Đời sống cộng đoàn trong các Hội dòng

Đời sống cộng đoàn là một khía cạnh cơ bản làm nên căn tính của các dòng tu dưới cả hai góc độ: nội tại và ngoại tại.


Đời tu hôm nay gặp rất nhiều thử thách, dẫn đến khủng hoảng. Bên cạnh đó, thực tế này lại thúc đẩy các thành viên của các hội dòng phải tự hỏi chính mình: Đâu là những yếu tố chính yếu của đời tu? và Giáo hội sẽ thiếu mất điều gì khi đời tu không còn tồn tại nữa? Một trong những câu trả lời cho các câu hỏi đó người ta thấy rằng ngày càng ít dần những chứng tá về một cuộc sống, sinh hoạt và làm việc chung của các cộng đoàn dòng tu là những cộng đoàn luôn tìm thấy ý nghĩa trong Chúa Kitô. Trong thực tế, đời sống cộng đoàn là một khía cạnh cơ bản làm nên căn tính của các dòng tu dưới cả hai góc độ: nội tại và ngoại tại.

Vì thế, bài viết này nhằm nỗ lực truy tìm những yếu tố nền tảng trong viễn tượng thần học và thực tiễn của đời tu và nêu bậc những đòi hỏi cần phải có cho việc sống chung trong cộng đoàn nhìn từ viễn tượng ấy. Sau đó, sẽ đưa ra bàn thảo những vấn đề thực tiễn gặp thấy trong cuộc sống chung.

Những khía cạnh muôn mặt của Đời sống Cộng đoàn

Các dòng tu làm chứng cách sống động những lối sống khác nhau trong lý tưởng bước theo Chúa Kitô đang và tiếp tục được các tu sĩ theo đuổi. Trải qua bao thời đại trong lịch sử của Giáo hội, chúng ta nhận thấy đã có những phong trào linh đạo lớn được phát triển nhờ đặc sủng của các dòng tu. Những phong trào đó đã làm rõ các khía cạnh đa dạng của đời sống cộng đoàn (ví dụ như hoạt động - chiêm niệm) với tất cả sự phong phú rất có giá trị của nó. Chính vì tính cách rất phong phú của nó, các phong trào linh đạo đó không bao giờ được giảm thiểu thành một đề tài đơn lẻ; và không bao giờ có thể sống tròn đầy bởi một cá nhân mà thôi.

Chẳng hạn, Luật thánh Biển Đức lưu tâm đến cả đời sống cầu nguyện và cộng đoàn; Còn cảm hứng Phan sinh cố tìm kiếm sự quân bình giữa sứ mạng ngôn sứ và thể chế của dòng; Trong khi đó, cái nhìn của I-nhã gắng đạt cho được sự thống nhất giữa cầu nguyện và chiêm niệm. Dõi theo gương Phúc âm, các gia đình tu trì (không miễn trừ ai) đều làm chứng cho sứ điệp của Chúa Giêsu về vẻ đẹp của Tin Mừng và lòng thương xót của Thiên Chúa với những hình ảnh và ngôn ngữ đa dạng khác nhau mà mỗi dòng dùng để diễn tả.

Các dòng tu, theo như định nghĩa, là các cộng đoàn. Nói chính xác hơn, các dòng tu nói chung và mỗi cộng đoàn của họ nói riêng đều là các cộng đoàn thiêng liêng. Nguồn gốc của các hình thức sống đời tu là bước theo Chúa Giêsu Kitô như được công bố trong các Phúc Âm, và sống triệt để chiều kích cộng đoàn là bản chất của tất cả đời sống nhân bản và Kitô. Thậm chí những khác biệt quan trọng có thể nhìn thấy giữa các Hội dòng là do cách thức sống đời sống cộng đoàn của họ.

Cộng đoàn và sứ mạng được đan chéo trong các đặc sủng của các Hội dòng. Cộng đoàn làm chứng cụ thể và sống động về ước muốn cứu độ của Thiên Chúa đối với mọi người và mỗi một nhóm. Tương tự, mỗi một hành vi, thậm chí khi không được nhìn thấy hoặc không hiện rõ ngay tức khắc, chẳng hạn, như việc cầu nguyện trong các cộng đoàn chiêm niệm, trong thực tế là một biểu lộ của sứ vụ cộng đoàn của các dòng tu, và tham dự vào việc xây dựng thân thể Chúa Kitô là chính Giáo hội. Việc sống các lời khuyên phúc âm, làm việc và cầu nguyện chung trong cộng đoàn tông đồ hoặc trong các cộng đoàn chiêm niệm đều làm chứng cho một thực tại, đó là: đời sống Kitô hữu tự bản chất có giá trị vượt quá mọi công việc khác cả về thời gian lẫn nội dung. Vì lý do đó, đời tu luôn được nhận biết như một thực tại luôn mở ra với hoạt động của Thần Khí trong Giáo hội và hành động như một dấu chỉ làm cho Chúa Kitô hiện diện sống động trong thế giới cho Giáo hội.

Một cộng đoàn chỉ tồn tại khi có một sự hiệp nhất tối thiểu nào đó. Một mặt, điều này đòi hỏi mỗi thành viên trong cộng đoàn phải có khả năng thích ứng đối với các nhu cầu của người khác và đối với các môi trường luôn thay đổi. Mặt khác, sự hiệp nhất không có nghĩa là tính chất giống nhau, đồng dạng. Ngược lại, hay nói một cách chính xác, sự hiệp nhất Kitô giáo được tạo nên do mỗi một cá nhân thể hiện chính mình với điểm mạnh, điểm yếu trong cuộc sống thường nhật của cộng đoàn cũng như trong sứ mạng và mục tiêu chung của Hội dòng.

Như đã nói trên về cuộc sống cộng đoàn, làm việc chung cũng làm chứng cho thực tại là rằng các Kitô hữu với tư cách cộng đoàn cũng được mời gọi cộng tác vào sự thánh thiện của Dân Thiên  Chúa, và thánh hóa muôn loài. Sự cộng tác giữa các thành viên của các tu hội rất cần thiết đối với các trách vụ lãnh đạo và tổ chức nội bộ, cũng như đối với cuộc sống cộng đoàn, và việc chu toàn các bổn phận bên ngoài Hội dòng. Thường thường, một số tu sĩ làm việc chung với nhau trong cùng một sứ vụ tông đồ hoặc bác ái. Hoặc đối với nhiều dòng tu chiêm niệm, thì các đan sĩ cùng nhau làm các công việc tay chân. Thời gian gần đây hơn, các dòng tông đồ trở nên ý thức hơn rằng, với tư cách là một cộng đoàn mà họ được trao phó sứ mạng hoặc trách nhiệm tông đồ.

Sống với người khác là một điều khó. Điều này có thể được nhìn thấy nơi đời sống của các gia đình, giữa các cặp vợ chồng và trong tình bạn cũng như trong cuộc sống cộng đoàn. Một cách rất cụ thể, trong đó đời sống cộng đoàn được sống là một dụng cụ báo cho biết rằng mỗi một thành viên đang cảm thấy thỏa mãn với chính mình, với cộng đoàn và ơn gọi của họ trong một Hội dòng riêng biệt như thế nào. Một cộng đoàn tốt đẹp sẽ giúp rất nhiều cho việc sống đời sống độc thân của các thành viên; và đó cũng là lý do tại sao các tu đoàn xuất hiện trong lịch sử. Như Chúa Giêsu, bất cứ ai chọn sống độc thân vì Nước Trời đều ý thức sâu sắc rằng là họ phải hy sinh đời sống vợ chồng và gia đình. Những người như thế chỉ thành công trong cuộc sống lành mạnh và cho đi bản thân, nếu họ không từ chối sự có mặt của những nhu cầu và những thúc đẩy về tình cảm, tính dục và nỗ lực để từng bước thống nhất các nhu cầu này vào trong sự cam kết của bản thân. Sự nhắc nhở lẫn nhau trong cộng đoàn về gương Chúa Giêsu Kitô và nhiệt huyết của Người đối với sự thánh thiêng, cùng với tình cảm thân thiện và sự quan tâm đối với những thành viên khác trong cộng đoàn là những điều kiện nhân bản cần thiết làm cho hình thức sống này có nghĩa, và vẫn còn đang hấp dẫn, sinh hoa kết quả. Trong một mức độ nào đó, những nhu cầu lành mạnh và thông thường của một thành viên như cần được nâng đỡ và yêu thương bị thất đoạt, thì sự tìm kiếm bù trừ càng gia tăng, như khuynh hướng rời bỏ cộng đoàn với hậu quả kèm theo là sự trở nên cứng cỏi và hoài nghi yếm thế cả trong lòng lẫn bên ngoài.

Tiếp theo phần trên, bài viết sẽ bàn đến những khía cạnh căn bản của đời sống nội bộ của một Hội dòng mà những ai sống đời sống chung cần phải thực hiện để có thể sống mỗi tương tương quan với những người khác.

Theo Paul Watzlawick, trong cộng đoàn dòng tu thì mỗi người phải có khả năng giao tiếp. Nói cách khác, cách mà tôi hành xử hướng tới mỗi một cá nhân trong cộng đoàn cũng như đối với tất cả cộng đoàn, có lúc mang tính xây dựng, lúc khác có vẻ thụ động, hay hiếu chiến, băn khoăn, âu lo, đòi hỏi, sáng tạo và vân vân... góp phần đặc biệt làm nên cộng đoàn. Cá tính của mỗi một cá nhân cứ liên tục tương tác với cá tính của các thành viên khác trong cộng đoàn. Các cộng đoàn thiêng liêng không khác gì so với bất kỳ một nhóm người nào khi nói về năng động cá tính hoạt động giữa các thành viên. Trong một Hội dòng thì mỗi cộng đoàn riêng lẽ cũng phải giao tiếp với các cộng đoàn khác trong cùng Hội dòng cũng như với thế giới xung quanh bằng chính điều làm nên tinh thần của nó: tìm một sự trú ẩn bảo đảm một sự ổn định, một nơi để rút lui vào sự im lặng, một khoảng không gian để ôm lấy người nghèo khổ, một nơi để thử làm cái gì đó. Mặc dầu, các tương quan qua lại với người khác không phải là điều cơ bản duy nhất của đời tu, cũng không phải là điều thích đáng nhất, thế nhưng rất cần thiết và quan trọng nếu chúng ta tỉnh thức về sự năng động nhóm phát triển trong cộng đoàn tu trì. Tính năng động nhóm này có sức mạnh ảnh hưởng hoặc tích cực hoặc tiêu cực trên khả năng của cá nhân và của nhóm để đạt đến mục đích đưa ra; trong trường hợp này là để làm chứng về tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người qua cuộc sống trong cộng đoàn.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn đến đời sống cộng đoàn từ chiều kích tâm lý xã hội

Tâm lý xã hội (bao gồm cả tâm lý nhóm và tâm lý gia đinh) trong tất cả các biểu hiện đa dạng giả thiết rằng mỗi một người sống trong trong bối cảnh của mạng lưới xã hội các tương quan xã hội và có lẽ chỉ có thể hiểu được trong bối cảnh này. Tương quan giữa cá nhân với nhau khi thì trang trọng, lúc khác thì thân tình, tương quan đó có thể đặt căn bản trên công việc hoặc trên tình bạn, một cách không thể trách, bị điều kiện bởi năng động tinh thần, nghĩa là cá nhân và nhóm không ngừng tương tác với nhau. Cá nhân mỗi người luôn cần được nhìn trong bối cảnh, đặc biệt khi chúng ta muốn nhìn xem người đó tương tác như thế nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào xảy đến. Do đó, điều quan trọng là mỗi người phải tự hỏi mình xem thử đâu là vai trò thực hoặc vai trò biểu tượng của nhóm đối với mỗi một cá nhân thành viên? Đồng thời, sự triển nở của mỗi cá nhân thành viên lại có tác động quan trọng đến sự hình thành bên trong của nhóm. Vì thế, chúng ta cần phải cởi mở với các tương quan cá nhân qua lại tạo nên đặc tính thông tri và không thể tránh khỏi giữa cá nhân và nhóm.

Tương tự như thế, đời sống cộng đoàn bên trong không thể tránh khỏi sự tương tác của con người. Điều đó có nghĩa rằng, điều hết sức quan trọng là làm sao đối đầu với thực tế đó, chứ không tránh né và từ chối nó. Nếu các thành viên ở trong vị thế luôn nhìn thấy mặt tiêu cực và phá hoại của năng động nhóm, thì có lẽ họ ở trong vị thế can thiệp vào hơn là để cho mình bị chi phối bởi năng động nhóm. Nếu các thành viên Hội dòng có thể học để cảm nhận và biểu lộ rõ ràng hơn những mặt tích cực và dính kết họ tìm thấy trong họ và trong cộng đoàn, thì họ sẽ được tự do, giải tỏa được nhiều năng lượng để sống tích cực cuộc sống cộng đoàn đích thực.

Sự tương tác qua lại giữa cá nhân và cộng đoàn

Một cộng đoàn được tạo nên bởi các cá nhân thành viên. Mặt khác, cộng đoàn cũng quyết định cuộc sống của cá nhân trong những cách thức và những khía cạnh khác nhau. Sống chung trong cộng đoàn buộc phải có sự ảnh hưởng qua lại, học tập lẫn nhau, cho và nhận, sống với những căng thẳng và tránh né chúng. Cách thức mà mỗi cá nhân đẽo gọt các tương quan cũng ảnh hưởng sâu sắc và liên tục trên quá trình luôn thay đổi của một kiểu sống và cách hiểu riêng biệt của mỗi cá nhân. Những mô hình kiểu mẫu ngày nay về sức khỏe tâm thần nhấn mạnh đến sự tương tác giữa các yếu tố sinh lý, tâm lý và xã hội. Những ảnh hưởng của bản chất sinh học, chẳng hạn như tâm tính cá nhân, những yếu tố tâm lý như sự phát triển khả năng tin tưởng người khác, những yếu tố xã hội như các quan hệ lành mạnh hoặc gây rắc rối giữa các thành viên trong cộng đoàn, bởi vì những yếu tố này đan chen lẫn nhau đóng góp vào triển vọng có thể sống bình an với bản thân và với môi trường xung quanh. Các cá nhân ảnh hưởng lẫn nhau trong các quá trình phát triển của họ, vì vậy rất là quan trọng để lưu ý đến những thái độ mà mỗi người thừa nhận trong các mối quan hệ, chẳng hạn sự thống trị hoặc phục tùng dễ bảo và tuân theo, sự lệ thuộc và khoảng cách, v.v.... khả năng nhận ra một đời sống tu với sự quân bình giữa tính cách gần gũi và sự giữ khoảng cách là một yếu tố quyết định trong việc xác định các cá nhân thành viên và cả cộng đoàn đang lớn lên hay chỉ cam chịu hoặc thậm chí thoái lui. Mặt khác, phải nói rằng cả cộng đoàn cũng quan trọng đối với cá nhân bởi vì qua cộng đoàn đó mỗi người có thể thấy ra là họ được đón nhận hay không, được giúp đỡ và được giúp như thế nào, họ có tìm thấy không gian đủ cần, có sự suy xét cân nhắc đầy đủ đối với ý kiến của họ, những kiến nghị họ đưa ra và những nhu cầu của họ. sống chung trong cộng đoàn đòi hỏi mỗi cá nhân phải đạt tới mức trưởng thành nào đó để kiếm lợi từ lối sống đó.

Trong đời sống cộng đoàn, cả cá nhân lẫn nhóm đều cần có thời gian, không gian và các mối quan hệ mà không bị mâu thuẫn đối lập. Nếu mỗi một cá nhân hay cả nhóm cứ khăng khăng kiếm tìm cho mình sự bình an nội tại và ngoại tại thì họ sẽ gặp những khó khăn trong việc ra khỏi chính mình mà đến với người khác và chu toàn sứ mạng của họ. Điều đó có nghĩa là mỗi cá nhân thành viên và cả nhóm cần phải có lòng tự tin cơ bản vào chính mình. Sự tự tin giúp chịu đựng những thất bại, nhờ đó chúng ta có thể xử lý những thất vọng, khủng hoảng và mâu thuẫn nảy sinh cách không rõ ràng trong hoặc do nhóm. Nếu một cá nhân không có đủ lòng tự trọng, người đó sẽ bị cám dỗ tìm kiếm sự thỏa mản bù trừ hoặc sẽ dùng các biện pháp tránh né qua những quan hệ không đúng đắn, làm việc quá sức, dùng các chất có men, nicôtin hoặc lạm dụng của cải vật chất hay qua việc sử dụng internet: thiếu lòng tự trọng có thể dẫn đến những thái độ hiếu chiến hoặc hiếu chiến cách tiêu cực, bị động như cứ than van liên tục, không ngớt tố cáo lên án người khác, phê bình chỉ trích, hoặc ngoan cố xoay lại với chính mình

Tương quan hay công việc?

Ngày nay, đời sống cộng đoàn được kể như là một trong những lý do thúc đẩy đi vào đời tu và do đó rất hữu ích để suy nghĩ lại xem thử cộng đoàn có nghĩa gì và nên có nghĩa gì? Mơ ước được sống cộng đoàn mãnh liệt hơn không phải là không liên quan đến những xu hướng được chứng kiến trong toàn bộ xã hội hôm nay. Thực tế, cũng nên nghĩ đến sự kháng cự lại đối với chủ nghĩa cá nhân ngày càng gia tăng và sự kiếm tìm cấp bách một căn tính  kết nối với nó. Trong một thế giới mà sự ổn định và ranh giới của bản thân đang trở nên có vấn đề, thì người ta có xu hướng đi tìm một không gian nơi mà họ có thể trú ẩn và trong đó họ có thể liên tục tìm và tìm lại chính mình. Việc chuyển từ môi trường xã hội (khách quan) đến cộng đoàn (chủ quan) với sự nhấn mạnh đặc biệt đến sự trong suốt về tình cảm qua lại hứa hẹn một sự nâng đỡ, hướng dẫn cho một hành trình khó khăn để trở nên chính mình. Trong ý nghĩa này, cộng đoàn đang có nguy cơ bị lạm dụng bởi các cá nhân bao lâu sự gặp gỡ với người khác cuối cùng chỉ là phương tiện để thúc đẩy sự tiến triển của cá nhân. Cũng vậy, người ta thường quên rằng quá trình tiến triển của mỗi một nhóm đều đặt căn tính của các cá nhân thành viên dưới sức căng và do đó có thể dẫn tới những phản ứng thoái lui cả trong tương quan với người khác lẫn trong cách thức liên hệ với chính những tư tưởng và tình cảm của bản thân. Thực tế, cộng đoàn không bao giờ có thể trả lời cách đầy đủ các vấn nạn đặt ra của cá nhân mỗi người. Mỗi một thành viên trong cộng đoàn cần phải tự hỏi chính mình cách rõ ràng xem thử họ đang mong chờ ở cộng đoàn và điều này phải đưa đến việc xác định cách sâu xa trong thâm tâm họ là ai và có thể là ai. Để lượng giá đầy đủ cách thức mỗi người lượng giá chính mình trong cộng đoàn, cần thiết phải lưu tâm đến những phép ẩn dụ mà các thành viên dùng khi họ cố gắng biểu lộ tình cảm và nhận xét của họ trong nhóm.

Ở điểm này, rất hữu ích nếu chúng ta phân biệt sự khác nhau giữa hai mục đích mà nhóm hướng tới. Loại thứ nhất có lẽ là xu hướng thiết lập một nhóm gồm những người thích nhau (tương quan) và thứ hai là nhóm cùng trách vụ (để hoàn tất trách vụ chung). Cả hai loại nhóm nêu trên xuất phát từ hai phạm trù khác nhau về nhóm. Nhóm thứ nhất xảy ra khi một nhóm quan tâm chủ yếu tới chính mình và tự ràng buộc mình trong các vấn đề về tương quan và quyền lực. Nhóm thứ hai liên quan đến một loại nhóm mà bên ngoài có vẻ quan tâm giải quyết các mối tương quan và khả năng làm việc và tập trung vào cả trách nhiệm bên trong lẫn bên ngoài của nhóm. Hai điểm cực này sẽ luôn tạo nên sự thống nhất mà căng thẳng được phủ đầy và cần phải đối mặt nếu cộng đoàn không muốn trở thành một nhóm chỉ đơn giản sát vai nhau hoặc chỉ là một hỗn hợp tình cờ ngẫu nhiên của các cá nhân ích kỷ. Trong một cộng đoàn tu trì cho dầu bản chất là gì đi nữa thì hai điểm cực này không bao giờ được tách rời nhau; thậm chí ở những thời điểm khác nhau, điểm cực này hoặc điểm cực kia có tầm quan trọng khác nhau.

Quyền tự trị và những ràng buộc

Một trong những vấn đề khó khăn nhất mà mọi nhóm phải đối đầu đó là tương quan giữa các thành viên cá nhân và toàn nhóm trong sự gần gũi thân mật và sự tự trị, độc lập của cá nhân. Những chuyện này không biến hoặc không hoạt động như chúng phải, trước khi những người có trách nhiệm bị phê bình chỉ trích hoặc khi có những canh tân đổi mới. Hiển nhiển là trốn thoát khỏi trách nhiệm thì dễ dàng hơn là sống với những giới hạn của chính mình và lỗi lầm của người khác. Trong trường hợp này, những chỉ trích của ta đối với người khác có nguồn gốc sâu xa trong chính giới hạn của mình. Trong các cộng đoàn lớn hơn, điều này thường có nghĩa là trách nhiệm đối với mọi việc trong cuộc sống cộng đoàn ta thường để lại cho người khác còn cá nhân ta thì tìm trú ẩn trong lối nghĩ suy của những kẻ sống chung cư. Tuy nhiên, nếu đời sống cộng đoàn sinh ích cả bên trong lẫn bên ngoài thì việc đồng cộng tác và đồng trách nhiệm của mỗi thành viên cá nhân phải được thấy rõ. Trong mỗi cộng đoàn, điều quan trọng là mỗi người phải kê vai gánh vác hoàn toàn trách nhiệm để hoàn tất những nhiệm vụ được trao phó cho mình và đồng thời phải tự thấy mình có trách nhiệm đối với người khác trong mức độ công bằng nào đó. Cũng nên nhớ có sự khác biệt giữa các cộng đoàn nam và nữ. Ở các cộng đoàn nữ tu có một sự quản trị xã hội quá mức, lan tỏa khắp cộng đoàn nên không người nào có thể nhích lên một bước mà không bị quan sát và điều chỉnh. Còn ở các cộng đoàn nam tu thì lại có đặc điểm là họ có tương quan xa cách, và độc lập hơn giữa các thành viên. Nói cách khác, nếu dùng hình ảnh để cường điệu hóa bối cảnh thì - các cộng đoàn nữ tu giống như một phòng rộng lớn và mọi người biết tất cả mọi sự của nhau. Còn trong các cộng đoàn nam tu, thì hình thành nhiều lâu đài nhỏ mà khả năng tiến lại gần nhau còn tùy thuộc vào các cầu sắt được nâng lên hay hạ xuống. Cả hai trường hợp đều có tính cách khan hiếm khó tìm, tạo nên đặc điểm quá lệ thuộc và những cảm giác mạnh mẽ về sự không đầy đủ. Trong hình ảnh thứ nhất, sự khan hiếm liên quan đến khoảng không gian cần thiết cho mỗi người được triển nở và trong hình ảnh thứ hai chúng ta phải đối đầu với sự thiếu mong mỏi và thiếu hụt khả năng để xây dựng sự tin tưởng và các tương quan gắn bó. Cả cộng đoàn và các thành viên cần tránh các trường hợp trên nếu họ muốn thành công trong việc phát triển sự tin tưởng lẫn nhau, sự lưu tâm đầy kính trọng và sự chú ý đến các trách vụ phải hoàn thành. Nói cách khác, nếu họ có thể tạo nên cảm giác an toàn trọn vẹn.

Không có cộng đoàn nào có thể thoát khỏi những căng thẳng và các vấn nạn. Cái quan trọng là cách thức ta đương đầu và giải quyết các vấn nạn phát sinh trong nội bộ cộng đoàn. Để giải quyết các vấn đề này, thì sự trưởng thành của mỗi cá nhân thành viên và động lực của cả nhóm rất là quan trọng. Có một câu hỏi rất quan trọng đó là “đâu là lý do ủng hộ cho việc chúng ta sống chung với nhau và làm nên cộng đoàn?” Không nghi ngờ gì nữa, lúc này các động lực mang tính tôn giáo, xã hội, xã hội hoc và tâm lý học đan chéo vào đây. Một cách cơ bản, một cuộc sống cộng đoàn đích thực lệ thuộc vào sự trưởng thành của nhóm và nhất là lệ thuộc vào những gì nhóm đang mong chờ. Trong khía cạnh này, mơ ước về đời sống cộng đoàn và những đòi hỏi của nó ngày càng tăng dần. Điều đó chẳng có nghĩa lý gì, nếu không có khả năng lớn hơn đối với đời sống cộng đoàn với một khao khát rõ ràng là cam kết dấn thân thực hiện những đòi hỏi của cuộc sống đó. Mặt khác, các cộng đoàn tu trì cảm thấy khó khăn để mở lòng ôm lấy các ứng sinh và những thành viên trẻ vào trong cộng đoàn của họ. Nói một cách trêu chọc, nhiều cộng đoàn tu trì thì “quá yếu kém” hoặc “quá hẹp hòi” đối với các thành viên trẻ. Quá “yếu kém” trong cái nghĩa là người ta cứ lấy làm đương nhiên rằng thành viên trẻ cũng có mức độ trưởng thành về đức tin và cầu nguyện, và có thái độ đối với đời sống cộng đoàn, là những điều phù hợp hơn với các giá trị của thời đại trước, mà không hề nghĩ rằng các giả định này không còn tồn tại trong thế giới hôm nay. Còn nói là “quá thiển cận” ở đây có nghĩa là các dòng tu đã không nhận ra rằng người trẻ hôm nay, đặc biệt trong cuộc sống thường ngày, đã phát triển các khả năng cá nhân khác nhau và có những mơ ước mong mỏi liên quan tới việc huấn luyện và đời sống cộng đoàn trong Hội dòng. Các cộng đoàn do đó được khuyên phải đầu tư trong việc chuẩn bị các người huấn luyện.

Một sự nhìn lại đặc biệt đối với đời sống cộng đoàn trong các Hội dòng

“Hai mặt” của đời sống cộng đoàn

Trong một cộng đoàn tu trì Kitô giáo, tính phân cực giữa sự hiệp nhất và đa dạng được phản ánh trong những kiểu nói “một trái tim và một tâm hồn” và cùng một “sứ mạng tông đồ”. Đối với tu sĩ hoạt động tông đồ, điều hết sức quan trọng là phải tìm sự quân bình giữa sự hiệp nhất bên trong và trách nhiệm tông đồ. Thông thường, những vấn đề không giải quyết được, sự quân bình giữa sự gần gũi và khoảng cách trong tương quan và sự thiếu khả năng chịu đựng căng thẳng và giải quyết các xung đột cách tích cực góp phần cho hiệu quả tông đồ. Kinh nghiệm “một trái tim và một tâm hồn” và tìm được những người bạn trong Chúa trong cộng đoàn là một trong những điều tuyệt vời nhất có thể xảy ra trong các một dòng tu. Quan trọng hơn nữa đó là sự gần gũi tình cảm đặc biệt, một mặt, là kinh nghiệm hiệp nhất rất thường là điều bất ngờ lại được tìm thấy trong nguồn gốc tinh thần chung của Linh đạo Hội dòng, mặt khác một loại tình bạn và tính chất hòa hợp đặc điểm làm nên bởi sự mở rộng lòng trước nhu cầu của bạn đồng tu. Các thành viên của dòng tu không chọn cộng đoàn để sống hoặc những người mà họ chung sống. Điều này đôi khi làm cho cuộc sống cộng đoàn khó khăn nhưng cũng cống hiến một khả năng đó là hành trình của cuộc sống chung hướng tới “tình bạn trong Đức Chúa” sẽ trở nên chân thực và phong phú hơn nếu mỗi người luôn luôn vẫn đơn giản với những ai họ thấy bắt gặp tần số để có thể nói chuyện.

Mặt kia của cuộc sống và bản chất của các cộng đoàn tu trì nằm trong thực tế là họ được dâng hiến cho sứ mạng tông đồ. Trong các thập niên gần đây, những mong chờ và đòi hỏi của cuộc sống cộng đoàn trong dòng tu có gia tăng. Điều đó không có nghĩa là các thành viên trẻ nhất là những người có khả năng sống cộng đoàn hơn hoặc do đó, họ có khuynh hướng dấn thân trong cuộc sống cộng đoàn, đặc biệt khi không có một lợi ích cá nhân thu được. Chỉ trong thời gian gần đây người ta trở nên rất ý thức đối với cái thực tế là không phải chỉ có các thành viên cá nhân mà còn là cả cộng đoàn được trao phó sứ mạng và trách nhiệm tông đồ. Những ai bị hút về cộng đoàn cảm thấy rất rõ rằng nếu các thành viên cộng đoàn phải đối mặt với những công việc thường nhật và trách vụ chung; thì họ nhanh chóng cảm thấy họ đang sống và làm việc như những người cô lập.

Nói với nhau, sống với nhau

Thành công của đời sống cộng đoàn, bao gồm cả khả năng giao tiếp, phụ thuộc vào cách người ta nói chuyện với nhau về các vấn đề nảy sinh, khi họ nói về họ và cách họ làm thế. Điều này liên quan rất nhiều đến việc giao tế và các cuộc gặp gỡ cũng như cách thức xử lý các căng thẳng, xung đột. Tự nhiên là phải cần thời gian và nghị lực để nói với những người thích hợp về một vấn đề, tuy nhiên sự tin tưởng lẫn nhau được triển nở khi nhờ sự giáo tế cởi mở và chân thành. Mặt khác việc tránh né giao tiếp, giấu các thông tin hoặc nói về cá vấn đề nội bộ của cộng đoàn với người ngoài góp phần làm hỏng bầu khí bên trong của cộng đoàn.

Điều sau đây áp dụng cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho bề trên, chẳng hạn: thông tin cần phải được giao tiếp với tất cả sự cởi mở có thể và sự thận trọng cần thiết về những điều xảy ra và những sự lượng giá quan trọng, về vấn đề ai nên nói với thành viên có những vấn đề và nhu cầu cần lưu ý. Các bề trên cần lưu tâm rằng cách thức quyết định và những phương tiện giao tế họ dùng đến phải rõ ràng. Thật là quan trọng rằng các cố vấn của họ can dự vào những sự thận trọng cân nhắc và cùng đồng ý lúc nào và làm sao các quyết định được thông báo cho mọi người biết. Một lĩnh vực thận trọng thật là rầy rà khó khăn khi mà cộng đoàn có kiểu giữ bí mật gia đình. Chẳng hạn, khi một người biết người anh em của họ nghiện rượu, mọi người đều biết nhưng vì sự xấu hổ và sự không chắc chắn không ai có can đảm đối diện với tình huống trong cách thức nên làm.

Một phương tiện quan trọng để củng cố việc giao tế trong cộng đoàn là phải có những cách thức gặp gỡ thường xuyên. Để cho việc làm này có hiệu quả, điều quan trọng là mọi chuyện phải được thảo luận trong cộng đoàn và được các thành viên đón nhận. Luôn luôn có những luật trừ bởi vì không thể không có những thành viên mà khi đối diện với bất cứ vấn đề chung của cộng đoàn thì lại biến mất dưới vực thẳm như chiếc tàu ngầm. Một cộng đoàn sẽ lớn lên cùng nhau chỉ trong mức độ các thành viên cam kết dấn thân vào những điều đã được mọi người đồng ý thỏa thuận và nếu đó là điều đồng ý chung với nhau thì được bề trên xác nhận cách mạnh mẽ nếu thấy là cần thiết. Điều tốt hơn là phải từng bước một để hoàn tất cách hiệu quả hơn là đề nghị quá nhiều những lý tưởng kiêu kỳ mà không thực tế. Liên quan đến những lần gặp gỡ chung, thì có những hình thức gặp gỡ sau đây là hữu ích: cử hành phụng vụ, các buổi cầu nguyện, các buổi tối dành riêng cho cộng đoàn có tính cách thường xuyên, có tính cách thiêng liêng hoặc bình thường, và cũng có những ngày cộng đoàn theo kế hoach năm trong đó có thời gian để  suy tư phản hồi về cộng đoàn, những buổi linh thao với nhau, những ngày nghỉ chung cho các nhóm nhỏ hoặc những sinh hoạt giải trí tinh thần với nhau, những buổi cơm chung. Dần dần có thể xây dựng được bầu khí cộng đoàn thuận tiện cho các buổi gặp gỡ thân mật giữa các thành viên. Điều quan trọng là các thành viên của cộng đoàn phải làm phát triển hoặc bảo quản, gìn giữ cảm thức rằng mọi người phải có trách nhiệm cho cuộc sống đang phát triển liên tục của cộng đoàn. Điều này đòi hỏi mọi người tự nguyện đảm trách những phận vụ cỏn con hằng ngày, có can đảm đi bước trước và chú tâm tới những chi tiết đẹp đẽ hơn của cuộc sống chẳng hạn, dọn dẹp ngăn nắp và sạch sẽ những gì đó sau khi đã dùng đến.

Một câu rất nổi tiếng của Hội nghị dòng của Dòng Tên lần 32 thế này: cộng đoàn tu trì được định nghĩa như là một cộng đoàn của những tội nhân nhưng lại được mời gọi trở nên bạn của Chúa Giêsu và bạn của nhau. Ngày nay, ý niệm của đời sống cộng đoàn cho phép cá nhân cũng như cả nhóm có sự tự do sáng kiến rất lớn nhưng cũng lại đòi hỏi một số điều rất cụ thể và chính xác, như sự lưu tâm đến chính mình và người khác, mong ước chia sẻ trách nhiệm và công việc, và khả năng mở ra với những chân trời rộng lớn. Chắc chắn là không bao giờ có được một cộng đoàn hoàn hảo. Đâu đâu cũng có rất nhiều những ngăn trở của cá nhân cũng như cộng đoàn trên con đường tiến tới “sự trưởng thành viên mãn trong Đức Kitô” (Eph 4:13), một sự trưởng thành mà tất cả chúng ta đều được kêu mời đạt tới với tư cách là cộng đoàn. Đây là một nỗ lực có giá trị để cố gắng nhận ra và phát triển những sự phong phú trong và cho cộng đoàn để rồi các thành viên của các dòng tu có thể sống một cách sâu xa và đích thực sứ mạng của họ như những người bạn của Đức Chúa.

Nt. M. Têrêsa Đoàn Thị Mỹ Châu, FMI 

Chuyển ngữ và biên soạn lại từ bài viết “Community life in Religious Orders”

của Cha Hans Zollner, S.J