Ngày khai trường của em

Tôi thầm tạ ơn Chúa, các em đang được yêu thương, chăm sóc và có môi trường tốt để được đào tạo trong hành trình làm người.


Những ngày qua, nhiều trang báo hay các bài được đăng tải ở mạng xã hội liên tục đưa tin ngày lễ khai giảng của các trường học đây đó khắp cả nước. Hàng trăm, hàng ngàn em học sinh trong bộ đồng phục xinh xắn, cặp sách mới tinh, cùng với sự đưa đón của cả bố và mẹ… Nhìn nụ cười rạng rỡ trên từng khuôn mặt nhỏ nhắn kia cũng đủ thấy rằng các em đang thực sự hạnh phúc vì đã được trang bị đầy đủ, chu đáo đến từng chi tiết nhỏ. Tôi thầm tạ ơn Chúa, các em đang được yêu thương, chăm sóc và có môi trường tốt để được đào tạo trong hành trình làm người.

Cũng trong những ngày đầu niên khóa, với kế hoạch dạy kèm cho các em tại các làng cộng đoàn đang phục vụ, hai chị em chúng tôi lên đường vào làng Mui - một địa điểm được chọn để tổ chức dạy kèm trong các dịp hè và trong năm. Trước khi đi, tôi cũng đã được các Chị chia sẻ về cách thức tổ chức dạy, những thuận lợi cũng như những khó khăn tại nơi đây. Tuy nhiên, hình ảnh người Chị và các em học sinh đã làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều trong sứ mạng giáo dục, cũng như trách nhiệm của mình khi hiện diện nơi đây.

Thông tin về ngày và giờ các Yă (tiếng Jrai gọi các sơ) đến dạy đã được Trưởng làng thông báo từ những ngày trước. Nhưng khi vào làng, tôi thực sự thích thú với cách của Chị. Chị nhìn vào từng nhà, nói với ba mẹ có con đến tuổi đi học, hay kêu gọi từng em: “Nao hram ho! Nao hram ho!”. Có em bỏ chạy khi nghe gọi đi học, có em dường như không để ý, nhưng cũng có em rất nhanh nhẹn: Yă sơ, Yă sơ…

Dừng lại tại cổng ngôi nhà nguyện khiêm tốn ở giữa làng, tôi chú ý đến một em nhỏ đang nghịch bùn đất ở vũng nước nhỏ ngay bên cổng. Áo quần lấm lem, những bụi mưa lất phất làm bết tóc trên đầu em lại, mắt lấm lét nhìn tôi nhưng tay vẫn mân mê móc bùn. Tôi dừng xe, cúi xuống nói: “Rửa tay đi con, vào đây chơi với Yă nhá!”, em ngoan ngoãn làm theo và đi cùng với tôi vào rửa tay chân sạch sẽ rồi vào nhà nguyện - học sinh đầu tiên của tôi đấy!

Một lúc sau, có vài ba em đã đến, cùng chung một phong cách: áo quần lấm lem, đầu tóc rối, tay chân còn dính bùn đất, không vở, không viết, không sách… nói chung là đến với hai bàn tay trắng. Chị lại kiên nhẫn đi kêu gọi người này người kia đem con tới Yă bày cho học chữ, hay Chị còn đến tận nhà nhắn giờ học và khuyên từng em một. Lớp học của chúng tôi được hình thành như vậy đó.

11 em, đó là kết quả cho buổi sáng đầu tiên kêu gọi và hiện diện. Cũng có thể tạm gọi là ngày “Khai giảng” năm học mới của làng Mui. Ngày khai giảng với sự đơn giản, khiêm tốn và âm thầm tại vùng cao này: không trống, không hoa, không diễn văn… Thay vào đó là sự hiện diện của hai chị em chúng tôi và 11 em đầu tiên này trước Thánh Thể Chúa. Dâng lên Chúa lời tạ ơn cho một sự khởi đầu của năm học mới, xin Chúa cùng đồng hành với các em trong hành trình tìm kiếm con chữ, làm hành trang cho các em sống với đời.

Có lẽ bài diễn văn trang nghiêm, cảm động và thấm thía nhất mà tôi từng được nghe và cảm nghiệm thực tế, không hứa hẹn sẽ đạt thành tích này hay kết quả kia nhưng đó chính là sự kiên trì trong việc dạy và học của chị em chúng tôi và các em.

Lớp 4 với bao nhiêu kiến thức từ khoa học đến cuộc sống, vậy mà với phép tính “một nhân hai bằng mấy?” lại là quá khó đối với Em! Lớp 2 cũng đã đếm được đến 100, và phép tính “bốn trừ đi hai bằng mấy?” Em cũng đã không thể nào vượt qua. Nhưng cả Em và tôi đã cùng nhau cố gắng, kiên trì trong suốt hai ngày qua, để rồi thành quả không phải là Em đã nói đúng một nhân hai bằng hai, mà là Em đã mạnh dạn hơn, kiên trì hơn, và không còn sợ hãi trước con số nữa. Bên cạnh đó, tôi cảm nghe được chính tôi đang dành cho các em một sự cảm thương rất nhiều trong lúc này. Đánh vần hay làm toán từ những phép tính đơn giản, giờ đây là cả một tiến trình đối với các em, cũng là cả một con tim đầy tràn tình thương và sự kiên nhẫn mà tôi muốn hiện diện và cùng các em nỗ lực.

Hy vọng con chữ, cái số kia nó sẽ là “Bạn” của các em, và giúp các em được mở mang thêm kiến thức, cũng như tiếp cận được với thế giới muôn màu muôn sắc trong tương lai.

Hy vọng sự hiện diện của Chị em chúng tôi cũng sẽ là “Bạn” với các em trong “cuộc chiến” này. Ước mong tình thương chúng tôi đang trao gởi nơi các em có thể làm cho các em cảm nhận mình được yêu thương, và có thể lớn lên trong tình yêu (x. VK 27).

Maria Như Ý (Khấn tạm), FMI