Ba… Mẹ ơi, chúng ta là một gia đình!

Trên sân trường hôm nay không thấy bóng dáng em chạy nhảy nghịch ngợm như mọi hôm, thay vào đó, tôi lại thấy một em bé rầu rĩ ngồi trên ghế đá cuối góc sân trường. Em chẳng muốn học, chẳng màng đến lời kêu gọi của cô.


“Cô ơi, hôm qua...a…a…Mẹ đuổi ba ra khỏi nhà rồi”! Tiếng em vừa nấc vừa cất lên ngay khi vừa đến lớp. Do đó em không vui, không nhanh nhẹn chào cô như thường ngày em vẫn làm. Hôm nay em buồn! Ánh mắt đượm buồn hiện rõ trên khuôn mặt em. Có lẽ hôm qua em đã chứng kiến cảnh cãi nhau giữa bố mẹ.

Trên sân trường hôm nay không thấy bóng dáng em chạy nhảy nghịch ngợm như mọi hôm, thay vào đó, tôi lại thấy một em bé rầu rĩ ngồi trên ghế đá cuối góc sân trường. Em chẳng muốn học, chẳng màng đến lời kêu gọi của cô. Biết hoàn cảnh của em cũng như tôn trọng sự tự do nội tâm của một trẻ thơ, tôi cho phép em có một chút yên tĩnh cho riêng mình.

Em mới lên bốn tuổi, đã sớm chứng kiến cảnh lục đục của gia đình nên em hiểu rất rõ về người ba không làm tròn trách nhiệm. Em nói: “Ba không chịu mang tiền về nuôi con, không mua sữa cho con là ba không tốt, không thương mẹ và con”. Em cố bộc bạch nỗi lòng với tôi.

Đang mãi đắm chìm trong những câu nói của em, một bé mới tới lớp cũng vội khoe: “Cô ơi, giường khách sạn êm lắm đó cô”. Tôi cười rồi đáp lại: “Chà, sướng nhỉ, nhà con vừa mới đi du lịch về à”… Thấy biểu cảm trên khuôn mặt bé bớt hào hứng, tôi như đoán ra được điều gì đó. Trong lúc đợi em ăn sáng, tôi đến bên hỏi nhỏ: “Ba mẹ mới cãi nhau hả con”. Bé gật đầu với ánh mắt ngấn lệ: “Dạ, ba con cứ hay mắng mẹ với con. Mẹ con làm gì ba cũng mắng hết, hôm qua mẹ với con đi khách sạn ngủ.”

Tôi có duyên khi đến với nghề giáo, lại là cô giáo mầm non, có duyên với các em nhỏ nên các em hay chia sẻ chuyện này chuyện kia. Ai bảo con nít không hiểu chuyện, ai bảo chúng vô tư không biết gì. Tôi chỉ thấy thương các em, cái tuổi lên bốn lên năm đang rất cần sự ấm áp chở che của ba mẹ, mà các em lại phải chứng kiến sự ồn ào của cãi vã giận hờn, hay tệ hơn là nguy cơ đổ vỡ.

Ngồi bên các em tôi thầm nghĩ, yêu nhau, cưới nhau là cả một quá trình dài. Trong quá trình ấy ắt hẳn hai người có đủ thời gian để tìm hiểu về nhau. Ấy vậy mà thực tế hiện nay, nhiều đôi bạn trẻ quá hời hợt, mau mắn trong việc chọn lựa. Trên các trang mạng, cũng như gần đây tôi nhận được một số chia sẻ của các gia đình trẻ mà tôi được biết, họ gặp khó khăn rất nhiều trong đời sống hôn nhân, lấy nhau nhưng chưa mang lấy tâm tư của nhau. Hậu quả là gia đình rạn nứt, đáng buồn hơn là làm mất đi nét đẹp của đời sống hôn nhân và đặc biệt là những trẻ thơ vô tội phải gánh chịu những tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần.

Từ câu chuyện buồn của hai học sinh, tôi thầm ước mong, các ba mẹ hãy luôn nhớ rằng vì yêu mà đến với nhau, nhưng để sống chung với nhau, tình thôi chưa đủ, cần nhất vẫn là sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau. Yêu ai là đặt người đó ngang hàng với mình, là quý chuộng tôn trọng người đó như chính mình. Cả hai cần tin tưởng lẫn nhau, khi niềm tin ấy không còn nữa thì sự tôn trọng cũng sẽ mất đi.

Bất chợt hai bé lay mạnh tay tôi, tôi vội xoa lên đầu các em...

Viết lên những điều này tôi chỉ biết cầu nguyện xin Chúa an ủi, nhìn đến hoàn cảnh của các em. Và xin Chúa cho các gia đình trẻ hôm nay hãy vì nhau và vì con mà chấp nhận những khác biệt của nhau, để con cái được lớn lên trong một bầu khí hạnh phúc yêu thương của tình gia đình. Đến đây, tôi nhớ lại câu ca dao người xưa dạy:

“Đã rằng là nghĩa vợ chồng,

Dầu cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời”.

Thanh tuyển Sài Gòn, FMI