Lòng sùng kính Đức Mẹ Sầu Bi

Lòng sùng kính Đức Mẹ Sầu Bi đặc biệt xuất hiện từ cuối thế kỷ XI. Từ khi một tác giả vô danh viết tác phẩm với tựa đề Cuốn sách về sự Thương khó của Chúa Kitô và nỗi đau cùng nước mắt của Mẹ Người,


1. Nguồn gốc lòng sùng kính

Lòng sùng kính Đức Mẹ Sầu Bi đặc biệt xuất hiện từ cuối thế kỷ XI. Từ khi một tác giả vô danh viết tác phẩm với tựa đề Cuốn sách về sự Thương khó của Chúa Kitô và nỗi đau cùng nước mắt của Mẹ Người, bắt đầu xuất hiện nhiều xuất bản văn chương với những ngôn ngữ khác nhau về đề tài Giòng lệ của Đức Trinh nữ. Chứng thực của lòng sùng kính này là thánh thi nổi tiếng Stabat Mater (Mẹ Sầu Bi đứng dưới chân Thập giá), được cho là của tác giả Jacopone da Todi.

Vào năm 1233, ở Florence xuất hiện Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ. Trải qua nhiều thế kỷ, dòng đã dành sự tôn kính đặc với biệt Đức Mẹ Sầu Bi và lan tỏa lòng sùng kính này. Vào cuối thế kỷ này, xuất hiện những hình ảnh đầu tiên về Đức Mẹ Sầu Bi đứng dưới chân Thập giá, bị mũi gươm đâm thấu trái tim.

Vào thế kỷ 15, bắt đầu có những cử hành phụng vụ đầu tiên về sự thương khó của Đức Mẹ Maria.

Trong Công đồng Colonia năm 1423, phụng vụ lễ nhớ đầu tiên được thiết lập vào ngày thứ Bảy thứ III sau Lễ Phục sinh.

Ngày 9/6/1668, Thánh Bộ Lễ nghi Phụng tự đã cho phép Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ cử hành thánh lễ tôn kính Bảy Sự thương khó của Đức Trinh Nữ.

Ngày 9/8/1692, Đức Giáo hoàng Innocenzo XII đã cho phép cử hành Bảy Sự Thương Khó của Đức Trinh Nữ vào Chúa nhật thứ III trong tháng Chín.

Ngày 18/8/1714, Thánh Bộ Lễ nghi Phụng tự chấp thuận việc cử hành Bảy Sự Thương Khó của Đức Maria, vào thứ Sáu trước Chúa Nhật Lễ Lá.

Ngày 18/9/1814, Đức Giáo hoàng Piô VII, để tạ ơn vì ngài được thả khỏi sự giam cầm của Pháp, đã mở rộng lễ phụng vụ cho toàn thể Giáo hội.

Năm 1913, Đức Giáo hoàng Piô X đã ấn định lễ này vào ngày 15/9, một ngày sau lễ Suy tôn Thánh Giá, với tước hiệu là “Đức Trinh Nữ Maria Sầu Bi”.

Trong cuộc cải tổ Sách lễ Rôma của Đức Phaolô VI vào năm 1969, việc cử hành được xác nhận với cùng tước hiệu và được xếp vào bậc lễ nhớ.

2. Tại sao nói đến “Bảy sự thương khó Đức Mẹ”?

Đây là bảy sự kiện trong cuộc đời Đức Mẹ. Trong đó, những nỗi đau của Mẹ được hiển hiện rõ ràng hơn, cũng được tưởng nhớ và suy ngẫm trong việc thực hành đạo đức Via Matris (“Con đường của Mẹ Maria”), phỏng theo mô hình Via Crucis (“đàng Thánh giá”).

Nỗi đau I: Lời tiên tri của cụ già Simeon: hãy chiêm ngắm nỗi đau của người mẹ trẻ của Chúa Giêsu khi nghe những lời khủng khiếp, nhờ đó Mẹ được ban cho một cái nhìn sâu sắc về những đau khổ sẽ chạm vào khi Mẹ gần kề bên Chúa trong việc hoàn tất công trình cứu chuộc loài người;

Nỗi đau II: Trốn sang Ai Cập: nỗi đau mà Đức Trinh nữ đã cảm thấu khi phải trốn để cứu mạng sống Con mình, khi rời bỏ nhà cửa và quê hương, họ hàng thân thuộc và bạn bè, băng qua sa mạc và định cư nơi đất khách quê người;

Nỗi đau III: Lạc mất Chúa Giêsu trong Đền thờ: hãy hình dung nỗi lo lắng rất lớn của người Mẹ không biết Con mình ở đâu, tại sao Người vắng mặt, cũng như lo cho Người có thể gặp những nguy hiểm;

Nỗi đau IV: Cuộc gặp gỡ của Mẹ với Con trên đường lên đồi Can-vê: Hãy xem cách Mẹ đi theo Giêsu dấu yêu đến nơi tử địa; khi Mẹ thấy Chúa yếu đi vì những vết thương do bị hành hạ, sức nặng của thập giá và đau đớn bởi mão gai quanh đầu;

Nỗi đau V: Đức Maria tham dự vào cái chết của Chúa Giêsu: Hình dung Đức Maria, với nỗi đau khổ tột cùng và đôi mắt ngấn lệ, nhìn Con mình bị đóng đinh trên thập giá và thấy sự sống non trẻ đã thành hình từ trong dạ trinh nguyên của Mẹ đang bị chết dần chết mòn;

Nỗi đau VI: Thấy trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu và hạ xác Chúa khỏi Thập giá: Hình dung Đức Mẹ, tiêu điều trước cái chết của Chúa Giêsu, cùng chịu đựng nỗi đau đớn khi thấy trái tim Con mình bị ngọn giáo đâm thâu. Sau đó, khi hạ xác Chúa Giêsu từ thập giá, Mẹ ẵm lấy chiêm ngắm cẩn thận những vết thương trên thân thể đầy vết tích của Con yêu;

Nỗi đau VII: Táng xác Chúa Giêsu: Hình dung sự phiền muộn lớn lao của Đức Mẹ Maria khi từ biệt Con lần cuối, trước khi chôn cất Chúa Giêsu trong huyệt đá mới.

3. Đức Mẹ Sầu Bi dạy chúng ta những gì trong thời nay?

Trước hết, Đức Mẹ Sầu Bi giúp chúng ta khám phá lại giá trị cứu độ của đau khổ, nhất là khi bóng tối đau thương phủ đầy trên từng ngày sống chúng ta.

Trong thực tế, Mẹ mời gọi chúng ta mang lấy gánh nặng do những khổ đau của bản thân, với thái độ thanh thản của một người biết mình được Chúa yêu thương. Và ngay cả, nếu chúng ta thoáng có ý nghĩ chẳng thể làm gì được nữa và sự tuyệt vọng bao trùm cuộc sống, thì Mẹ dạy chúng ta không bao giờ được đánh mất niềm tin tưởng vào quyền năng và chữa lành của Chúa Thánh Thần. Những giọt nước mắt của chúng ta, dù rất cay đắng, phải luôn đi kèm với niềm hy vọng và tin tưởng vào sự phục sinh!

Thánh sử Gioan tường thuật rằng: Mẹ Maria “đứng gần kề” thập giá Đức Giêsu. Đứng là một động từ diễn tả một năng lực có sức chịu đựng cao, kiên vững, biết cách “trụ lại” trong những tình huống khó khăn; từ gần kề diễn tả về nội lực và sự gần gũi yêu thương với Người Con đang chịu đau khổ của Mẹ. Do đó, khoa chú giải giải thích về lối sống tình mẫu tử được xây dựng vững chắc trên các giá trị của sự ân cần đón tiếp và “chăm sóc người khác” để xây dựng một “nền văn minh tình thương” mới. Đó chính là: sự gần gũi, lắng nghe, đón tiếp ân cần, nghĩa là: một sự “đang ở gần”. Giá trị “đang ở gần” của Đức Mẹ Sầu Bi, thực tế, là một cách mời chúng ta duyệt xét lương tâm mình trước những người bệnh tật, thiểu năng và đau khổ của thế giới ngày nay đang chất vấn chúng ta.

Đức Mẹ Sầu Bi, mời gọi chúng ta lãnh trách nhiệm về những anh chị em đau khổ của mình để an ủi họ; mời chúng ta mở rộng trái tim mình sống tình liên đới để không một gia đình nào bị bỏ rơi lại trong nỗi đau; mở rộng tầm nhìn của chúng ta để thấy những đau khổ tiềm ẩn trong anh chị em; mở rộng đôi tai của chúng ta để biết lắng nghe tiếng kêu thầm lặng của những ai tuyệt vọng; mở miệng, hầu chúng ta biết nói những lời yêu thương; mở rộng bàn tay của chúng ta để biết cách bảy tỏ các cử chỉ bác ái thật.

Tóm lại, theo gương Đức Mẹ Sầu Bi, đấng trải qua giây phút đau thương khi đứng gần Chúa Giêsu đang hấp hối trên thập giá, và Mẹ đã nhận Gioan làm con mình. Chúng ta, đối với những người đau khổ, phải có thái độ thực sự dịu dàng, ân cần tiếp đón, cảm thông, nhân hậu và một tình yêu chan hòa.

Tác giả: Antonino Grasso

Chuyển ngữ: Nước Trong - Fmi

Nguồn: https://www.latheotokos.it