Hiện tượng giáo phái và vấn đề hiệp hành

Giữa một thế giới luôn biến đổi không ngừng ấy, Giáo hội đang cầu nguyện để xin những "chỉ dẫn" từ Thiên Chúa, để tiến trình hiệp hành được hợp thời đại hơn thì trong khi đó ở các giáo phái tôn giáo vẫn không ngừng "mọc lên" trên khắp thế giới...


 Tất cả chúng ta đang trong tiến trình mà Giáo hội Việt Nam và Giáo hội toàn cầu khẩn thiết cầu nguyện và hướng đến sự chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ 16 để bàn về vấn đề hiệp hành của Giáo hội. Một vấn đề đang phát triển rộng rãi từ cấp châu lục, cấp quốc gia, cấp giáo phận và kể cả các xứ đạo khắp nơi trên thế giới. Sự phát triển ấy diễn ra như là cơ hội để lắng nghe tiếng nói của dân Chúa ở khắp mọi nơi; qua đó Giáo hội với sự hướng dẫn của Thánh Thần đưa ra những hướng đi mới có tính hiệp hành hơn, mục vụ cụ thể hơn, gần gũi với thế giới con người thời đại luôn biến đổi này.

Giữa một thế giới luôn biến đổi không ngừng ấy, Giáo hội đang cầu nguyện để xin những "chỉ dẫn" từ Thiên Chúa, để tiến trình hiệp hành được hợp thời đại hơn thì trong khi đó ở các giáo phái tôn giáo vẫn không ngừng "mọc lên" trên khắp thế giới và ảnh hưởng trên niềm tin của nhiều người, dù có chính thống hay không. Câu hỏi được đặt ra: Có phải các giáo phái dường như đang làm hiệu quả hơn chúng ta chăng? Và nếu nhìn cách tích cực thì chúng ta có thể học hỏi gì từ họ để sự hiệp hành của Giáo hội có thêm tính hoàn thiện hơn?

Trước tiên cần hiểu thế nào là giáo phái?

Một giáo phái (religious sect) là một phân nhóm của một hệ thống niềm tin tôn giáo, có thể chính thống hoặc không chính thống; riêng về triết học và chính trị thường là nhánh của một nhóm lớn hơn[1]. Những định nghĩa đầu tiên đến từ Max Weber (1864-1920) và Ernst Troeltsch (1865-1923)[2]. Đặc biệt Ernst Troeltsch[3] nhận định về giáo phái với các đặc điểm như:

- Tự cho mình sở hữu chân lý và có tính đối chọi với các tôn giáo khác, bao gồm cả nhà nước và xã hội nói chung.

- Không có tổ chức phức tạp và thường ảnh hưởng bởi người đứng đầu của một giáo phái.

- Quy mô thường là nhóm nhỏ và có tính dấn thân cao.

- Thường thu hút những người bị gạt ra bên ngoài xã hội bên cạnh những thành phần tri thức khác[4].

Với các đặc điểm như trên ta có thể hình dung về một giáo phái nào đó, câu hỏi đặt ra là: Tại sao các giáo phái có mặt càng nhiều hơn trong xã hội hiện đại trong khi đã có các tôn giáo lớn hiện diện ở khắp nơi?

Câu hỏi thứ hai: Tại sao các giáo phái chỉ là các nhóm nhỏ mà thu hút ngày càng rất đông các tín đồ, kể cả những người trí thức mà khi đó tôn giáo lớn, cụ thể là đạo Công giáo của chúng ta chưa làm được như họ? Bài viết này cố gắng tìm hiểu và giải thích phần nào mang tính thực tế các câu hỏi đó, đồng thời cũng góp phần suy tư cho vấn đề hiệp hành mà Giáo hội đang hướng đến.

Để trả lời cho các câu hỏi trên thì trước nhất cần nhìn thế giới một cách tổng quát, đó là một thế giới luôn biến đổi[5]. Thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống thì luôn luôn biến đổi rất đa dạng và liên tục, thường đặt con người vào thế bất an, dễ tan vỡ. Bất cứ ai cũng có thể thấy rõ điều đó, nhất là những đợt bùng phát dịch vừa qua, chỉ mấy tháng cao điểm thôi mà biết bao người đã trầm cảm, không muốn sống, không biết sống vì điều gì và nhiều người đã hủy hoại cuộc sống mình[6]. Chính vì thế, giáo phái là nơi được coi là an toàn vì khi tham gia trong các nhóm này thì người ta cảm thấy mình được hiện hữu trong thế giới đang thay đổi từng ngày. Đây là vấn đề quan trọng và câu hỏi có thể đặt ra cho vấn đề hiệp hành là: giáo dân ngoài việc giữ đạo thì họ có thấy mình thuộc về giáo xứ hoặc thấy mình hiện hữu không? Hay họ chỉ hiện diện trong một đám đông mà thôi?

Cái nhìn kế tiếp là sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ nét. Đây là điều kiện cho các nhóm giáo phái tồn tại, bởi những nhóm này thu hút đa số những con người bị gạt ra bên ngoài xã hội, không được thừa nhận; bên cạnh những người học thức đang tìm ý nghĩa tâm linh nào đó, nói như Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm là "nỗi nhớ nhà sâu xa"[7], như là qua tiếng gọi hoán cải của Thiên Chúa cho những con người đang chịu ảnh hưởng từ sự dữ đang bao phủ khắp thế giới. Do đó, giáo phái hiện diện để lắp đầy phần nào nỗi nhớ nhà ấy, lắp đầy những khủng hoảng giá trị ý thức hệ để bù đắp những khoảng trống mà các tôn giáo lớn bỏ qua, đem lại sự thỏa mãn cho các thành viên của các nhóm này.

Từ góc độ này có thể thấy rằng, các tôn giáo lớn đã hình thành từ lâu đồng thời có một hệ thống niềm tin rất chặt chẽ và các nghi lễ rõ ràng. Đó là điểm mạnh của các tôn giáo lớn hiện nay nhưng đứng trước một bối cảnh xã hội luôn biến đổi đa dạng, niềm tin cũng đa dạng và suy nghĩ cũng phong phú thì dường như tâm thế con người thời đại cần "sự mềm mại" nào đó để đi vào niềm tin và thao thức của họ hơn bao giờ hết. Vậy những khoảng trống chưa lắp đầy và "sự mềm mại" cần thiết trong mục vụ chắc chắn sẽ không ra khỏi suy nghĩ của Giáo hội trong tiến trình hiệp hành.

Một trong những sự cần thiết cần phân định đó là xu hướng phát triển tôn giáo đã rẽ sang một "hướng cá nhân hơn" bên cạnh hoạt động nhóm và cộng đồng. Vì phần đông cá nhân hôm nay cảm thấy nhiều lo âu, không khỏe mạnh cũng như hạnh phúc với chính bản thân mình[8]. Nói như công đồng Vatican II: con người ngày nay vừa mạnh lại vừa yếu[9]. Đây có thể là điểm mạnh mang tính nhóm nhỏ của các giáo phái đã nắm bắt được, vì tại nơi đó mỗi cá nhân tham gia tìm thấy sự bình an, an toàn hơn dù niềm tin và lý luận không chặt chẽ so với các tôn giáo lâu đời.

Như thế có thể nói rằng trong thế giới của chúng ta hiện nay và bây giờ luôn có vô số cá nhân đang tìm kiếm sự cứu rỗi[10]. Vậy sự cứu rỗi mang tính cá nhân và đang trở thành xu hướng chắc chắn sẽ không thể thiếu trong tiến trình hiệp hành bởi các cá nhân dù là ai, có chức vụ gì cũng là cá thể cần được chú ý và quan tâm để thấu hiểu, để đi với nhau trong một hành trình mà Thánh Linh soi dẫn.

Như vậy theo nhãn quan tích cực, giáo phái có thể đang cho mọi người thấy một nguyên lý hợp thời, đi đúng vào tâm thức của con người hiện đại. Điều đó vẫn có thể đúng trong vấn đề hiệp hành hay truyền giáo của Giáo hội Công giáo chúng ta. Trong khi thế giới mà vẫn có biết bao người đang tìm kiếm Thiên Chúa cách nào đó thì tiến trình hiệp hành của Giáo hội sắp tới phải làm cho người giáo dân thấy mình được hiện hữu, được an toàn, không bị bỏ rơi trong một thế giới luôn biến đổi từng ngày. Như thế hiệp hành phải là một lối sống hợp thời mà qua đó Giáo hội nhắm đến con người như là đối tượng ưu tiên và đi vào những hoàn cảnh cụ thể, nhóm nhỏ, xu hướng cá nhân… có như thế Giáo hội mới đáp ứng sự đa dạng ước muốn tâm linh của con người hiện đại. Vậy, tương lai của Giáo hội không chỉ là Giáo hội của những tín hữu hôm nay mà còn hơn thế nữa và khi đó Giáo hội phải là điểm đến của nhiều người chứ không phải là các giáo phái.

Lm. Giuse Nguyễn Đặng Khánh Nhật
Giáo phận Mỹ Tho


[1] https://mimirbook.com/vi/d58af2a7e3b

[2] McCormick Maaga, Mary excerpt from her book Hearing the Voices of Jonestown (Syracuse: Syracuse University Press, 1998) (https://vi.wikipedia.org).

[3] Ernst Troeltsch (1865-1923), nhà thần học người Đức, triết gia; cựu giáo sư tại Đại học Berlin. Ông còn là giảng viên tại Đại học Goettingen, phó giáo sư tại Đại học Bonn, giáo sư tại Đại học Heidelberg và là giáo sư triết học tại Đại học Berlin năm 1914. (https://wikivi.icu/wiki/Ernst_Troeltsch).

[4]https://coccoc.com/search?query=gi%C3%A1o+ph%C3%A1i+l%C3%A0+g%C3%AC&tbm=vid

[5] Công đồng Vaticano II, Hiến Chế Mục Vụ, số 5-7

[6] https://trithucvn.org/the-gioi/bac-si-cali-nguoi-chet-vi-tu-sat-nhieu-hon-vi-dich-benh-ke-tu-phong-toa.html

[7] https://www.youtube.com/watch?v=Mm17lHGecTY

[8] Holloway Richard, A Little History Of Religion(Lược Sử Tôn Giáo), người dịch: Loan Vũ, (Hà Nội: Thế Giới, 2020), 124
[9] Công đồng Vaticano II, Hiến Chế Mục Vụ, số 9

[10] Holloway Richard, A Little History Of Religion (Lược Sử Tôn Giáo), 129