Gánh nặng đôi vai

Tôi phải làm mọi việc bằng tình yêu thương và trách nhiệm, nhất là khi chúng tôi phải vào nhiều vai trong một ngày, vừa là mẹ, vừa là chị, vừa là nữ tỳ khiêm hạ để phục vụ các em.


Bạn hãy dừng lại trong chốc lát và lắng nghe tôi kể chút xíu thôi nhé.

Bạn biết không! Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm được khai sinh năm 1920, không lâu sau đó đến năm 1927 sở Nước ngọt được thành lập, đây là đứa con đầu tiên được sinh ra của Hội dòng.

Giờ đây, chúng ta ngược về lại với dòng lịch sử, vào ngày 3.3.1927 cha Raphael Fasseaux (người Bỉ) xây dựng cơ sở Nước Ngọt như là mô hình hoạ lại ý của Đức Cha Tổ phụ Allys. Trong Cơ sở này thời đó gồm có:

  • Một Bệnh Xá
  • Một nhà Dục Anh nuôi Cô Nhi
  • Một nhà hưu nuôi ông già bà lão
  • Một trường tiểu học
  • Một phòng nữ công gia chánh

Sau đó, do các biến cố thời cuộc, Sở Nước Ngọt sau một thời gian hoạt động, thì phải di tản các em Cô Nhi ra Huế, vào Đà Nẵng, Tam Bình – Thủ Đức…. nay là Cô Nhi Viện Xuân Phương.

Trải qua bao thăng trầm dọc dài theo dòng lịch sử, đến nay thế hệ của tôi thì cộng đoàn Nước Ngọt đã trở thành người Mẹ già nhăn nheo với gần 94 tuổi thọ. Vậy mà, Mẹ tôi vẫn đang mang trên mình gánh nặng đôi vai của những đứa con thơ là Giáo Dục: “Trường Mầm Non Mai Khôi” và “Cơ Sở Bảo trợ Xã hội Nước Ngọt  (các em Khuyết Tật, Nội Trú Mai Linh)”. Tôi thấy lòng mình thổn thức, khắc khoải và thương lắm … người mẹ của mình. Nghĩ tới câu nói: “Làm sao những người được kêu mời sống đời thánh hiến lại không cảm thấy liên can tới điều đó.” (Rượu Mới Bầu Da Mới - số 6, chương1). Vâng, tôi là một nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm thì làm sao tôi lại có thể không liên can gì tới gánh nặng trĩu trên vai mẹ tôi.

Giáo dục các em Mầm non – Khuyết tật -  Nội trú Mai Linh vẫn là một thách đố lớn cho mỗi người trong chị em chúng tôi hôm nay. Bởi có một triết gia đã nói: “Một người thầy bình thường thì chỉ biết trình bày, một người thầy giỏi thì biết giảng giải, một người thầy xuất sắc thì biết chứng minh, và một người thầy vĩ đại thì biết thức tỉnh và khơi dậy niềm đam mê.”

Chúng ta phải chân nhận rằng, thời đại chúng ta đang sống hôm nay hình như người ta vội vàng hơn, tranh thủ hơn, ít khi chú ý để đi theo nhịp độ tự nhiên của vạn vật. Chúng ta ít đi theo những tiến trình bình thường của cuộc sống mà Đấng Tạo Hoá đã ban cho, trong khi mỗi người đều có 24 giờ mỗi ngày, hơn kém 365 ngày mỗi năm. Riêng với bản thân tôi, lắm khi tôi sống một ngày trôi qua đi với đầy ơn Chúa, đầy ý nghĩa của những ân ban trong đời thánh hiến. Nhưng, lắm khi tôi như bị cuốn vào nhịp sống của công việc nên thời gian trôi thật nhanh và sôi động.

Tạ ơn Chúa, nhờ vậy mà tôi thấy cuộc sống nơi đây thông qua Sứ mạng tôi lãnh nhận từ Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đang thức tỉnh bản thân mình. Tôi nhận thấy rõ rệt hai mảng Khuyết tật và Mầm non  giống như “Hai Mảnh Trăng KHUYẾT và TRÒN”. Vậy mà tôi không sao lý giải hết những gì Chúa đang nhắn gởi tôi lúc này. Phút giây này làm tôi nhớ đến câu nói của J.Moltmann một nhà thần học Đức đã nói “Nếu muốn biết Chúa là ai, chúng ta phải quỳ gối dưới chân Thập Giá”. Phải, Chúa Giêsu đã dùng cả cuộc đời để nói cho con người biết Thiên Chúa là ai (Suy tư ơn gọi CĐMVN tr.102). Tôi cũng đang cảm nghe Ngài nói với tôi, muốn biết Chúa nhắn gửi gì, hãy tận tâm phục vụ các em như thể phục vụ Chúa, rồi Ngài sẽ nói cho tôi biết Ngài muốn nói gì với tôi.

Mảnh thứ nhất: Ánh trăng khuyết

Bạn mến, có những việc chúng ta chưa bao giờ làm, có những câu chuyện chưa bao giờ có ai kể, và có những mảnh đời ít ai biết đến đó chính là các em khuyết tật, câm điếc tại Cơ Sở Bảo trợ Xã hội Nước Ngọt – Phú Lộc. Tôi ngẫm nghĩ nhiều về hoàn cảnh của những con người này, để hầu mong tôi biết cất cao lời tạ ơn và xin lỗi về những gì Chúa đang đổ xuống trên cuộc đời tôi. Đồng thời, tôi cầu nguyện nhiều cho những gia đình, những con người đang phải đối diện với hoàn cảnh đáng thương này. Có gia đình thì một, nhưng cũng có gia đình 2 hoặc 3 người con bị khuyết tật. Tôi không biết, họ lấy đâu ra động lực để chu toàn bổn phận làm cha mẹ cho những đứa con xem ra tương lai phía trước là mịt mù, khi họ không phải là người có niềm tin Kitô Giáo như chúng ta.

Tôi nhớ nhân dịp Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân lần thứ 35, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn gửi rằng: “Cha xin lập lại rằng, qua lời cầu nguyện và sự khích lệ của Cha, Cha luôn gần gũi với tất cả anh chị em. Các bác sĩ, lực lượng y tá, các tình nguyện viên và tất cả các Tu Sĩ đang hoạt động trong sứ vụ phục vụ bệnh nhân và những người nghèo túng. Những tổ chức vừa của Giáo hội lẫn dân sự đang hoạt động trong lãnh vực này, cũng như các gia đình đang chăm lo cho các thành viên của mình với trọn tình mến. Cha xin cầu chúc cho tất cả luôn trở nên những dấu chỉ đầy vui mừng về sự hiện diện và Tình Yêu của Thiên Chúa, cũng như luôn biết noi theo chứng tá của rất nhiều những người bạn nam và bạn nữ của Thiên Chúa”.

Tôi thiết nghĩ, cha mẹ nào cũng muốn con cái được sinh ra khỏe mạnh, trưởng thành toàn diện và làm người có ích cho xã hội. Thế  nhưng, trước mắt tôi, hay đâu đó trên thế gian ngày vẫn còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh vì bệnh tật, khiếm khuyết, không phát triển bình thường … Điều này khiến các bậc làm cha làm mẹ phải xót xa. Họ chỉ còn biết dùng tình yêu thương để xoa dịu, bù đắp cho những thiếu hụt của con cái mình.

Việc chăm sóc nuôi dưỡng một trẻ nhỏ đã khó, thì đối với những trẻ bị khuyết tật bẩm sinh lại khó hơn biết bao nhiêu. Đòi hỏi chúng ta sự kiên trì và cố gắng của người chăm sóc, dạy bảo để giúp các em có được những kỹ năng cơ bản để khắc phục khiếm khuyết của mình.

Một chị hiện đang trực tiếp trên các em chia sẻ với tôi rằng: “Với những trẻ khiếm khuyết, thật không dễ dàng trong khâu chăm sóc nuôi dạy. Để làm tốt điều này trước khi dạy các bé, chị phải đến tìm hiểu từng hoàn cảnh gia đình để tìm ra cách dạy tốt nhất cho các bé. Điều quan trọng hơn hết là chị luôn nhắc nhở mình chăm lo cho các bé với tinh thần nữ tỳ của Mẹ Maria Vô Nhiễm. Nghĩa là, một nữ tỳ của Chúa phục vụ trong sự kiên nhẫn và khiêm tốn. Cuộc đời các em vốn đã khiếm khuyết, thì giờ đây chúng ta đừng nhìn các em với một ánh mắt khiếm khuyết do mình tạo ra. Hãy dùng tình thương để giúp các em khỏa lấp đi những mặc cảm, dạy dỗ bằng trái tim của một người mẹ và người chị. Chúng ta hãy trao cho các em một cái nhìn tươi mới hơn cho tương lai phía trước.

Trong các giờ học, để những Mảnh Trăng Khuyết này ngồi yên quả là một thách đố cho người giáo viên, vì hoạt động của các em dường như vô thức. Bên cạnh đó, với những em tăng động, để các em không “nghịch” lại là cả vấn đề nan giải.

Rồi đến cả việc giảng dạy, một học sinh bình thường tiến bộ đã khó, dạy cho học sinh khuyết tật tiến bộ lại càng khó gấp bội phần. Trước hết, phải tiến hành kiểm tra, phân loại tật, kiểm tra nhận thức của từng em để đặt mục tiêu, kế hoạch học tập. Điều này đòi hỏi người giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn. Ngoài giờ học bình thường phải dành thời gian rảnh rỗi kèm thêm cho các em; dành thời gian đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh, bàn bạc, phối hợp với gia đình giúp trẻ có điều kiện học tốt nhất.

Hơn thế nữa, trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục cần phải có tri thức về giáo dục trẻ khuyết tật để nắm bắt tâm sinh lý, hiểu được trẻ. Qua đó xác định và thực hiện những nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả. Chẳng hạn như dạy trẻ câm điếc, không chỉ dạy bằng ký hiệu mà phải vừa bằng ký hiệu, vừa bằng lời nói. Như vậy, trẻ sẽ thuộc khẩu hình, dần dần dễ dàng trong giao tiếp với giáo viên nói riêng và mọi người nói chung. Cần phải tận dụng tối đa phương pháp trực quan cho trẻ dễ tiếp thu bằng cách chuẩn bị vật thật, mô hình, tranh ảnh, phim, bộ lắp ghép...

Tôi tin chắc rằng với loài người thì khó, nhưng “đối với Chúa thì không có gì là không thể được” (Lc1,37). “Với Đấng ban sức mạnh cho chúng ta, chúng ta sẽ làm được hết” (Pl 4,12). Chính Ngài sẽ giúp chúng ta hoàn thành tất cả trong sự tận tâm với Chúa và với các em. Nghĩ đến câu nói của Giám Mục Fulton J. Sheen trong một chuyến bay với cô tiếp viên “Chúa đã lấy đi những gì tốt đẹp nhất của người khác mà cho cô… thì cô hãy…”. Giờ đây, tôi cũng thấy Chúa cũng đã lấy đi những gì tốt đẹp nhất của những em này mà cho tôi, để tôi có đủ một thân thể mà phục vụ sứ mạng Chúa trao phó qua Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Mảnh thứ hai: Ánh Trăng Rằm 

Nhìn về các em Mầm non trường Mai Khôi, thực sự các em như là ánh trăng trong đêm rằm. Các em hội đủ tất cả những gì là tốt đẹp nhất mà Chúa ban tặng cho những kẻ Chúa thương “Cứ để trẻ em đến với Thầy, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng vậy” (Mt 19,14 ).

Là một nữ tu giáo viên Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, tôi mang trong mình bao hoài bão và ước mơ cho các cháu ở độ tuổi mầm non. Giáo viên mầm non là người thầy, người cô đầu tiên và quan trọng của trẻ. Chính vì thế, mọi cử chỉ hành động của cô phải thấm nhuần tinh thần sư phạm của một nhà giáo dục. Khi tôi bước chân vào ngành Sư phạm, ấp ủ trong mình một ước mơ mai này trở thành cô giáo, được dìu dắt, dạy dỗ các em với cái Tâm và cái Tầm. Vẫn biết rằng nghề giáo viên mầm non với biết bao khó khăn, lo toan và áp lực, nhưng với tình yêu người, yêu nghề. Tôi phải làm mọi việc bằng tình yêu thương và trách nhiệm, nhất là khi chúng tôi phải vào nhiều vai trong một ngày, vừa là mẹ, vừa là chị, vừa là nữ tỳ khiêm hạ để phục vụ các em.

Vừa qua, trong dịp báo cáo tổng kết cuối năm tại Sở GD - ĐT Huế, một cô giáo chia sẻ: Tôi năm năm nay đã lớn tuổi, tay chân cứng cáp không còn múa hát được như các giáo viên trẻ ngày hôm nay, tới lớp các cháu gọi tôi là mệ…. nhưng hiện nay, trước tình trạng giáo viên mầm non bỏ nghề đang được báo động mạnh, bởi đây là “nghề khó nhọc độc hại”…. Qua chia sẻ đó của cô, tôi thấy lòng mình trăn trở nhiều cho sứ mạng của Hội dòng, cho chị em tôi. Bởi ở ngoài, họ không thích thì họ bỏ. Còn chị em tôi, làm sao từ bỏ khi khi đây là Sứ mạng của Hội dòng.

Tôi nhận thấy, mỗi người đều có lý do của riêng của mình khi bước chân vào điểm vạch gọi là nghề. Riêng với bản thân tôi, điều dễ nhận thấy dù chúng ta có làm nghề gì đi chăng nữa tất cả cũng phải xuất phát từ lương tâm, từ lòng mến, đặc biệt hơn đối với giáo viên mầm non. Vẫn biết rằng hiện nay giữa những “cơn bão” nghề giáo, thì ngành mầm non đang bị biết bao nhiêu ánh mắt thiếu thiện cảm nhìn về, thiếu niềm tin nơi các phụ huynh khi gửi con em mình tại các trường mầm non. Bởi, đâu đó đã và đang xảy ra những bạo lực mà sâu xa chúng ta không biết được lý do chính là gì. Chúng ta chỉ đứng ngoài cuộc nghe, nhìn và xét đoán. Mà chúng ta ít khi đặt mình vào trong những hoàn cảnh của các cô giáo để cảm thông, chia sẻ với họ. Có lần, một cô giáo phải thốt lên trong lúc quá mệt mỏi trước mặt tôi rằng “Chị biết không, cha mẹ em, chồng con em, em cũng chưa ngày nào có thời gian để chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ như các cháu ở đây. Vì, sáng ra là em đã đến trường, tối về chỉ kịp lo bữa cơm cho gia đình cho xong bữa tối, ngày nào cũng như ngày đó…”. Tôi nghe qua mới thấy được vì sao Sứ mạng của Hội dòng vẫn trung thành với nghề giáo dục các em trong suốt mấy chục năm qua. Có lẽ, người sống đời Thánh hiến dám đi theo con đường chông gai này một cách hiên ngang. dù cho bao giông bão xung quanh mình là vì ngoài việc bận lòng cùng Chúa, thì họ sẽ không phải lo gì hơn ngoài việc phục vụ cho sứ mạng họ đã lãnh nhận.

Quả vậy, Hội dòng chúng ta đã trải qua chặng đường là 104 năm kể từ ngày thành lập. Trong đó, sứ vụ giáo dục được khởi đầu từ chính nơi đây Cộng đoàn Nước Ngọt năm 1927 đến nay gần 94 năm. Tôi muốn cất cao lời tạ ơn Thiên Chúa, cúi mình trước những biết bao kinh nghiệm về giáo dục mà quý chị tiền bối đã dày công tích luỹ lại cho thế hệ chúng em ngày hôm nay.

Ngày nay, dẫu phải đối diện với bao thách đố trong lãnh vực giáo dục, là người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm chúng ta được mời gọi dấn thân hơn nữa và tích cực tìm ra những cách thế thích hợp để thực thi sứ mạng giáo dục của Hội dòng cách năng động thế giới 4.0 này. Theo gương Đấng Sáng lập, chúng ta chấp nhận tiêu hao vì phần rỗi các linh hồn với khát vọng “vẽ vời cho con trẻ biết đàng lên trời”. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi chúng ta nuôi dưỡng đời sống nội tâm và lòng tín thác vào Chúa, vì chính Ngài là Đấng sai chúng ta đi (Lc 1,38). Chúng ta phải nhiệt tâm trong sứ vụ Giáo dục, vì chỉ có cách đó chúng ta mới có thể là một chứng tá sống động loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi, mọi thời (VKHND XX).

Tắt một lời, chúng ta xác tín rằng “qua mọi thời đại, Giáo hội vẫn luôn xác tín rằng Giáo dục là một trong những hoạt động chính yếu của Giáo hội nhằm loan báo Chúa Kitô và Nước Trời” (ĐSTH 96).

Nt. Maria Nguyễn Thị Hải, FMI