Người đặc biệt

Đặt bó hoa lên mộ, thắp nén nhang tôi thấy sống mũi cay cay. Tôi vẫn nhớ “Người đặc biệt” ấy như vừa mới gặp hôm qua, chắc cô cũng biết tôi nhớ cô đến mức nào...


Tháng 11 Đà Lạt trở nên lạnh một cách lạ lùng, từng cơn gió xé nát tâm can cùng với những cơn mưa phùn càng kiến Đà Lạt lạnh lại càng lạnh hơn. Khoác vội chiếc áo rồi lặng người cầm bó hoa trên tay, tôi chào Mẹ rồi xỏ đôi giày, tôi có hẹn với “Người đặc biệt”. Hôm nay tôi quyết định không đi xe máy hay xe đạp, đi bộ có lẽ là sự lựa chọn tốt nhất bây giờ, vừa cảm nhận được cái se lạnh vừa ngắm được cảnh đẹp thơ mộng lúc 5 giờ chiều của Đà Lạt, vừa có thể ngẫm lại những kỉ niệm về “Người đặc biệt” mà tôi đã từng có.

Bước lưng chừng trên con đường quen thuộc, làm tôi nhớ lại hồi ức xưa. Đối với tôi, khoảnh khắc mãnh liệt nhất của tuổi thơ là hồi còn học cấp III. Học trò chuyên bét lớp, quậy phá, cầm đầu cả một băng đảng chẳng ai khác... là tôi. Hồi đó tôi học hành chẳng ra gì, tôi học lớp 12A2 do cô Linh chủ nhiệm. “Chẳng có gì ấn tượng”, đó là câu đầu tiên mà tôi thốt ra ngay khi cô chủ nhiệm mới bắt đầu bước vào lớp. Cô là một giáo viên cấp III mới toanh vừa mới tốt nghiệp, một giáo viên trẻ mới 24 tuổi xin vào trường tôi làm việc và không may cho cô là chủ nhiệm tôi. Không như những giáo viên khác hay quát nạt học sinh, ra thật nhiều bài tập, dạy không mấy có tâm,... cô lại khác, mới đầu chẳng ấn tượng gì hết, nhưng dần dần cô cũng cảm hóa được trái tim tôi. Mới đầu, với tôi việc đến trường đã là một k tích, thế mà cô chủ nhiệm mới cứ bắt tôi học, bắt tôi nghiêm túc nghe giảng, tôi cũng chẳng mấy để tâm. Ngày đó buổi chiều, tôi ngủ gục trong chính tiết của cô, cô vẫn cố kìm nén cơn tức giận mà giảng dạy, khi hết giờ, cô gọi tôi dậy: “Tại sao em không cố gắng học một lần nghiêm túc, dù chỉ là mười phút thôi cũng được?”. Tôi tròn xoe con mắt “Học làm gì trong khi mình không có tương lai hả cô!”. Chỉ vọn vẻn vậy thôi, rồi tôi xách cặp đi về, vì cũng đã là tiết cuối và đó cũng là lần đầu tiên có người mắng tôi. Chẳng biết tại sao nhưng chắc là do tò mò, tối nán lại và núp ngoài cửa và chết lặng khi thấy... cô khóc. Tim tôi tự nhiên đập thình thịch, chẳng biết tại sao nhưng tim tôi thắt lại, tôi cảm nhận nó giống như không đập ni nữa, lòng tự hỏi sao cô lại khóc vì tôi.

Những ngày sau đó, tôi cũng chẳng mấy bận tâm về cô, vẫn ngựa quen đường cũ. Nhưng những đứa bạn khác cứ xì xầm gì đó mà tôi không thể biết, cả cô cũng vậy, tôi cũng mặc kệ. Vài hôm sau, bước về nhà tôi thấy bóng ai đó quen quen đang đợi tôi ở trước cổng. “Sao cô đến đây? Sao cô lại biết địa chỉ nhà em?”. Thế là cô biết tỏng tôi là đứa mồ côi, sống một mình chẳng ai chăm sóc chứ đừng nói chi đến quan tâm. Cô biết nhiều hơn tôi nghĩ, suy ra là nhờ cô dò hỏi các thầy cô trong trường và đám bạn cùng lớp. Cô ngồi nói chuyện với tôi, cô nói cô hy vọng tôi sẽ cố gắng học vì chỉ có học mới có tương lai, cô còn hứa sẽ giúp tôi học nhưng cô quên tôi là đứa trẻ mồ côi, chỉ mong có cơm ăn qua ngày thôi chứ đừng nói tới học Đại học. Ngày lễ Giáng sinh, nhìn những đứa trẻ khác có gia đình ngồi ăn bữa cơm hay cả nhà cùng đi chơi, tôi khóc nấc trong lòng. Cô chạy xe vượt qua mặt tôi, rủ “Em có muốn đi chơi không?”, tối đó cô cho tôi niềm vui, nụ cười đã tắt của một đứa mồ côi dường như trở lại sau những ngày tháng cô quạnh, tôi dần tin tưởng hơn vào ngày mai, có lẽ cô đã tặng tôi cả tương lai. Những ngày cuối cấp III là những ngày mệt nhất, cả cô và tôi đều hy vọng tôi sẽ đỗ Đại học, cô ân cần dạy tôi trên lớp và kèm thêm ở nhà, cô giao nhiều bài tập hơn, chỗ nào không biết thì cô chỉ thêm. Cuối cùng thì tôi cũng hoàn thành chương trình cấp III và đạt được danh hiệu học sinh khá cô mừng lắm, chỉ còn chờ mỗi ngày thi Đại học nữa thôi là tôi có thể làm cô vui gấp bội.

Dần dần không hiểu sao mỗi ngày cô lên lớp ít hơn, có khi cả tháng cô không xuất hiện. Tôi dường như mất đi động lực để tiếp tục ôn thi Đại học. Tôi đi tìm cô mãi mà vẫn chẳng thấy cô đâu, hầu hết chiều nào tan học tôi cũng chạy bộ cả mấy cây số để tìm cô, tôi tự hỏi phải chăng tôi làm gì sai khiến cô không vui chăng. Không biết địa chỉ nhà cô, tôi lấy hết can đảm hỏi thầy Hiệu trưởng, may là thầy ấy biết, nhưng nhà cô cách xa nhà tôi quá lại không biết đường, mặc kệ mọi thứ, ngay hôm đó tan học tôi chạy thẳng một mạch đến nhà cô. Tối mịt trời thì tôi mới tìm được nhà cô, nhà cô không mấy khá giả, chỉ có hai mẹ con sống với nhau, nhìn ngôi nhà xập xệ là biết trong nhà không có bóng dáng đàn ông. Tôi bước vào, mặt không còn giọt máu, chiếc cặp trên tay rớt xuống, tôi sững người nhìn cô, ánh mắt vô hồn và không biết tôi khóc từ lúc nào. Cô dạo này khác quá, gương mặt xanh xao, tóc cô rụng hết rồi, cô nằm trên giường, cơ thể gầy xọp khiến cô không còn hơi sức để nhìn tôi, gắng lắm cô mới quay sang nhìn tôi được và... cô lại khóc. Không kịp bước vô nhà, tôi quỳ xuống khóc nức nở như khi ba mẹ tôi bỏ tôi đi về bên kia thế giới, giờ đây cả ba người cùng khóc, tôi trách bản thân chẳng quan tâm đến cô và trách cả cô sao không nói cho tôi biết làm tôi phải lo lắng đến nhường nào. Cô bị u não, không nói cho ai biết, kể cả tôi, vì cô sợ tôi sẽ lo lắng mà xao nhãng việc ôn thi Đại học, tương lai lại dang dở. Tôi quyết định sang nhà cô ở, tiện chăm sóc cô và còn tiện cho việc ôn thi. Ngày tôi đi thi Đại học, cô dùng hết sức lực chúc tôi thi tốt. Tôi cố gắng làm bài tốt nhất không quản gian khổ, hay mệt mỏi mà bỏ cuộc. Ngày cầm được tờ giấy báo trúng tuyển, tôi nhảy cẫng và chạy thật nhanh về nhà, cô sẽ là người biết tin này đầu tiên, nhưng không thể ngờ, cô đi rồi, cô bỏ tôi rồi, và mãi mãi tôi không còn được cô dạy hay chỉ bảo, chẳng còn ai cho tôi động lực tiếp tục sống nữa rồi, cầm tờ giấy báo trúng tuyển tôi bắt đầu khóc, nước mắt tự rơi chứ không cần gắng kìm nén nữa. Nhìn cô trên di ảnh tôi hối hận vì đã không yêu thương cô nhiều hơn, cô là người mẹ, người cha, người chị mà tôi yêu thương nhất trong cuộc đời này, cứ tưởng tôi có thể có một gia đình mới với một tương lai khác hơn, ấy thế mà ông trời cũng nỡ lấy đi của tôi. Một cô giáo mới 25 tuổi, còn bao nhiêu ước mơ và hoài bão, thế mà... Ngày tiễn cô đi về thế giới bên kia tôi quyết tâm sẽ trở thành một giáo viên tốt, sẽ giống cô sau này, sẽ yêu thương học sinh, tâm huyết với nghề, xem học sinh là bạn và quan tâm và chăm sóc, tôi cũng đã nhận mẹ cô là mẹ của tôi và chăm sóc bà ấy đến suốt đời tôi.

Tiết trời Đà Lạt càng về tối càng lạnh, khiến trái tim mềm lòng, tôi rảo bước thật nhanh về phía Nghĩa trang thành phố, “Người đặc biệt” của tôi đang chờ tôi đến. Vang bên ta bài hát Nhớ mãi k niệm xưa, giờ đây tôi đã khác, đã trở thành một giáo viên mầm non như cô mong muốn, tôi thành công và hạnh phúc với những gì tôi có. Giờ tôi đã có thể khiến cô tự hào về mình, tôi vẫn lấy cô làm động lực sống tiếp, lấy cô làm gương và phấn đấu để trở thành người giáo viên mầm non đích thực.

Đặt bó hoa lên mộ, thắp nén nhang tôi thấy sống mũi cay cay. Tôi vẫn nhớ “Người đặc biệt” ấy như vừa mới gặp hôm qua, chắc cô cũng biết tôi nhớ cô đến mức nào, cô là người giáo viên tuyệt vời nhất trên đời này tôi từng gặp và mãi chẳng gặp ai giống cô được nữa. Giờ đây tôi không còn sức để khóc nữa rồi, chỉ biết nước mắt tự nhiên cứ rơi vậy thôi. Gần cô lắm mà sao mãi chẳng với tới được cô.

Thì thầm bên cô: Cám ơn cô, “Người đặc biệt” của em, ngàn lời cảm ơn gửi đến cô. Em sẽ tiếp tục sống và sống mãnh liệt hơn nữa cô ạ. Cô ở nơi đó phải thật vui, em ở đây cũng sẽ sống thật vui, cô nhớ chờ em, em có nhiều điều muốn kể cô nghe lắm, cô chờ em nhé! Lúc nào em cũng nhớ tới cô, nhưng hôm nay đặc biệt hơn, hôm nay 20.11 cô ạ...’

Têrêsa Lữ Khánh My (Thanh tuyển SG), FMI