10 câu nói của Đức Bênêđictô XVI giúp bạn sống thân tình với Thiên Chúa

“Tôi tin” là cuốn sách được xuất bản bởi nhà xuất bản San Paolo, tuyển tập một số trang hay nhất của Joseph Ratzinger về cách nuôi dưỡng mối thân tình với Chúa.


“Tôi tin” là cuốn sách được xuất bản bởi nhà xuất bản San Paolo, tuyển tập một số trang hay nhất của Joseph Ratzinger về cách nuôi dưỡng mối thân tình với Chúa.

  1. Nuôi dưỡng bằng Kinh Thánh

“Chúng ta có thể nghe Thiên Chúa và lời Người ở đâu? Kinh Thánh là nền tảng, nơi có thể giúp chúng ta nghe được tiếng Chúa và nuôi dưỡng đời sống chúng ta trong tư cách là những “bạn hữu” của Thiên Chúa. Toàn bộ Kinh Thánh kể lại cho chúng ta về những mặc khải của Thiên Chúa đối với nhân loại. Toàn bộ Kinh Thánh nói về đức tin và dạy chúng ta về đức tin qua những câu chuyện được thuật lại, qua đó Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu chuộc của Người, và Người đến gần với nhân loại qua những hình ảnh tiêu biểu của những con người tin và phó thác vào Chúa, đến khi biểu lộ sự mặc khải trọn vẹn trong Chúa Giêsu.”

  1. Con mắt đức tin

“Con mắt đức tin có khả năng nhìn thấy điều vô hình và tâm hồn người tín hữu có thể trông cậy vượt trên mọi hy vọng, giống như Tổ phụ Ápraham, người mà thánh Phaolô đã nói tới trong thư gửi tín hữu Rôma rằng “ông vẫn trông cậy và vững tin, mặc dầu không còn gì để trông cậy” (Rm 4, 18).

  1. Sự hiện diện của sự sống và sự cứu độ

Niềm xác tín “tôi tin vào Thiên Chúa” sẽ thúc đẩy chúng ta lên đường, không ngừng ra khỏi chính mình, giống như Tổ phụ Ápraham, để mang vào thực tại mỗi ngày, nơi chúng ta sống niềm tin vững vàng rằng: sự đảm bảo, đó chính là sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử, kể cả ngày nay; một sự hiện diện mang lại sự sống và ơn cứu độ, đồng thời mở ra cho chúng ta một tương lai với Người để có một cuộc sống viên mãn không bao giờ tàn lụi”.

  1. Tôi tin kính một Thiên Chúa Toàn Năng

Khi chúng ta nói “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng”, chúng ta bày tỏ niềm tin vào sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, sức mạnh nơi Con của Người đã chết và phục sinh đánh bại sự thù hận, sự dữ, tội lỗi và mở ra cho chúng ta sự sống vĩnh cửu, cuộc sống của những người con mong ước ở mãi trong “Nhà Cha”. Khi nói “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng”, tin sức mạnh của Người, tin vào vai trò là Cha của Người, luôn là một hành vi của đức tin, của hoán cải, của biến đổi mọi suy nghĩ của chúng ta, của tình cảm và ngay cả lối sống của chúng ta.”

  1. Loan truyền sự Sống lại

“Chúng ta cần quay trở lại để loan báo một cách mạnh mẽ và vui mừng về biến cố Chúa Kitô chịu chết và sống lại. Đó chính là tâm điểm của Kitô giáo, nền tảng của đức tin, đòn bẩy mạnh mẽ cho những điều chắc chắn của chúng ta, ngọn gió mạnh xua tan mọi sợ hãi và do dự, mọi sự nghi ngờ và tính toán của con người. Chỉ từ nơi Thiên Chúa, sự thay đổi quyết định của thế giới này mới có thể xảy đến. Chỉ khởi đi từ sự Phục sinh, chúng ta mới có thể hiểu được bản chất thực sự của Giáo hội và chứng tá của Giáo hội, vốn không phải là điều gì tách rời khỏi mầu nhiệm Vượt qua, nhưng là hoa trái, sự biểu lộ và thực hiện của mầu nhiệm đó đối với những người lãnh nhận Thánh Thần, được Chúa Kitô sai đi để tiếp tục sứ mạng của Người” (x. Ga 20, 21-23).

  1. Lời cầu nguyện khơi dậy ơn gọi

“Yếu tố cơ bản và dễ nhận biết của mọi ơn gọi linh mục và thánh hiến là tình bạn với Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã sống liên lỉ kết hợp với Chúa Cha, và chính điều này khơi dậy nơi các môn đệ ước muốn sống cùng một kinh nghiệm ấy, học nơi Chúa Giêsu sự hiệp thông và đối thoại liên lỉ với Thiên Chúa. Nếu linh mục là “người của Thiên Chúa”, thuộc về Thiên Chúa và là người giúp người khác nhận biết và yêu mến Chúa, thì linh mục không thể không vun trồng mối thân tình sâu xa với Chúa, ở lại trong tình yêu của Chúa, dành không gian để lắng nghe Lời Chúa. Cầu nguyện là chứng tá đầu tiên của việc khơi dậy ơn gọi”.

  1. Thận trọng với tâm lý hưởng thụ

Chúng ta đang sống trong một bối cảnh văn hóa được đánh dấu bởi não trạng hưởng thụ và duy tương đối, có xu hướng loại bỏ Thiên Chúa khỏi cuộc sống, không ủng hộ việc đạt đến một khung giá trị nền tảng rõ ràng, và cũng không giúp phân biệt giữa điều thiện với điều ác để phát triển một ý thức đúng đắn về tội lỗi. Tình trạng này càng trở nên cấp thiết hơn đối với các thừa tác viên của Lòng Chúa Thương Xót Chúa. Trên thực tế, chúng ta đừng quên rằng có một vòng luẩn quẩn giữa việc cảm nghiệm hời hợt về Thiên Chúa và việc đánh mất ý thức về tội lỗi”.

  1. Lắng nghe Lời Chúa

Theo cái nhìn của Kitô giáo, lắng nghe là ưu tiên hàng đầu. Về điều này, Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ: “Phúc thay ai lắng nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,28).

Cùng nhau lắng nghe lời Chúa; thực hành Lectio divina của Kinh Thánh, nghĩa là đọc trong cầu nguyện; để cho chính mình ngạc nhiên trước sự mới lạ không bao giờ cũ và không bao giờ cạn của lời Chúa; vượt qua sự giả điếc làm ngơ của chúng ta trước những lời không phù hợp với định kiến ​​và quan điểm của chúng ta. Tất cả những điều này tạo nên một con đường đi đến sự hiệp nhất trong đức tin, như một sự đáp trả cho việc lắng nghe lời Chúa”.

  1. Thực hành đức tin với các Bí tích

Trung tâm của việc thờ phượng trong Giáo hội là Bí tích. Bí tích có nghĩa là, không phải con người chúng ta làm điều gì trước, mà chính là Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta trước, theo lối hành động riêng, Người nhìn chúng ta và dẫn chúng ta đến với Người.

Và còn một điều khác biệt nữa: Thiên Chúa chạm đến chúng ta qua những thực tại vật chất, qua những tặng ân của thụ tạo mà Người tạo nên để phục vụ Người, biến chúng thành những khí cụ gặp gỡ giữa chúng ta với Người” (Thánh lễ dầu, bài giảng của Đức thánh cha Bênêdictô XVI, tại Quảng trường thánh Phêrô, thứ năm Tuần thánh, 1/4/2010).

  1. Phụng vụ là cuộc trò chuyện với Thiên Chúa

Phụng vụ là nơi ưu tiên để mỗi người chúng ta bước vào cái “chúng con” của những con cái Chúa để đối thoại với Thiên Chúa. Điều quan trọng là: kinh Lạy Cha chúng con được bắt đầu với những lời “lạy Cha của chúng con”; chỉ khi tôi nhập cuộc vào “chúng con” của cụm từ “của chúng con” này, tôi mới có thể tìm thấy Chúa Cha; chỉ trong chữ “chúng con” này, vốn là chủ ngữ của kinh Lạy Cha, chúng ta mới nghe rõ lời Chúa.

Vì thế, điều xem ra rất quan trọng là: Phụng vụ là nơi ưu tiên cho Lời sống động, hiện diện, nơi thực sự chính Ngôi Lời, vị Thiên Chúa nói với chúng ta và phó mình vào tay chúng ta; nếu chúng ta lắng nghe Chúa trong sự hiệp thông vĩ đại này của Giáo hội trong mọi thời, chúng ta sẽ tìm thấy Người. (Đức thánh cha Bênêđictô XVI gặp gỡ đại chủng sinh, nhân ngày Lễ Đức Mẹ, vào thứ bảy, 17/2/2007)

Nước Trong, FMI chuyển ngữ

Nguồn: https://it.aleteia.org