Chuyên gia cảnh báo, thường xuyên làm hành động này sẽ khiến nhãn cầu sớm biến dạng

Có thể thấy, dù mắt là một cơ quan rất quan trọng nhưng đa số chúng ta vẫn chưa có ý thức bảo vệ chúng...


Các chuyên gia nhãn khoa cho hay, cứ 10 người sẽ có 9 người có thói quen dụi mắt. Dù biết rằng đây chỉ là một hành động tự phát khi mắt gặp các vấn đề như cộm, ngứa, có dị vật trong mắt, mỏi mắt,... nhưng nó vẫn ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Hành động dụi mắt sẽ tác động trực tiếp lên bộ phận này, khiến nhẫn cầu bị chèn ép. Lực tay càng mạnh thì tình trạng chèn ép càng nghiêm trọng, lâu ngày sẽ dẫn tới nguy cơ biến dạng nhãn cầu và nhiều vấn đề về mắt khác.  

Ngoài ra, như chia sẻ của Bác sĩ Weston Tuten - công tác tại Trung tâm sức khỏe gia đình Willoughby Hills (Mỹ) - rằng việc ta dùng tay để dụi mắt có thể khiến móng tay vô tình gãi vào giác mạc gây trầy xước, hoặc đẩy lông mi đâm vào giác mạc. Thậm chí, việc dụi mắt quá mức và quá mạnh cũng có thể làm ảnh hưởng tầm nhìn, rối loạn thị giác.

Đương nhiên là hậu quả của việc dụi mắt chưa dừng lại ở những vấn đề như trên, mà còn là những tác hại không tưởng sau đây.

Những tác hại không tưởng khác của hành động dụi mắt

1. Xước giác mạc

Đôi khi chúng ta đưa tay lên dụi mắt khi không may mắt bị dính bụi bẩn, hoặc sạn, cát,... để nhanh chóng lấy được nó ra, giảm cảm giác đau xót khi có dị vật trong mắt. Tuy nhiên, hành động này có thể khiến mọi chuyện tồi tệ hơn.

Việc đưa tay lên dụi mắt như thế có thể vô tình khiến các dị vật đi sâu vào bên trong các kẽ mắt hơn. Nghiêm trọng hơn là các dị vật cứng như sạn, cát,... sẽ đâm vào bên trong giác mạc gây xước giác mạc, dẫn đến nhiễm trùng và tạo đường để các vi khuẩn, nấm xâm nhập.

2. Làm trầm trọng thêm tình trạng tăng nhãn áp

Tăng nhãn áp thường do sự gia tăng áp lực bên trong mắt gọi là áp lực nội nhãn. Áp lực này có thể làm hỏng dây thần kinh thị giác, dẫn đến suy giảm thị lực và cuối cùng là gây mù loà. Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hành động dụi mắt cũng là một trong những tác nhân khiến cho tình trạng tăng nhãn áp thêm nghiêm trọng. Nguyên nhân là vì dụi mắt sẽ làm gián đoạn lưu thông máu đến mắt, dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị lực và làm mù vĩnh viễn.

Đó là lý do vì sao mà các chuyên gia nhãn khoa luôn khuyên chúng ta tránh hành động dụi mắt, đặc biệt là với những bệnh nhân đang mắc phải căn bệnh tăng nhãn áp.

3. Gây nhiễm trùng mắt

Tay là bộ phận tiếp xúc với tất cả mọi thứ, vì vậy mà nó có chứa rất nhiều vi khuẩn ngay cả khi bạn rửa tay thường xuyên. Dùng tay chạm vào mắt nhiều sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn di chuyển sang mắt và gây viêm kết mạc hoặc đỏ mắt.

4. Đau mắt đỏ, tăng quầng thâm

Tương tự như trường hợp bị nhiễm trùng mắt, hành động dụi mắt còn có thể gây tổn thương tới các mạch máu trong mắt. Cũng chính điều này là nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ và khiến bạn bị suy giảm thị lực về lâu dài.

Ngoài ra, dụi mắt cũng có thể tạo nên các quầng thâm, đó là dấu hiệu của tình trạng viêm do liên tục cọ xát mí mắt. Sự xuất hiện của quầng thâm sau chà xát mắt được gọi là thay đổi sắc tố sau viêm.

Nên làm gì để hạn chế được hành động dụi mắt?

Thông thường, việc dụi mắt xuất phát do mắt gặp tình trạng cộm, ngứa, đau hay nhức mỏi. Do đó, để hạn chế được hành động không tốt này, chúng ta vẫn nên giữ gìn cho đôi mắt luôn cảm thấy thoải mái bằng những cách sau đây.

1. Tập chớp mắt thường xuyên

Hãy tập chớp mắt thường xuyên, điều này sẽ giúp nước mắt được trải đều trên nhãn cầu, giúp tránh tình trạng khô mắt, nhức mỏi hoặc đau mắt.

2. Massage mắt nhẹ nhàng

Mỗi khi cảm thấy mắt nhức mỏi do nhìn quá lâu, bạn hãy thực hiện các bước massage mắt nhẹ nhàng bằng cách di chuyển mắt lên xuống. Bạn cũng có thể dùng khăn ấm đắp lên mắt để giúp thúc đẩy lưu thông máu.

3. Hạn chế việc dùng thiết bị điện tử quá lâu

Nên hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử quá lâu, đồng thời nên tập nhìn xa, hoạt động, chơi thể thao ngoài trời để mắt nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên hơn. Điều này sẽ giúp giảm mỏi mắt, bảo vệ thị lực và cải thiện sức khỏe.

4. Kiểm tra thị lực thường xuyên

Việc kiểm tra thị lực thường xuyên có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ mắt. Nếu thị lực giảm hoặc tán xạ, cũng sẽ được phát hiện và xử lý kịp thời, tránh để lâu dẫn đến nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Mắt là bộ phận cực kỳ quan trọng, vì vậy chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ và chăm sóc chúng. Cần hạn chế các hành động có thể làm tổn thương đến mắt, chẳng hạn như dụi mắt. Bên cạnh đó, nên để cho mắt có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, giảm thiểu thời gian dùng thiết bị điện tử và cần kiểm tra mắt thường xuyên nhằm kịp nhằm nắm rõ tình trạng của mắt.  

Nguồn: https://suckhoegiadinh.com.vn