Đối thoại để được chữa lành

Đối thoại hiệu quả, thành công cũng góp phần tăng cường và củng cố sự hiệp thông, nối kết hàn gắn những vết “rạn” không đáng có của sự hiểu lầm hay thiếu hiểu biết về nhau. 


“Đừng cầu mong cuộc đời mình không phải trải qua những nghịch cảnh, khó khăn. Nhưng cầu mong cho bạn có thêm nghị lực để đối mặt với những giông tố cuộc đời. Hãy mỉm cười, nhìn lên bầu trời. Cho dù đó là một ngày nắng trong hay một ngày nhiều mây, bạn sẽ không có cơ hội nhìn thấy chính xác bầu trời một lần nữa”. 

Trích “tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”, Rosie Nguyễn.

Đó là những lời trong quyển sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” mà một lần tôi vô tình đọc được rằng, tuổi trẻ là một khoảng thời gian thật đẹp chứa đựng biết bao hoài bão và ước  mơ. Hơn nữa “tuổi trẻ là một thời gian hạnh phúc cho người trẻ và là một ân ban cho Giáo hội và thế giới” (x. CV 135). Người trẻ là tương lai của thế giới và Giáo hội vì người trẻ đầy sức sống, nhạy bén, sáng tạo và đổi mới. Nhưng song song với tinh thần lạc quan yêu đời, phấn khởi hân hoan dệt nhiều ước mơ đẹp, người trẻ cũng đang phải đối diện với những thách đố mới của thời đại. 

Tuy nhiên, “con đường chông gai không kéo dài mãi mãi. Khó khăn giúp làm nên câu chuyện của bạn”. (Trích “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”, Rosie Nguyễn). Điều đó có nghĩa rằng bất kỳ một khó khăn nào xảy đến trong cuộc sống đều mang một giá trị mà Thiên Chúa muốn dạy dỗ họ. Ngang qua những khó khăn người trẻ học cách tìm ra những cách thức để chữa lành những thương tổn. Một trong những phương cách có thể kể đến đó là “ đối thoại”

Khi nói đối thoại, ta dễ dàng nghĩ ngay đến là phải có ít nhất hai đối tượng để hình thành nên, là cách giao tiếp bằng lời nói từ hai người trở lên, dùng ngôn ngữ, lời nói để truyền đạt suy nghĩ, quan điểm của bản thân hay một vấn đề nào đó[1]. Khi đối thoại lắm khi còn dẫn đến hững tranh cãi lớn tiếng thậm chí là giận hờn nhau. Mặt khác, việc đối thoại còn mang đến cho con người một giá trị cao cả của sự chữa lành. Bởi lẽ khi đối thoại chính là lúc mà mỗi bên bộc lộ hết những gì sâu ẩn, những hiểu lầm, những bất đồng quan điểm cho nhau nghe. Và một khi việc đối thoại đạt đến một giá trị nào đó thì hòa khí trở nên tràn ngập, cộng đoàn, chị em trở nên biết lắng nghe và cảm thông hơn. Như thế việc đối thoại mặc lấy chiều kích của sự chữa lành. Cuộc đối thoại đích thực cũng đòi hỏi ta hướng về người khác bằng một tâm trí cởi mở, khoáng đạt, tránh sự dè dặt nào đó nơi bản thân mình. Chính sự dè dặt cản ngăn, không cho người khác người khác tiết lộ cái tôi đích thực của họ. Sự tín thác vào chân lý là điều trọng yếu để lướt thắng nỗi dè dặt này, và để tiến sâu vào các quan hệ giữa người với người[2]. Albert Schweitzer nói: “đôi khi ánh sáng của chúng ta tắt đi nhưng lại bùng cháy lên khi gặp gỡ một người khác”[3], có chăng người khác trở nên động lực thổi bùng ngọn lửa như leo lét trong chúng ta?

Kinh Thánh cho chúng ta nhận ra Chúa Giêsu một con người của sự chữa lành. Thái độ của niềm tin trở thành tiêu chuẩn để được chữa lành. Thiên Chúa là người cha hằng ban cho con người những điều tốt đẹp nhất. Thiên Chúa là người bạn hằng thấu hiểu nỗi thống khổ của con người. “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho con được sạch”. Chúa Giê- su cũng cho chúng ta nhận ra một mẫu gương của việc đối thoại với người phụ nữ Samari bên bờ giếng (x. Ga 4, 1-42). Ngài thực sự dũng cảm tiến bước với những người tội lỗi và cả những người thu thuế. Như thế, Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng cuộc sống của Chúa Giêsu gắn liền với việc lắng nghe và đối thoại trong yêu mến và quý trọng họ.

Tông huấn Christus Vivit nhắn nhủ những người trẻ rằng: Khi Thiên Chúa yêu cầu con điều gì hay thậm chí là để con đối diện với những thách đố trong cuộc đời, đó là lúc Ngài mong con để cho Ngài thúc đẩy con, động viên con, giúp con trưởng thành (x. CV 117). Hơn thế nữa, Ngài sẽ vui mừng bởi những nghi vấn của họ nhưng sẽ là ưu tư nếu họ không mở lòng đối thoại chân thành với Ngài. (x. CV 117).

Mang trong mình những mỏng giòn và giới hạn, con người dễ đi vào lối sống sai lầm nếu không thường xuyên hồi tâm và suy xét lại bản thân. Thêm nữa, mỗi người vẫn có thể rơi vào những cạm bẫy của ma quỷ nếu cứ mãi tự mãn với những suy nghĩ của bản thân mình.  Vì vậy, việc lưu tâm đến những ý kiến khác biệt, lắng nghe đối thoại với người khác sẽ giúp mỗi người thức tỉnh và bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa. 

Và khi mỗi người thực sự lắng nghe nhau, đồng nghĩa với việc đang cùng nhau lắng nghe Chúa Thánh Thần - tinh thần của sự hiệp nhất và sự thật - điều chỉnh lại những gì là khiếm khuyết giới hạn trong phạm vi của mình. Mặt khác nếu mỗi bên đều giữ cho mình những lập trường cố hữu thì thật khó để hiểu được nội tại vấn đề cần giải quyết trong hiện tại. 

Lắm khi chúng ta nghĩ rằng: “mình phải là những nhà thần học thì mới có thể biết cách  xây dựng mối tương quan với Chúa và tha nhân”. Thật là một sự sai lầm. Trước hết và trên hết Thiên Chúa đòi hỏi nơi ta phải có sự tận tâm, lắng nghe, giao tiếp và phản hồi. 

Đôi khi, chúng ta cư xử với Thiên Chúa, Chủ tể sự sống, chẳng khác gì một cuộc trao đổi buôn bán. Nào là nếu Chúa ban cho con cái này cái kia…thì con sẽ…. Chúng ta nhét vào đó vài sự cố gắng nho nhỏ; đọc một lời cầu; đến nhà thờ ngồi lâu giờ hơn; thì thầm vài câu nho nhỏ và mong cho những điều đó được thành hiện thực, mà quên đi giá trị đích thực mà Thiên Chúa dạy. Thật đáng buồn thay Thiên Chúa không chờ đợi điều đó nơi ta.

Dĩ nhiên, Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, Người sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi chúng ta. Như thánh Têrêsa Avila đã nói: “Đức Kitô không áp đặt điều gì lên tâm trí chúng ta. Người chỉ đến và nhận những gì chúng ta muốn trao cho Người. Dẫu vậy, chỉ đến khi chúng ta chịu tuân phục hoàn toàn, Đức Kitô mới trao ban toàn vẹn chính Mình Người cho chúng ta.” Và đó là nơi mọi sự được bắt đầu cùng với sự tuân phục và từ bỏ trong thâm sâu của sự tĩnh lặng nội tâm, trong cầu nguyện.

Vậy đằng sau của những cuộc đối thoại ấy là gì?

Đối thoại hiệu quả, thành công cũng góp phần tăng cường và củng cố sự hiệp thông, nối kết hàn gắn những vết “rạn” không đáng có của sự hiểu lầm hay thiếu hiểu biết về nhau. 

Tóm lại, nghe thôi thì chưa đủ mà phải lắng nghe, hơn thế nữa cần đưa đến những giây phút riêng tư của cuộc gặp gỡ trong thanh vắng cô tịch “lòng kề lòng ta thổ lộ tâm can” (Hs 2,16). Chính nhờ những giây phút linh thiêng trước mặt Chúa sẽ giúp cho mỗi người suy nghĩ và biện phân cho giá trị sống của mình.

Anna Minh Chi (Khấn tạm), FMI


[1] Đối thoại là gì, mục đích và ý nghĩa của đối thoại

[2] Đối thoại là gì? Hình thức, mục đích của đối thoại?

[3] Dr George Kaitholil, SPP. Hiệp thông trong cộng đoàn. Chuyển ngữ G. Nguyễn Văn Chữ, OP. NXB Phương Đông, 2015.