Nhiệt thành giới thiệu Đức Kitô cho mọi người như Mẹ Maria

Tĩnh tâm tháng 8 Bài 9: Nhiệt thành giới thiệu Đức Kitô cho mọi người như Mẹ Maria (Lc 2,15-16) Lời Chúa: "Thân mẫu Người nói với gia nhân:...


Tĩnh tâm tháng 8

Bài 9: Nhiệt thành giới thiệu Đức Kitô cho mọi người như Mẹ Maria (Lc 2,15-16)

Lời Chúa: "Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo." (Ga 2,5)

Xin ơn: Noi gương Mẹ Maria, từ bỏ chương trình riêng tư, từ bỏ chính mình, từ bỏ những gì thân thiết nhất của mình, để đi vào chương trình của Thiên Chúa.

_________________________          

Nhận định

Năm Thánh mừng kỉ niệm 100 năm của Dòng CĐMVN rồi sẽ bế mạc, nhưng mở ra một thế kỷ mới, một trăm năm thứ hai với Thánh Lễ Mừng Sinh Nhật Đức Mẹ năm 2020 tràn đầy hoài bão và dự phóng.

Chúng ta mong muốn ước mơ trở nên hiện thực như lời chúc của ĐTGM Ngô Q. Kiệt: "Hội Dòng trong Năm Thánh và cả những năm sau nữa, được đầy ơn phúc. Được luôn cưu mang Chúa Giêsu trong những người bé nhỏ nghèo hèn. Được là người trinh nữ cầm đèn soi trong đêm tối nhân loại. Được là sự thánh thiện trong thế giới tục hoá."

1 - Chèo ra chỗ nước sâu “Duc in altum!” (Lc 5,4)

Như thế là phải ra khơi: Chèo ra chỗ nước sâu “Duc in altum!” (Lc 5,4). Chỗ nước sâu là chỗ khó khăn. Thế giới hôm nay thật sự là chỗ nước sâu đối với nhà truyền giáo vì có quá nhiều thách đố, khó khăn và hiểm nguy.

- Truyền giáo hôm nay gặp nhiều khó khăn vì nền văn minh vật chất hưởng thụ đưa con người tới chỗ duy vật, không còn tha thiết gì đến những giá trị thiêng liêng, những cảm thức tôn giáo, những khái niệm linh thánh.

- Những con số làm nhức nhối lương tâm chúng ta trong Năm Thánh này:

a) Ngày 5/3/2018 chuyến Ad Limina của HĐGMVN: "Vì thế mà từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, con số bảy triệu người Kitô hữu tại Việt Nam hầu như không hề gia tăng"

b) Đức Cha Đinh Đức Đạo, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên tờ báo điện tử vaticaninsider.lastampa.itvề kết quả truyền giáo tại Việt Nam, đã cho biết như sau:

“Năm 1960, tỷ lệ người Công Giáo trên dân số cả nước là 7%. Bốn mươi năm sau, năm 2000, tỷ lệ người Công Giáo trên dân số cả nước là 6,75%.

Năm 2014, có 6,6 triệu người Công Giáo, số dân cả nước là 95,2 triệu người, tỷ lệ người Công Giáo trên dân số cả nước là 7%.” Không tiến thêm chút nào cả.

c) Ngày 19/12/2019 mới nhất, Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: theo thống kê của Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở, được công bố tại Hà Nội cho thấy:

Dân số VN là 96,2 triệu người, có 16 tôn giáo được phép hoạt động với 13,2 triệu tín đồ, chiếm 13,7% tổng số dân cả nước. Trong đó số người theo Công Giáo là đông nhất với 5,9 triệu người, chiếm 6,1% dân số. Tỷ lệ dân số Công Giáo sút giảm từ 6,61% năm 2009, xuống còn 6,1% năm 2019.

Như vậy, dựa trên những con số trên đây thì kết quả của việc truyền giáo tại Việt Nam từ khi thiết lập hàng giáo phẩm 1960 cho đến nay dường như dậm chân tại chỗ! Và có thể nói là còn thụt lùi.

d) Theo phát biểu của Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long chủ tịch UBLBTM (30/6-2/7/2020 Bà rịa Vũng tàu): Phải nói rằng việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam sau 50 năm không có kết quả là bao, nếu dựa vào các con số thống kê. Số người theo đạo không tương xứng với số nhân sự lo việc truyền giáo.

Năm 2014, số linh mục cả nước là 4.635 (3.546 linh mục giáo phận và 1.089 linh mục dòng); số chủng sinh là 2.357, số tiền chủng sinh là 2.389; số tu sĩ là 19.717 (2.834 nam tu, 16.883 nữ tu); số giáo lý viên cả nước là 59.448 người.

Tổng số các nhân sự gắn liền với việc truyền giáo là 88.546 người. Số người tân tòng gia nhập đạo năm 2014 là 41.395 người. So sánh hai con số 88.546 và 41.395, ta thấy cứ hai tín hữu ưu tuyển chưa đem được một người vào đạo. Đó là chưa nói đến con số rất lớn các hội viên hội đoàn công giáo tiến hành trong cả nước.”

Năm nào cũng có phong chức, biết bao Tân Linh Mục "ra trường", biết bao người trẻ dấn thân tận hiến tu trì trong các nhà dòng, biết bao cơ sở phát triển đầy hoành tráng, biết bao cộng đoàn mới được thành lập, biết bao khóa huấn luyện... Vậy mà tại sao tỉ lệ người Công Giáo vẫn giảm thụt lùi?"         

2 -  Phong cách “Maria” ra khơi.

- "Trăm năm thứ hai" tràn trào hy vọng vì hình ảnh Mẹ Maria tiếp tục hướng dẫn chúng ta trên cuộc hành trình. Ánh sáng của Mẹ Maria, Ngôi Sao của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, là ngôi sao chiếu sáng hơn trong đêm đen của biển khơi, cũng chiếu sáng trong bầu trời hành trình của chúng ta.

NVTM 288: "Công cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh có một phong cách “Maria”. Mỗi khi nhìn lên Đức Mẹ, chúng ta một lần nữa tin vào bản chất cách mạng của tình thương và sự dịu dàng."

- Hoán cải mục vụ theo đường hướng của ĐTC Phanxicô đề ra trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng với 3 chiều kích cơ bản:

- Định hướng mục vụ: chọn lựa truyền giáo

- Không gian mục vụ: bao gồm và rộng mở hơn.

- Tác nhân mục vụ: Không ngừng đi ra.

“Việc đổi mới các cơ cấu theo đòi hỏi của sự hoán cải mục vụ chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng này: như một phần của cố gắng làm cho chúng có định hướng truyền giáo hơn, làm cho hoạt động mục vụ thông thường ở mọi cấp mang tính bao gồm và mở rộng hơn, khơi dậy nơi những người làm mục vụ một ước muốn không ngừng đi ra và nhờ đó kích thích một đáp ứng tích cực từ tất cả những người được Đức Kitô mời gọi đi vào tình bạn với Ngài”. [15]

3 - Mẹ Maria là người môn đệ đầu tiên lên đường theo Ðức Kitô ra khơi.

- Bắt đầu từ biến cố truyền tin, cuộc đời Ðức Mẹ chuyển sang một khúc quanh mới. Từ khi thưa Xin Vâng, Ðức Mẹ đã để mặc Chúa dẫn đi trên hành trình rất dài và rất xa, trong một tương lai bất ổn, hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa. Cuộc đời của Mẹ là những chuyến đi không ngừng nghỉ.

Lên đường đi thăm bà chị họ Elizabeth. Lên đường đi Bêlem khai nhân hộ khẩu và sinh Chúa Giêsu. Lên đường trốn chạy sang Ai cập. Lên đền thờ dâng Chúa Giêsu. Lên đường đi Giêrusalem khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi. Lên đường đi Cana dự tiệc cưới. Lên đường dõi theo hành trình truyền giáo của Ðức Giêsu. Lên đường theo Ðức Giêsu trong cuộc khổ nạn, cho đến tận chân thập giá.

- Tất cả những chuyến đi của Ðức Mẹ đều là những chuyến ra khơi càng đi càng xa mãi, đều là những chuyến phiêu lưu càng ngày càng khó khăn hiểm nguy đòi hỏi nhiều phấn đấu.

Phấn đấu với ngoại cảnh. Phấn đấu với chính mình. Phấn đấu với ngoại cảnh thực vất vả. Nhưng phấn đấu với bản thân mới thực sự đau đớn, quyết liệt. Ðã ra khỏi kế hoạch toan tính của người đời để đi vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Ðã ra khỏi chính mình để đi đến với Thiên Chúa, hiến mình để Thiên Chúa sử dụng theo thánh ý Người.

Khi đứng dưới chân thập giá Ðức Mẹ đã ra khơi đến chỗ xa nhất. Và khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng thì Đức Maria như bị mất tất cả, bị tước đoạt tất cả những gì yêu quý nhất. Đức Maria trở nên một người nghèo nhất. Mẹ chẳng còn gì cho riêng mình. Chẳng còn điểm tựa nào để bám víu, Mẹ chỉ còn biết phó thác trông cậy vào Thiên Chúa.

- Mẹ Maria phải canh tân đức tin sâu xa trong đó Mẹ thưa “xin vâng” trong biến cố Truyền Tin; Mẹ phải chấp nhận việc dành ưu tiên cho Cha thật và riêng của Chúa Giêsu; Mẹ phải biết để cho người Con mà Mẹ đã sinh ra được tự do theo đuổi sứ mệnh của Người.

Và lời “xin vâng” của Đức Mẹ Maria với Thánh Ý Thiên Chúa, trong sự vâng phục của đức tin, được lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời Mẹ, cho đến giây phút khó khăn nhất, là giây phút của Thánh Giá."(ĐTC Bênêđitô XVI - 19/12/ 2012)

4 - Chúng ta hãy ra đi như một họa ảnh của Đức Maria.

(x. Luật Dòng điều 7: hoạ ảnh của Đức Trinh Nữ Maria)

4.1 Một tâm hồn nhiệt thành giới thiệu Đức Kitô cho mọi người

a - Ra đi với Đức Kitô: Những chuyến ra đi của Đức Maria đem đến kết quả tốt đẹp vì Người không ra đi với tài năng của mình, tài ăn nói, vốn ngoại ngữ, tài sinh hoạt...nói chung, Mẹ Maria không ra đi với cái tôi của mình, nhưng Người ra đi với Đức Kitô, những chuyến đi tông vụ đúng nghĩa.  

Trong cuốn ĐHV số 292, ĐHY F.X Nguyễn Văn Thuận viết: "Giáo dân thời sơ khai diễn tả cách nôm na: Tông đồ là người có Chúa Kytô trong lòng, Chúa Kytô trên mặt, Chúa Kytô trong miệng, Chúa Kytô trên tay, Chúa Kytô trong óc, Chúa Kytô trên vai... Tóm tắt, là một người đầy tràn Chúa Kytô và cho kẻ khác Chúa Kytô."

*** Mẹ Maria đem theo Đức Kitô trong mình khi thăm Isave. Chính Đức Kitô đã thanh tẩy Gioan Baotixita, đem lại niềm vui cho ông ngay từ khi còn trong bụng mẹ. “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa đến với toi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. (Lc 1,39-45)

*** Mẹ Maria trao Đức Kitô cho những người nghèo khi ở Bêlem, làm cho bầu trời Bêlem sáng lên, các thiên thần ca hát, đã đem lại niềm vui cho các mục đồng.

*** Tại Đền thờ Giêrusalem, Đức Maria trao Đức Kitô cho ông Simêon và bà Anna làm cho hai vị tiên tri lão thành được tràn đầy niềm vui.

*** Tại tiệc cưới Cana, Đức Maria đã khẩn cầu Đức Kitô cứu giúp đôi tân hôn nhờ thế đám cưới được trọn niềm vui.

Những chuyến đi của Đức Maria trở thành những chuyến đi truyền giáo vì Người luôn mang Đức Kitô bên mình. Những chuyến đi của Người mang lại kết quả tốt đẹp là nhờ Đức Kitô ban ơn.

Sau này, khi Đức Kitô đã trưởng thành, Đức Maria vẫn luôn mang Đức Kitô trong tâm hồn, luôn kết hiệp mật thiết với Con, luôn theo Con trong mọi bước đường kể cả bước đường Thương Khó, cho đến đồi Canvê để đứng dưới chân thánh giá.

b - Nơi Mẹ không có tinh thần cầu an

- Ngày 5/3/2018 trong chuyến Ad Limina, HĐGMVN đệ trình  ĐTC :

"Chúng con đang phải đương đầu với một cuộc chiến mới: cuộc chiến chống lại tinh thần cầu an. Những cuộc bách hại nếu đã tôi luyện đức tin của chúng con thì về phương diện nhân loại, cũng khiến chúng con rơi vào tình trạng thủ thân khép kín. Vì thế mà từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, con số bảy triệu người Kitô hữu tại Việt Nam hầu như không hề gia tăng.

Trong bối cảnh đó, giáo huấn của Đức Thánh Cha là một nhắc nhở vô cùng quý giá cho Giáo Hội Việt Nam.

Chúng con rất cảm kích khi nhận ra rằng chúng con cần phải dứt khoát ra khỏi thói quen cũ kỹ và những lối sống sợ hãi, cầu an. Từ khi lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha luôn luôn lặp đi lặp lai lời kêu gọi hãy xây dựng một Giáo Hội sẵn sàng “lên đường”, một Giáo Hội hoạt động như một “bệnh viện lưu động”.

- Sợ mệt, sợ khổ, sợ mất tiện nghi....sợ bị lên mạng...mà quên mất là sợ mất lòng Chúa và Mẹ Maria, mất tin tưởng vào tình thương và sức mạnh của Chúa: "Tất cả chúng ta được kêu gọi làm chứng một cách minh nhiên về tình thương cứu độ của Chúa, Đấng bất chấp những khiếm khuyết của chúng ta, vẫn cho chúng ta đến gần Ngài, cho chúng ta Lời và sức mạnh của Ngài, và đem đến ý nghĩa cho đời sống chúng ta." (NVTM 121)

Lúc đó, chúng ta đúng là người như ĐTC nhận xét:

"Một nhà truyền giáo đích thực biết rằng Chúa Giêsu đang đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình. Người đó cảm nhận Chúa Giêsu đang sống đang sống với mình ngay giữa công việc truyền giáo.

Nếu chúng ta không thấy Chúa đang hiện diện trong sự dấn thân truyền giáo của mình, nhiệt tình của chúng ta sẽ sớm nhạt nhòa và chúng ta không còn chắc chắn về những gì mình đang truyền lại.

Một người không còn xác tín, nhiệt tâm, chắc chắn và yêu thương, người đó chẳng thuyết phục được ai" (Tông huấn NVTM, số 266)

- Theo chân Mẹ đi đến những chân trời mới thì phải có những suy nghĩ mới, sống cuộc sống của con người mới: con người quên mình để sống cho Thiên Chúa và cho tha nhân: “Phải ra khỏi thế giới tiện nghi và phải can đảm tiếp cận tất cả các vùng ngoại vi đang cần đến ánh sáng Tin Mừng” (NVTM 20).

Nhiều khi cũng một sự kiện một công việc, nhưng người có tư duy truyền giáo, trạng thái truyền giáo, thì khác với người ù lì, cầu an.

Cũng vậy, đừng cho về hưu hay dưỡng bệnh là hết thời, là chờ chết, là bị hất hủi bỏ rơi....Ngay cả khi đau ốm hoặc hưu dưỡng cũng vẫn là thời gian tiếp tục thực thi sứ vụ loan báo Tin mừng theo một hình thức khác, cũng phải quên mình để sống cho Thiên Chúa và cho tha nhân!!!Không có chuyện nghỉ hưu tông đồ. ĐHV số 569: "Không có "tông đồ hưu", chỉ đổi cách làm việc tùy sức"

Sứ vụ cũng đòi tôi, thúc bách tôi học hỏi, nghiên cứu, trau giồi kiến thức thần học, tu đức, nhân bản, mục vụ. Đừng ngụy biện đổ hô cho hoàn cảnh, cho môi trường cho thượng cấp...để lười biếng trong việc trau giồi vốn liếng và chu toàn sứ mạng được trao. Không phải, học, học, học cho đến mãn đời. Vì sứ mạng của tôi đòi buộc như thế.

Xã hôi bây giờ cần thấy nơi đời tu một lối sống nhân bản chỉnh chu, tinh tế trong cách cư xử, khiêm tốn trong cách ăn nói, và lịch sự tối thiểu trong phép xã giao. Phép lịch sự như ĐTC dạy các cặp gia đình (biết nói cám ơn, vui lòng, xin lỗi).

4.2  - Một tâm hồn yêu mến và thông phần Thập Giá Chúa Kitô, sẵn lòng chịu đau khổ vì phần rỗi của anh chị em đồng loại.

Lãnh nhận một trách nhiệm tông đồ là sẵn sàng chấp nhận chịu "tử đạo" bởi mọi người, ở mọi nơi, bằng mọi cách, với tất cả yêu thương và bền chí như Phêrô và Gioan: Họ từ hội đường ra về vui vẻ vì đã được xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Chúa. (Cv 5,41).

NVTM số 96: "Biết bao lần chúng ta mơ mộng những dự án tông đồ to tát, được lên kế hoạch tỉ mỉ, không khác gì những ông tướng bại trận! Nhưng suy nghĩ như thế là chối bỏ lịch sử của chúng ta là một Hội Thánh mà vinh quang của nó chính là vì nó là một lịch sử của hi sinh, của hi vọng và các phấn đấu hằng ngày, lịch sử của những cuộc đời tiêu hao vì phục vụ và trung thành với công việc, dù có thể mệt mỏi, bởi vì mọi lao động đều là “mồ hôi nước mắt”.

4.3 -  Một tâm hồn thao thức về hạnh phúc của tha nhân và chuyển cầu cho họ. Một tâm hồn thực sự yêu mến các linh hồn.

Trong cuộc phỏng vấn dài 29 trang của Đức Phanxicô với giám đốc tạp chí bằng tiếng Ý Civiltà Cattolica là Cha Antonio Sparado. Cuộc phỏng vấn đã dàn trải trong ba ngày (19,23 và 29 Tháng tám),  ĐTC nói:

"Những cải cách về cơ cấu và tổ chức là thứ yếu - nghĩa là chúng sẽ đến sau. Sự cải cách đầu tiên phải là thái độ: nặng nhất là thái độ vô cảm, dửng dưng lạnh nhạt trước nỗi khổ đau của người khác, nhất là những người gần gũi, trong gia đinh mình mình, cộng đoàn mình, giáo phận mình.  

Các thừa tác viên của Tin Mừng phải là những người có thể sưởi ấm cõi lòng của người dân, họ đi qua đêm đen với dân, họ biết cách để đối thoại và để hạ mình vào đêm tối của dân mình, vào bóng tối, nhưng không bị lạc lối."

Ngài nói tiếp: "Chúng ta đối xử với dân của Chúa thế nào? Tôi mơ về một Giáo Hội là một người mẹ và là người chăn cừu. Những thừa tác viên của Giáo Hội phải nhân từ, có trách nhiệm với người dân và cùng đồng hành với họ như người Samaria tốt lành, ông rửa ráy, lau sạch và nâng đỡ người bên cạnh mình. Đây là Tin Mừng tinh tuyền. Thiên Chúa thì lớn hơn tội lỗi.”

NVTM số 54: “Hầu như vô tình, rốt cuộc chúng ta trở nên vô cảm trước tiếng kêu của người nghèo, không còn có thể khóc trước nỗi đau của người khác hay cảm thấy cần cứu giúp họ, coi như tất cả đều là trách nhiệm của một ai khác chứ không phải của chính chúng ta.

Văn hoá của sự thịnh vượng làm chúng ta mất đi sự mẫn cảm: chúng ta phấn khích nếu thị trường cung cấp cho chúng ta một món hàng mới; trong khi tất cả những mảnh đời cằn cỗi vì thiếu cơ hội có vẻ chỉ là một cảnh tượng bình thường, không hề làm chúng ta mủi lòng.”

4.4 Một tâm hồn biết đối thoại để được soi sáng và khẳng định niềm tin.

a) - Đón nhận và học hỏi những người tốt lành-niềm vui và hy vọng của Hội Thánh :

Trong NVTM 76, ĐTC viết:

Nỗi đau và sự xấu hổ chúng ta cảm thấy vì tội lỗi của một số thành viên của Hội Thánh, và tội lỗi của chính chúng ta, không bao giờ được làm chúng ta quên rằng có vô số người Kitô hữu đang hiến dâng cuộc đời mình trong hi vọng.

Họ giúp biết bao nhiêu người được khỏi bệnh hay được chết trong bình an tại các bệnh viện tạm bợ. Họ hiện diện với những người mắc các tật nghiện ngập khác nhau tại những nơi nghèo khổ nhất trên thế giới. Họ hiến mình cho việc giáo dục các trẻ em và thanh niên. Họ chăm sóc những người già không được ai lo cho. Họ tìm cách thông truyền những giá trị trong các môi trường thù nghịch. Họ dấn thân bằng những cách thức khác nhau để chứng tỏ một tình thương vô biên đối với nhân loại được khơi dậy bởi vị Thiên Chúa làm người.

Tôi biết ơn vì gương sáng tôi nhận được từ rất nhiều Kitô hữu khi họ vui vẻ hi sinh cuộc đời và thời giờ của họ. Những chứng tá này an ủi và nâng đỡ tôi trong cố gắng của chính mình để khắc phục tính ích kỷ và để tôi hiến mình trọn vẹn hơn.

b) - Hợp tác, cọng tác (làm việc chung với nhau):

Hội nghị về truyền giáo ở Vũng tàu của UBTG HĐGMVN ngày 30/6-2/7 đều nói về hợp tác để truyền giáo.

Hợp tác với CTT "Thánh Thần cùng chúng tôi quyết định" (Cv 15,28);

Hợp tác giữa các tông đồ : Phaolô lên Giêrusalem gặp các tông đồ (Cv 9,28);

Hợp tác để giải quyết các vấn đề mới và quan trọng: Tin Mừng được loan báo cho mọi người chứ không chỉ cho người Do Thái(CV 15,5-29); thậm chí hợp tác thẳng thắn vì ích chung Tin Mừng khi Phêrô không dám dùng bữa với người Kitô hữu gốc dân ngoại. (Gal 2,11-14)

Cuối cùng hợp tác giữa tông đồ và tín hữu: nhà tín hữu là nơi dừng chân của các tông đồ (Cv 10,6; 11,11)

c) - Loại trừ thái độ tự mãn:

- Tự mãn với chính mình:

Không nhận ra mình tội lỗi nghèo hèn cần được thương xót, nhưng lại hay khinh khi tự phụ đối với người khác. Tự cho mình tốt lành, mình không thiếu điều gì, có khả năng giữ lề luật, nhưng quên là không có tình yêu thì ngay cả những điều tốt nhất cũng không có giá trị gì, như thánh Phaolô đã nói (x.1Cr 13)

ĐTC nhận xét: "Trong mỗi chúng ta đều có một chút Pharisiêu và một chút biệt phái, vì chúng ta tự phụ, có thể tự biện minh, vô địch trong việc biện minh cho chính mình". (27/10/2019)

 - Tự mãn với việc mình làm:

“Thực hành mục vụ trong nhãn quan truyền giáo cố gắng từ bỏ thái độ tự mãn: “Chúng tôi vẫn luôn luôn làm như thế” (NVTM 27) . 

- Tự mãn với cách mình sống:

 (NVTM 95): - "Tính thế tục cũng có thể được biểu hiện bằng việc muốn được người khác để ý tới, xuất hiện với đủ vẻ sang trọng trong đời sống xã hội, trong các buổi gặp gỡ, tiệc tùng và tiếp tân.

Nó cũng có thể dẫn tới một não trạng doanh nghiệp, luôn bận bịu với các công việc quản lý, các vấn đề thống kê, kế hoạch và đánh giá mà lợi ích chính không phải là dân Chúa mà Giáo Hội được nhìn như là một tổ chức.

Không hề có dấu ấn của Đức Kitô nhập thể, chịu đóng đinh và phục sinh; các nhóm ưu tú khép kín được hình thành, và không có cố gắng nào để đi ra bên ngoài tìm kiếm những người còn xa cách hay đám quần chúng bao la đang khát Đức Kitô. Nhiệt huyết Tin Mừng bị thay thế bằng sự hưởng thụ trống rỗng tính tự mãn và buông thả."

4.5 - Một tâm hồn thừa sai,  trợ lực cho các tông đồ trong Hội Thánh.

a) Ra đi theo ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn:

- Kể từ ngày truyền tin, sau khi thưa “Xin Vâng” Đức Chúa Thánh Thần xuống tràn ngập tâm hồn Đức Maria. Cũng kể từ khi đó, Đức Maria hoàn toàn sống theo ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Đức Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Maria, thúc giục, nên Mẹ vội vã ra đi lên miền núi.

- Dấu hiệu của ơn Chúa Thánh Thần là niềm vui:

Đức Maria đến thăm bà chị họ là đem niềm vui đến cho bà. Ngay cả đứa con trong lòng bà cũng nhảy lên mừng rỡ. Bà Êlisabeth cũng được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần nên cất tiếng ca ngợi Đức Mẹ. Đức Mẹ liền ứng khẩu hát một bài ca tụng Thiên Chúa. Bài ca này là tác phẩm của Chúa Thánh Thần.

- Một dấu hiệu khác cho thấy ơn Chúa Thánh Thần đó là sự khiêm nhường, quên mình phục vụ.

Mẹ quên mình là Mẹ Thiên Chúa để phục vụ bà chị đang cần sự giúp đỡ. Đức bác ái chắc chắn là kết quả của Đức Chúa Thánh Thần. Đức Maria tràn đầy Chúa Thánh Thần nên hăng hái ra đi theo lòng bác ái. Bác ái với bà chị lớn tuổi, bác ái với đôi tân hôn thiếu rượu, bác ái với các thánh tông đồ sau  khi họ mất Thầy...

b) Những thái độ ngăn trở niềm vui và hiệp nhất:

-Thái độ duy nạn nhân, hằng ngày than trách người khác: “Chẳng ai hiểu tôi, không ai giúp đỡ tôi, chẳng ai thương tôi, tất cả đều giận dữ, chống lại tôi! Tâm hồn họ khép kín và tự hỏi: “Tại sao những người khác không phục vụ tôi?”.

-Thái độ bi quan: họ than thở mỗi ngày, chẳng có gì là ổn, xã hội, chính trị, Giáo hội. Người bi quan bất mãn với thế giới, nhưng tiếp tục bất động, không làm gì, và nghĩ rằng: “Hiến thân có ích gì đâu”.

Trong nỗ lực lớn bắt đầu trăm năm thứ hai,  thái độ bi quan thật là tai hại, nhìn mọi sự đều đen tối, lập đi lập lại chẳng có gì sẽ trở lại như trước đây, chẳng có gì mới.  Nghĩ như thế thì chắc chắn niềm hy vọng tắt ngúm.

Vì thế, chúng ta cần Chúa Thánh Linh, hồng ân của Thiên Chúa, Đấng chữa lành chúng ta khỏi thái độ yêu mình, thái độ chỉ coi mình là nạn nhân và thái độ bi quan.

4.6 - Một tâm hồn cầu nguyện, ca ngợi Hồng Ân Thiên Chúa

Nhìn mọi sự như là quà tặng của Lòng Thương Xót, của tình yêu Chúa để cảm tạ tri ân. Mỗi ơn gọi trong Giáo Hội đều xuất phát từ ánh mắt xót thương của Chúa Giêsu.

"Tôi rất đau lòng khi thấy một số cộng đoàn Kitô hữu, thậm chí cả những người thánh hiến, có thể dung dưỡng những hình thức thù nghịch, chia rẽ, vu khống, nói xấu, oán thù, đố kỵ và ước muốn áp đặt một số ý tưởng bằng bất cứ giá nào, thậm chí bằng các hành động bách hại giống như những cuộc săn lùng phù thuỷ thực sự. Chúng ta sẽ rao giảng Tin Mừng cho ai nếu chúng ta hành động theo cách này?” [NVTM 22]

Ưu tiên nhất vẫn là nhắm đến những người nghèo : 

“Hội Thánh phải đến với mọi người, không loại trừ một ai. Nhưng phải đến với ai trước? Khi đọc Tin Mừng, chúng ta thấy một dấu hiệu rõ ràng: không phải những bạn bè và láng giềng giàu có của chúng ta, nhưng trên hết là những người nghèo khổ bệnh tật, những người thường bị khinh dể và ruồng rẫy, những người “không có gì để trả lại ngươi” (Lc 14:14). Không có chỗ cho sự hoài nghi hay những lời giải thích vốn chỉ làm yếu đi một sứ điệp rõ ràng như thế. Hôm nay và mãi mãi, “người nghèo là những người ưu tiên được đón nhận Tin Mừng”,[52] và việc Tin Mừng được tự do rao giảng cho họ là dấu chỉ về vương quốc mà Chúa Giêsu đến để thiết lập. Chúng ta phải nói thẳng ra rằng “có một dây liên kết không thể phân ly giữa đức tin của chúng ta và người nghèo”. Chúng ta đừng bao giờ bỏ họ. [31]

Kết

Chúng ta cần đứng dậy ra đi, cần biết lắng nghe và đến gần mọi người, bắt đầu từ những tình huống cụ thể, giữa người với người.

Phương pháp này thật đơn giản, nhưng đây chính là phương pháp của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã loan báo Tin Mừng, luôn luôn lên đường - luôn luôn gần gũi mọi người, lắng nghe -  luôn bắt đầu từ những tình huống cụ thể, rất cụ thể qua kỹ năng tiếp xúc cá nhân.

Chỉ có thể loan báo Tin Mừng với ba thái độ vừa nói với sức mạnh với sự tác động của Chúa Thánh Thần. Bởi vì, nếu không có sự tác động của Thần Khí Thiên Chúa, thì chẳng có chi hoạt động.

Chính Chúa Thánh Thần là Đấng thôi thúc chúng ta đứng dậy ra đi, giúp chúng ta có khả năng lắng nghe, và cho chúng ta biết bắt đầu từ các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. (ĐTC PX 19.04. 2018)

Lm. Đaminh Phan Hưng