Kiên nhẫn để yêu thương

Sứ mạng Giáo dục vẫn còn đó những thao thức, những bỏ ngỏ đang mời gọi tôi khám phá tình thương và sự kỳ diệu của Thánh ý Chúa xuyên qua những con người tuy bé nhỏ, nhưng cũng thật nhiệm mầu.


Để sống tinh thần ưu tiên phục vụ người nghèo và thao thức cho sứ mạng giáo dục. Chị em trong cộng đoàn Phú Hiệp tiếp tục đón các em bán trú đến ở lại, ăn trưa, nghỉ trưa và sinh hoạt tại cộng đoàn. Phần lớn là các em sắc tộc K’ho, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Năm nay, các em đăng ký và ở lại với số lượng 76. Từ các em lớp 1 đến lớp 5, vì có trường cấp 1 gần cộng đoàn nên các em từ thôn ra đi học, được bố mẹ đăng ký thì ở lại và đầu giờ chiều các em tiếp tục chương trình học ở trường.

Đến với cộng đoàn, các em có nơi chốn sinh hoạt, được vui chơi, ăn trưa, nghỉ trưa, có thời gian học bài và tránh được tình trạng lang thang những trưa nắng, mưa thất thường của thời tiết nơi đây. Và điều này cũng giúp cho bố mẹ của các em yên tâm phần nào về con cái của mình.

Số lượng các em như vậy, cộng với sự khác nhau về độ tuổi, thói quen sinh hoạt của gia đình cũng như đặc tính tự do của các em trong môi trường này, chưa nói đến các em cá biệt, thì việc tập cho các em quen với nề nếp quả là một điều không dễ. Điều này đòi hỏi nơi chị em chúng tôi một sự kiên nhẫn trong việc giáo dục, khi hướng dẫn cho các em từng điều nhân bản nhỏ nhặt, từ việc kỷ luật giờ giấc, hay chỉ vẽ cho các em biết quan tâm đến nhau trong môi trường sống chung cũng là một thách đố. Như vậy, phải mất một tuần đầu, hai chị em mới có thể nói là ổn định các em vào nề nếp. Nhiều lúc, hai chị em cũng cảm thấy khó mà kiên nhẫn và giữ được nét vui tươi luôn trên khuôn mặt với các em đang tuổi chạy nhảy, vô tư mà không thích trật tự như thế này. Nhưng nghĩ đến hoàn cảnh gia đình của các em, tương lai của một thế hệ và sứ mạng vì người nghèo, hai chị em cũng nhủ mình rằng: “Phải kiên nhẫn, kiễn nhẫn và kiên nhẫn”.

Điều này, cho tôi cũng một phần nào hiểu được sự thao thức, trăn trở của các nhà giáo dục, nhất là thao thức của Đấng Sáng lập Dòng khi thấy các em nhỏ không có điều kiện đến các trường học công giáo thời bấy giờ. Và hơn thế nữa, tôi cũng thấy được để đào luyện một ơn gọi trong Hội dòng là một tiến trình cần phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức, sự kiên nhẫn và hy sinh mới có một ơn gọi tốt. Nhưng kiên nhẫn là một chuyện, còn người được giáo dục có hiểu được tình thương, sự hy sinh của người đồng hành, hướng dẫn mình không lại là một chuyện khác. Chính nhận thức khác nhau đó mới làm nên sự khác biệt cho người được giáo dục. Điều này, cũng dễ hiểu khi tôi nhận thấy, trong một môi trường giáo dục điều kiện như nhau, tôi lại thấy có em này, em kia. Có em thì mỗi ngày mỗi triển nở, trưởng thành, còn một số em thì không. Và như thế, tôi cũng nghĩ đến bản thân tôi, là một ơn gọi đang ở trong giai đoạn huấn luyện khởi đầu, tôi có cảm nhận được tình thương và nhận thức đủ rằng điều gì cần thiết cho tôi để tự đào luyện chính mình để trở nên một người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm ngày một hơn.

Trong hơn một tuần làm quen với các em, trong sứ mạng mà tôi đang được trao phó. Tôi cũng có cơ hội được tự huấn luyện mình để sống thái độ kiên nhẫn, khiêm tốn, bình tâm và tự chủ. Tôi biết rằng: kiên nhẫn không chỉ là một đức tính mà còn là một nghệ thuật rất cần trong giáo dục để thu phục lòng người. Để qua cung cách giáo dục của mình, các em có thể cảm nhận được tình thương, chứ không phải sợ hãi. Hơn nữa, trong văn kiện Tổng Tu nghị XXI, cũng mời gọi: chị em thực thi sứ mạng ‘cách riêng, với “Phong cách Maria”, biết dùng “sức mạnh của sự dịu hiền, khiêm tốn, kiên nhẫn, và vận dụng đức bác ái trong chân lý” để đồng hành và hướng dẫn những người được ký thác cho chị em giáo dục’ (số 27, tr. 25).

Đối với tôi, mỗi ngày được tiếp xúc với các em là một niềm vui. Vui vì được thực thi sứ mạng của Hội dòng, vui vì tôi ý thức mình đang góp phần xây dựng cộng đoàn trong chính khả năng giới hạn của mình. Nhưng đó cũng là một thách đố cho tôi ra khỏi bản thân mình để biết thao thức, hiểu và thương các em hơn nữa trong môi trường này. Đây cũng là cơ hội để tôi rèn giũa chính mình để khơi lên trong tim mình sự  ưu tư, sáng tạo, và hơn hết là ước muốn tiếp nối tinh thần của Đấng Sáng lập là một nhà Giáo dục được tình yêu Chúa Kitô thúc bách để yêu mến mọi người.

Để làm được điều này, ắt hẳn tôi phải có một sức mạnh tinh thần từ một đời sống nội tâm sâu xa với Chúa. Một tình yêu đối với Hội dòng, cộng đoàn và cả một trái tim rộng lớn để có thể chấp nhận những điều mới mẻ nơi những tâm hồn trẻ thơ, hồn nhiên nhưng chứa đầy sự phức tạp của những khác biệt.

Và như thế, mỗi chiều trước Thánh Thể, tôi lại âm thầm tạ ơn Chúa vì những gì Chúa đang thực hiện và dùng tôi như khí cụ yêu thương của Ngài. Những giây phút được ở với Chúa, từng khuôn mặt các em hiện lên trong tâm trí, như là động lực thôi thúc tôi tập sự kiên nhẫn, trung tín với bổn phận trong vui tươi và phó thác hơn nữa. Sứ mạng Giáo dục vẫn còn đó những thao thức, những bỏ ngỏ đang mời gọi tôi khám phá tình thương và sự kỳ diệu của Thánh ý Chúa xuyên qua những con người tuy bé nhỏ, nhưng cũng thật nhiệm mầu. Khi đó, tôi nhận ra rằng: “Người có sức mạnh tinh thần không phải là can đảm hơn, tài giỏi hơn hay thông minh hơn - mà chỉ là kiên định hơn. (Nguồn: James Clear)

M. Catarina Nguyễn Thị Tâm (Khấn tạm), FMI