Chị em Dòng CĐMVN sống sứ mạng Giáo dục qua dòng thời gian

Chị em Dòng CĐMVN, qua việc giáo dục, tin rằng mình đang cộng tác với Thiên Chúa và công trình tạo dựng và cứu độ của Người, nhằm tôn vinh Thiên Chúa hơn và nhằm phần rỗi các linh hồn, theo như ý định ban đầu của Đấng Sáng lập.


Bài chia sẻ của Chị M. Ter Phạm Thị Bích Thuỷ, FMI trong ngày hội Ban Giám hiệu các trường Mầm non và các nhà nội trú toàn Hội dòng.

Để bắt đầu, em kể vài câu chuyện về các chị của mình sống vai trò giáo dục:

Chuyện 1. Chị Ephrem Nguyễn Thị Oanh: ở Hà Úc, hạt Phú Hải, có rất đông con nít. Chị Ephrem Oanh sáng kiến: hẹn từng nhóm trẻ khoảng 30 em mỗi ngày đến với cộng đoàn vào buổi sáng. Chị chia cho các em đi hái rau heo, bẻ củi để thổi, quét nhà, chêm củi để nấu rượu,…Nếu người của chính quyền đến “bất ngờ” thì coi như các em đang giúp các chị làm việc vặt vãnh trong nhà. Chị Oanh ngồi ở vị trí “kín đáo”, ra bài tập viết chữ và toán vào vở cho các em; hoặc tập cho các em đánh vần tập đọc theo cuốn sách vần Cây đèn. Sau đó, các em “giấu kín” vở trong áo chạy về nhà. Rồi tiếp tục đến phiên nhóm khác. Cứ mỗi ngày đều đặn như thế. Những hôm trời mưa, các em không có áo mưa, không nón mũ, đến lớp thì ướt từ người đến tập vở. Chị bảo các em đến ngổi gần bếp lửa hơ cho khô đã…Nhờ vậy, mà vào năm 1992, khi cha sở Hà Úc xin chính quyền xã cho mở lớp phổ cập tại trường Giáo xứ thì đã có được hơn 200 em biết đọc, biết viết, biết làm phép tính để bước vào cấp I. [1]

Chuyện 2. Chị Génovefa Nguyễn Thị Liên Đễ và chị Khẩn, chị Chỉ. Khoảng từ năm 1975 cho đến 1978, chị Đễ và hai chị đi dạy cho trường nhà nước tại Việt Hương. Trước 1975, trường Việt Hương là trường tiểu học lớn, gồm 17 lớp. Trường này là thuộc các cha Dòng Chúa Cứu Thế, do Dòng CĐMVN đảm nhận dạy học. Năm 1975, nhà nước tiếp quản trường. Ngày khai giảng, không có một bóng dáng sơ nào trong trường, các phụ huynh và con em đứng ngoài đường Nguyễn Huệ không chịu vô trường. Họ nói với cô hiệu trưởng: từ năm 1953 biết bao thế hệ con em chúng tôi được các sơ đào tạo. Nay, chúng tôi không vô trường bao lâu không có các sơ. Thế là Phòng giáo dục phải đến năn nỉ các chị CĐMVN đến dạy ở trường.

Hè đến, các chị cùng với các giáo viên khác đi dạy “xóa mù chữ” cho anh em dân tộc ở Nam Đông….Đức cha Thể cho phép các chị mang theo Mình Thánh Chúa vì nơi ấy không có cha, không Thánh lễ. Các chị “giấu Chúa” trong hộp rồi cất vào một túi xách, treo lên một chỗ thích hợp trong phòng ngủ. Đó là một phòng chung của 3 chị với 4 cô giáo và 5 thầy. Khi họ ngủ hết, 3 chị dậy chầu Thánh Thể trong thinh lặng. Ban sáng, 3 chị thức dậy lúc 5g00, trước họ 1 tiếng, đi vào rừng, đọc kinh sáng, đọc Lời Chúa, rồi rước Chúa rồi về.[2]

Chuyện 3. Chị Céphas Trần Thị Diệp: thời gian đầu, ở trường Mai Khôi chị dạy môn Pháp văn; sau đó, chị làm hiệu trưởng mấy năm. Trong thời gian làm hiệu trưởng, chị gặp phải vấn đề là các phụ huynh cứ đến xin chữ ký xác nhận giấy chứng thi đậu của hiệu trưởng để họ được lãnh lương. Họ cứ năn nỉ để có được chữ ký. Phần chị, thì bị “không yên ổn lương tâm”, nên trình bày Bà Bề trên...[3]

Chuyện 4. Chị Cécilia Hoàng Thị Cung: vào năm 1973, khi chị làm hiệu trưởng ở trường Mai Khôi, chị “chú ý đến khía cạnh con người”. Ngày nào chị cũng cho cô giáo cắm một bình hoa trong phòng của giáo sư để họ cảm thấy thoải mái vì được đón tiếp, trân trọng. Hoặc khi trả lương, chị để tiền lương trong bì thư và đem tới cho từng người chứ không để họ phải chạy lại văn phòng lấy lương… Chị muốn bày tỏ lòng tôn trọng nhân vị của người khác, không coi thường họ.[4]

Chị vẫn giữ phong cách trân trọng, tiếp đón ấy khi dạy cho tân tòng ở bên Hoa Kỳ vào những năm 2010 trở đi. Vào những sáng thứ bảy mỗi tuần, suốt 6 năm, chị có mặt lúc 7g30, trước các anh chị tân tòng 1 tiếng, để dọn café- có bàn café để mọi người uống café, nói chuyện, gắn kết với nhau. Họ học đều đặn và vui, gần gũi, chia sẻ…[5]

Giáo hội có sứ mạng là tạo điều kiện để mọi người đều được hưởng một nền giáo dục Kitô giáo như Giáo luật điều 794 minh định: “Do một danh nghĩa đặc biệt, Giáo hội có bổn phận và quyền lợi đảm nhiệm việc giáo dục; bởi vì chính Thiên Chúa đã uỷ thác cho Giáo hội sứ mệnh giúp đỡ loài người đạt tới sự sung mãn của Kitô giáo. Các Vị Chủ chăn phải làm hết sức những gì cần thiết để mọi tín hữu được hưởng một nền giáo dục Công Giáo.”[6]

Chị em Dòng CĐMVN, qua việc giáo dục, tin rằng mình đang cộng tác với Thiên Chúa và công trình tạo dựng và cứu độ của Người, nhằm tôn vinh Thiên Chúa hơn và nhằm phần rỗi các linh hồn, theo như ý định ban đầu của Đấng Sáng lập. Từ khi Hội dòng được thành lập cho đến ngày nay, chị em thi hành giáo dục, với ý thức mình cùng với các nam nữ tu sĩ của các dòng tu, đóng góp một phần vào việc xây dựng quê hương đất nước và phục vụ đồng bào, dân tộc ngày càng tốt đẹp hơn.

Chúng ta cùng nhau điểm qua vài nét về việc giáo dục của Hội dòng qua hai giai đoạn chính yếu: giai đoạn từ năm 1920 đến 1975 và giai đoạn từ sau năm 1975 đến nay.

  1. Giai đoạn từ năm 1920 đến 1975

Lần giở các trang lược sử các cộng đoàn đầu tiên của Hội dòng trong giáo phận Huế, chúng ta thấy bên cạnh các ngôi nhà thờ lớn nhỏ của một số giáo xứ giáo sở, thì xuất hiện cộng đoàn của chị em, và như một lẽ đương nhiên là có cơ sở lớp học, trường học. Có thể thấy ngay từ đầu các chị Tiền bối đã sống hết mình - hết tình cho sứ vụ giáo dục. Việc giáo dục văn hóa và đức tin luôn đi với nhau. Chị em chúng ta thực thi việc giáo dục và coi đó là bổn phận chính yếu và trước hết của mình trong vai trò là những nữ tu CĐMVN, để hướng dẫn con trẻ biết đàng về trời, đạt tới sự sung mãn trong Đức Kitô.

Tại Phú Xuân: lập trường sơ cấp Phú Xuân ngay từ những năm tháng đầu tiên khi Hội dòng tọa lạc trên mảnh đất Phú Xuân.

Tại Phước Môn, năm 1923: có trường dạy học, dạy thêu may và Cô-Nhi viện

Tại Nước Ngọt, năm 1927: cố Fasseaux Phương, được sự đồng ý của Đức cha Allys, mời các chị em đến phục vụ tại đây. Ngài mở trường để chị em dạy chữ nghĩa, thêu may, mở bệnh xá, nhà hộ sinh và nhà Dục-Anh.

Tại Thừa Lưu, năm 1929: cha Anrê Lê Văn Kiệm chánh xứ xin các chị em đến phục vụ. Hai chị nhận sở đầu tiên, rồi 6 tháng sau, bà Bề trên cho thêm hai chị nữa. Vào năm 1930 trường khai giảng năm học mới, với sĩ số 80 em lớp nhỏ. Dần dần học sinh đông và đủ lớp bậc tiểu học. “Các chị kiên nhẫn dạy dỗ”.[7]

Hà Úc, năm 1933: cha GB Nguyễn Văn Hân xin chị em Dòng CĐMVN đến phục vụ giáo xứ và dạy học. Ba chị đến nhận nhiệm sở đầu tiên, và ngay ngày hôm sau, khai giảng dạy học. Rất đông trẻ em đến nhưng vì chỉ có 3 lớp, nên các chị nhận được 150 em. Ngoài chuyện dạy học, chị em còn tiêm chích, chữa các bệnh thông thường.[8]

Gia Hội, năm 1935-1975. Học sinh phần đông là Công giáo, quốc tịch Trung Hoa. Vì là khu vực người Tàu buôn bán, gần chợ Đông Ba. Hội dòng mở Trường cấp I, II và cấp III.

Tân Mỹ, năm 1938: cha Phaolo Phạm Ngọc Chiếu hoàn thành xây cất cơ sở Tân Mỹ, mời chị em CĐMVN đến lo mục vụ và dạy học. Ngày khai giảng năm học, có 90 em đến học, lớp 1 và 2. Niên khóa tiếp theo, học sinh rất đông, chị em mở thêm lớp 3, 4 và lớp 5.[9]

Phước Hưng, vào năm 1942 khi cộng đoàn mới được thành lập, chị em mở 4 lớp, trên 100 em học sinh, nhưng chỉ có 8 em là người công giáo. Các em cả lương lẫn giáo học chăm ngoan và được học giáo lý.[10]

Đến năm 1943, tại nhà Mẹ Phú Xuân, trường tiểu học Thánh Mẫu, gồm 3 lớp được xây dựng. Sau năm 1945, chiến tranh tạm yên, Hội dòng tiếp tục dạy tiểu học và bắt đầu tổ chức các lớp trung học đệ nhất cấp tại Nhà Mẹ. Đó là trường Sainte Marie, gồm các lớp đệ thất, đệ lục và đệ ngũ (tương đương với cấp II ngày nay).[11]

Năm 1957, Hội dòng mở thêm trường tại Ưu Điềm - Thừa Thiên Huế, gồm hai dãy nhà học dài, dãy trường Trung học và Tiểu học, đón nhận học sinh, không phân biệt lương giáo. Các chị mời thêm sự cộng tác của một số giáo sư đến dạy toán và việt văn. Học sinh ngày càng đông, học giỏi, thi đỗ cao. Học sinh được giáo dục tốt về đức dục, trí dục. Trường Ưu Điềm phát triển rất tốt.[12]

* Từ thời kỳ đầu mới thành lập dòng, chị em CĐMVN được các cha mời đến các xứ đạo thì cũng đồng thời tham gia vào việc dạy văn hoá và dạy giáo lý trong các trường của giáo xứ hay trong các cơ sở của Dòng. Với sứ mạng giáo dục giới trẻ về văn hoá và đức tin, từ năm 1923 đến 1975, chị em đã phục vụ tại các tỉnh Huế, Quảng Trị.

* Trong giai đoạn này, nhìn chung hệ thống trường học Công Giáo đi cùng với hệ thống tổ chức giáo xứ, việc giảng dạy trong trường lớp Công Giáo đi kèm với những giáo huấn của Giáo hội trong các lớp giáo lý có thể nói là góp phần xây dựng những giá trị nền tảng cho giới trẻ và cho mọi thành phần xã hội trên quê hương Việt Nam. Nền giáo dục được xây dựng và phát triển toàn diện về các mặt trí dục, thể dục, kỹ dục, đức dục, và niềm tin.[13] Hệ thống giáo dục ấy là mảnh đất thuận lợi cho Hội dòng hòa nhập và thực thi việc giáo dục Kitô giáo, loan báo Đức Kitô trong môi trường học đường.

* Các chị phần lớn là mở và dạy tiểu học. Các chị tận tụy trong trách nhiệm và kiên nhẫn với học sinh. Tuy không có bằng cấp nhưng dạy với cái tâm. Bên cạnh việc dạy dỗ về trí dục cho con trẻ, các chị còn chú trọng tới khía cạnh đức dục, vun trồng niềm tin. Đó là một nền giáo dục giúp cho con trẻ sống làm con người và làm con Chúa. Thời điểm này, Hội dòng chưa nói đến khái niệm “sứ mạng” đối với giáo dục, chỉ quan tâm hết mực chu toàn vai trò là những nữ tu-nhà giáo CĐMVN.

  1. Giai đoạn từ năm 1975 đến nay

Do tình hình đất nước trải qua nhiều biến chuyển nên công tác giáo dục của Giáo Hội Công Giáo cũng trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Hội dòng CĐMVN cũng ở trong giòng chảy lịch sử ấy. Những biến cố lịch sử của đất nước: 1968, 1972 và nhất là 1975 đã đưa đẩy Hội dòng đến hiện diện và phục vụ, tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng qua việc giáo dục tại 7 giáo phận ngoài giáo phận nhà, đó là: Sài Gòn, Xuân Lộc, Đà Lạt, Đà Nẵng, Kon-tum, Ban Mê Thuột và Hoa Kỳ.[14]

Chiến tranh Việt Nam chấm dứt vào ngày 30-4-1975. Nhà nước chủ trương Quốc Hữu hoá Giáo dục. Cả nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy chế độ giáo dục miền Nam cũng được thống nhất theo mô hình của Liên xô. Tuy nhiên, từ tiểu học tới phổ thông, miền Bắc điều chỉnh lại giống chương trình miền Nam. Nghĩa là theo hệ 12 năm: tiểu học: 5 năm; trung học cơ sở: 4 năm; và trung học phổ thông: 3 năm. Với chủ trương Quốc hữu hoá giáo dục, Nhà nước đã công lập hoá các trường tư từ Mẫu giáo đến Đại học và thực hiện miễn phí với tất cả học sinh. Nhà nước độc quyền về giáo dục, loại bỏ mọi tổ chức giáo dục ra bên lề. Các trường học Công Giáo bị Nhà Nước trưng thu, tiếp quản.  

Sau năm 1975, cũng như nhiều dòng tu khác của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, chị em CĐMVN đi vào làm việc tại các nông trường, nương rẫy hoặc tập đoàn lao động. Suốt ngày lao nhọc, đêm về “ở với Chúa”. Chị em âm thầm dạy chữ nghĩa cho con em, như “muối men” nuôi dưỡng đức tin cho các tín hữu.[15]

Thừa Lưu: Nhà Nước sử dụng trường tiểu học của giáo xứ Thừa Lưu mà chị em đảm nhận. Chị em chỉ làm thuốc cho dân làng. Đến 1986, Nhà Nước cũng cấm bệnh xá hoạt động và buộc giao bệnh xá cho hợp tác xã Song Thủy để dạy Mẫu giáo. Năm 1992, cộng đoàn sáng kiến tận dụng lại nhà kho, sửa chữa để làm thành hai lớp dạy trẻ mẫu giáo. Lớp học thô sơ nhưng các cháu đến mỗi ngày một đông. Các chị dạy trẻ tập đọc, tập viết và làm các phép tính. Mỗi ngày các chị chỉ dạy trẻ học vào buổi sáng. Buổi chiều lao động trồng trọt, thêu ren, làm thuốc.[16]

Hà Úc: Trường tiểu học Têrêxa Hà Úc bị đóng cửa. Vào thập niên 80, chị em thấy tình cảnh con em trong giáo xứ lêu lỏng, thất học, nên “dạy học chui” để “xóa mù chữ” cho các em. Mục đích của việc “dạy chui” là để các em biết chữ để đọc được Sách Thánh trong Thánh lễ, và đọc được bài giáo lý.[17]

Tân Mỹ: chị em âm thầm hiện diện với giáo dân hôm sớm trong nhà thờ. Sáng lễ chiều kinh. Mỗi sáng, chị em quy tụ được khoảng 30 trẻ để dạy các em biết đọc, biết viết và các phép tính. Ban chiều chị em lao tác kiếm sống.[18]  

Phú Xuyên: mãi đến năm 1991, chị em quy tụ được khoảng 50 trẻ độ tuổi Mẫu giáo và những trẻ không có điều kiện đến trường. Phân chia thành 2 lớp, một lớp Mẫu giáo và một lớp Tình thương. Mục đích là để giúp các em có thể vào trường cấp I. Các em chỉ được học một buổi trong ngày.[19]

Phước Hưng. Mãi đến 1996, chị em bắt đầu lại lớp học “xóa mù” vào buổi tối. Bắt đầu chỉ có 5 em độ tuổi 14,17,18 đến học, dần dần các em đến học đông hơn. Các em, cả người lương lẫn Công giáo, đều được học miễn phí. Các chị tận tụy dạy học với ước mong các em biết chữ và nên người.[20]

Việt Hương: Sau thời gian dài dang dở việc dạy vì chiến cuộc…Mãi đến năm 1990, chị em ở Việt Hương đã mở được 2 lớp Mẫu giáo, với 80 trẻ. Năm 1991, chị em sửa chữa xây dựng được 8 lớp.[21]

Bêtania Thủ Đức: Ngay thời điểm được thành lập, năm 1975, chị em làm lụng nhiều việc và cả việc dạy nội trú. Năm 1989, mở nhà nội trú cấp I và II; đồng thời nhận giữ các trẻ Mẫu giáo và dạy kèm cấp I theo dạng bán trú, cho đến 2003.

Tân Phú: chị Céphas Diệp cùng với 4 chị khác, vào những buổi đầu của chế độ mới, sống tại Tân Phú, không được dạy học, nên có việc chi trong xứ làm được là đều làm. Làm lốp xe đạp với bà con giáo dân. Sau đó, người ta hết làm lốp xe. Các chị đến Dòng Mến Thánh Giá ở Gò Vấp học cách dệt chiếu, rồi đến đúc bánh lễ. Chị em cứ thay nhau làm các việc, trong thời gian 5 năm.[22]

Quảng Biên. Chị Niên: cha xứ xin các chị dạy lớp giáo lý khai tâm. Mà các em lại chưa biết đọc biết viết nên không đọc bài được. Các chị mở lớp “bình dân học vụ” vào buổi tối, từ 7g00 đến 8g00. Các em trong xứ đến học rất đông, và họ đề nghị các chị mở thêm lớp vào ban ngày. Lớp học rất đơn giản, không bàn không ghế, chỉ trải một tấm bạt để các em ngổi học nằm viết. Cán bộ kêu các chị lên làm việc hoài vì họ không cho dạy, nhưng các chị cứ “dạy chui” trong “kiên trì, bền bỉ, âm thầm; nhờ vậy, các cháu nhỏ biết đọc biết viết”, còn các chị thì vẫn “giữ lửa nhà giáo” và sinh sống đến ngày hôm nay.[23]

Tân Đức. Chị Trọng đi dạy nhà trẻ ở quận 3 Sài Gòn, sáng đi chiều về, suốt chục năm, từ nhà trẻ này sang nhà trẻ khác. Giữa nhiều giáo viên chỉ có hai soeurs, đó là chị Trọng và soeur Hạnh dòng Vinh Sơn.[24]

Thánh Thể được thành lập vào năm 1970. Hai năm sau, chị em mở vườn trẻ và nhà nữ công, và theo thời gian, cả hai cơ sở đều được trang bị đầy đủ hơn và hoạt động sinh động cho đến 1975 thì bị ngưng trệ hoàn toàn. Đến 1978, chị em mở lại lớp học may cho các thiếu nữ dân tộc. Năm 1987, lớp nữ công gia chánh được sửa để dùng cho việc “dạy chui” cho 20 trẻ.[25] 

*Sau năm 1975, Giáo Hội Công Giáo bị loại ra khỏi ngành giáo dục, không còn được tham gia vào hoạt động giáo dục thế hệ trẻ qua hoạt động học đường, không còn cơ hội để đem lại cho giới trẻ một nền giáo dục qua phương tiện trường học như Giáo Hội có trách nhiệm. Chị em CĐMVN, dù không còn trong tay những cơ sở, phương tiện, quyền được tham gia vào giáo dục, nhưng vẫn luôn tìm nhiều cách để sống vai trò nữ tu- nhà giáo CĐMVN trong môi trường mình sống.

*Quý chị hữu trách trong Hội dòng nhận định tình hình và mời gọi mỗi chị em nhận ra ý nghĩa của các biến cố lịch sử để can đảm, linh động và sáng kiến thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng qua việc giáo dục. Những sáng kiến như mở lớp “học chui”, “xóa mù chữ”, “lớp Tình thương”, “bình dân học vụ”,… đã được chị em lặng lẽ mở ra để nâng đỡ những trẻ em nghèo, thất học. Tuy chỉ có một số rất ít chị tiếp tục “hành nghề dạy học” dưới những hình thức đa dạng và phong phú trong một vài điểm, và dù không minh nhiên loan báo về Đức Kitô, nhưng các chị là những chứng tá sống động về lòng nhiệt thành tận tụy phục vụ giáo dục cho giới trẻ và làm chứng về đức tin Công Giáo trong nền giáo dục vô thần. Nguyện vọng của các Nữ tu-Nhà giáo CĐMVN rõ ràng và mang tính Tin Mừng cao, là trở nên “muối men”, “giữ lửa nhà giáo”, “dạy để trẻ biết chữ mà đọc Sách Thánh”, “giúp các em có chữ để học Giáo lý”,…

*Các chị dạy học trong âm thầm, và chỉ dạy học một buổi, dạy miễn phí, buổi còn lại thì làm việc khác bất kỳ để tự nuôi sống bản thân và chị em. Tối về, chị em chỉ có một việc là ở với Chúa, chầu Thánh Thể. Thời gian này, đa số các chị dạy trẻ theo sách vần Cây Đèn, và các chị cũng trở nên như những cây đèn thể hiện những giá trị cốt lõi của một nhà giáo dục, đó là: lòng yêu thương và sự tận tụy với học trò. Đồng thời, các chị chứng tá trong giáo dục về lòng nhân và sự thật, coi trọng lương tâm nhà giáo hơn lương tháng; sống gần gũi người dân nghèo khổ và thấu hiểu nhu cầu của họ và con em họ.

Toàn Dòng khởi sự lại việc giáo dục với Nghị quyết 93

Xã hội Việt Nam, dần dần với đà phát triển của xã hội, giáo dục ngày càng có nhiều nhu cầu cần được đáp ứng, với những thiện chí từ phía Giáo Hội Công Giáo, nhà nước từ chính sách độc quyền giáo dục đã thay đổi thành chính sách xã hội hoá giáo dục, cho phép các tổ chức tôn giáo của Giáo Hội Công Giáo tham gia vào một số các hoạt động bác ái từ thiện và giáo dục. Về giáo dục, nhà nước cho phép mở các Nhà trẻ và Mẫu giáo, và cho phép cách nhỏ giọt việc thành lập lớp Tình thương, Trung tâm Dạy Nghề, nhưng chưa cho phép Giáo Hội mở trường bậc phổ thông và đại học.

Trong bối cảnh giáo dục ngoài xã hội như vậy, một sự kiện quan trọng đối với Hội dòng, là biến cố Hội nghị dòng năm 1993. Sau gần 20 năm việc giáo dục toàn quốc chịu sự quản lý của Nhà nước theo chủ trương Quốc Hữu hoá Giáo dục, Hội dòng không ngừng trăn trở khi đứng trước tình hình giáo dục tại quê nhà. Nghị quyết 93 ra đời như một lực đẩy chị em bước tới, ra khơi: “Tổ chức việc giáo dục và bác ái xã hội đúng quy cách từ cơ sở đến nội dung” và “Chị em lưu tâm đặc biệt đến các thanh thiếu nữ và trẻ em bất hạnh”.

Chị em được định hướng lại trong việc giáo dục. Tất cả hăng hái dấn thân bắt tay vào việc sửa chữa cơ sở trường lớp, trang bị kiến thức và chuyên môn cho nhân sự để phù hợp với thao thức ấp ủ bấy lâu của chị em và phù hợp hơn theo chương trình của phòng giáo dục.   

Đức Minh, vào năm 1993 đã mở lớp học tình thương cho những em nghèo trong khu xóm, dạy phổ cập cấp I cho các em từ 5 đến 15 tuổi. Lớp học ngày càng đông, từ 40 đến 65 em. Lý do mở lớp vì chị em nhận thấy chính vì cuộc sống khó khăn mà nhiều trẻ không được đến trường hoặc phải bỏ học nửa chừng để đi kiếm sống. Đến 1995, chị em mở lớp học may miễn phí để giúp các thiếu nữ có thêm chữ nghĩa và chuyên môn hành nghề.[26]

Nước Ngọt, vào năm 1994, tiếp nhận 100 cháu trên 3 lớp. Đến năm 1995 sĩ số tăng lên 140 cháu. Các trẻ đến lớp học vào buổi sáng, trưa về nhà ăn cơn, rồi chiều học lại.[27]

Đức Tuấn, vào năm 1987 dạy cho 50 em nữ sinh vừa nội trú vừa bán trú, và có lớp Mẫu giáo và cấp I. Đến năm 1994 số học sinh lên đến 150 em.[28]

Bêtania Thủ Đức, chị em mở nhà may miễn phí cho thanh thiếu nữ. Ngoài việc dạy nghề, chị em giúp cho các em về giáo lý, nhân bản và cách sống giữ xã hội ngày nay.[29]

Thánh Thể: theo Nghị quyết 93 của Hội dòng và để đánh dấu 25 năm Truyền giáo tại miền Tây Nguyên, chị em đón thêm các em dân tộc Jrai từ Plei Kuroh, Plei Jut, Plei Blang. Năm 1995, chị em mở thêm 2 nhóm trẻ, 3 lớp nhỡ, 1 lớp lá, với sĩ số là 250 cháu.[30]

Cho đến nay, năm 2023, sau 30 năm kể từ Nghị quyết 93, và trải qua nhiều Hội nghị dòng, Hội dòng vẫn từng bước định hình rõ hơn về “sứ mạng” đối với việc giáo dục cho phù hợp với đà tiến của xã hội đương đại và trung thành với định hướng giáo dục Kitô giáo.  Hầu hết tại các cộng đoàn của Hội dòng, chúng ta đều dạy Mẫu Giáo, coi Nhà Trẻ, một vài nơi mở các lớp Tình Thương, chăm sóc hướng dẫn các em nội trú, nhưng chúng ta còn chịu sự chi phối và quản lý rất chặt chẽ của bộ máy quản lý giáo dục của nhà nước cả về mặt tổ chức trường Mẫu giáo và nội dung học. Cũng giống như các hội dòng khác, chúng ta chưa được tự do giáo dục tôn giáo trong các môi trường giáo dục này. Các hình thức tổ chức và hoạt động trường sở hầu như theo khuôn mẫu trường học Xã Hội Chủ Nghĩa.

Vai trò nữ tu-nhà giáo đòi hỏi chúng ta ý thức rằng: là Nhà giáo chúng ta thông phần vào thừa tác vụ của các Tông Đồ, cộng tác với các giám mục xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô là Giáo Hội, trở nên thừa tác viên của Giáo Hội. Qua việc dạy dỗ, chúng ta có trách nhiệm giáo dục cho con trẻ về đời sống đạo, rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, khiển trách và sửa phạt những thói hư tật xấu của các em, để đưa các em tháp nhập vào kiến trúc của toà nhà Giáo Hội (Ep 2,20-22), nhận ra con đường lên trời.

Kết luận

Chúng ta hãy để cho lời Thư 2007 rất tâm huyết của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vang lên và thôi thúc trong tâm:

“Giáo dục Kitô giáo là công trình học và sống làm con người và làm con Chúa. Đây là trách nhiệm của mọi Kitô hữu mọi nơi mọi thời. Thế hệ trước có trách nhiệm chuyển giao đức tin cho thế hệ sau. Thế hệ sau tiếp nhận, củng cố và bàn giao cho thế hệ hậu sinh. Lịch sử là một cuộc hành trình qua đó Kitô hữu chia sẻ đức tin cho nhau dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.

Giáo dục Kitô giáo còn là một sứ mạng cấp bách. Sự thay đổi choáng ngợp của nền văn minh thời đại không cho phép chúng ta chần chừ trì hoãn, nếu không muốn bị đẩy vào nguy cơ tụt hậu. Hơn bao giờ hết phương châm mà chúng ta phải nêu cao là: “Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo Hội ngày mai.”[31]

Dưới ánh sáng của những suy tư trên đây, chúng ta khi làm giáo dục sẽ phải rất khác với các nữ giáo dân làm việc trong ngành giáo dục, và dĩ nhiên càng khác biệt hơn rất nhiều so với nữ giáo viên lương giáo. Hệ tại việc chúng ta là những Nữ tu-Nhà giáo: tin-sống niềm tin vào Thiên Chúa. Chị em chúng ta phải có kinh nghiệm về Thiên Chúa, rồi chúng ta mới dạy dỗ, hay loan báo về những gì chúng ta tin, chúng ta đang sống. Đây ví như là gốc rễ, nền tảng, rồi mới đến những năng lực chuyên môn, quản lý và những kỹ năng… được ví như là phần thân và ngọn biểu lộ ra bên ngoài.

Chúng ta không chỉ thực thi việc giáo dục, đúng hơn là chúng ta sống sứ mạng giáo dục. Chúng ta được mời gọi nên thánh qua sứ mạng này. Sống sứ mạng giáo dục nghĩa là chúng ta thực thi việc giáo dục trong tư cách một Nữ tu. Chúng ta có tự do, yêu thích làm giáo dục chứ không phải chỉ làm cách miễn cưỡng, đối phó, hoặc chỉ làm việc giáo dục trong mấy giờ mỗi ngày. Môi trường làm việc giáo dục phải là nơi chúng ta muốn sống và sống hạnh phúc triển nở chứ không phải chỉ là môi trường chúng ta làm việc mà chưa hoàn toàn sống. Điều này thực sự thách thức mỗi người chúng ta phải không quý chị!

Tài liệu

Dòng CĐMVN, Huyền nhiệm ơn gọi. Chuyện kể Chị tôi, tập 1 và 2

Đức thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi- Loan báo Tin Mừng, ban hành ngày 8/12/1975

Lược sử Hội dòng CĐMVN 90 năm, 1920-2010  

Lược sử các cộng đoàn vùng Huế, 1920-2020

Lược sử các cộng đoàn vùng Sài Gòn, 1920-2020

Lược sử các cộng đoàn vùng Tây Nguyên, 1969-2020

Sư huynh Giuse Lê Văn Phượng fsc., Giáo Dục Công Giáo Tại Việt Nam – 50 năm nhìn lại, 2009

Thư Chung 2007 của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam về Giáo dục Kitô giáo: Giáo dục hôm nay, Xã hội và Giáo hội ngày mai (https://hdgmvietnam.com/)

Nhà Mẹ, 14-10-2023

Nt. M. Ter Phạm Thị Bích Thủy, FMI


[1] x. Chuyện kể Chị tôi, tập 1, tr. 185-186

[2] x. Chuyện kể Chị tôi, tập 1, tr. 78-81

[3] x. Chuyện kể Chị tôi, tập 1, tr. 47

[4] x. Chuyện kể Chị tôi, tập 1, tr. 26

[5] x. Chuyện kể Chị tôi, tập 1, tr. 33

[6] Giáo Luật, điều 794, khoản 1 và 2.

[7] Lược sử các cộng đoàn vùng Huế, tr.50

[8] Lược sử các cộng đoàn vùng Huế, tr.60-61

[9] Lược sử các cộng đoàn vùng Huế, tr.82

[10] Lược sử các cộng đoàn vùng Huế, tr.162

[11] Lược sử Dòng CĐMVN 90 năm, tr.84

[12] Vì lý do thời cuộc, cơ sở đóng cửa vào năm 1967, x. Lược sử vùng Huế, tr.351-353. Ông Quận trưởng quận Phong Điền là tín hữu tốt, nhận thấy con trẻ thất học, nghèo và đa phần lương dân, nên xin Đức cha Urutia Thi và Bà Bề trên Dòng cho mở trường.

[13] Sư huynh Giuse Lê Văn Phượng, Giáo Dục Công Giáo Tại Việt Nam – 50 năm nhìn lại, 2009, tr.22

[14] x. Lược sử Dòng CĐMVN 90 năm, tr. 107-110. Các cộng đoàn hình thành vào năm 1975: Bêtania Thủ Đức, Bàu Cá, Đức Tuấn, Tân Phú, Xuân Phương, Tân Đức, Xuân Lộc, Quảng Biên, An Mỹ.

[15] Lược sử Dòng CĐMVN 90 năm, tr.122

[16] Lược sử các cộng đoàn vùng Huế, tr.52-53

[17] Lược sử các cộng đoàn vùng Huế, tr.62

[18] Lược sử các cộng đoàn vùng Huế, tr.83

[19] Lược sử các cộng đoàn vùng Huế, tr.154

[20] Lược sử các cộng đoàn vùng Huế, tr.162-166

[21] Lược sử các cộng đoàn vùng Huế, tr.222-223

[22] x. Chuyện kể Chị tôi, tập 1, tr. 48-49

[23] x. Chuyện kể Chị tôi, tập 2, tr. 166

[24] x. Chuyện kể Chị tôi, tập 2, tr. 344-345

[25] Lược sử các cộng đoàn vùng Tây Nguyên, tr.33

[26] Lược sử các cộng đoàn vùng Sài Gòn, tr.48

[27] Lược sử các cộng đoàn vùng Huế, tr.37

[28] Lược sử các cộng đoàn vùng Sài Gòn, tr.56-60

[29] Lược sử các cộng đoàn vùng Sài Gòn, tr.88-90

[30] Lược sử các cộng đoàn vùng Tây Nguyên, tr.34

[31] Thư Chung 2007 của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam về Giáo dục Kitô giáo.