Đặc sủng của các Đấng Sáng Lập (1)

Được biết, một trong những cái tên đầu tiên mà đời sống thánh hiến được chỉ định là “đời sống theo Phúc Âm”. Đời sống ấy được sinh ra từ Phúc Âm, từ mong muốn sống triệt để những lời dạy của Chúa Giêsu, để chia sẻ trọn vẹn cuộc sống của mình trong sự hiệp thông với lý tưởng và số phận của Chúa Giêsu.


P. Fabio Ciardi, OMI 

http://www.intratext.com/IXT/ITA1564/_P2.HTM

  1. Chiều kích Phúc Âm của đời sống thánh hiến

Được biết, một trong những cái tên đầu tiên mà đời sống thánh hiến được chỉ định là “đời sống theo Phúc Âm”. Đời sống ấy được sinh ra từ Phúc Âm, từ mong muốn sống triệt để những lời dạy của Chúa Giêsu, để chia sẻ trọn vẹn cuộc sống của mình trong sự hiệp thông với lý tưởng và số phận của Chúa Giêsu.

Chúng ta có thể để các Giáo phụ kể cho biết kinh nghiệm của các ngài về đời sống này không?

Người đầu tiên chắc chắn là thánh Antôn trong sa mạc Ai Cập, cha đẻ của đời sống ẩn tu và là ông tổ của các đan sĩ. Lịch sử của ngài, và cùng với ngài là lịch sử của mọi biểu hiện tiếp theo của đời sống thánh hiến, do đó cũng là lịch sử của chúng ta. Khởi đầu từ một ngày nọ tại nhà thờ, Antôn nghe thấy lời của Đức Kitô: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mt 19,21)

Cuộc hành trình của thánh Antôn, bắt đầu bằng việc tuân theo Kinh Thánh, như ngài viết trong một bức thư, nói về các tu sĩ: "Khi lời Chúa đến với người tu sĩ, họ không hề do dự, nhưng họ đã làm theo ngay lập tức" (Lett 1.1). Chính lời Chúa đã thúc đẩy sự lựa chọn của thánh Antôn. Những trang đầu tiên của đời sống ẩn tu chứng thực rằng lời Chúa giữ một vị trí trung tâm trong hành trình thiêng liêng: “bằng cách chú ý đến bài đọc, ngài đã giữ cho đời sống mình được trổ sinh hoa trái dồi dào” (1,3); “Ngài chăm chú đọc Kinh Thánh đến nỗi không có gì viết ra ở đó rơi xuống đất khỏi trong tâm trí của ngài” (3,7). Thánh Giêrônimô nói rằng thánh Antôn “với việc chăm chỉ đọc sách và suy niệm lâu dài đã làm cho trái tim ngài trở thành thư viện của Chúa Kitô” (Ep 60,10).

Trên thực tế, Kinh Thánh là sách của đan sĩ. Theo Evagrio Pontico, đan sĩ chỉ có thể sở hữu “trường bào [áo phủ vai], áo choàng, áo thụng và Phúc Âm” [1].

Các Tu luật đầu tiên là các quy tắc rất đơn giản trong thực hành, không có bất kỳ đòi hỏi nào về nội dung thiêng liêng. Tu luật duy nhất của tu sĩ, cũng như đối với mọi tín hữu, chỉ đơn giản là Kinh Thánh. “Chính Kinh Thánh - được viết bởi Orsiesi, đệ tử và người kế vị của Pacomius (thánh Pacom)- đã hướng dẫn chúng tôi đến cuộc sống vĩnh cửu và cha chúng tôi [Pacomius] đã trao Kinh Thánh cho chúng tôi và yêu cầu chúng tôi thường xuyên suy ngẫm (...)” (Libro, 51). Ngay cả đối với thánh Basil, Tu luật duy nhất cũng là Kinh Thánh. Ngài chưa bao giờ gọi đó là Tu luật, cho đến nay vẫn giữ quan điểm ấy. Điểm quy chiếu của ngài đúng hơn là cuốn sách khác, cuốn Moralia. Đây chỉ đơn giản là một bộ sưu tập các đoạn Kinh Thánh được sắp xếp theo từng chủ đề, có khoảng 1500 câu trích từ sách Tân Ước. Tu luật đích thực của ngài, đó là Lời Chúa!

Ngay cả sau đó, những người khởi xướng các gia đình tu sĩ khác nhau tiếp tục được thúc đẩy bởi một khao khát duy nhất, là sống theo Phúc Âm.

Toàn bộ Tu luật của thánh Biển Đức được dạy là việc lắng nghe lời Chúa: “Hãy lắng nghe, hỡi con, lời người thầy dạy bảo; ....” (RB Prologue, 1/Tu luật Biển Đức, Lời mở đầu, số 1); “Hãy lắng tai nghe tiếng Chúa khuyến cáo chúng ta mỗi ngày ...” (RB Prologue, 9); “Anh em rất thân mến, còn gì êm dịu hơn lời Chúa mời gọi chúng ta?” (RB Prologo, 19). Vấn đề là trở thành môn đệ của Lời, lắng nghe, đón nhận và thực hành Lời ấy: “Hằng ngày Chúa chờ chúng ta lấy việc làm đáp lại giáo huấn thánh thiện của Người.” (RB Prologue, 35). Thánh Biển Đức coi Tu luật của mình như một sự khởi đầu đơn giản cho những người mới bắt đầu, phần còn lại, ngài coi Kinh Thánh là “quy luật đúng đắn nhất cho cuộc sống con người” (RB 73,2-5).

Trong Tu luật được gán cho thánh Bruno, chúng ta thấy có viết: “Phúc Âm của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, được giải thích bởi các tiến sĩ trong Giáo hội Công giáo, sẽ phục vụ như một quy luật cho tất cả anh em Dòng khổ tu Chartreux.”[2] Ngoài ra, đối với thánh Phanxicô Assisi, Tu luật chính là “cuộc sống theo Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô” (Latin: Regula non bullataTitoloFF 2,2). Bản luật có sắc chỉ (Latin: Regula bullata) bắt đầu với cùng một cung giọng nhấn mạnh: “Luật và đời sống Anh Em Hèn Mọn là tuân giữ Phúc Âm thánh của Đức Giêsu Kitô” (I, 2: FF 75), anh em phải nài xin Đấng Tối Cao mạc khải cho biết những điều phải sống “theo hình thức của Phúc Âm” (Testamento, 17: FF 116).

Đến với vài thế kỷ gần đây, vì hầu hết chúng ta thuộc các dòng tu, chúng ta như bước vào một mảnh đất bị phá hoại. Trên thực tế, người ta biết rằng vào cuối thời Trung Cổ, có một sự xa cách dần dần giữa đời sống thiêng liêng và lời Chúa, đến mức phải nói đến “sự tách lìa.”[3] “Với sự xuất hiện của thần học có hệ thống trong thời đại học thuật và sau đó là sự giải phóng của chú giải phê bình như một khoa học tự trị, sự thống nhất của các bộ môn này bị phá vỡ, cho đến khi nó trở nên cực đoan với sự ra đời của kỷ nguyên hiện đại. Trên thực tế, với thời văn hóa Phục Hưng và chủ nghĩa nhân văn, chú giải tự tách rời khỏi thần học, thần học tách rời khỏi chú giải, tâm linh tách rời khỏi giáo điều và chú giải, việc rao giảng thường bỏ qua chú giải và giáo điều, trở thành luân lý học. Nghĩa là, chúng ta đi đến một sự tách rời và đứt gãy dần dần của các bộ môn thần học (...)”[4].

Trong vài thế kỷ gần đây, người ta có thể nói, ít nhất là đối với Giáo hội Công giáo, về “cuộc lưu đày” của lời Chúa, đặc biệt là đối với người giáo dân. Họ bị hạn chế tiếp cận với Sách Thánh, thậm chí còn bị ngăn cấm. Đó là một nhận định nghiêm khắc, được chia sẻ bởi nhiều tác giả, bao gồm H. de Lubac, H. Urs von Balthasar, S. Marsili, B. Calati, E. Bianchi.

Có phải các đấng sáng lập thời kỳ này cũng bỏ Kinh Thánh không? Hay, với truyền thống xuất gia và khất sĩ, họ có tiếp tục tìm kiếm trong đó nguồn gốc và sự nuôi dưỡng không ngừng cho nguồn cảm hứng và công việc của mình?

[…] Trong khi một số nhà thần học như cha Melchior Cano khẳng định rằng phụ nữ không bao giờ nên cầm lấy cuốn Kinh Thánh vì đó là thức ăn nguy hiểm đối với họ, thì thánh Têrêxa thành Avila đã rút ra rất nhiều từ nguồn của lời Chúa. Ngài tin chắc rằng “tất cả những tác hại có trong thế gian phụ thuộc vào việc không biết lẽ thật của Kinh Thánh trong một chân lý rõ ràng” (Vita 40,1).

Một mặt, lời Chúa đi vào “cuộc lưu đày” khiến một bộ phận lớn dân Chúa bị bỏ rơi; mặt khác, lời Chúa được hoàn toàn chấp nhận và cư ngụ trong những người như Ignatius thành Loyola (1500), Francis de Sales ( 1600), Alfonso de Liguori (1700). Ngay cả trong những thế kỷ mà lời Chúa dường như đã bị che khuất, thì lời Chúa vẫn tiếp tục là nguồn gốc của những hình thức mới của đời sống theo Phúc Âm. Cha P.Barré, người sáng lập Dòng Nữ Tử Chúa Giêsu Hài Đồng, vào năm 1600 viết: “Cuộc đời tôi là tất cả những gì sống theo Tin Mừng.”

Vào thế kỷ XIX, thời kỳ thịnh hành nhất của các dòng tu thì sao? Xin trình bày một vài ví dụ quan trọng.

Cha Phêrô Giuliano Eymard, Đấng sáng lập Dòng Thánh Thể và Nữ Tỳ Thánh Thể, vẫn là một linh mục đơn sơ, nói: “Linh mục nào để cho một ngày sống qua đi mà không đọc Kinh Thánh thì đã đánh mất ngày sống của mình.” Ngài không lãng phí một ngày. Trong một thần nghiệm đặc biệt tại Lyon, ngày 25/5/1845, ngài viết: “Tôi đã cầu xin Chúa chúng ta ban cho tôi tinh thần của những lá thư thánh Phaolô, vị tông đồ đã có tình yêu vĩ đại đối với Chúa. Từ hôm nay, tôi bắt đầu đọc mỗi ngày ít nhất hai chương.”

Khi thành lập dòng Thánh Thể, ngài duy trì sự tập trung này đối với Kinh Thánh, đến nỗi trong các Hiến pháp, ngài đặt đó như nghĩa vụ của người tu sĩ, là phải đọc và suy gẫm Kinh Thánh; những người có trách nhiệm rao giảng Lời Chúa sẽ phải được lời Chúa nuôi sống, được “no nê” lời Chúa; những người thi hành thừa tác giải tội sẽ phải chuẩn bị cho mình những “đoạn trong Kinh Thánh.” Nhưng trên tất cả, kinh nghiệm cá nhân của ngài mới thật là giá trị. Vào ngày 24/2/1865, trong một cuộc tĩnh tâm tại Rôma, cha Eymard đã ghi nhận suy niệm này: «Chúa Giêsu là lời của Chúa Cha, 'Ngôi Lời của Chúa Cha'. Thánh nhân lặp lại lời thần linh với sự kính trọng: Đó là thần linh, là thánh. Ngài lặp lại với tình yêu: đó là ân sủng, “Lời Chúa là thần trí và sự sống.” Ngài lặp lại trong xác tín - bởi vì 'Ngôi Lời phải thánh hóa thế giới, tái tạo thế giới dưới ánh sáng của sự thật, sưởi ấm nó bằng ngọn lửa của tình yêu, và một ngày nào đó sẽ phán xét thế giới này, “Lòng chúng ta đã không bùng cháy lên khi Người trò chuyện với chúng ta đó sao?”. Lời của Chúa Giêsu Kitô là “thần trí và sự sống”, là toàn năng, “nếu lời thầy ở lại trong anh em, hãy cầu xin điều anh em muốn và điều đó sẽ được ban cho anh em” – “Người phán, và tất cả được hoàn thành” - Lời của Chúa Giêsu Kitô là những tia sáng của mặt trời chân lý này «Ta là ánh sáng của thế gian» - Lời ấy là ánh sáng giữa bóng đêm». Từ những suy tư này, thánh nhân rút ra một kết luận hết sức thú vị: «Bây giờ tôi phải là 'lời của Đức Kitô' cho anh em tôi và cho người thân cận của tôi». Và ở đây, cha Eymard biểu lộ cho thấy về điều mà thánh nhân đích thực là, đó là một người sáng lập dòng, tức là “lời của Đức Kitô” đã làm nên sự sống.

Ngài cầu nguyện trong buổi tĩnh tâm với các nữ tu Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể: «Ôi Chúa ơi, Chúa là ánh sáng của con, đám mây sa mạc của con, Tôn sư độc nhất của con. Con không muốn bất cứ điều gì khác! Ngài là sự hiểu biết duy nhất của con; ngoài Chúa, mọi thứ đối với con chẳng là gì cả. Hãy nói với con như với các môn đệ trên đường Emmaus: cho lòng con được bừng nóng khi lắng nghe lời Ngài».

Cảm hứng truyền giáo của cha Antonio Maria Claret, người sáng lập một số dòng tu, bắt nguồn từ kinh nghiệm về lời Chúa mà chúng ta có thể định nghĩa là thần bí. Ngài nói trong Tự truyện của mình, đề cập đến sự nhận ra ơn gọi của mình: “Cuộc đời các thánh mà tôi đọc mỗi ngày, và đặc biệt là các sách thiêng liêng, đã giúp tôi nhận ra điều này. Nhưng điều khiến tôi cảm động và khích lệ nhất là việc đọc Kinh Thánh, mà tôi luôn rất yêu thích.” Một sự yêu thích được thể hiện cụ thể qua việc đọc hai chương Kinh Thánh mỗi ngày, bốn chương trong mùa Chay, luôn mang theo Kinh Thánh bên mình trong các chuyến đi, khi thì giới thiệu cách đọc, hoặc xuất bản một ấn bản song ngữ. Nhưng trong kinh nghiệm ban đầu này có một cái gì đó hơn thế nữa: không phải cha Claret yêu mến và muốn thấm nhập vào lời Chúa, mà chính lời Chúa yêu ngài và tỏ mình cho ngài. “Có những đoạn - ngài tiếp tục trong câu chuyện của mình - gây ấn tượng sống động cho tôi, đến nỗi tôi dường như nghe thấy một giọng nói lặp đi lặp lại cho tôi những gì tôi đang đọc.” Tóm lại, một loạt các đoạn kinh thánh Cựu ước cũng như Tân ước mà chúng ta trích dẫn trên đây đã đưa thánh nhân đến sứ mạng loan báo Tin Mừng, là nguồn cảm hứng hình thành ơn gọi của ngài.

Ngài giới thiệu cho người khác biết những câu lời Chúa mà qua đó chính Thiên Chúa đã mạc khải cho ngài: “Từ những lời này, tôi hiểu rằng Chúa đã gọi tôi ... tôi biết ... Chúa đã nói với tôi ... Với những lời này, Chúa đã tạo ra tôi được biết ... Chúa đã làm cho tôi hiểu bằng một cách rất đặc biệt. Chính những lời này: Spiritus Domini super me et evangelizzare pauperibus misit me Dominus et sanare contritos corde ...” [“Thần Khí Chúa ngự trên tôi; vì Ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo, công bố ân xá cho những kẻ bị tù đày và cho người mù được sáng, trả tự do cho những kẻ bị áp bức] (x. Lc 4,18). Trong nhiều đoạn Kinh Thánh, tôi nghe tiếng Chúa gọi tôi để sai tôi đi rao giảng Tin Mừng” (Tự truyện/Autobiografia, 113 -120).

Trên đây là những đoạn chỉ ra nguồn gốc và sự thúc bách từ Kinh Thánh làm phát sinh một đặc sủng.

Hành trình của Gioan Don Bosco có khác biệt nhưng luôn mang tính Kinh Thánh sâu sắc. Chúng ta không thể mong đợi cha thánh nói cho chúng ta biết về kinh nghiệm huyền bí của cha thánh khi tiếp xúc với lời Chúa. Chỉ cần nhìn vào những thiện ích vĩ đại của cha thánh trong lĩnh vực giáo dục thanh thiếu niên, đủ để nhận ra rằng, ngài có một sự kiên định liên tục với Kinh Thánh: một nguồn cảm hứng. Kinh Thánh là một trong những nguồn ưu tuyển của cha thánh, cho lãnh vực giáo dục - trong việc rao giảng, dạy giáo lý, phụng vụ, truyền thông, các luật lệ - và đó là nền tảng cho ngài. Người viết tiểu sử cha thánh ghi lại một cuộc thảo luận giữa cha thánh với cha xứ về một đoạn Tin Mừng, rằng: “Don Bosco biết thuộc lòng và suy gẫm về toàn bộ Tân Ước.” [5]

Với cha thánh, lời Chúa là “ánh sáng vì nó soi sáng cho con người và hướng con người đến niềm tin, làm việc và tình yêu. Lời Chúa là ánh sáng bởi vì nó nhào nắn và chỉ rõ cho con người về một con đường mà người ấy phải chiến đấu để đạt được cuộc sống vĩnh cửu và hạnh phúc. Lời Chúa là ánh sáng vì nó làm dịu đi những đam mê của con người từ những bóng tối, dày đặc và nguy hiểm đến mức không thể làm dịu bớt được, nếu con người không được kín múc từ lời Chúa. Lời Chúa là ánh sáng, bởi vì khi được rao giảng đúng cách, nó truyền ánh sáng của ân sủng thần linh vào tâm hồn người nghe và làm cho họ nhận biết chân lý của đức tin.” [6]

Chính từ lời Chúa, cha thánh rút ra những soi dẫn cho hoạt động giáo lý - giáo dục của mình. Trên thực tế, cha thánh hiểu rằng “Người Kitô hữu [hay trong trường hợp một vị sáng lập?] phải là người được lời Chúa hướng dẫn». Don Bosco trong hoạt động truyền giáo và giáo dục của mình cho thấy rằng ngài rất ý thức về nhiệm vụ này: trên hết là phải quy chiếu đến lời Chúa. Cha thánh muốn những chữ trích từ Kinh Thánh được vẽ nhiều lần dưới các mái vòm của Valdocco. [đây là nơi Don Bosco qua đời, ngày 31/01/1888, tại Valdocco, Torino.] Người ta tìm thấy một số đoạn Kinh Thánh được khắc vẽ lần đầu tiên đầu tiên xuất hiện dưới mái hiên bên cạnh nhà thờ thánh Francis de Sales vào năm 1856. Người viết tiểu sử cha thánh nhận xét: «Don Bosco rất vui khi Enria đã hoàn thành việc vẽ những dòng chữ này. Trong các bài giảng buổi tối, ngài thường giải thích chúng một cách ngắn gọn, trong lúc đi dạo với một ai đó dưới cổng chào. Cha thánh thường thích thú đọc những câu Kinh Thánh đó, giải nghĩa từng điều được viết bằng những ký hiệu. Cha thánh vẫn hay nói, “nghệ thuật để giúp sống tốt và chết lành”. Có 30 trích dẫn trong Kinh Thánh, được viết bằng tiếng Latin với bản dịch tiếng Ý […]. Việc cha thánh thường xuyên tìm đến với Kinh Thánh có mục đích đạo đức, giáo dục, giáo huấn. Điều này giúp ngài định hướng để tìm thấy câu trả lời trước những kế hoạch của Thiên Chúa. Chúng ta có thể diễn tả điều đó bằng câu nói nổi tiếng của cha thánh trong lời tựa của Lịch sử thánh tái bản lần thứ nhất: “Khai tâm để được thiện tâm” “Khai tâm để được thiện tâm” (được soi sáng nơi trí hiểu để có được tâm hồn tốt lành/Illuminare la mente per rendere buono il cuore).

Chúng ta tiếp tục bước vào thế kỷ XX. Cha Luigi Orione dường như dự đoán về công đồng, văn kiện Perfectae Caritatis, số 2, khi ngài viết: “Luật đầu tiên và là luật đời sống của chúng ta là tuân theo Phúc Âm trong sự khiêm nhường tuyệt vời và tình yêu ngọt ngào và nồng nhiệt nhất của Thiên Chúa.” [7] Cha Giacomo Alberione [(1884-1971), người Italia, sáng lập nhiều hội dòng thuộc “gia đình dòng thánh Phaolô” chuyên hoạt động tông đồ bằng các phương tiện truyền thông xã hội.], khẳng định, không chút nghi ngờ, rằng Gia đình dòng thánh Phaolô “khao khát sống trọn vẹn Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô.” [8] Thánh Magdeleine nói: “Chúng ta phải xây dựng một cái gì đó mới. Một điều mới mẻ mà rất cổ xưa, nó là chính thống kitô giáo của những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Phải trở lại với từng chữ một của Tin Mừng.” [9]

Công đồng Vatican II xác định rõ: việc bước theo Chúa Kitô như Phúc Âm dạy là “tiêu chuẩn tối hậu của đời sống tu trì”, là “qui luật tối thượng” của mọi dòng tu (Perfectae Caritatis, số 2).

Như vậy chúng ta cũng hiểu giáo huấn về Đời sống thánh hiến nói lên sự hiện diện và giá trị của lời Chúa. Văn kiện của Giáo hội nhìn lịch sử về sự đa dạng của các hình thức sống thánh hiến “như cây có nhiều cành, cắm rễ sâu vào trong Tin Mừng và sản sinh hoa quả dồi dào cho tất cả các thời đại của Giáo hội” (VC, số 5). Do đó, các đấng sáng lập dòng vẫn thường xuyên quy chiếu vào các bản văn Tin Mừng và các bản văn Tân ước khác, để nhận biết và đáp trả tiếng gọi và để biện phân đoàn sủng cũng như sứ mạng của tu hội (x. VC, số 94). Và chính nhờ việc thường xuyên đọc lời Chúa mà “các ngài được soi sáng để biện phân cho chính bản thân và cho cộng đoàn, để tìm ra đường lối của Chúa trong các dấu chỉ của thời đại” (VC, số 94). Tương tự như vậy, theo bước chân của những người sáng lập “nhiều người khác đã cố gắng, bằng lời nói và việc làm, để nhập thể Tin Mừng trong sự hiện hữu của chính họ.” (VC, số 9)

Vì được sinh ra bởi Tin Mừng và sống theo Tin Mừng, nên tông huấn Vita Consecrata công nhận nhiệm vụ đặc biệt của đời sống thánh hiến là “nhắc nhớ cho những người đã được rửa tội ý thức về các giá trị nền tảng của Tin Mừng” (VC, số 33) và là “một động lực thúc đẩy người khác. Các thành phần của Giáo hội trong việc dấn thân làm chứng hằng ngày cho Tin Mừng (VC, số 53), để thực hiện chức năng của dấu chỉ, đã được Công đồng Vatican II chỉ ra, điều này “được thể hiện qua chứng tá có tính ngôn sứ về vị thế tối thượng của Thiên Chúa và của những giá trị Tin Mừng trong đời sống Kitô hữu” (VC, số 84). Trích dẫn lời Đức Phaolô VI, Tông huấn nhắc lại rằng “nếu không có dấu chỉ cụ thể đó, thì đức ái của toàn thể Giáo hội có nguy cơ nguội lạnh đi, nét nghịch lý của ơn cứu độ theo Tin Mừng không còn sắc bén, “chất muối mặn” của đức tin sẽ phai lạt trong một thế giới đang trong quá trình bị tục hóa.” Sau đó, Tông huấn kết luận: “Giáo hội cần có những người được ơn Thiên Chúa biến đổi và được Phúc Âm hóa trọn vẹn, trước khi họ dấn thân phục vụ một lý tưởng cao cả khác” (VC, số 105).

Do đó, đời sống thánh hiến được bắt nguồn, ngay từ đầu và trong suốt lịch sử của nó, trên lời Chúa và từ đó, nó thể hiện Tin Mừng. Điều này minh chứng cách rõ ràng nhất là con người không sống chỉ bằng cơm bánh mà sống bằng lời Chúa (x. Mt 4, 4).

(Còn nữa)

Tháng 10-2021   

Nước Trong, FMI chuyển ngữ