Hành trình mới

Với bao hồng ân, bao tâm tình và cũng bao cảnh ngộ mà chị em tôi được đón nhận như một dấu hiệu, một sự thôi thúc và cả những cơ hội mở ra cho chị em chúng tôi trong công cuộc tại phòng khám này.


Một ngày như bao ngày diễn ra những hoạt động khám chữa bệnh tại Phòng khám. Thế nhưng, những ngày mưa gió này thiết nghĩ sẽ không có mấy anh chị em tới khám bệnh, vậy mà mọi người vẫn lội mưa, lội gió đến cách sớm nhất, để được tư vấn và khám chữa bệnh. Người thì xe đạp, người thì đi xe ôm, người thì xe máy…cứ vậy nối tiếp nhau. Như một mốc son đánh dấu cho bước chân mới, bước chân của hành trình thứ 32 của Phòng khám Từ thiện Kim Long. Và người đầu tiên đánh dấu cho hành trình này là Mệ Nhứ, Mệ đã 77 tuổi. Với vài câu chào hỏi, giới thiệu và phần khai bệnh, Mệ đã được dẫn đến phòng bác sĩ để khám bệnh, dáng đi chầm chậm của Mệ, không khỏi dấy lên trong tôi sự gánh gồng của con người nghèo trước dòng lịch sử thời gian. Lòng tôi chợt không khỏi bâng khuâng.

Với phận người, nơi đây chị em chúng tôi đã tiếp rước biết bao anh chị em đến khám chữa bệnh. Với bao hồng ân, bao tâm tình và cũng bao cảnh ngộ mà chị em tôi được đón nhận như một dấu hiệu, một sự thôi thúc và cả những cơ hội mở ra cho chị em chúng tôi trong công cuộc tại phòng khám này. Họ là những con người, họ có những khuôn mặt, những câu chuyện, trái tim và tâm hồn (Đức Thánh Cha Phanxicô, sứ điệp ngày thế giới người nghèo, lần thứ VII). Với 31 năm, chị em chỉ biết “tạ ơn Chúa Cha, Đấng đã kêu gọi chúng ta đi theo Đức Giêsu trong việc gắn bó trọn vẹn với Tin mừng và trong việc phục vụ Giáo hội, Đấng đã đổ xuống tâm hồn chúng ta Thánh Linh mang lại niềm vui và biến chúng ta thành những chứng nhân cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa trước mặt thế giới” (Tông huấn ĐSTH, 2015). Lịch sử đó mỗi ngày vẫn mời gọi và thôi thúc chị em chúng tôi dấn thân và cho đi một cách thiết thực hơn, chứ không chỉ bằng lời cầu nguyện, nhưng bằng cả con tim, bằng cử chỉ yêu thương cụ thể ngang qua công việc thăm, khám bệnh nhân nghèo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Các con không chỉ có một lịch sử huy hoàng để nhớ lại và tường thuật, mà còn có một lịch sử oai hùng cần viết nên! Hãy nhìn về tương lai, nơi mà Thánh Linh đã dự định thực hiện cùng với các con những điều trọng đại hơn nữa” (VC số 110). Quả vậy, nơi Phòng khám Từ thiện Kim Long này, tôi cảm nghiệm được lịch sử của Hội dòng đang chảy, chảy nơi con tim của mỗi chị em, với sự nhiệt huyết và tình yêu, nơi đó chị em chúng tôi phần nào đang miệt mài viết về lịch sử đời dâng hiến của mình.

“Ngày thế giới người nghèo lần thứ VII là một lời nhắc nhở và là dấu chỉ phong phú về lòng thương xót của Chúa Cha và sự hỗ trợ cho đời sống của các cộng đoàn chúng ta”, lời của vị cha chung một lần nữa mở ra cơ hội tái khám phá về các con đường cũng như các người nghèo dưới nhiều khía cạnh khác nhau trong bối cảnh xã hội hôm nay. Tôi thật may mắn khi được tiếp xúc nhiều với người nghèo, từ người Kinh đến những người sắc tộc, được cảm nhận những khuôn mặt khắc khổ bởi sức nặng của lịch sử đời người, của cuộc sống mưu sinh và cả những bạo lực bởi con người gây nên. Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong thông điệp Fratelli Tutti, số 8 rằng: Không ai có thể một mình đối mặt với cuộc sống…chúng ta cần một cộng đoàn nâng đỡ và trợ giúp mình, trong đó chúng ta có thể giúp nhau nhìn về phía trước”. Và quả thật, tôi! một mình tôi không thể làm gì ngoài lời cầu nguyện, hy sinh nhỏ bé, chỉ yêu thương họ nơi môi miệng thôi chưa đủ nhưng còn một cách cụ thể qua nụ cười, qua sự hỏi han, chia sẻ…tôi cảm nghe nỗi buồn, nỗi thất vọng về cuộc sống…đã vơi đi phần nào. Và không những thế qua các chị đi trước những món quà trợ giúp của ân nhân được chuyển đến với họ, với sự ân cần, tôn trọng và cả sự yêu thương, quý chị đã cho tôi thấy tôi cũng là người nghèo trong cách nhìn nhận, cách cho và tôi cần người chị em, cần những người bên cạnh tôi, nhờ vậy lịch sử của một hành trình mới sẽ đẹp hơn, đầy ước mơ và đầy giao thoa giữa tình mến và niềm hy vọng.

Ước mong với “lòng bừng cháy, chân bước nhanh” làm cho chúng ta “đừng ngoảnh mặt làm ngơ với người nghèo”, và chớ gì mối bận tâm của chúng ta đối với người nghèo, người bị bỏ rơi, người bên rìa xã hội…được phản ảnh bằng tính hiện thực của các giá trị Tin Mừng.

Nt. Maria Tú Cẩm, FMI