Đại dương ... và giọt nước

"Một người thầy... cần phải uống cả một đại dương mới cho trò một giọt nước”


Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (FMI) vừa trải qua nhiều cảm nghiệm và niềm vui tạ ơn hồng ân Năm Thánh Bách Chu Niên, giờ đây lại đang hân hoan tiếp bước vào Thiên niên kỷ mới đầy tươi sáng và đang chờ đón. Chính Hội Nghị Dòng lần thứ XXI này sẽ đánh dấu một bước ngoặc rất quan trọng trong dòng chảy lịch sử của Hội dòng chúng ta. Khi “Lời của Chúa Giêsu có thể soi sáng hành trình thánh hiến trước những thách đố của thời đại chúng ta và trên tinh thần đổi mới như Công đồng Vaticanô II mong muốn: ‘Rượu mới, bầu da cũng phải mới’ (Mc 2,22)” [1]. 

Là một thành viên của Hội dòng, tôi cũng đang mang nhiều thao thức và ước mong được chia sẻ một vài suy tư về việc tự đào luyện của người nữ tu FMI qua 3 lãnh vực: Kiến thức, Kinh nghiệmTâm linh trong sứ mạng Giáo dục của Hội dòng, như lời nhắc nhở của Đức Thánh Cha: “Các con là hiện tại bởi vì các con đã sống tích cực trong lòng của các Hội Dòng của các con, khi cống hiến một sự đóng góp quyết định với sự tươi mát và quảng đại của sự chọn lựa của các con. Đồng thời, các con cũng là tương lai bởi vì sắp tới đây, các con sẽ được mời gọi cầm chắc trong tay việc hướng dẫn linh hoạt, việc huấn luyện, việc phục vụ, công tác truyền giáo... Các con sẽ có thể làm cho mình nên phong phú về kinh nghiệm và sự khôn ngoan, đồng thời, các con sẽ có thể tái đề nghị cho thế hệ này, lý tưởng mà họ biết ngay từ đầu, đóng góp vào việc làm tung mở ra và sự tươi mát với sự hăng say của các con”.[2]  

1.Kiến thức, tri thức

Kiến thức không tự nhiên có sẵn trong đầu óc chúng ta, nhưng phải trải qua quá trình học tập, lao động, nhận thức và tiếp thu để tích luỹ cho chính bản thân mình. Còn tri thức thì chưa có một định nghĩa cụ thể, chúng ta có thể tạm xem đó là một sự hiểu biết về một đối tượng, về mặt lý thuyết hay thực hành.

Tôi nhớ lại thời gian thực tập Sư phạm Âm nhạc tại trường Văn Hóa Nghệ Thuật Huế cách đây 19 năm, lời của nhạc sĩ Đoàn Lan Hương (Hội Nhạc sĩ VN), cô giáo hướng dẫn tôi thực tập vẫn luôn đọng lại trong ký ức của tôi. Mỗi lần gặp gỡ, cô thường hay nhắc tôi: “Em phải luôn nhớ rằng một người thầy, cần phải uống cả một đại dương mới cho trò một giọt nước”. Chỉ một câu ngắn ngủi, nhưng nó theo tôi cả hành trình dài trong lãnh vực đào tạo Âm nhạc... Tôi luôn ý thức phải học hỏi, phải luyện tập chuyên chăm... Nếu không nghiên cứu, không cập nhật và không tự nâng cấp tay nghề, thì làm sao tôi có thể truyền đạt tốt cho học trò qua chuyên môn của mình được.

Hiện nay, mỗi chị em trong Hội dòng cũng đang luôn nỗ lực tự đào luyện chuyên môn của mình thật tốt để phục vụ có hiệu quả và chất lượng hơn. Nhưng sứ mạng giáo dục của Hội Dòng đâu chỉ dừng lại nơi những kiến thức được gói ghém trong một vài lãnh vực, mà nó còn được trải rộng trong tất cả mọi vấn đề liên quan đến sự phát triển toàn diện của một con người: Trí, Dục, Văn, Thể, Mỹ. Kiến thức tự nhiên đã bát ngát, kiến thức về siêu nhiên lại còn mênh mông hơn biết bao nhiêu. Nếu một tu sĩ chỉ có vài tấm bằng cấp nào đó, mà tự hãnh diện cho mình là “giới tri thức” của Hội Dòng có đúng không?

Hiện nay “trong một số bối cảnh của người trẻ, có sự lây lan quyến rũ của việc thực hiện các hành vi nguy hiểm như một phương thức để khám phá bản thân, để tìm kiếm cảm giác mạnh và để đạt được sự thừa nhận... Việc tiếp xúc với những hiện tượng này là một chướng ngại đối với sự trưởng thành êm ả của người trẻ”.[3] Tôi đã có kinh nghiệm khi một vài học trò đến chia sẻ những yếu đuối từ khuynh hướng tính dục không lành mạnh mà chính bản thân các em đang trải qua... Lúc đó, tôi chỉ biết chăm chú lắng nghe, thông cảm khuyên bảo cách đơn sơ và hứa sẽ cầu nguyện cho em mà thôi. Tôi lấy làm tiếc, nếu lúc đó mình có đủ kiến thức về tâm sinh lý, tín lý, luân lý ... chắc sẽ giúp các em giải quyết vấn đề hiệu quả hơn và mới có thể đồng hành lâu dài với các em.

Vì thế, không phải đợi các khóa học, các lớp bồi dưỡng do Hội Dòng tổ chức, mà mỗi tu sĩ phải biết tự tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu sách báo hữu ích liên quan đến sứ mạng giáo dục, đến việc đồng hành với người trẻ... Bên cạnh chúng ta cũng có những bậc thầy, còn những người chị đi trước với rất nhiều kinh nghiệm và am hiểu, sẵn sàng hướng dẫn và chia sẻ cho đàn em, nếu chúng ta biết khiêm tốn học hỏi... Chính tinh thần cầu tiến ấy sẽ là động lực giúp chúng ta, “phải biết tự luyện ngay trong chính môi trường sinh hoạt của mình và cải tiến cách thức làm việc theo trình độ phát triển của xã hội và Giáo Hội.” (LS 107)

2.Kinh nghiệm, trải nghiệm

Kiến thức không chỉ là những vấn đề trong sách vở mà đó còn là kỹ năng sống, kinh nghiệm trong thực tế. Theo tự điển tiếng Việt: “Thông thường, kinh nghiệm là sự hiểu biết không thông qua lý luận, sách vở, mà thông qua thực tiễn, do thực hành đem lại. Ngoài ra, có những kinh nghiệm chúng ta lại học được từ trong những trải nghiệm cuộc sống”.

Đứng trước bao thách đố của bối cảnh xã hội và tâm thức của giới trẻ hôm nay, người tu sĩ làm sứ mạng giáo dục nếu chỉ có kiến thức rất nhiều mà không đủ kinh nghiệm làm sao đồng hành với người trẻ và biết dẫn dắt họ một cách đúng đắn được. Nhưng rồi làm sao chúng ta có được trải nghiệm và kinh nghiệm nếu không tìm cơ hội để dấn thân một cách trọn vẹn. Nếu chúng ta được học hỏi rất nhiều về giáo dục, nhưng chưa bao giờ làm công việc giáo dục thì làm sao có kinh nghiệm để chia sẻ? Nếu chúng ta hiểu biết quá nhiều về kiến thức truyền giáo mà lại chưa một lần đi truyền giáo thực tiễn, làm sao có kinh nghiệm để hướng dẫn người khác...? Qua đó, chúng ta càng ý thức phải tự biết vươn lên, tự đào luyện không ngừng trong mọi lãnh vực. Vì một tu sĩ không thể đồng hành “chất lượng” với giới trẻ hôm nay nếu không có tương đối đầy đủ về cả “đức hạnh” lẫn “tài trí”. Tuổi trẻ luôn phải đương đầu với nhiều khó khăn làm họ chao đảo, mất phương hướng, dễ buông xuôi. Họ rất cần chúng ta cho những kinh nghiệm cụ thể để ứng xử, những cách thức để vượt khó ... Chứ không phải chỉ nhận được vài lời khuyên hay một mớ lý thuyết giải thích suông mà thôi.

Tuy nhiên, nhiều tu sĩ lại có mặc cảm là mình không được đào tạo chuyên môn nào “đáng giá”, những văn bằng “đẳng cấp” mà chỉ thành thạo được vài công việc tầm thường nhỏ mọn nào đó mà thôi... Không! Chúng ta đừng bao giờ suy nghĩ thiển cận như thế! Những kinh nghiệm thực tế trong đời sống thường nhật cũng là một kiến thức tổng hợp mà người trẻ rất cần được lĩnh hội nơi chúng ta. Nhờ có được những kinh nghiệm tự nhiên đó mà họ sẽ trở nên một con người “thực thụ” hơn, không bị chênh lệch giữa lý thuyết và thực hành. Nhờ có nhiều kinh nghiệm hữu ích đó mà họ sẽ được lớn lên và có những bước đi vững vàng, những suy nghĩ khôn ngoan, những quyết định chính chắn và những thành đạt tối thiểu cần thiết...

Đúng vậy, qua chúng ta, “kinh nghiệm này tiếp tục được thực hành trong Giáo hội, khi những người trẻ tham gia các nhóm, các phong trào và các kiểu hội đoàn, nơi đó họ trải nghiệm bầu khí ấm cúng, nồng nhiệt và thân ái trong tương quan. Thực tế, dấn thân kiểu này có một tầm quan trọng đặc biệt khi hoàn tất một hành trình của đời sống Kitô hữu, bởi vì nó tạo điều kiện cho người trẻ tiến đến sự trưởng thành trong ơn gọi Kitô hữu của mình.” [4]

Đồng thời, để đồng hành gần gũi được với người trẻ chúng ta phải thực sự là những con người am tường những điểm mạnh cũng như những mặt yếu của họ, giúp họ khám phá ra thực lực của chính bản thân để phát huy. Chúng ta “cần quan tâm đặc biệt đến việc cổ võ sự sáng tạo của người trẻ trong các lãnh vực khoa học và nghệ thuật, thơ ca và văn chương, âm nhạc và thể thao, kỹ thuật số và truyền thông, v.v… Để nhờ đó, người trẻ có thể phát hiện ra những khả năng của mình và cống hiến những khả năng ấy trong việc phục vụ xã hội và công ích.” [5]

3.Tâm linh, gương sáng

Ông cha ta ngày xưa vẫn dạy con cháu: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Hoặc “Lúa càng chín, lúa càng cúi đầu. Biển càng sâu, biển càng tĩnh lặng”. Đúng vậy, nếu hiểu biết rất nhiều, kinh nghiệm phong phú nhưng không có gương sáng bắt nguồn tự một đời sống tâm linh sâu nhiệm, một kinh nghiệm sống động về tương quan với Thiên Chúa thì làm sao chúng ta có thể trở thành những nhà giáo như Thiên Chúa muốn, như Giáo hội và Hội dòng ước mong? Giáo hội cũng đã cho thấy: “Trong tương lai gần, chúng ta không nên chỉ đào tạo các tu sĩ trẻ để có bằng cấp chuyên môn, mà còn phải huấn luyện họ hòa nhập giá trị bản thân vào đời sống theo Đức Kitô (sequela Christi)... Nhiệm vụ chính của họ là truyền đạt đến những người được ủy thác “vẻ đẹp của việc theo Chúa Kitô và giá trị của đoàn sủng thể hiện việc theo Chúa”. Họ đặc biệt được yêu cầu trở thành “những người có bước đi vững chắc trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa” [6]

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng rất mong ước chúng ta, những người được thánh hiến phải trở nên gương sáng, để “các người trẻ nữ và các bạn nam gặp các con, họ cảm thấy bị lôi cuốn bởi các con, khi họ nhìn nơi các con là những người nam và người nữ thật hạnh phúc! ... Chính đời sống của các con phải nói lên, một đời sống mà từ đó tỏa ra rạng ngời niềm vui và vẻ đẹp để sống Phúc Âm và đi theo Đức Kitô.”[7]

Nhưng để có một đời sống Thánh hiến hạnh phúc đích thực và trở thành sức hấp dẫn cho các các bạn trẻ bước theo ơn gọi không phải là điều dễ dàng. Vì “cách chung các bạn trẻ tuyên bố rằng họ đang tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời và cho thấy mối quan tâm về đời sống tâm linh. Tuy nhiên sự quan tâm này đôi khi giống như một cuộc tìm kiếm hạnh phúc mang tính tâm lý hơn là mở ra một cuộc gặp gỡ với Mầu Nhiệm của Thiên Chúa hằng sống.”[8] Điều đó, cho chúng ta thấy người trẻ rất cần những tia hy vọng và có động lực khi nhìn thấy cuộc sống chứng nhân từ người tu sĩ, những gương sáng từ các nhà giáo dục. Vì thế, trước hết nội tâm chúng ta phải phản chiếu được nét đẹp tâm linh của Thiên Chúa, phải trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, qua đức tin, lòng mến và cung cách dấn thân phục vụ... Để noi gương Mẹ Maria Vô Nhiễm, chúng ta phải “là một nhà huấn luyện đã được chính Lời Chúa và huấn luyện”. (LS 111)

Nếu không, “đối với nhiều bạn trẻ, tôn giáo và Giáo Hội dường như là những lời nói trống rỗng, họ sẽ nhạy cảm với hình ảnh của Đức Giêsu khi Ngài được trình bày trong một cách thức hấp dẫn và hiệu quả. Bằng rất nhiều cách thức khác nhau, các bạn trẻ hôm nay vẫn nói với chúng ta: “Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu” (Ga 12,21)”.[9] Vậy Đức Giêsu ở đâu khi họ bắt gặp những tu sĩ chỉ biết chạy theo tiền tài danh vọng, với một cái đầu rỗng tuếch, một quả tim kiêu căng nhưng cằn cỗi và còn phản chứng trên nhiều phương diện khác nữa?...

Trong luồng khí mạnh mẽ “Rượu mới, bầu da mới”, Chúa Thánh Thần đang thổi vào một sức sống mạnh mẽ cho Giáo hội, cho các Hội dòng và cách riêng cho những người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm trước thềm Hội Nghị Dòng lần thứ XXI. Mỗi người nữ tu FMI cần nhìn lại chính mình, biết rõ năng lực và những giới hạn của bản thân, để biết củng cố lại đời sống đức tin cũng như tích cực chuẩn bị hành trang cấp thiết cho bước đường đồng hành cùng người trẻ trong 100 năm thứ hai của Hội dòng. Xin Thiên Chúa và Mẹ Hiền Vô Nhiễm đồng hành, chúc lành cho mỗi chị em chúng ta. Ước mong mỗi chúng ta sẽ mặc lấy tâm tình của Đức Kitô, biết noi theo mẫu gương sư phạm tuyệt vời của Mẹ để trở thành những nữ tu thánh thiện và là nhà giáo nhiệt tình, năng động với Sứ mạng Giáo dục.

Nt M.Isave Trần Thị Sa, FMI 


[1] Rượu mới bầu da mới, số 1

[2] Tông Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả các người Thánh hiến, năm Đời sống Thánh hiến 2015.

[3] Tài liệu kết thúcThượng Hội Đồng Giám Mục: Người trẻ đức tin và phân định ơn gọi, số 37.

[4] Tài liệu kết thúcThượng Hội Đồng Giám Mục: Người trẻ đức tin và phân định ơn gọi, số 96.

[5] Tài liệu kết thúcThượng Hội Đồng Giám Mục: Người trẻ đức tin và phân định ơn gọi, số 158.

[6] Rượu mới, bầu da mới, số 15 và 16.

[7] Tông Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả các người Thánh hiến, năm Đời sống Thánh hiến 2015.

[8] Tài liệu kết thúcThượng Hội Đồng Giám Mục: Người trẻ đức tin và phân định ơn gọi, số 49.

[9] Tài liệu kết thúcThượng Hội Đồng Giám Mục: Người trẻ đức tin và phân định ơn gọi, số 50.