Trọn vẹn...

Nhìn về quá khứ với niềm tri ân. Đây cũng là thời gian, là cơ hội mà Chúa đang ban cho Hội dòng, cho mỗi chị em để nhìn lại chặng đường mà Hội nghị dòng lần thứ 20 đã đi qua, nó đã ghi dấu ấn gì, để lại gì?


Để niềm vui của anh em nên trọn vẹn

(Ga 16,24)

Có lẽ tình bằng hữu đẹp nhất của Chúa Giêsu và các tông đồ được diễn tả đẹp nhất qua các diễn từ sau cùng của Đức Giêsu trên trần gian. Nó mang đậm nét buồn và xao xuyến, ấy thế mà Đức Giêsu lại nói đó là niềm vui.

Nhìn lại chặng đường của Chúa Giêsu và các môn đệ, chúng ta có thể thấy không mấy niềm vui, nhưng toàn những phũ phàng như ngày nay chúng ta có thể diễn giải bằng câu “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, thiết nghĩ đúng phần nào. Chúng ta biết phần lớn cuộc đời của Chúa Giêsu trên trần gian là sống ẩn dật (30 năm), Ngài chỉ công khai rao giảng 3 năm với các tông đồ. Các tông đồ ở đây cũng chỉ là dân chài lưới, họ không hiểu được những gì Chúa dạy họ, những gì Ngài tiên báo về chương trình cứu độ. Nhưng Ngài đã rất ý thức những gì mà Ngài trách nhiệm, Ngài lãnh nhận “con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh thánh, bây giờ con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn niềm vui của con… Con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con”. (Ga 17,12.24). Chúng ta thấy niềm vui của Đức Giêsu chính là được ở trong các môn đệ và các môn đệ ở trong Ngài. Chính xác hơn đó là sự nên một trong yêu thương giữa Ngài và các môn đệ (x. Ga 17,26). Niềm vui này của Đức Giê-su đã được trọn vẹn khi các tông đồ đón nhận và sống niềm vui của Đấng Phục Sinh, Đấng khơi nguồn sự sống (Cv 3,15). Và niềm vui đó cũng thúc bách các tông đồ lên đường để trao ban niềm vui, sự phấn khởi, sự sống, tình yêu, hy vọng cho trần gian. Đó là những môn đệ đầu tiên đã bước theo sát Đức Kitô Giêsu. Còn chúng ta, những người đang bước trên hành trình ấy thì sao?

Bản định hướng Rượu mới Bầu da mới của của Bộ các Hội dòng thánh hiến và Tu đoàn tông đồ đang như một dấu chỉ nói cho chúng ta thấy những con đường mới của quá trình lịch sử của đời thánh hiến. Bản định hướng này không những cho ta cái nhìn về quá khứ (duyệt xét) mà con hướng ta đến một tương lai mới của Chúa Thánh Thần (canh tân).

“Rượu mới – Bầu cũng phải mới” nói cho chúng ta biết nhìn về “rượu” mà chúng ta đang sử dụng, nó cũ, có bị pha chất, bị chảy ra, thì có còn ngon không? Đối với người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, “Rượu” đó là gì?

Hội nghị dòng 21 đang chuẩn bị diễn ra, với bao giấy tờ, bao công việc cần duyệt xét để rút kinh nghiệm, bao vấn đề cần canh tân để đưa Hội dòng đi đúng hướng, đồng nhịp với Giáo hội, xã hội. Các góp ý, các bản đúc kết từ các cộng đoàn, từ các thành viên…đã và đang được góp về. Bên cạnh đó, những giờ Chầu Thánh thể đang được các cộng đoàn âm thầm dâng lời nguyện, các hy sinh, tích cực học tập… Tất cả đang hướng về Nôi Mẹ, nơi sẽ diễn ra Hội nghị sắp tới. Đây cũng là cơ hội để nói lên sự liên đới trách nhiệm, chung tay gánh vác, bảo vệ và phát huy gia sản thiêng liêng của Đấng Sáng Lập và các chị Tiền Bối.

Nhìn về quá khứ với niềm tri ân. Đây cũng là thời gian, là cơ hội mà Chúa đang ban cho Hội dòng, cho mỗi chị em để nhìn lại chặng đường mà Hội nghị dòng lần thứ 20 đã đi qua, nó đã ghi dấu ấn gì, để lại gì? Một trong những dấu ấn để lại cho ta suy gẫm và tạ ơn là hành trình 100 năm của Hội dòng. Tạ ơn Chúa, qua một năm chuẩn bị để bước vào năm thánh, mỗi chị em đã cảm nhận, đã đón nhận biết bao ân sủng khi sống trong thời gian hồng phúc, bao niềm vui, bao phấn khởi và đầy tình chị em. Dọc dài lịch sử lại đang được mở ra cho chúng ta trong hành trình một trăm năm mới, với biến cố Hội nghị dòng 21 mở ra, Chúa Thánh Thần sẽ thực hiện và ghi tiếp trang sử Hội dòng ra sao trong “bối cảnh xã hội văn hóa đa dạng và phức tạp này” (Kinh cầu cho HND 21). Thật thiêng liêng, thật cao quý vì đó đây sự hiện diện của con Mẹ trong sứ mạng giáo dục. Tuy nhiên với hiện trạng hôm nay, lời réo gọi hãy nên chứng tá thúc giục mỗi chị em chúng ta hơn bao giờ hết. Tiếng réo gọi đó đến từ bên trong, đến từ nơi môi trường, hoàn cảnh mà chị em đang hiện diện và phục vụ. Thật là điều thiếu xót và cần canh tân khi chúng ta chưa nhận ra tiếng réo gọi đó nơi các bạn trẻ, nơi những tâm hồn mà Đấng Sáng Lập đã đón nhận và chuyển trao cho chúng ta. Vậy làm sao chúng ta có thể “lắng nghe và đồng hành với giới trẻ” và những người được giao phó cho chị em chúng ta đào tạo lớn lên trong ơn gọi: Làm người, làm con chúa và nên thánh (x. Ls 111)? Thật là một biên giới đang chờ đón chị em chúng ta phía trước. Chúng ta cùng ngước nhìn lên Đấng khơi nguồn sự sống, Đấng sẽ dẫn chị em chúng ta tới niềm vui trọn vẹn, để chính Ngài sẽ ban bình an của Ngài cho chúng ta (Ga 14,27), chính Ngài cũng sẽ luôn là vẻ đẹp của ngàn xưa và mỗi ngày mỗi mới cho chúng ta (Thánh Augustino) và cùng là Đấng chúng ta đang dấn thân để nên một với Ngài trong chính sứ vụ của chúng ta.

Với niềm vui, niềm hy vọng đó chúng ta hãy tin tưởng dâng lên Ngài Hội nghị dòng 21, đánh dấu sự trở mình của người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, ngõ hầu chính chúng ta cũng sẽ trở nên “Bầu da mới chứa đựng rượu mới là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng vẫn đang lên men trong tâm hồn con người của thế kỉ 21 này” (Kinh cầu cho HND 21).

Maria Tú Cẩm (Kinh viện), FMI