Đấng Sáng lập với sứ mạng giáo dục và Dòng CĐMVN kế thừa trong bối cảnh đương đại

Và ngày nay, sứ mạng giáo dục của ngài vẫn được tiếp tục phát huy cách sáng tạo như một vận hội mới của những người con tinh thần FMI giữa lòng xã hội đương đại hôm nay...


Bài chia sẻ của Linh mục Đaminh Phan Hưng trong ngày hội Ban Giám hiệu các trường Mầm non và các nhà nội trú toàn Hội dòng.

1 - Đấng Sáng Lập với Sứ mạng Giáo dục theo cái nhìn và nhận định của con người ngày nay.

2 - Việc thực thi sứ mạng Giáo dục của Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm trong bối cảnh hiện nay

Như vậy thì một cái nhìn tổng quát về quan điểm của nền giáo dục Kitô giáo là điều cần thiết như một định hướng đúng đắn khi muốn đề cập đến lĩnh vực giáo dục theo dòng thời gian lịch sử.

Đồng thời, qua đó, nhận ra nét son quý giá của Đấng sáng lập Eugene M.J. Allys khi ngài có những trực giác đầy thần hứng để kiến thiết một mô hình giáo dục trong bối cảnh xã hội đầu thế kỷ XX, và ngày nay, sứ mạng giáo dục của ngài vẫn được tiếp tục phát huy cách sáng tạo như một vận hội mới của những người con tinh thần FMI giữa lòng xã hội đương đại hôm nay...

Với khung thời gian này, chúng ta giới hạn đề tài trong những đề mục cần thiết được nói tới như sau:

1. Quan điểm về giáo dục đối với Giáo Hội Công giáo.

2. Giáo Hội Việt nam Có Nhiệm Vụ Đối Với Các Nền Giáo Dục

         2.1- Giai đoạn trước năm 1975 

         2.2- Giai đoạn sau năm 1975

3. ĐC Allys, nhà giáo dục với tầm nhìn truyền giáo và nhân vị

         3.1 Thành lập trường Pellerin (Bình Linh)

         3.2 Lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân

         3.3 Lập Dòng Dòng Anh Em Hèn Mọn Trái Tim Chúa Giê-su) (Giáo giảng viên Thánh Tâm) 

4 - Dòng CĐMVN thực thi sứ mạng Giáo dục trong bối cảnh xã hội Việt nam hôm nay.

5 - Vài gợi ý để suy tư về định hướng đán giáo dục Công Giáo cho tương lai - Và ngẫm xem hiện tại với tinh thần canh tân đổi mới

[1]. Nhận định

Trong Chỉ thị 18-CT/TW ngày 10-1-2018, Bộ Chính trị viết: “ Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới… Phát huy giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp và nguồn lực tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước”. Nếu so sánh với các văn kiện của Đảng trước đây chỉ thừa nhận giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo, thì đây là bước tiến mới vì đã coi tôn giáo là nguồn lực phát triển đất nước về lĩnh vực giá trị giáo dục.

Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ đầu năm 2018, điều 55 cho các tôn giáo được tham gia vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo.

Như vậy, nét son của nền giáo dục Kitô giáo, vốn đang được một đất nước "khó tính" như Việt Nam Xã hội chủ nghĩa mà cũng phải thừa nhận, thì phải chăng đây cũng là điều đáng để chúng ta là người cưu mang sứ mạng giáo dục cao cả phải nghiền ngẫm thực thi.
1. Quan điểm về giáo dục
đối với Giáo Hội Công giáo

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao cho Giáo Hội sứ mạng lên đường dạy dỗ muôn dân. Từ đó, giáo dục trở thành sứ mạng gắn liền với sự hiện diện của Giáo Hội giữa lòng thế giới.

Giáo hội Công giáo có nhiều văn kiện hướng dẫn về giáo dục nhưng rõ ràng nhất là Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo (Gravissimum Ecudationis) đã được Công đồng Vatican II thông qua ngày 14-10-1965. Ngay số 1 của Tuyên ngôn đã viết:

Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, do phẩm giá con người, đều có một quyền bất khả nhượng là phải được hưởng một nền giáo dục đáp ứng với sứ mạng riêng, phù hợp với cá tính của từng phái, thích nghi với văn hóa và truyền thống dân tộc, đồng thời mở rộng sự hợp tác với các dân tộc khác, để hỗ trợ công cuộc hợp nhất chân chính và hòa bình trên mặt đất. Vậy nền giáo dục chân chính là việc đào tạo con người, nhằm đạt tới cùng đích của mình cũng như lợi ích đoàn thể mà họ là đoàn viên, và họ sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành(Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, 1)

Tuyên ngôn còn khẳng định: Giáo Hội chính là người Mẹ “săn sóc toàn diện đời sống con người, kể cả đời sống trần thế, trong mức độ liên hệ với lời mời gọi của Thiên Chúa. Vì thế Giáo Hội thông phần vào việc mở mang và phát huy nền giáo dục”. (ibid. lời mở đầu)

Nói cách khác, sứ mạng của Giáo Hội là tạo điều kiện để mọi người đều được hưởng một nền giáo dục Kitô giáo toàn diện (ibid. 2).

Đúng vậy, nền giáo dục Công giáo là nền giáo dục có tính toàn diện, quan tâm đến mọi chiều kích của nhân vị, khác với quan niệm phổ biến ngày nay về giáo dục học đường là cung cấp cho sinh viên, học sinh khả năng và kỹ năng cần thiết để có thể bước vào thị trường lao động và đời sống xã hội. Nghĩa là một tầm nhìn thuần túy kinh tế và xã hội. Dù mục tiêu trên là cần thiết, Giáo Hội cho rằng chưa đủ. Cần cung cấp cho học viên một nền giáo dục toàn diện và đào tạo con người toàn diện:

- Toàn diện xác hồn: Phát triển hài hòa những khả năng thể lý, luân lý và tinh thần, để dần dần có được ý thức trách nhiệm đầy đủ hơn.

- Tính xã hội: Chuẩn bị thích hợp với đời sống xã hội... hội nhập cộng đồng nhân văn, cởi mở khi đối thoại với tha nhân và góp phần thực hiện công ích” (GD, 1).

- Tính độc đáo: Tôn trọng từng con người, thúc đẩy học viên tự ý thức, tự giáo dục.

- Tính siêu việt: Giúp học viên mở rộng lòng trí trước huyền nhiệm của thiên nhiên và thế giới.

Với quan niệm như trên, giáo dục Công giáo đã thành công. Trước hết, có rất nhiều trường nổi tiếng, có truyền thống tới cả ngàn năm được Công giáo tạo dựng ở nhiều nước trên thế giới như trường Bologna, Sorbonne ở Pháp, Cambridge, Oxford ở Anh, Santa Clara, Loyola, Marymourt, Setatle, Boston… ở Hoa Kỳ.

Và như là một chuyện đương nhiên, bên cạnh các tu viện Kitô giáo, bên cạnh các ngôi thánh đường lớn nhỏ, đều có một trường học. Và không lạ gì khi người ta khám phá ra rằng gần như tất cả các nhà văn hóa lớn, những nhà bác học lớn của các thế kỷ trước đây, đều xuất thân từ hoặc dính dáng rất nhiều đến môi trường học đường Công Giáo.

Tại đất nước Việt Nam chúng ta, lịch sử khách quan cho thấy rằng các trường Công Giáo, ngay từ khi xuất hiện, đã góp phần đào tạo rất nhiều nhân tài, những nhà yêu nước và những công dân ưu tú trong nhiều lãnh vực đã và đang đóng góp rất tích cực vào việc xây dựng xã hội Việt Nam.

2 - Giáo Hội Việt Nam Có Nhiệm Vụ Đối Với Các Nền Giáo Dục

Ý thức sứ mệnh loan truyền mầu nhiệm ơn cứu độ, làm cho mọi người nhận biết chân lý và sự thật (2Cr 4,1-6; 1Tm 2,4) và nhận lãnh trách nhiệm thiêng liêng đối với con cái mình từ nơi Chúa Kitô, Giáo Hội VN nhìn nhận mình có nhiệm vụ “thông phần vào việc mở mang và phát huy các nền giáo dục” (TN/GD, lời mở đầu). để góp phần vào việc phát triển toàn diện đời sống con người.

2.1- Giai đoạn trước năm 1975 

Cho đến năm 1975, Giáo hội Công giáo Việt Nam (GHCGVN) tại Miền Nam đã thiết lập và phát triển hệ thống giáo dục Công giáo các cấp. Theo https://vi.wikipedia.org, vào năm 1969, Giáo hội Công giáo ở miền Nam có 226 trường trung học và 1.030 trường tiểu học. Về đại học, Giáo hội Công giáo Giáo hoàng Học viện ở Đà Lạt (thần học), Viện Đại học Đà Lạt, Viện Đại học Minh Đức, Đại học Thành Nhân và Đại học La San ở Sài Gòn. Ở Huế có viện đại học Huế của chính phủ nhưng cha Cao văn Luận là viện trưởng.

2.2- Giai đoạn sau  năm 1975 

Kể từ năm 1975, Nhà Nước quốc hữu hóa các cơ sở giáo dục. Từ đó, GHCGVN, cũng như các tôn giáo khác, bị đặt bên lề việc giáo dục các thế hệ trẻ. Việc độc quyền này là một trong những nguyên nhân làm cho nền giáo dục trong nước ngày càng xuống cấp về nhân bản, chậm tiến về trí tuệ và khoa học.  

Dù bị loại ra khỏi hệ thống giáo dục trường lớp, Giáo hội vẫn dấn thân trong sứ mệnh giáo dục theo cách “hạt giống âm thầm” qua các lưu xá, nhà nội trú được các dòng tu hoặc các giáo xứ tổ chức để giúp đỡ các học sinh và sinh viên nghèo thiếu điều kiện học tập. Sự dấn thân này mở đường cho việc góp phần nhỏ bé và âm thầm cho sự nghiệp giáo dục trên Quê hương, theo tinh thần của Công đồng Vatican II (Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo số 10). Qua cách thức đó, GHCGVN hướng dẫn giới trẻ về đời sống nhân bản và đức tin để trở thành chứng nhân Tin Mừng giữa một xã hội tục hóa và vô thần.

Từ năm 2001, chính sách Nhà Nước cho phép những cá nhân trong nước hay các cá nhân và cơ quan nước ngoài đầu tư trong ngành giáo dục và được mở trường. Tuy nhiên, các tôn giáo, trong đó có Giáo hội Công giáo mới chỉ được mở trường Mầm Non, còn các cấp cao vẫn chưa được chính thức cho phép.

Trước vấn nạn của nền giáo dục Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), qua Thư Mục vụ 2007 về Giáo Dục Kitô Giáo, đã nhận định và kêu gọi: “Ý thức sứ mạng quan trọng đối với tương lai Giáo hội và tiền đồ dân tộc, Giáo hội Việt Nam muốn dấn thân trong sự nghiệp giáo dục... Chúng tôi kêu gọi những người có trách nhiệm giáo dục và mọi Kitô hữu Việt Nam hãy chú trọng hơn nữa đến sứ mạng cao cả này” (số 16).

Sau đó, trong Thư Mục vụ năm 2010, HĐGMVN tuyên bố sẵn sàng và quyết tâm đóng góp vào việc phát triển Đất Nước trong lãnh vực giáo dục, đặc biệt qua việc tái lập Ủy ban Giáo dục Công giáo (UBGDCG). Trong dịp này, HĐGMVN cũng quyết định thành lập Học Viện Thần Học Cao cấp  (ngày 14/09/2015)

Như vậy, cho đến hôm nay, qua các đợt cải tiến, hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn lạc hậu, loanh quanh trên một xa lộ khép kín và loay hoay tìm lối đi.  
Cho dẫu phải đối diện với nhiều giới hạn và khó khăn như thế, Giáo hội Việt Nam vẫn kiên trì tìm cách thực hiện sứ vụ giáo dục vốn gắn liền với sứ vụ Phúc-Âm-hóa đã được Chúa Giêsu trao lại, dù thời thế thuận lợi hay không thuận lợi.

Không chỉ giai đoạn lịch sử này phức tạp, trước đó, đầu thế kỷ XX, trong một bối cảnh khó khăn nhũng nhiễu của thời cuộc, xuất hiện một mẫu gương tuyệt vời của thời đại với một tầm nhìn chiến lược có hệ thống về lĩnh vực giáo dục công giáo, vừa để thi hành sứ mạng tốt hơn, vừa sẵn sàng góp phần tích cực, hiệu quả, giúp ích cho cả xã hội thời bấy giờ lẫn mai sau. Nhân vật trứ danh đó là Linh mục  Eugène Marie Joseph ALLYS (LÝ), một Giám mục thuộc Hội Thừa Sai Paris, một nhà Truyền giáo giàu nhiệt huyết.

3. ĐC Allys, nhà giáo dục với tầm nhìn truyền giáo và nhân vị

Đầu thế kỷ XX, văn hóa Việt Nam chuyển mình sang kỷ nguyên mới, chữ Nôm lùi vào quá khứ nhường chỗ cho chữ Quốc ngữ.

Từ năm 1919, Giáo phận Huế đã có nhiều trường giáo xứ dạy chữ Quốc ngữ, nhưng thiếu giáo viên được đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tế: số trẻ em vùng quê thất học đông đảo, không ai dạy. Một số con nhà khá giả được học trường công, nhưng lại toàn giáo viên vô thần thường bài xích tôn giáo.

Trước hoàn cảnh xã hội Việt nam như thế, Đức Cha Allys được tia sáng gợi hứng của Thần Khí, là phải cấp bách giáo dục văn hóa và đức tin cho lớp trẻ, trước cánh đồng truyền giáo đang lên phơi phới sau khi bão tố cấm cách đã tạm yên.

 Vả lại, quan tâm đến việc giáo dục và coi đó như một phương tiện để thăng tiến đời sống dân chúng và xây dựng Giáo Hội là một trong những đường hướng mục vụ của các vị Thừa sai khi đến với xứ sở Annam. Hơn nữa, trong vai trò chủ chăn tối cao của một Giáo phận, Đức cha Lý càng thêm thao thức và ưu tư về việc giáo dục cho các tín hữu.

Với hoài bão lớn lao như thế, không kể đến những thành quả mục vụ bí tích và điều hành giáo xứ, phải kể đến ba thành tựu nổi bật liên quan đến việc giáo dục còn lưu lại cho hậu thế: là việc hình thành Trường Pellerin Huế (của Dòng La San – 1904), sáng lập Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (1920) và Hội dòng Sư Huynh Giáo Giảng Viên Thánh Tâm Chúa Giêsu (1925).

3.1 Thành lập trường Pellerin (Bình Linh)

Khi trường Quốc học được thành lập năm 1900, Đức Giám Mục Caspar (Lộc), Đại diện Tông Tòa cùng với hàng giáo sĩ nhận thấy cần phải có một ngôi trường Công Giáo để giúp thăng tiến đời sống của người dân, nhất là người nghèo.

Đầu năm 1904, Đức Cha Caspar giao cho cha Allys cộng tác với Dòng Lasan để lập một trường học ở Huế cho người bản xứ cả lương lẫn giáo. Chính vì việc này mà cha Allys đã có dịp vào Sài Gòn để gặp giám tỉnh Dòng Lasan. Lúc đầu định mở ở bên cạnh chủng viện, nhưng vì thấy xa trung tâm, nên cha Allys đề nghị nên chọn thửa đất gần Ga xe lửa sẽ thuận tiện hơn. Bước đầu cũng không phải không có khó khăn. Dù đã được chính quyền đồng ý, nhưng có một vài hộ dân không chịu dời đi. Chính cha Allys đã đến từng hộ dân, nói chuyện, thương thuyết, vận động những người cư trú trên thửa đất đó nên di dời, vì thực chất họ chiếm dụng đất công, và nếu họ chấp nhận di dời thì sẽ được đền bù với giá cao. Đổi lại, cha Allys đã chấp nhận nhượng lại cho nhà nước một thửa đất lớn phía sau nhà thờ Phủ Cam để làm nghĩa trang, ngày nay quen gọi là Ngã Ba Thánh Giá. Từ đó, việc thành lập trường Pellerin mới được diễn ra thuận lợi. Cho đến bây giờ, Tỉnh Dòng Lasan Việt Nam vẫn xem Đức Cha Allys là ân nhân của Dòng trong việc thành lập trường Pellerin.

3.2 Lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân

Không chỉ trong ước mơ, ĐC Allys bắt tay vào việc thực hiện những gì ấp ủ. Trong thư đệ trình Đức Thánh Cha Piô XI, Đức Cha Allys viết: «Tháng 9 năm 1920, con đã tách 6 trinh nữ bản xứ khỏi Hội các phụ nữ có đời sống chung thuộc quyền địa phận và không có lời khấn, quen gọi là chị em «Mến Thánh Giá » hay « Con cái Mẹ Maria » và nhập lại với nhau thành một nhóm với mục đích cùng các thiếu nữ khác, dần dần từ ngoài thế gian được nhập vào. Họ sẽ sống đời tu cách nhiệm nhặt hơn, rồi sau thời gian tương xứng học hỏi về giáo lý, văn hóa các khoa học đời, họ có khả năng mở trường học trong địa phận Huế. Mục đích thứ nhất chính là dạy các thiếu nữ trong các trường, mục đích thứ hai là cô nhi viện, các sở nữ công, bệnh xá » ( Prot. 579/1931).

Như thế, Ngài mở trường sư phạm đào tạo một số nữ giáo viên dạy giáo lý và chữ nghĩa, mà sau này sẽ là nữ tu, ngài gọi là “Trường sư phạm các nữ tu bản xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm” (École Normale des Sœurs Indigènes de Marie Immaculée), hay còn gọi là Trường Sư Phạm Con Đức Mẹ Vô Nhiễm
(Archives des Mep, Compte-rendu 1919-1920), để trong tương lai: “Các nữ tu này một khi đã có bằng cấp, chính họ cũng sẽ đi vào trong các giáo xứ, dạy dỗ và đào tạo đời sống đạo đức cho các trẻ nữ của chúng tôi” (Rapport des Évêques, Huế 1923).

Không những thế, ĐC còn muốn đào tạo các nữ tu có khả năng phục vụ các công việc bác ái xã hội, mở bệnh xá, cô nhi viện, trường nữ công gia chánh. Tất cả đều vì mục đích truyền bá đức tin: " Thiếu trường công giáo, lớp trẻ này hiện đang thoát khỏi tầm tay của chúng tôi và vào các trường công lập. Nơi đó người ta duy trì nghiêm nhặt thái độ không màng đến tôn giáo, chẳng mang lại một sự bảo toàn nào cho đức tin con cái của chúng tôi." (ibid)

Với vị cộng tác đắc lực là cha Chabanon, Bề trên Đại chủng viện lúc bấy giờ, (làm Giám mục năm 1930), ngài nhất định sáng lập một Hội dòng mới có mục đích chuẩn bị giáo viên cho các trường giáo xứ. "Tôi đã xây được một nhà để dạy dỗ và đào tạo các nhà giáo tương lai, và tất cả họ là Nữ Tu" (Compte -Rendu 1919-1920, tr. 9)

Các thiếu nữ gia nhập Dòng đều được đào tạo qua các lớp sơ học, tiểu học trong trường Sư Phạm Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Ngày 08.09.1920, Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, đã trở thành ngày lịch sử khai sinh Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Trước sự phát triển đẹp đẽ của Hội dòng CĐMVN, Đức Cha Allys lòng tràn đầy hy vọng và sung sướng viết thư về cho Hội Thừa Sai Paris : « Ngoài các buổi học, giải trí và các giờ đạo đức thiêng liêng mỗi ngày, các học viên cũng để dành thời giờ để người thì thêu thùa, người thì làm len hay dệt lụa, thầy trò yêu mến nhau tận tình, đến nỗi niềm vui, sự hòa thuận và hoạt động lan khắp Hội dòng làm cho tương lai xem ra có phần chắc chắn, miễn là Chúa Quan Phòng khấng che chở họ » (Archives des MEP, lettre du 8 Août 1923, tr. 3).

Năm 1924: Đức Cha Allys hài lòng với những gì ngài đã gầy dựng:

"Cho đến nay, Đia phận Huế chưa có Hội dòng chị em bản xứ nào khác chuyên dạy thiếu nữ. Vì chị em "Mến Thánh Giá" hay "Con cái Đức Mẹ Maria" như nói ở trên không phải là nữ tu đích thực, họ chỉ sống chung mà không có lời khấn, họ chỉ đọc kinh và làm việc tại nhà, và vì còn kém nên không có khả năng năng dạy học." (Văn thư xin Lập Dòng)

Đang khi chỉ 5 năm sau ngày thành lập Dòng (1924) đã có 22/24 chị thi đậu "Sơ học yếu lược" (Primaire Élémentaire) tại Huế. Năm 1927, một số chị đậu bằng Tốt nghiệp Pháp-Việt (Etudes Franco- indigènes) và có thể mở trường trong Giáo phận. ĐC Allys rất hãnh diện về kết quả này. Ngài khuyến khích chị em tiếp tục đường học vấn để mai ngày có thể đảm nhiệm việc giáo dục thanh thiếu nữ (Archives des MEP, compte rendu 1925 và Bulletin des MEP, Juillet 1925, tr. 437).

Năm 1939, chị M. Candide Phạm thị Thiên là người nữ đầu tiên của Việt Nam đậu bằng "Brevet élémentaire"(Cao đẳng tiểu học) tại Hà nội… và cuối năm này, Dòng có 19 chị tốt nghiệp Primaire Franco Indigène và hầu hết các chị còn lại đều có bằng Sơ Họ Yếu lược (Lược sử tr. 72)

Giai đoạn năm 1945 còn có nhiều chị trí thức như M. Agnès Nguyễn Thị Ngọc dòng dõi danh gia vọng tộc. Chị M. Agnès Ngộ dịch nhiều sách.

Ngài còn mời các nữ tu Dòng Thánh Phaolô đến dạy văn hóa.: " Trường Sư phạm của chị em bản xứ Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đang trên đường thịnh đạt, hai chị Dòng Thánh Phaolô tận tâm lo việc giáo dục các nhà giáo tương lai của chúng tôi lấy làm hoan hỉ về các học trò của mình." *1

Vẫn còn đó những ưu tư về việc giáo dục, năm 1925*2: Đức Cha Allys chia sẻ thao thức của mình như sau"Chính Chúa Quan Phòng đã cho lập nên Đan viện Đức Bà Annam (Phước Sơn), Tu viện các Chị Em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Cộng đoàn Anh Em Hèn Mọn Thánh Tâm Chúa Giêsu. Cộng đoàn này mới chỉ có các thỉnh sinh, nhưng cơ sở khá đầy đủ.

Trong ba cộng đoàn tu trì này, cộng đoàn đầu tiên cốt để giúp các Vùng Truyền giáo bằng lời cầu nguyện, việc hãm mình và thánh hoá mọi phần tử của mình. Hai cộng đoàn khác có mục đích cung cấp cho chúng tôi các giáo giảng viên, các nhà giáo dục nam và nữ. Trong số 24 chị em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đi thi bằng yếu lược, có 22 chị em đã trúng tuyển, hiện nay khoảng 10 chị em đang chuẩn bị thi Bằng Tốt nghiệp Pháp - Việt (Etudes Franco- indigènes).
Tôi cũng mong ước và tin tưởng rằng các Anh Em Hèn Mọn Thánh Tâm trong tương lai cũng sẽ nhanh chóng đạt được những kết quả đó và có khi còn hơn nữa; điều này càng dễ dàng cho họ khi hai trong số họ đã có Bằng Tốt nghiệp Pháp - Việt và nhiều người khác đang theo học trong một thời gian tại trường các Sư Huynh hoặc các trường nhà nước bảo hộ."

Như vậy, đối với ĐC Allys, ngài không chỉ dừng lại ở Annam, mà còn muốn vươn ra cho toàn vùng Đông dương lĩnh vực đào tạo giáo dục cho giới trẻ về giáo lý và văn hóa. Ngài viết: «Hiện thời có vấn đề khác khẩn trương hơn cho tất cả vùng Đông Dương điều mà chúng tôi không thể bỏ qua được, vì lợi ích cứu rổi các linh hồn đó là vấn đề tư thục... »*3

Tuy nhiên, ước mơ muốn mở trường tư thục quả thật không dễ, vì: “Muốn mở trường phải có thầy dạy mà chúng tôi thì thiếu hết mọi sự. Lại nữa, đào tạo giáo viên hao tốn nhiều hơn huấn luyện thầy giảng, vì giáo viên phải hiểu biết nhiều hơn thầy giảng”.*4 Cho nên, năm 1925, Đức cha đã thành lập thêm Dòng Anh em Hèn mọn Trái tim Chúa Giêsu để đảm nhận việc giáo dục đức tin và văn hóa cho giới trẻ trong địa phận, lương cũng như giáo, đặc biệt là nam sinh.

3.3 Lập Dòng Anh em Hèn mọn Trái tim Chúa Giêsu (1925)

Lúc đầu, có lẽ ngài muốn trao phó việc huấn luyện các tu sĩ Dòng mới này cho các sư huynh Dòng Huấn Giáo Ki-tô ở Ploërmel, nhưng vì xa xôi cách trở và thời cuộc, các sư huynh này đã không thể đáp ứng lời mời gọi đó. Thế nên, Đức Cha Lý đã trao trách nhiệm cho cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn, sau này làm Giám mục Đại Diện Tông Toà Bùi Chu ở Bắc Kỳ, để lo việc coi sóc và dạy dỗ cho các giáo giảng viên này. Kể từ ngày đó, Dòng Anh Em Hèn Mọn Trái Tim Chúa Giê-su vươn mình phát triển, cùng với bao thăng trầm của lịch sử, và trở thành Dòng Thánh Tâm Huế ngày nay.

Theo ĐC Allys: "Nếu sự trở lại của lương dân không tiến triển một cách tỏ tường hơn, phần lớn chính vì thiếu nhân sự dạy dỗ. Để chữa trị tình trạng này, chúng tôi lo thiết lập một tu hội gồm những Giáo Giảng Viên đạo đức và có học vấn, để rồi với bằng cấp họ có được, họ sẽ có thể điều hành các trường giáo xứ, dưới sự chăm sóc và hướng dẫn của hàng giáo sĩ. Để thực hiện công trình này, chúng tôi hy vọng Chúa Quan Phòng sẽ giúp chúng tôi, như đã giúp cho việc thiết lập Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm giờ đây đã được bảo đm(Năm 1923*4)

Với tầm nhìn bao quát và lòng chạnh thương của người mục tử, Đức Cha Allys khám phá ra nhu cầu khẩn thiết cần được đáp ứng gia đoạn này là lớp trẻ cần được giáo dục trong đức tin và thăng tiến về văn hóa. Và thế là Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm ra đời năm 1920 để chuyên lo giáo dục các thanh thiếu nữ, và 5 năm sau1925, ngài lập Dòng Thánh Tâm nhằm giáo dục các nam sinh.

Ngài cũng thiết lập Đan viện Cát-minh tại Huế để đảm bảo rằng sứ vụ truyền giáo của ngài luôn có người cầu thay nguyện giúp. Ngài cũng trợ giúp hai linh mục khác để thành lập Đan viện Xi-tô Phước Sơn. Ngài cũng dọn đường cho việc thành lập Trường La Provincence, ngôi trường mà khi được khánh thành, sẽ trở thành trường cao đẳng đệ nhị duy nhất tại xứ Đông Dương.

Khi nói về điều này, ĐC cho thấy tầm nhìn tiên tri của mình. Ngài viết: "Năm 1926*5: Giả như ít nữa các linh mục coi sóc các xứ đạo hiện đang bề bộn công việc và đang lao tâm, lao lực, có được những giáo giảng viên trợ lực, nhưng than ôi, số nhân sự cần thiết nầy đang bị thiếu hụt! Để cứu vãn phần nào và tuỳ hoàn cảnh cũng như tài lực cho phép, một số linh mục thuê tạm những người giáo hữu để dạy kinh cho các dự tòng, còn việc giáo dục đào tạo vẫn luôn là phần của cha sở. Trong vài năm nữa, liệu Miền Truyền Giáo có cung cấp được cho tất cả các linh mục có nhu cầu các giáo giảng viên và các nhà giáo đạo đức hay chăng? Có thể hy vọng điều đó, miễn là Chúa Quan Phòng là Đấng đã cho lập nên các trường sư phạm của các Anh Em Hèn Mọn Thánh Tâm Chúa Giêsu và Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, cung cấp gì đó để duy trì họ về mọi mặt. Trong lúc chờ đợi, tất cả các linh mục chúng tôi sẽ phải làm việc cật lực với những phương tiện ít ỏi do sức riêng của họ tìm kiếm được."

Ngài cũng lo lắng khi thấy công việc gặp nhiều khó khăn thử thách:

"Xin Chúa Quan Phòng khấng ban cho chúng tôi những phương tiện thực tiển để tăng thêm số trường tiểu học của chúng tôi, hiện chỉ mới có 4 trường, và để thiết lập nhanh nhất có thể, một tại Tam Toà, họ đạo rất phồn thịnh ở gần Đồng Hới, tỉnh lỵ của Quảng Bình, một ở Thạch Hãn, trong thành phố Quảng Trị và một trường thứ ba ở Phủ Cam đang có nhu cầu khẩn thiết.

Các trường này sẽ nhận vào học không chỉ các trẻ em có đạo mà thôi, nhưng cả các trẻ trong các gia đình lương dân, vì họ không xin gì hơn là trao phó con cái họ cho chúng tôi. Việc điều hành các trường này sẽ được giao cho các Anh Em Hèn Mọn Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Trường An, gần Huế. Về phần các trường dạy các em nữ sẽ được trao phó cho các Chị Em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân, cũng ở gần Huế. Tất cả các cơ sở này đòi hỏi nhiều phí tổn, nhưng chúng tôi tin vào Chúa Quan Phòng."(* Năm 1928*6).

4 - Dòng CĐMVN thực thi sứ mạng Giáo dục trong bối cảnh xã hội Việt nam hôm nay.

4.1 Những cột mốc thời gian:

-Từ năm 1927, sau những ngày âm thầm dâng hiến, củng cố đời sống nội tâm, hun đúc khí lực và trau dồi kiến thức, đã đến ngày chị em được tình yêu Chúa Kitô thúc bách lên đường, hướng về những lớp người bình dân nghèo khổ, đem Tin Mừng cứu rỗi đến cho họ và thực hiện nguyện vọng truyền giáo  của Đấng Sáng lập.

Không kể trường sơ cấp tại Phú Xuân và cơ sở Phước Môn do Cụ Nguyễn Hữu Bài để lại gồm có trường học, cô nhi viện, nhà thêu may, tháng 3 năm 1927, chị em Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đã ra đi nhận cơ sở tông đồ đầu tiên của Hội dòng mới thiết lập tại Nước Ngọt cách Huế 48 cây số về phía nam. Bước đường thừa sai đang mở ra trước mắt chị em: như Maria, chị em hăng hái lên đường đem Tin Mừng Tình Yêu cho mọi người. Chính ĐC đã xây cất cơ sở, thành lập bệnh xá, viện cô nhi, viện dưỡng lão, nhà dạy nữ công gia chánh và trường Tiểu học. Có thể nói, đó là cơ sở tông đồ tiêu biểu đầu tiên của Hội dòng diễn tả một cách đầy đủ sứ mạng của Hội dòng theo ý hướng Đấng Sáng lập Dòng.

- Năm 1976, tái lập các cộng đoàn ở Huế đã đóng cửa trong thời gian chiến tranh. Sau một thời gian các cộng đoàn lần lượt mở lớp mẫu giáo, chị em trở lại với nghề nhà giáo vì thao thức với sứ mạng giáo dục. Phòng Khám Từ Thiện bắt đầu hoạt động năm 1992, khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo không phân biệt tôn giáo.

Hội Nghị Dòng 2001 đã gây ý thức cao độ tinh thần loan báo Tin Mừng trong mọi lãnh vực đặc biệt qua giáo dục, y tế xã hội trong 3 môi trường: nông thôn, thành phố, vùng cao vùng sâu. Sứ mạng loan báo Tin Mừng Tình Yêu qua việc thương giúp người ta phần hồn phần xác, đặc biệt sứ mạng giáo dục giới trẻ trong tinh thần Kitô giáo (LTK I, 2; Ls 92).

- Cho đến nay: các hoạt động tại Việt Nam.

+ Giáo dục giới trẻ về đức tin và văn hóa.

+ Cộng tác trong công tác mục vụ giáo xứ: dạy giáo lý, hoạt động giới trẻ, nhóm suy niệm, thăm viếng gia đình…

+ Cư xá bán trú, nội trú học sinh,

+Trường Mầm Non

+Giúp học bổng cho học sinh và sinh viên…

+Công tác bác ái xã hội.

+Các cơ sở bảo trợ xã hội trẻ mồ côi, khuyết tật, khiếm thính, cơ sở bán trú tình thương.

+Phục vụ các anh chị em có hoàn cảnh khó khăn, các anh chị em bệnh phong, các anh chị em sắc tộc vùng cao vùng sâu.

+Đào tạo nghề cho thanh nữ: may, vi tính.

+Phòng khám từ thiện tây y, đông y.

+Chăm sóc tư vấn trẻ mồ côi, trẻ em và người lớn có HIV tại cộng đồng hợp tác với các tôn giáo bạn.

+Bảo vệ sự sống thai nhi.

50 cộng đoàn đang hiện diện và phục vụ tại 11 giáo phận ở Việt Nam và 2 giáo phận tại Hoa Kỳ tiếp tục đọc các dấu chỉ thời đại với cặp mắt đức tin để cống hiến sứ mạng giáo dục cho đời: "không ngừng ưu tư và tìm cách sống sứ vụ giáo dục cách năng động hơn: đó là làm công tác giáo dục với niềm say mê và qua đó, thực thi hoài bão truyền giáo là dành ưu tiên chọn lựa người nghèo nhất qua sự giúp đỡ hay cách phục vụ của mình, giáo dục toàn diện “dạy dỗ con trẻ toàn vẹn hồn xác” (LTK XIII).

4.2 Sứ mạng giáo dục của FMI trước những quan ngại về nền giáo dục hiện tại

4.2.1 Trước hết phải kể đến những lệch lạc trong quan niệm về giáo dục. Do ảnh hưởng của não trạng duy kinh tế, nền giáo dục gia đình đang bị khủng hoảng. Vì phải chạy theo công ăn việc làm, người ta không còn dành thì giờ cho các cuộc sum họp đầm ấm gia đình, những bữa ăn đông đủ càng lúc càng hiếm hoi. Tương quan vợ chồng, cha mẹ, con cái vì thế mà mỗi lúc một lỏng lẻo suy yếu. Hậu quả là môi trường gia đình, vốn được mệnh danh là “mái ấm giáo dục tại gia", không còn nồng nàn tình cảm như xưa.

 4.2.2 Chủ nghĩa khoa bảng cũng đang gây ra nguy cơ đưa gia đình vào thái độ háo danh. Bậc phụ huynh và ngay cả con cái, muốn có bằng cấp chủ yếu là để được nở mày nở mặt, để có công ăn việc làm tốt, mà quên đi rằng mục đích cao đẹp nhất của giáo dục là “ngày nay học tập ngày mai giúp đời”.

4.2.3 Ðiều cũng đáng quan ngại là bất cập trong phương cách giáo dục. Hình như người ta chỉ quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế mà coi nhẹ chiều kích phẩm cách làm người. Học sinh đến trường nghĩ đến đối phó với thi cử nhiều hơn là học làm người. Nhà trường quan tâm đến chỉ tiêu và kỳ tích nhiều hơn là đến sứ vụ xây dựng thực lực cho học sinh.

4.2.4 Chủ nghĩa giáo điều trong giảng dạy vẫn còn là một hiện tượng khá phổ biến. Thầy cô thường dạy cho học sinh cách sao chép nguyên mẫu kiến thức, ấn định những bài văn mẫu, làm bài theo đáp án mẫu nhiều hơn là huấn luyện họ biết sáng tạo, tìm tòi bằng chính nỗ lực riêng của mình.

4.2.5 Mặt trái của phương tiện truyền thông cũng là một trong những yếu tố tác hại giáo dục. Tuy góp phần thắp lên nhiều điểm sáng về những giá trị nhân bản, truyền thông cũng tạo cơ hội cho nhiều lạm dụng đáng tiếc. Vì thiếu ý thức, người sử dụng - phần lớn là giới trẻ - thay vì thận trọng gạn lọc để tiếp thu tinh hoa, lại sa vào cạm bẫy của những loại hình văn hóa phi đạo đức.

4.3  Ánh sáng soi đường: Những Nguyên Tắc Căn Bản Về Giáo Dục Của Giáo Hội Công Giáo

Trong “Tuyên Ngôn Về Giáo Dục” (Gravissimum Educationis), Thánh Công Đồng đưa ra những nguyên tắc căn bản về giáo dục Kitô giáo, nhất là giáo dục học đường như sau:          

1. Giáo dục Công giáo có mục đích hướng dẫn con người đạt đến sự thiện về các phương diện nhân bản và đạo đức, để cộng tác vào công việc thánh hoá trần gian.

2. Giáo hội sẵn sàng cộng tác với toàn thể các dân tộc trong lãnh vực giáo dục, biết rằng mọi người hết thảy đều có quyền được giáo huấn.

3. Giáo hội sử dụng tất cả mọi phương tiện giáo dục, chẳng hạn như các cơ quan thông tin, tuyên truyền, các hội đoàn thanh thiếu niên, các tổ chức hoạt động xã hội…

4. Học đường giữ một địa vị quan trọng trong các phương sách giáo dục. Học đường có phận sự cộng tác với phụ huynh trong việc giáo dục con em. Và phụ huynh có quyền tự do tuyển chọn trường học cho con cái và chính quyền trong xã hội phải trợ giúp vào việc thi hành quyền lợi tự do ấy.

5. Kitô hữu có trách nhiệm cộng tác với công dân xã hội trong lãnh vực giáo dục.

6. Giáo dục luân lý và giáo lý là một phận sự rất trọng yếu của Giáo Hội. Các bậc phụ huynh có phận sự trọng yếu bảo đảm cho con cái được học hỏi giáo lý và nhân bản. Công Đồng long trọng công bố điều này và hoan nghênh các chính quyền và xã hội dân sự đã trợ giúp các gia đình làm tròn bổn phận của họ.

7. Giáo hội có quyền thành lập các trường Công Giáo là những trung tâm huấn luyện nhân bản và thiêng liêng và huấn luyện đời sống Tông truyền, đó là những việc tông đồ xác thực. Các bậc phụ huynh có đủ phương tiện đều có phận sự gửi con đến học các trường Công Giáo.

8. Giáo hội quan tâm riêng đến các trường tiểu học và trung học, và trong hoàn cảnh hiện tại, đến các trường hướng nghiệp và kỹ thuật, cũng như các việc giáo dục trẻ em khuyết tật và chậm tiến.

9. Giáo hội cũng quan tâm riêng đến các trường đại học là nơi biểu hiện sự hòa hợp giữa đức tin và khoa học. Giáo hội khuyến dụ sự quý trọng về phẩm hơn là về lượng. Đại học cần phải mở rộng cửa đón nhận tất cả những ai có đủ khả năng theo học, nhất là nơi các tân quốc gia.

10. Các đại học Công Giáo có phận sự phát triển các khoa thần học, để tăng cường sự hiểu biết các kiến thức mặc khải.

Giáo hội tri ân những ai đang cộng tác vào việc giáo dục và dạy học, khuyến khích họ bền đỗ trong sứ mạng, bảo đảm sự hiện diện của Giáo hội trong thế giới tri thức ngày nay.

4.4 Lối mở tương lai

Gần đây Nhà nước cho phép một vài nơi mở trường cao đẳng, trung cấp nghề. Các tôn giáo mở trường đào tạo chức sắc tôn giáo, mở Học viện Công giáo... Tại Đồng Nai, có trường Cao đẳng nghề Hòa Bình, Xuân Lộc, liên thông Đại học, liên kết trường Đại học Sai gòn mở khoa Sư phạm. Dòng Salésien Don Bosco mở 4 trường Trung cấp nghề tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Hà Tĩnh và nhiều lớp dạy nghề tại các tu viện;

Nhiều giáo xứ, dòng tu mở ký túc xá, lưu xá giúp hàng nghìn chỗ trọ cho học sinh, sinh viên với giá rẻ phù hợp, lại còn phụ đạo cho học sinh về kiến thức văn hóa ngoài giờ học chính khóa tại trường; các em không chỉ có điều kiện ăn học thuận lợi mà còn được bồi dưỡng về đời sống tinh thần, về phẩm chất.
Như thế, cho dẫu phải đối diện với nhiều giới hạn và khó khăn, Giáo hội Việt Nam vẫn kiên trì tìm cách thực hiện sứ vụ giáo dục vốn gắn liền với sứ vụ Phúc-Âm-hóa đã được Chúa Giêsu trao lại. Do đó, những chỉ dẫn của Giáo hội về giáo dục vẫn rất cần thiết cho chúng ta, để thi hành sứ vụ tốt hơn và sẵn sàng góp phần tích cực, hiệu quả hơn nữa khi cánh cửa giáo dục học đường mở rộng hơn cho Giáo hội”. (Tập san HiệpThông / HĐGM VN, số 87 (tháng 3 & 4 năm 2015).

5 - Vài gợi ý để suy tư về định hướng đán giáo dục Công Giáo cho tương lai - Và Ngẫm xem hiện tại với tinh thần canh tân đổi mới.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Thư Chung đề ngày 12/10/2007 đã nói một cách mạnh mẽ rằng: "Giáo dục Kitô giáo là công trình học và sống làm con người và làm con Chúa. Đây là trách nhiệm của mọi Kitô hữu mọi nơi mọi thời. Thế hệ trước có trách nhiệm chuyển giao đức tin cho thế hệ sau. Thế hệ sau tiếp nhận, củng cố và bàn giao cho thế hệ hậu sinh. Lịch sử là một cuộc hành trình qua đó Kitô hữu chia sẻ đức tin cho nhau dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.

Giáo dục Kitô giáo còn là một sứ mạng cấp bách. Sự thay đổi choáng ngợp của nền văn minh thời đại không cho phép chúng ta chần chừ trì hoãn, nếu không muốn bị đẩy vào nguy cơ tụt hậu. Hơn bao giờ hết phương châm mà chúng ta phải nêu cao là : “Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo Hội ngày mai.”

Dựa theo ý hướng trên, chúng ta có những định hướng như sau :

(1) Phải để cho tất cả các trẻ em đều được đến trường ở bậc phổ thông, các Trường Công Giáo phải có chính sách ưu tiên cho trẻ em nghèo và thầy cô giáo dạy học trong tinh thần vô vụ lợi: "Anh em đã nhận nhưng không thì cũng phải cho nhưng không." (Mt 10, 8b)

(2) Áp dụng những phương pháp sư phạm hiện đại, giáo dục trẻ theo phương pháp giáo dục chủ động, giáo viên cần thường xuyên trau dồi các kỹ năng dạy học để tránh hiện tượng xơ cứng và khép kín theo khuôn mẫu sư phạm lỗi thời không còn thích hợp với tuổi trẻ hôm nay. Hội đồng nhà trường quyết tâm nâng cao hiệu năng của nhà trường bằng việc khuyến khích những sáng kiến táo bạo và năng động của thầy cô giáo.

(3) Dạy học hướng về học sinh trong sự tôn trọng nhân phẩm và thăng tiến phẩm giá con người, trường Công Giáo phải xây dựng được một bầu khí tin tưởng và huynh đệ. Trường học phải là một cộng đoàn giáo dục trong đó quan tâm đến việc rèn luyện nhân cách của học sinh, quan tâm đến nguồn gốc gia đình và xã hội, đến năng khiếu đặc biệt và đến sự tiến triển của từng học sinh. Học sinh được đối xử như một nhân vị và được lớn lên trong tinh thần liên đới, hiệp thông.

(4) Giáo dục hướng đến thực hành để chuẩn bị cho học sinh đi vào cuộc sống, trong giảng dạy và các sinh hoạt ngoại khoá làm sao để chuẩn bị cho học sinh thích nghi được với cuộc sống khi chúng ra trường, trong đó cũng phải nghĩ đến việc chuẩn bị cho giới trẻ nghèo và những trẻ bị bỏ rơi có thể hội nhập được với cuộc sống, không tái tạo lại phiên bản nghèo nàn của chúng trước khi đến với Trường Công Giáo.

(5) Trường học Công Giáo phải được tổ chức như là một phương tiện minh nhiên để loan báo Tin Mừng, các dấu hiệu bề ngoài để nhắc nhớ một thực tại đức tin như tượng ảnh, châm ngôn Tin Mừng... cần được thiết đặt trong các lớp học, những nơi hoặc phòng ốc sinh hoạt tập thể. Trường Công Giáo là nơi tác vụ Lời Chúa có thể được thực thi theo như phương cách của Giáo Hội là giáo dục tôn giáo, giảng dạy giáo lý, giảng giải Lời Chúa[36].

(6) Nhà trường không đơn độc giải quyết toàn bộ các vấn đề giáo dục đối với người trẻ, việc giáo dục cần một sự phối hợp, cùng chung và liên kết giữa các thành phần trong hội đồng giáo dục của nhà trường, giữa nhà trường - phụ huynh – Giáo Hội địa phương và xã hội. Sự duy trì sự cộng tác giữa các giáo viên và phụ huynh là vấn đề trọng tâm và nền tảng cho các trường Công Giáo, vì một sự hợp tác giữa các gia đình và các cơ sở giáo dục là cùng nhau chia sẻ các trách nhiệm mà gia đình[37], làm phong phú sự hiểu biết lẫn nhau trong nỗ lực giáo dục trong ơn gọi của các thầy cô và phụ huynh với tư cách là sứ giả Tin Mừng. Giáo Hội đề cao vai trò nhân chứng về sự cộng tác giữa các thành phần trong cộng đồng giáo dục, mỗi người theo vai trò của mình, cộng tác vào tiến trình giáo dục trong sự tự do và tình yêu theo tinh thần Tin Mừng.

Giáo hội đòi buộc nhà trường phải có trách nhiệm giúp cho các gia đình ý thức hơn về vai trò của họ qua các sáng kiến riêng về những buổi họp, những chương trình khác để thiết lập một sự hợp tác mật thiết với nhà trường. Tránh mọi căng thẳng hay xa lánh nhau giữa nhà trường và gia đình.

Giáo hội cũng lưu ý đến sự cần thiết của lòng tin tưởng lẫn nhau và sự cộng tác qua lại giữa các trường Công Giáo với các lãnh đạo Giáo hội địa phương, đề phòng sự tách rời khỏi Giáo hội địa phương thường sẽ rất bất lợi cho sức sống và hiệu quả của nhà trường[38]

Kết

Năm 1929: ĐC Allys viết: "Về mặt giáo dục đào tạo lớp trẻ, nhiều cố gắng cần phải làm để thử nghiệm. Ngoài một trường do các Sư Huynh Các Trường Công Giáo nắm giữ, và một trường khác, do các Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô điều hành, Miền Truyền Giáo mới chỉ có các trường giáo xứ để dạy chủ yếu các kinh nguyện và giáo lý. Chúng tôi chưa có các trường tiểu học đúng nghĩa. Thực sự trước đây đã lâu các Anh Em Hèn Mọn Thánh Tâm, và các Chị Em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm có thể vào cuộc để mở các trường , bởi vì các chị em này và nhất là các anh em kia đã được lập nên thành các dòng tu để điều khiển các trường học-

Nhưng trong lúc chờ đợi các anh em và chị em này được huấn luyện đầy đủ và đạt được học vấn chính quyền đòi hỏi, các trẻ nữ và nhất là các trẻ nam của chúng tôi theo học các trường công lập, nơi đó chẳng bao giờ người ta nói đến tôn giáo, hoặc có nói thì nói về tôn giáo của lương dân, chứ chẳng bao giờ nói đến Kitô-giáo."

 

Gợi ý suy tư.

1 - Đâu là điểm nhấn nổi bật trong sứ mạng giáo dục của ĐC M.J Allys?

2 - Để biến ước mơ thành hiện thực, biến thao thức ưu tư thành hành động, ĐC Allys đã làm gì?

3 - Đâu là những định hướng giáo dục mà chúng ta ngày nay cần quan tâm để vượt qua những trở ngại, những tiêu cực trong nền giáo dục quốc gia Việt nam?

4 - Hiện giờ, trong lĩnh vực giáo dục của dòng CĐMVN, cần canh tân điều gì, và phát huy điều gì?

Lm. Đaminh Phan Hưng


*1-6  (Trích dịch từ nguyên bản Pháp ngữ “Các Báo Cáo Thường Niên Của Các Vị Giám Mục Giáo Phận Huế gởi Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris từ 1872 đến 1940 do Lê Thiện Sĩ sưu tập)

- Số 36.37.38 "Viễn cảnh gia đình trong Giáo Hội và xã hội "(Ad Hoc Committee on Marriage and Family Life). William Edward Mann, The Lasallian School, Bản dịch SH. Gregoire Nguyễn Văn Tân (4.2006), Trường La San, chương VII, Tủ Sách La San, Sài Gòn.)