăm dân Israel dưới ách Ai-cập (x. Xh 3,16-17) - thăm để tỏ lòng thương xót dân trong cảnh lưu đày và trừng phạt vua Babylon (x. Gr 50,17-19), và cuối cùng, Người đã viếng thăm và lưu lại trọn vẹn giữa nhân loại, nơi Con của Người, vì Tên của người Con đó là: “Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1,23).

Như vậy, lịch sử cứu độ cũng là lịch sử của một chuỗi những cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người. Trong lịch sử ấy, cuộc gặp gỡ vĩ đại nhất giữa Thiên Chúa và con người là mầu nhiệm Nhập thể (Mt 1,21): cuộc viếng thăm trọn vẹn của Thiên Chúa với nhân loại, trong Đức Giêsu Kitô.

Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa và con người được gặp gỡ nhau, mật thiết đến nỗi trở nên một, giống như sự liên kết mật thiết của một cuộc hôn nhân. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa cúi mình xuống để gặp gỡ con người. Người muốn rửa chân cho chúng ta. Người  muốn phục vụ chúng ta, chăm sóc chúng ta. Người  muốn yêu thương chúng ta, muốn lo cho chúng ta. Và khi đối diện với điều này, như Phêrô, chúng ta thấy thật khó khi để cho Chúa Giêsu phục vụ chúng ta. Thật khó khi để Chúa Giêsu rửa chân cho chúng ta.

Một cách nào đó, chúng ta thấy không thoải mái khi để Chúa Giêsu yêu chúng ta. Thế nhưng: "10 Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta" (1Ga 4,10).

Một trong nhưng bước tiến quan trọng trên hành trình làm môn đệ của Chúa Giêsu là nhìn nhận tính ưu việt tuyệt đối trong sự kiện Chúa yêu thương ta trước. Biết ơn và khiêm tốn chấp nhận tình yêu đó, dù hoàn toàn không xứng đáng, là cách tốt đẹp nhất để Người có thể rửa chân cho chúng ta.

Truyền thống nói về Thánh Gioan lúc cuối đời chỉ giảng: "Hỡi các con bé nhỏ, Thiên Chúa yêu thương các con và Người muốn các con yêu mến Người và thương yêu nhau." Có người hỏi: "Thưa cha sao cha cứ nói mãi điều đó?" Thánh nhân trả lời: "vì Thầy chúng ta nhắc đi nhắc lại điều đó".

Trong thực hành linh thao của thánh I-Nhã, có một giai đoạn cốt yếu là suy ngắm về tình trạng tội lỗi của chúng ta, sự hư vô, sự bất xứng của chúng ta, và tiếp theo đó là lòng khiêm tốn và biết ơn chấp nhận tình yêu tha thiết của Thiên Chúa đối với chúng ta. Nhận biết tình yêu của Chúa dành cho tôi, dù tôi hoàn toàn bất xứng, hoàn toàn không đáng, theo thánh I-Nhã nhận định đó là bước đầu tiên để lớn lên trong sự thánh thiện.

Thánh Bênađô Clairvaux, một hiền sĩ vĩ đại, nhà thần học thông thái, nhà giảng thuyêt lừng danh, đã nói một câu rất hay: "trước khi bạn là dòng kênh, bạn phải là cái bể chứa". Chúng ta thường là những dòng kênh rất tốt, những dòng kênh chuyển thông lòng thương xót Chúa đến cho trẻ em, thanh niên, người già…chuyển thông ân sủng Chúa, lòng nhân hậu Chúa, Lời Chúa…cho những người  chúng ta gặp gỡ. Chúng ta thường là những dòng kênh rất tốt, nhưng lại không phải là những bồn chứa tốt: không chứa đầy dòng nước ban sự sống nơi tình yêu Thiên Chúa, lòng thương xót, nhân hậu và hằng sống cứu độ của Chúa. Nếu thế, dòng kênh ắt sẽ cạn, và sẽ chẳng có gì đem lại tươi mát cho dân Chúa nữa.

Vậy thì hãy để Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, rửa chân cho ta, rồi chúng ta có thể rửa chân cho nhau.

2) Mở lòng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa

Đức tin vừa là ân ban của Thiên Chúa, vừa là kết quả do nỗ lực cố gắng của con người. Sự cộng tác và thiện chí của con người sẽ làm đức tin lớn lên, sinh hoa kết trái và chiếu tỏa trong cuộc đời. “Khởi đầu cho cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, với một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và một định hướng dứt khoát” (Thông điệp "Thiên Chúa là Tình yêu", số 1).

Như vậy, tin không chỉ là hành động của lý trí, mà còn là của con tim. Nhờ lý trí, chúng ta tin có Chúa hiện diện. Nhờ trái tim, chúng ta yêu mến và gặp gỡ tâm sự với Ngài, nhờ đó mà chúng ta được thần linh hóa. “Con tim chỉ rằng hành vi đầu tiên ta đạt đến đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa và tác động của ơn thánh hành động và biến đổi con người ngay từ nội tâm” (Tự sắc Cửa Đức Tin, số 10).

Thực vậy, đức tin không chỉ là hành vi trí khôn cúi đầu đón nhận các mầu nhiệm Chúa dạy, mà còn là hành vi của con tim: gắn bó đời mình với Chúa, như Abraham dám bỏ quê cha đất tổ, với những lề xưa thói củ, để mạo hiểm lên đường theo lời Thiên Chúa hứa; hoặc như Đức Maria, tin là “xin vâng” Ý Chúa.

Các ngài đã sống theo đức tin mới dám chết vì đức tin. Đối với các Ngài, đức tin là một xác tín nội tâm: chọn Chúa làm hạnh phúc đời mình và đức tin ấy luôn dẫn dắt cái nhìn và lối sống của các Ngài. Tóm lại, đức tin đối với các Ngài là một thái độ sống. Một thái độ sống khi các ngài gắn bó đời mình với Chúa. (luôn nói yes, nói oui với ý Chúa)

a) Không có tình yêu Chúa hay đúng hơn, không tin Chúa yêu ta, chúng ta sẽ trong tình trạng nguy hiểm!

Không có đức tin - không có ý nghĩa, không có động lực, không có lý do, chúng ta sẽ trở nên lạnh nhạt, lười biếng, yếm thế và hay gắt gỏng. Các bí tích thì rỗng tuếch - vì chúng ta không còn tin nữa; bài giảng thì chán chường- vì chúng ta không tin điều chúng ta nghe; và chúng ta tuyệt vọng tìm kiếm ý nghĩa trong TV, nơi các chuyến đi du lịch, hay thăng quan tiến chức, hoặc thể hiện tham vọng.

Không có đức tin, chúng ta tự đẩy mình đến vực thẳm. Vì một ngày nào đó, sớm hay muộn, các khủng hoảng sẽ xảy đến. Có thể là vì một bài sai không đúng ý; mệt mỏi vì hàng ngày phải đương đầu với sự dữ và đau khổ; chán nản vì chính sự yếu đuối của mình; có thể là vì tiếng sét ái tình, cô đơn, bệnh hoạn, hay hồ nghi.

Sự khủng hoảng sẽ đến, đôi khi dưới hình thức các câu hỏi thật ray rứt: Tại sao tôi làm việc này? Tại sao tôi vẫn làm như vậy? Đời sống thánh hiến  có giá trị thật không? Có Chúa không? Giáo Hội có phải do Chúa lập nên không? Tôi có khờ không? Nếu không có đức tin, tất cả những khủng hoảng ấy chắc chắn sẽ đến với chúng ta!

b) Chúng ta là những người có đức tin mạnh mẽ hoặc chúng ta chẳng là gì cả! Không có sự chọn lựa nào nữa cả! Vì không có gì đáng thương hơn là một người thánh hiến không có đức tin. Và nhiều người đang như vậy.

Với đức tin chúng ta cầu khẩn, sống tình huynh đệ, thăng tiến tâm linh! Với đức tin chúng ta hăng hái sống đức hạnh, hợp đạo lý theo sự thúc giục của ơn sủng! Với đức tin chúng ta hăng say và độ lượng với dân chúng! Với đức tin, mọi sự đều có ý nghĩa: chúng ta có bình an và niềm vui, vì biết Chúa thương mình, như Thánh Augustin đã nói: "Chỉ khi nào đức tin chúng ta còn thao thức thì sẽ có bình an và thanh thản trong tâm hồn Kitô Hữu."

c) Phần chúng ta, theo ĐHY Timothy Dolan, muốn mở lòng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, chấp nhận tình yêu ấy thì có 3 phương thế sau đây:

  - Thứ nhất là cầu nguyện:

Sự cầu nguyện gia tăng đức tin của chúng ta, vì tự cốt lõi, đức tin là món quà mà chúng ta phải xin. Trong Phúc Âm có rất nhiều câu thật đẹp "Thưa Thầy tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi" (Mc 9,25); “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5). Thông thường, chúng ta cầu nguyện nghĩa là làm một cái gì đó cho Chúa: đọc kinh PV, cử hành thánh lễ, lần hạt, làm vài việc đạo đức. Những việc này tốt, rất cần cho đời sống thiêng liêng. 

Tuy nhiên ở đây, chúng ta nói đến cầu nguyện với một cách thức đặc biệt, đó là cầu nguyện trong thinh lặng, để tình yêu Chúa chìm vào, đón nhận tình yêu Người, đón nhận sự rửa chân của Chúa, rửa trái tim, rửa cổ họng… của mình. Và thưa với Chúa: "Lạy thầy, xin rửa con đi. Rửa tất cả mọi phần thân thể con. Xin để con được đắm mình trong tình yêu của Thầy, trong ân sủng." Và Chúa sẽ nói: "Con, con hãy để Ta chăm sóc con. Để Ta nói với con rằng Ta yêu thương con. Hãy tin Ta. Hãy ngả đầu vào vai Ta. Hãy lắng nghe Ta. Hãy để Ta an ủi con."

- Thứ hai là tiếp nhận Thánh Thể:

Chúng ta thường nghĩ và quen dâng thánh lễ như một bổn phận, một việc phải làm cho Chúa, và điều đó là rất đúng. Đó là hành vi lớn lao nhất mà chúng ta có thể làm cho Chúa và cho dân Chúa.

Nhưng nếu chỉ nghĩ đó là việc chúng ta có thể  làm cho Chúa thì chỉ đúng một nửa. Thánh lễ chủ yếu là chúng ta để cho Chúa làm điều gì đó cho chúng ta và cho Dân Người.

Chúng ta hãy mở lòng với ý thức về sự dòn mỏng, bất xứng, khiêm nhường, biết ơn, để Chúa làm điều gì đó cho chúng ta, đổ đầy trái tim và linh hồn chúng ta bằng ân sủng Người, nuôi dưỡng linh hồn chúng ta bằng Mình Máu của Con Một Người, Đấng hiện diện ở đó thực sự với Mình, Máu, linh hồn và thần tính. Phải ý thức là: Mỗi khi lãnh nhận Thánh Thể, chính Thiên Chúa trao tặng tình yêu của Người cho bạn, và cứ như thế thì mỗi lần lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta đang để cho Chúa yêu thương ta, rửa chân cho Ta. 

- Thứ ba: Hãy để Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta.

Mỗi lần thực hành bí tích hòa giải, đi xưng tội là ý thức một lần nữa, rằng Chúa Giêsu có dịp yêu thương ta, tỏ tình với ta, tha thứ cho chúng ta.

Hãy để cho Chúa Giêsu yêu thương ta qua bí tích này. Bởi vì bí tích hòa giải là một hành vi của tình yêu, và là một hành vi để cho Chúa yêu thương ta, để cho Chúa nắm lấy chúng ta, ôm lấy chúng ta, tha thứ cho chúng ta, và trải rộng lòng thương xót của Người đến chúng ta.

Đúng vậy, khi đi xưng tội, chúng ta ý thức chúng ta yêu mến Chúa nhiều lắm, nên không muốn cứ xúc phạm Người mãi. Phải dừng lại thôi! Tuy nhiên, đừng cho rằng bí tích hòa giải là việc chúng ta làm cho Chúa, về phía mình, thay vì đó là một quà tặng tự do của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Một dịp lớn Thiên Chúa tỏ lòng thương xót của Người cho chúng ta, những kẻ tội lỗi, xúc phạm đến Người.

d) Thực hành sống đức tin giữa cơn dịch Covid 19:

Những ngày này, hầu hết thông tin mà chúng ta bắt gặp trên các phương tiện truyền thông đại chúng đều gắn liền với dịch Covid 19. Thông tin về số người chết và người nhiễm bệnh ngày càng tăng chứ không giảm, và đang lây lan nhanh chóng qua 58 quốc gia, với  hơn 83.000 người lây nhiễm, khiến mọi người lo sợ. Dường như người ta không tin vào sự kiểm soát bệnh dịch của nhà cầm quyền trong nước. Dường như con virus mỗi ngày càng đến gần đất nước, thôn làng và gia đình mình hơn.

Chiến thắng lớn nhất của sự dữ Covid không phải  những tàn phá nó gây ra cho thế giới  và cho con người, mà là việc nó khiến tâm trí chúng ta bị ám ảnh về nó, phải luôn nhắc đến nó. Sự ám ảnh đó dần dà làm tâm hồn chúng ta dễ bị ‘sa mạc hoá’, bị mất dần cảm thức và niềm tin vào Đấng tốt lành và quyền năng, không còn ngước lên nhìn Thiên Chúa và đặt mọi hy vọng, mọi tin tưởng tuyệt đối nơi Người nữa, mà chỉ thấy Người như một vị thẩm phán nghiêm khắc thay vì một Người Cha Hiền Hậu.

Sống mùa Chay là trở về với Chúa. Trở về với Chúa là hướng ánh mắt và tâm hồn về Ngài, để nghiệm ra rằng Ngài là Đấng Trọn Lành; Ngài là Quyền Năng khiến cả sóng biển và giông bão phải vâng lệnh, thần ô uế phải run sợ tháo lui. Nên người nào hoang mang, lo lắng thái quá, dường như Thiên Chúa cũng vắng bóng trong tâm hồn họ.

Đúng vậy, chúng ta đã chứng kiến Đức Giêsu buồn vì phải ở với và chịu đựng một thế hệ cứng lòng tin.(Mc 9,13-28). Thái độ nửa tin, nửa ngờ của dân Do thái xưa cũng là thái độ của thế hệ chúng ta hôm nay. Chúng ta dường như không tin Chúa có khả năng nâng đỡ đức tin của ta trong lúc khủng hoảng, hoang mang, đau buồn.

Tinh thần mùa Chay như một tiếng chuông cảnh tỉnh chúng ta giữa bầu khí ảm đạm nhuốm màu đen sẫm của sự dữ hoành hành. Giữa cơn hoang mang lo sợ này, Chúa bảo chúng ta không được yếu lòng tin. Người cấm chúng ta lo sợ, nếu chúng ta xưng Ngài là Đấng Kitô, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, Đấng chiến thắng Tên Cám Dỗ.

Với đức tin, chúng ta thấy tương lai tươi sáng hơn. Thấy Thiên Chúa vẫn đang hoạt động để cùng với các nhà khoa học tìm ra phương thuốc. Thấy Thiên Chúa vẫn thôi thúc các nhà chức trách phải có nghĩa vụ và trách nhiệm với dân. Thấy Thiên Chúa mời gọi tôi lạc quan vì bao tấm lòng tử tế cứu người vẫn đang ngày đêm xả thân cho đồng loại. Thấy niềm vui khi biết bao người đang ăn năn hoán cải vì nhận ra thân phận bọt bèo, mong manh của mình.

Giữa cơn dịch này, Chúa mời gọi con cái Chúa phải nên nguồn động viên tinh thần lớn lao. Chúng ta có Thiên Chúa, Đấng an bài mọi sự. Chúng ta có đức tin, là món quà để giúp người ta vượt qua mọi bão táp phong ba. Giả như mỗi người gieo một chút đức tin cho mình, cho người thân, xã hội (cả trên Internet), khi ấy, chắc là ai cũng được an bình trước bức tranh ảm đạm này.

Giúp nhau phòng chống dịch là điều cần thiết. Nhưng nhắc nhau tin vào Chúa giữa cơn đại dịch cũng là điều đáng làm. Bởi, mất đức tin, mất niềm tin là mất tất cả. Mất mạng vì Corona thì đã là tồi tệ rồi, nhưng lại mất luôn Chúa niềm tin lẽ sống của mình, thì hẳn là tồi tệ nhất, hơn cả Corona nữa.

KẾT: Lúc nào chúng ta cũng sống trong Năm Hồng Ân, bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu Năm Hồng Ân. Tuy nhiên, vì điều kia hoặc sự nọ mà chúng ta đã và đang có những lúc quên khuấy đi mất. Có những lúc giật mình hồi tâm, chúng ta mới thấy mình thật tệ đối với Thiên Chúa.

Từ nay, đặc biệt trong Năm Thánh này, ước gì ai cũng tự nhủ như tác giả Thánh Vịnh: “Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ, để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung” (Tv 119,11).

Đồng thời cũng mong sao chúng ta can đảm biết tận dụng thời gian còn thở để nhận biết Hồng Ân bao la Ngài ban tặng cho chúng ta vì Lòng Thương của Ngài.

Lm. Đaminh Phan Hưng