Vì sao không nên đi chân trần?

Khoảng 15 năm trở lại đây, trên thế giới, trào lưu chạy chân trần xuất hiện...


Nghiên cứu cho thấy con người bắt đầu đi xăng đan hoặc giày da đanh cách đây hơn 40.000 năm.

Nhưng khoảng 15 năm trở lại đây, trên thế giới, trào lưu chạy chân trần xuất hiện. Đây là trào lưu không phải tự nhiên mà có. Nó xuất phát từ một phương pháp y học gọi là ''tiếp đất'' cho phép chân tiếp xúc với mặt đất, giúp giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn.

Tiến sĩ Miguel Cunha, bác sĩ chuyên khoa chân ở New York, Mỹ, cho biết đi chân trần trên sàn trải thảm có thể tăng cường lưu thông máu và tăng cường cơ bắp ở bàn chân. Nhưng ông khuyên không nên cởi giày tại phòng tập thể dục, nhà tắm chung hoặc ngoài trời, đặc biệt trong thời gian dài.

Tiến sĩ Jane Pontious, giáo sư lâm sàng tại khoa phẫu thuật bàn chân, ĐH Temple (Mỹ), cho biết một trong những mối lo ngại lớn nhất khi đi chân trần là giẫm phải thứ gì đó gây đau đớn hoặc nguy hiểm. ''Ngay cả khi khỏe mạnh và trẻ trung cũng không nên làm như vậy", Pontious nói.

Những vết cắt nhỏ ở chân có thể khiến vi khuẩn xâm nhập

Bạn không thể nhìn thấy nhưng vi khuẩn, nấm và vi rút lại phổ biến trong phòng tắm, phòng thay đồ, hồ bơi và bất kỳ nơi nào có nhiều nước hoặc hơi ẩm.

Những vi sinh vật này có thể dẫn đến nhiễm trùng làm thay đổi hình dạng và mùi của bàn chân. Nếu có bất kỳ vết nứt nhỏ nào trên da, bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn.

"Khi bạn đi ra ngoài trời, là nơi công cộng, bạn đang đi trên những bề mặt mà hàng trăm người đã đi qua. Bạn không biết mình đang tiếp xúc với cái gì đâu", tiến sĩ Priya Parthasarathy, một bác sĩ chuyên khoa bàn chân, ở Mỹ, nói.

Hầu hết mọi người chỉ phát hiện dấu hiệu không ổn trong vòng vài ngày. "Chúng có thể gây đau đớn" và thường khó điều trị.

Bỏ giày khiến chân không thể tự vệ

Đi chân trần cũng có nguy cơ chấn thương cao. Parthasarathy cho biết, những người cắt cỏ đi chân trần bị trượt chân trong khi cắt cỏ, đây là một trong những chấn thương "tàn khốc nhất" mà các bác sĩ chữa bệnh về chân gặp phải hàng năm.

Một rủi ro khác là bị ngã gây bong gân, trẹo mắt cá chân, nó ít nghiêm trọng, nhưng vẫn gây khó chịu. Nếu đi giày bạn sẽ có lực kéo và được bảo vệ khỏi các khu vực trơn trượt.

Ngoài ra, việc không đi giày trong một khoảng thời gian dài có thể khiến cơ chế sinh học của bàn chân tồi tệ hơn. Về lâu dài, điều này có thể đẩy nhanh quá trình hình thành ngón chân hình búa hoặc dẫn đến các tình trạng như viêm cân gan chân, nẹp ống chân và viêm gân Achilles.

"Vấn đề chính khi đi chân trần là bạn đặt một lực rất lớn lên bàn chân, khiến nó bị xẹp xuống", tiến sĩ Cunha nói.

Khi nào nên đi chân trần?

Với những người khỏe mạnh không bị suy giảm miễn dịch và không có các vấn đề tiềm ẩn về chân, môi trường lý tưởng là một nơi không có mảnh vụn và được làm sạch.

Tuy nhiên, vấn đề là ngay cả trong nhà, chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn về những gì trên sàn nhà.

Pontious khuyên rằng mọi người nên thực hành các thói quen tốt cho sức khỏe của bàn chân, bao gồm kiểm tra hàng ngày để đảm bảo không có vết cắt, vết loét, vết phồng rộp hoặc các thay đổi khác trên da hoặc móng.

Nếu đổ mồ hôi nhiều, hãy mang thêm một đôi tất khi đi làm hoặc hoạt động ngoài trời. Khi hoạt động đổ mồ hôi được nửa chừng, hãy rửa chân bằng khăn lau và một ít phấn thấm mồ hôi, đồng thời thay tất, đi lại giày.

Nhật Minh                   

Nguồn: https://vnexpress.net