Sống trong Chúa

Tôi cần lắng nghe tiếng Chúa trong từng chuyển động nội tâm và trong từng biến cố cuộc sống để điều chỉnh đời mình, phải sống trung thành dưới ánh mắt của Chúa và bước cùng nhịp với Hội dòng, đặc biệt qua dịp chuẩn bị Hội Nghị Dòng lần thứ XXI.


Cuộc sống con người luôn là một sự giao tranh giữa: sống- chết, được- mất, hơn- thua… Khi tạo dựng con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa mặc lấy cho họ lòng khao khát hướng về sự tốt lành, thánh thiện, hướng về Đấng là Chân- Thiện- Mỹ. Thế nhưng điều đó lại quá xa vời với thân phận con người bởi do ảnh hưởng của tội, của thời thế, xã hội… làm cho họ không thể sống theo ơn gọi đó một cách triệt để. Vì vậy, Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài đến trần gian để mạc khải cho con người thấy hình ảnh đích thực của Ngài và bày tỏ cho con người con đường để sống theo hình ảnh ấy. Chỉ trong Chúa Kitô, nhờ Chúa Kitô, tôi mới có thể sống ơn gọi của mình một cách đúng đắn. Hiện tại, Ngài tha thiết mời gọi tôi nhận ra sự hiện diện của Ngài, sống cho sự hiện diện đó, đồng thời chuẩn bị cho mình một “bầu da mới” để chứa đựng “Đức Kitô mới” sống động trong đời mình.

1. Đức Kitô hiện diện trong tâm hồn

 Thưa Thầy, nếu Thầy có ở đây thì em con không chết (Ga 11,21). Một lời nghe có vẻ đầy sự hờn dỗi, trách móc của Matta… nhưng thành tâm và xác tín, bởi tin rằng có Chúa thì em cô không chết. Matta tin vào tình yêu, tin vào quyền năng, tin vào lòng thương xót của Chúa dành cho những con người đau khổ, bất hạnh, hẩm hiu… mà cô từng chứng kiến trong bước đường rao giảng của Ngài. Tuy nhiên, trước nỗi đau mất đi thành viên trong gia đình thì cô vẫn không thể tin được Thầy Giêsu có thể làm cho em cô đã chết sống lại: Con biết em con sẽ sống lại trong ngày sau hết”. Trước sự ngờ vực dễ thương của Matta, Chúa Giêsu nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. (Ga 11,25-26)

Đức Kitô Đấng đem lại sự sống cho nhân loại, đang phục hồi sự sống đã mất, Ngài không chỉ làm cho con người sống lại phần xác mà làm cho con người được sống thật về phần hồn, Ngài phục sinh nơi con người sự sống nhân vị, phẩm giá làm người và làm con cái Chúa. Ngài đến làm cho con người được sống và sống dồi dào. “Thiên Chúa sai Con của mình đến thế gian để thế gian nhờ Con của Người mà được sống” (Ga 3,16). Thiên Chúa yêu con người và tình yêu đó được biểu lộ qua hành động “sai Con đến thế gian”, tình yêu luôn làm cho sống, luôn đi bước trước và ở đâu có tình yêu thì ở đó có sự sống và sự sống được nhân lên. Thế nhưng, khi đứng trước tình yêu của Thiên Chúa, trước những biến cố trong đời thường, như Matta, liệu tôi có nhận ra sự hiện diện của Chúa bên cạnh và trong tâm hồn mình hay không? hay Chúa có đó mà tôi cứ mò mẫm đi tìm Ngài?

Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20)... Lời Chúa thúc giục tôi nhận ra sự hiện diện của Ngài trong từng giây phút của cuộc sống; nhận ra Ngài là Thầy là Chúa, là Đấng có quyền năng trong mọi sự; nhận ra Ngài trong những khổ đau, sự khó thường hằng của cuộc sống. Ngài vẫn có đó dang cánh tay Cứu Chuộc để đỡ nâng, ủi an; che chở… Ngài ở bên tôi mọi ngày trong đời tôi và khỏa lấp trong tôi sự đớn đau, giới hạn của phận người. Và, “Người lấp đầy tôi bằng sự hiện diện vô hình của Người; tôi đi bất cứ nơi đâu Người cũng chờ đón tôi tại đó. Bởi vì Người không chỉ đến với tôi trong quá khứ, mà Người đến với tôi hôm nay và mọi ngày” (Christus vivit, số 125). Cuộc sống dù có vui, buồn, sướng, khổ…thì Ngài luôn ở bên tôi, chung chia, an ủi và tôi xác tín rằng “Người ở trong tôi, ở với tôi và Người không bao giờ bỏ rơi tôi” (Christus vivit, số 2). Ngài sống động trong hồn tôi, làm màu mỡ và chữa lành tôi khỏi những hiểu lầm, giận hờn, oán ghét, Ngài khai sáng đức tin mù lòa, khỏa lấp những hố sâu của nghị kị, ganh ghét, khi ở giữa những bi kịch của cuộc đời, và “chỉ khi biết bám chặt lấy Người tôi sẽ có sự sống thật” (Christus vivit, số 127), Ngài làm cho tôi sống và sống bằng sự sống của Ngài. Ngài hiện diện trong tâm hồn và mời gọi tôi nhận ra sự hiện diện của Ngài, làm lan tỏa sự hiện diện đó trong cuộc sống thường hằng của mình.

2. Sống cho Chúa

Một lời mời gọi mới đến với tôi sau khi nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời mình. Ngài mời gọi tôi từ bỏ con người cũ, để bước sang một hướng sống mới là sống cho Chúa, như lời của Thánh Phaolô “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Chúa Giêsu hiện diện và làm cho sống như chính sứ mạng của Ngài đến trần gian là “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Sống cho Chúa là sống bởi sức của Chúa, sống bằng sự sống xuất phát từ sự sống của Chúa, sống vì Ngài và vinh quang của Ngài, sống lấy Chúa làm trung tâm của đời mình và mọi sự quy hướng về trung tâm đó. Ngài đã chết cho tôi và Ngài mua lấy sự sống của tôi bằng chính giá máu của Ngài. Vì vậy, Ngài mời gọi tôi hãy bước ra khỏi cái tôi nặng nề tồi tệ của mình, bước ra khỏi những gì mà tôi đang bám víu, dựa dẫm để lao mình vào Nguồn Sống, ngụp lặn và múc lấy sự sống nơi Ngài. Chỉ trong Đức Kitô tôi mới có sự sống thật và chỉ khi sống cho Chúa mới là sống thực.

Đức Kitô đã chết và sống lại là để làm Chúa kẻ sống cũng như người chết” (Rm 14,9). Ngài là trung tâm của cuộc đời là điểm quy chiếu cho mọi hành động sống, mọi thu tạo phải nhường chỗ cho Ngài, chiêm ngắm Ngài, múc lấy nơi Ngài sự sống. Để làm được, điều mời gọi tôi là “hãy ra khỏi mình” (Christus vivit, số 141). Cái tôi phải rút lui, phải nhường bước cho sự hiện diện của Thiên Chúa, phải làm rỗng mình để dành chỗ cho một mình Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài mà thôi. Khi tôi hủy mình cũng là lúc tôi sống mãnh liệt cho Chúa, sống cho Đấng đã chết vì tôi.

Sống cho mình, là một lối sống khép kín, giới hạn cho mình, quy chiếu về mình và chỉ mình mà thôi, hành động duy nhất của người sống cho mình là làm thỏa mãn nhu cầu cá nhân, hướng tới vinh quang của mình, chứ không nhắm tới điều vĩnh cửu, không hướng đến tha nhân. Sống cho mình, một lối sống không triển nở, một lối sống làm mất đi sự sống nguyên thủy, mất đi sự tự do nội tại, đồng thời mang đầy mùi vị ích kỷ. Sở dĩ tôi phải bỏ mình đi để sống cho Chúa là vì chính “Đức Kitô đã chết và sống lại là để làm Chúa kẻ sống và kể chết” (Rm 14,9). Ngài đã cứu tôi, chuộc lấy sự sống đã mất của tôi. Tôi thuộc về Ngài, vì vậy tôi phải rởi bỏ “cái tôi” của mình để trả lại cho Chúa đúng vị trí của Ngài là Chủ của hồn mình và tôi phải toàn tâm sống cho sự thuộc về đó. Hơn thế nữa, chính Đức Kitô “đã yêu và trao nộp mình vì tôi” (Ep 5,12). Chính tình yêu thôi thúc hành động Chúa trao nộp thân mình để cứu người mình yêu, vì vậy chẳng còn lý do gì mà ta không đáp lại tình yêu vô bờ của Chúa “yêu đáp yêu”.

“Thiên Chúa cũng cho ta biết rằng tình yêu của Ngài không ảm đạm, nhưng đầy niềm vui, sôi trào lên bất cứ lúc nào khi ta đón nhận tình yêu của Ngài” (Christus vivit, số 117), để đón nhận tình yêu của Chúa tôi phải làm rỗng lòng mình để Ngài ngự vào, và tôi phải sống cho những đòi hỏi nho nhỏ có khi cũng khó ưa từ Chúa khi đó tôi tin chắc rằng niềm vui sẽ tràn ngập hồn tôi.

Hoa trái của người “sống cho mình” đó là niềm vui cá nhân và họ chỉ có một đối tượng để vui, để quan tâm, niềm vui chỉ giới hạn nơi bản thân mình, thật nghèo nàn pha chút cô đơn biết bao (x. Đời Sống Mới Trong Chúa). Khi sống cho Chúa thì sẽ làm cho bản thân mình luôn mới, tự do, bình an, một niềm vui tràn ngập nội tâm như chính Chúa đã hứa “…để niềm vui của Thầy ở trong anh em và niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 15,11). Vui vì có niềm hy vọng sẽ được hưởng vinh quang cùng Chúa và mọi thứ gian truân không làm nó mất đi và cách nào đó nó biến gian truân thành động lực tự hào bởi “những đau khổ ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18). Tôi vui vì Đức Kitô đang sống, đang lên men trong hồn tôi. Vậy còn lẽ gì mà tôi không dám sống cho Chúa?

3. Chuẩn bị bầu da mới

Hoa trái của một đời sống cho Chúa là niềm vui. Niềm vui có được do biết bỏ mình để sống cho Chúa và vì Chúa, và niềm vui có được phần nào là do hy vọng sẽ được hưởng vinh quang với Chúa. Thế nhưng, để niềm vui được nên trọn vẹn, tôi phải gìn giữ cách cẩn thận. Vì thế, để chứa đựng niềm vui Đức Kitô điều cần nơi tôi ngay bây giờ là chuẩn bị một “bầu da” thật tốt, thật mới. Rượu mới thì phải đổ vào bầu da mới. Chúa Giêsu là rượu mới, rượu hảo hạng của Tân ước. Tôi không thể đựng rượu mới vào bầu da cũ kỹ là con người cũ, tội lỗi, cầu toàn, hình thức và ích kỷ. Tôi cần phải trở nên bầu da mới, con người mới, con người luôn biết khát khao vươn tới sự thánh thiện, giữ luật với lòng mến, sống liên đới, quảng đại và hiệp nhất với mọi người để ngày càng trở nên giống Người Thầy mà ngày đêm tôi miệt mài vác thánh giá đời mình để đi theo.

Làm sao với khả năng hạn hẹp của mình, tôi có thể chuẩn bị được một bầu da mới để chứa đựng rượu mới đích thực là Đức Kitô? Thực, để chuẩn bị bầu da mới” không phải dễ, tôi xin mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô “cách tốt nhất để chuẩn bị cho một tương lai rạng rỡ là kinh nghiệm cái hiện tại này hết sức có thể, với tinh thần dấn thân và quảng đại” (Christus vivit, số 178). Và hiện tại tôi cố gắng mỗi ngày nghe theo lời Mẹ Maria dạy: “Ngài bảo gì thì hãy làm theo” (Ga 2,5). Tôi cần lắng nghe tiếng Chúa trong từng chuyển động nội tâm và trong từng biến cố cuộc sống để điều chỉnh đời mình theo hướng thượng. Tôi phải sống trung thành dưới ánh mắt của Chúa và bước cùng nhịp với Hội dòng, đặc biệt qua dịp chuẩn bị Hội Nghị Dòng lần thứ XXI. Ước mong để Đức Kitô ngự trị cách viên mãn trong hồn mình thôi thúc lòng tôi yêu mến Ngài hơn. Để tôi biết sống quảng đại với tha nhân và ý thức cách sâu sắc hơn sự thuộc về Hội dòng và trách nhiệm xây dựng Hội dòng. Để mỗi ngày một hơn, tôi cố gắng “múc rượu đức ái” vào trong “bầu da” của mình thật nhiều để sống thánh thiện như lòng Chúa mong ước.

Để có “bầu da mới” đó cũng là một thách đố nhưng cũng là lời mời gọi, thúc đẩy tôi can đảm mở lòng mình để dấn thân vào những đòi hỏi mới lạ của Chúa Kitô, thúc đẩy tôi sống tương quan mật thiết với Ngài. Đồng thời giúp tôi đi sâu vào sự thân mật với Thần Khí Đức Kitô bởi khi có Thần Khí trong tâm hồn thì sẽ có sự đổi mới. Chính Thánh Thần đổ vào lòng tôi tình yêu Thiên Chúa (x. Rm 5,5) để tôi biết yêu mến Thiên Chúa và sẵn sàng làm điều Ngài truyền dạy.

Phần nào trong đời sống tu trì của mình, tôi cũng luôn muốn xây dựng một đời sống cộng đoàn hiệp nhất, bình an, tha thứ, và yêu thương… Thánh Thần Chúa cũng đang mời gọi tôi đừng bao giờ để thiếu hụt thứ rượu mang thương hiệu “Giêsu” vì chỉ có Giêsu, thì tôi mới có rượu bác ái. Chỉ có Giêsu, tôi mới có rượu yêu thương, chân thành với tha nhân và chỉ có Giêsu cuộc đời tôi mới có rượu bình yên. Vì vậy chúng ta hãy mời Giêsu vào trong bữa tiệc đời mình, mời Ngài vào trong cộng đoàn của mình, trong từng sứ vụ của mình... Ngài đang chờ và sẵn sàng bước vào khi tôi mở của và cất lời mời Ngài. Khi đó đời sống cộng đoàn của tôi sẽ là “nơi tha thứ, chốn yêu thương”.

Con người chỉ sống có một lần trên trần gian này, tôi không có cơ hội để làm lại cuộc sống khi sự chết đến, vì vậy hãy sống tốt, sống hết mình vì lòng mến Chúa và sống với một cái tâm “nhạy bén”, “lặng” và “lắng” để nhận ra sự hiện diện của Chúa, đáp ứng những đòi hỏi nho nhỏ của Chúa, đồng thời chuẩn bị cho hồn mình một “bầu da xứng đáng” để chứa đựng “Rượu Mới” là Đức Kitô sống, Đấng đang “lên men” trong đời mình. Là một người con của Hội dòng, tôi phải góp phần của mình vào việc xây dựng Dòng ngày một lớn mạnh trong sự thánh thiện. Tôi phải hăng hái dấn thân cho sứ mạng để trở nên một “Đức Kitô sống” nơi môi trường sống của mình, đồng thời làm lan tỏa “ rượu Giêsu” trong thế giới hôm nay.

M. Anna Phương Dung (Đại tập), FMI