Đức Cha Allys, người truyền lửa

Đức Cha Allys đã chọn phương châm hành động cho đời giám mục của mình: Diligo Omnes, và cuộc đời ngài tựa như ngọn lửa cháy sáng, tỏa sức nóng đến mọi người, gần nhất được hưởng là chính chúng ta.


Đây là bài chia sẻ trong ngày Đại hội giáo dục toàn Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

Chúng ta tự hỏi: “Lửa” đây là gì? –thưa, “Lửa ấy” đến từ Thiên Chúa, lửa Tin Mừng, lửa Tình Yêu, lửa sức sống. Truyền lửa là gì? Truyền lửa cũng là truyền bá Phúc Âm, loan báo Tin Mừng, làm chứng về tình yêu Chúa, tỏa đam mê làm vui lòng Chúa và say mê các linh hồn. Người truyền lửa cũng còn là người truyền động lực, truyền cảm hứng, truyền kiến thức, truyền đam mê, truyền niềm tin, truyền sức sống cho người khác.

Những ai lãnh đạo, hay hướng đạo thì rất cần ngọn lửa này để cho chính mình và giúp người khác, giúp các cộng sự viên giữ được năng lượng và niềm tin trên con đường đang đi, giúp họ đam mê công việc đang làm, …

Đức Cha Allys, - ngài là người truyền lửa Tin Mừng, lửa tình yêu của ngài đối với Thiên Chúa, lửa nhiệt thành vì phần rỗi các linh hồn. Ngài là một con người truyền lửa thể hiện qua bốn nét rất nổi bật trong cuộc sống của ngài, đó là: 1-Mến yêu Thánh Thể và ham thích cầu nguyện, 2- Ước ao rất nồng nhiệt làm vui lòng Chúa và một tình yêu rất lớn đối với các linh hồn, 3- Đau buồn khi thấy các học sinh có đạo đi học trường với thầy cô lương dân, và 4- Có lòng quả cảm và nụ cười trên môi không hề tắt.

1/ Đức Cha Allys: Mến yêu Thánh Thể và ham thích cầu nguyện

Để là người truyền lửa tốt thì trước tiên người ấy phải là một con người biết giữ lửa. Người giữ lửa phải có khả năng cân bằng bản thân tốt để duy trì nguồn năng lượng đó. Vì để giữ lửa bền lâu thì họ phải biết cân bằng giữa nguồn năng lượng cho ra và thu vào. Lý tưởng là năng lượng cho ra phải ít hơn nguồn năng lượng thu vào.

Đức Cha Allys, yêu mến bí tích Thánh Thể. Ngài thích chầu Thánh Thể, kiên trì hiện diện bên “Nguồn Lửa” là Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài bền bỉ ở với “Nguồn lửa” để tiếp lửa cho bản thân và bởi vì ý thức trách nhiệm giữ cho ngọn lửa tiếp tục cháy và cháy bùng lên không ngừng. Trường độ yêu mến, lửa nóng trong ngài vẫn còn đó cho dù ngoại cảnh có thay đổi. Ngoại cảnh ấy có thể là tuổi tác, sức lực, hình dạng và môi trường mục vụ,… Đức Cha tâm sự:

“Ngày nào ra trước tòa phán xét, tôi chỉ sợ hai điều: một là khi còn sống đã không yêu phép Thánh Thể cho đủ, hai là không hết tình cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục.”[1]

Những năm tháng nghỉ hưu, mắt đã bị mù, Đức Cha vẫn dành nhiều thời gian trong ngày hiện diện trước Thánh Thể để “cầu nguyện” và sẵn sàng “chịu đau khổ” như ngài hằng tâm niệm: “Cầu nguyện và chịu đau khổ, đó là điều quan trọng.”[2]

Quả thật, Đức Cha rất yêu mến và gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, ngay cả vào những ngày sau hết của mình, tức là gần kề với cái chết. Cha Joseph Trang tường thuật: khi cha Trang đã thăm Đức Cha và lúc chào ngài về, Đức Cha nói với theo: “Xin cha nói với cố giữ việc, mai sớm đưa Mình Thánh Chúa cho tôi”. Cha Trang viết tiếp: “Đức Cha là kẻ có lòng mến Thánh Thể cách riêng nên những buổi sau cùng, Đức Cha chịu lễ mỗi ngày sốt sắng quá lẽ, mọi người có mặt đều lấy làm động lòng.”[3]

Đức Cha đã kiên trì giữ lửa bằng “cầu nguyện và chịu đau khổ”. Ngài không còn sức lực để rao giảng bằng lời nói, hoặc bằng việc mục vụ như vẫn làm hồi còn sức khỏe, nhưng ở tuổi hưu trí, ngài truyền lửa Tin Mừng bằng lòng ước ao của một con tim nồng nhiệt yêu mến Chúa. Ngài làm các việc bổn phận thường ngày với lòng mến, ngài sống hy sinh, hãm mình, và ngài gọi những điều ấy là “chịu đau khổ”. Tất cả là chỉ nhằm để làm vinh danh Thiên Chúa và vì phần rỗi các linh hồn.

“Về phần con, trong khi chờ đợi Thiên Chúa nhân từ kêu gọi, con chỉ còn hai việc để làm: chịu đau khổ và cầu nguyện.”[4]

Đó như là cách biểu lộ tình yêu của ngài đáp trả tình yêu của Thiên Chúa mà ngài cảm nghiệm được. Chỉ người nào biết mình được yêu mới có thể hiểu thấu và muốn đáp lại với trọn tình yêu tự hiến. Ngài nhìn nhận bản thân được “đau khổ về tinh thần và thể xác” là bởi vì được “Chúa cưng chiều”. Theo gương Đức Kitô, Đấng đã không ngừng tôn vinh Chúa Cha và cứu chuộc loài người bằng cầu nguyện và chịu đau khổ, ngài tâm sự:

“Về phần mình, con không phàn nàn bởi vì con phải công nhận rằng Thiên Chúa cưng chiều con lắm bằng cách để cho con đau khổ về tinh thần và thể xác.”[5]

“Chịu đau khổ” và “cầu nguyện” cũng là cách Đức Cha cộng tác đắc lực vào công cuộc loan báo Tin Mừng. Đức Phaolô VI đã từng xác tín rằng: “Lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng của chúng ta phải bắt nguồn từ một đời sống thánh thiện thực sự, được nuôi dưỡng bằng việc cầu nguyện và nhất là bởi lòng yêu mến đối với Bí tích Thánh Thể.”[6]

2/ Đức Cha Allys: ước ao làm vui lòng Chúa và tình yêu rất lớn đối với các linh hồn

Trong thư năm 1927, Đức Cha Allys viết:    

“Phải có một tình yêu rất lớn đối với các linh hồn và một ước ao rất nồng nhiệt làm vui lòng Chúa để không ngừng chiến đấu…”[7]

* Ao ước rất nồng nhiệt làm vui lòng Chúa

Ước ao rất nồng nhiệt làm vui lòng Chúa” là một diễn tả sống động và chân thực của tình yêu say mê Thiên Chúa của Đức Cha. Vì yêu mến Chúa, mà ngài muốn và tìm cách làm vui lòng Chúa, bằng lời nói, hành động và trọn cả cuộc sống của mình.

Đức Cha dành cả cuộc sống mình để phụng sự Chúa, hăng say loan báo Tin Mừng và thao thức cho Danh Chúa không ngừng được cả sáng. Quả thật, vì được thúc đẩy và hun nóng bởi khát vọng và lòng say mê cho Danh Chúa được cả sáng (Ad majorem gloriam Dei) và cho nhiều linh hồn được cứu rỗi (Ad salutem aminarum), Đức Chađã rời bỏ quê hương xứ sở Pháp quốc mà đến với Việt Nam, sống trọn vẹn tuổi trẻ cho đến cuối đời vẫn không một lần trở về quê hương. Ngài dấn thân trọn vẹn theo lệnh truyền của Thầy Giêsu: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho hết mọi loài thụ tạo (x.Mc 16,15).

Để Danh Thiên Chúa được cả sáng hơn hệ tại: việc tin vào sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong các biến cố cuộc đời mình và để Chúa làm chủ cuộc đời. Đây là một hành trình đức tin của Đức Cha, là một kinh nghiệm nội tâm, tiệm tiến và nhạy bén nhìn nhận và xác tín về sự có mặt và quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc đời của ngài. Kinh nghiệm đức tin ấy được lớn dần và mạnh mẽ trong suốt cuộc đời Đức Cha, thể hiện qua mối tương quan thâm sâu giữa ngài với Thiên Chúa và với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Đức Cha Allys thành lập dòng Con Đức Bà Chẳng hề Mắc Tội Tổ Tông - Phú Xuân và dòng Sư huynh Giáo Giảng Viên Thánh Tâm Chúa Giêsu nhằm mục đích để Danh Thiên Chúa được cả sáng hơn. Trong lá thư đề năm 1923 gửi cho Đức khâm sứ Henry Lécroat, Đức Cha trình bày ý định thành lập hai hội dòng nam-nữ trong giáo phận Huế, và kết Thư với ý định rất xác tín là: cả hai dòng tu đều nhằm mục đích Ad Majorem Dei Gloriam: Để Danh Thiên Chúa được cả sáng hơn.[8]

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chỉ ra rằng: “Chúng ta không thể giữ cho riêng mình tình yêu mà chúng ta cử hành trong Bí tích [Thánh Thể]. Tự bản chất của nó, tình yêu này đòi phải được thông truyền cho tất cả mọi người. Điều thế giới cần là tình yêu Thiên Chúa, gặp gỡ Đức Kitô và tin vào Người.[9] 

Làm sao có thể yêu say mê, nếu không muốn và thực sự làm vui lòng nhau. Vì muốn làm vui lòng Chúa, Đức Cha Allys càng muốn thỏa “cơn khát” các linh hồn của Chúa Giêsu xưa trên thánh giá.

* Một tình yêu rất lớn đối với các linh hồn

Tình yêu đối với các linh hồn chắc hẳn đã bắt đầu rất sớm trong tâm hồn cha Allys trẻ. Ngài được thôi thúc gia nhập Hội Thừa sai Paris và hăng hái lên đường đến Việt Nam khi bước vào tuổi 23. Sau đó, suốt 23 năm ở xứ Phủ Cam, cha Allys hoạt động hăng say, thay đổi bộ mặt giáo xứ, đưa nhiều lương dân trở về với Chúa. Từ con số 4,5 trăm người trước đó, tăng lên đến 4.000 giáo dân[10], trong đó có hai hoàng tử cháu của vua Minh Mạng và một số quan lại triều đình.[11]

Tình yêu rất lớn đối với các linh hồn tiếp tục được nuôi dưỡng và thể hiện bằng hành động của vị Chủ chăn Giáo phận Huế, và tiếp tục khi Đức Cha bị mù mắt hoàn toàn, và an dưỡng ở Kim Long, tại Tòa giám mục cũ.

Những năm 1908-1936, suốt 28 năm là giám mục, Đức Cha Allys đã vui mừng thấy hơn 37.000 người lớn và trẻ em được rửa tội. Ngài viết nhiều lá thư gửi về Thánh Bộ Truyền bá Phúc Âm và Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, diễn tả niềm say mê các linh hồn rất mãnh liệt:

“Chúng ta cầu xin cho có các linh mục thánh thiện để dạy dỗ và hướng dẫn các lương dân sẽ trở lại.”[12]

“Nếu Giáo phận lâm vào cảnh nợ nần, thì ít ra nó có thể làm chứng rằng đó là điều cần thiết và nhằm mục đích duy nhất, là để giúp đỡ những người bất hạnh và mang lại phần rỗi cho các linh hồn.”[13]  

“A! Các công trình của Thiên Chúa cần gặp phải những trở ngại để đạt đến những thành quả mang lại ơn cứu rỗi!”[14]

Với Đức Cha, cho dù có phải rơi vào “nợ nần”, dù gặp phải “trở ngại”, thì mục đích duy nhất phải là phần rỗi của các linh hồn; và hãy hết sức cầu nguyện để “có các linh mục thánh thiện để dạy dỗ và hướng dẫn các lương dân sẽ trở lại”. Ngài nhận ra đồng lúa thì bao la mênh mông, mà thợ gặt thì ít. Chính Chúa Giêsu đã mời các môn đệ của mình cầu nguyện nài xin với Thiên Chúa: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Phải biết xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về (x.Mt 9,38). Đức Chahiểu rằng: đồng lúa là của Thiên Chúa, thợ gặt cũng là của Thiên Chúa sai đến. Lúa chín nhiều, lại thiếu thợ gặt, cần phải xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Ở đây, ngài ý thức phải là những người thợ gặt “thánh thiện để dạy dỗ và hướng dẫn”, những người thợ lành nghề và tận tụy, nghĩa là thợ có “tầm” và có “tâm” để thao thức và dạy dỗ.

Ngẫm suy câu nói của Đức Cha “Phải có một tình yêu rất lớn đối với các linh hồn và một ước ao rất nồng nhiệt làm vui lòng Chúa để không ngừng chiến đấu…”, chúng ta nhận ra ở nơi con người ngài toát lên niềm “say mê”. “Say mê” ấy tương tự như một sức mạnh nội tâm thúc đẩy và một sự kiên trì đạt cho được kết quả bất chấp khó khăn thử thách. Những cụm từ: “ước ao rất nồng nhiệt”, “tình yêu rất lớn” như đề cập đến “cường độ”, nghĩa là một mức độ mãnh liệt nào đó. Khi nói đến “không ngừng chiến đấu” là kèm theo, hội tụ thêm yếu tố “trường độ”, nghĩa là độ dài trong cuộc sống. Có thể thấy, hai yếu tố “cường độ” và “trường độ” nơi con người Đức Cha Allys chính là “sự say mê” của ngài với Chúa và các linh hồn. Điều ấy càng tạo thêm sức nóng trong ngài, thiêu đốt ngài và thúc giục ngài biết cách gìn giữ lửa và mong ước truyền lửa đi. Ngài tin yêu Chúa. Ngài sống sự say mến và muốn loan truyền đến mọi người.

3/ Đức ChaAllys: đau buồn khi thấy các học sinh có đạo đi học trường do thầy cô lương dân nắm giữ.

Đấng Sáng lập Dòng của chúng ta đã đau lòng thốt lên:

“…Tôi phải đau buồn khi thấy một số lớn các học sinh có đạo đi học các trường do các thầy cô lương dân nắm giữ, được dạy dỗ bởi các giáo viên vô thần và quá thường khi nghịch lại với Giáo hội.”[15]

Tầm nhìn của Đức Cha Allys bao quát, vì vậy ngài quan tâm và lấy giáo dục như là ưu tiên mục vụ để thăng tiến đời sống con trẻ về văn hóa và đức tin, và không ngừng phát triển giáo hội địa phương. Những năm tháng là giám mục, ngài hăng hái dấn thân loan báo Tin Mừng, ngài đặc biệt chú tâm đến hai mục tiêu chính là: tăng số tân tòng và lập nhiều trường học.

Ngài mang một con tim biết đau buồn và thổn thức trước tình cảnh một số rất đông học sinh có đạo phải đi đến thụ giáo với các thầy cô lương dân, đến học với các giáo viên vô thần. Những thầy cô ấy trong khi dạy dỗ, sẽ có những hướng dẫn nhiều khi nghịch lại với Giáo hội; và ngài lột tả chính nội tâm mình: “Tôi phải đau buồn…!”.

Trong một thư khác, vào năm 1929, Đức Cha tiếp tục bày tỏ con tim thổn thức:

“Con thực sự đau lòng khi thấy, đặc biệt là các nam sinh của chúng con, chạy hết chỗ này đến chỗ kia, để tìm kiếm một nền giáo dục mà chúng con không thể cung cấp cho họ”.[16]

Chúng ta không khó để nhận thấy những thao thức trong tim của ngài về giáo dục. Ngài cương quyết lập Trường Pellerin Huế vào năm 1904 (do các Sư huynh dòng La San điều khiển và giảng dạy), sáng lập hai Hội dòng nam-nữ chuyên lo về giáo dục đó là dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Phú Xuân (1920) và Dòng Anh em hèn mọn Chúa Giêsu (1925). Thực ra trước đó, vào năm 1923, Đức Cha gửi cho đức khâm sứ Lécroat, đã bày tỏ ý định thành lập Dòng Anh em hèn mọn Chúa Giêsu rồi.[17] Định hướng loan báo Tin Mừng ngang qua giáo dục của Đức ChaAllys rất rõ. Ngài bày tỏ trong thư gửi cho Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris:

“Có một vấn đề khác hiện đang thời sự trong toàn Đông Dương và chúng tôi không thể không quan tâm, vì liên hệ đến phần rỗi của một số lớn các linh hồn, đó là vấn đề các trường học. Để mở các trường học phải có một nhóm nhân sự giảng dạy; thế nhưng, chúng tôi đang thiếu nhóm nhân sự này và sự đào luyện họ tốn kém hơn cả việc đào luyện các giáo lý viên, bởi vì thầy cô phải có những hiểu biết mà giáo lý viên có thể không cần.”[18]

Để viết nên những tâm tư ấy, chắc chắn trước đó Đức Cha đã cưu mang, thấy, đã hiểu và nhận ra sứ mạng Chúa muốn ngài làm cho người dân xứ An Nam. Ngài chia sẻ một mối bận tâm rất quan trọng, rất cần thiết trong bối cảnh lúc ấy, ngài nói “không thể không quan tâm”. Vì sao mà phải rất quan tâm đến thế? Thưa, vì “liên hệ đến phần rỗi của một số lớn các linh hồn” nên ngài quan tâm đến “vấn đề các trường học”. Vâng, tình yêu của ngài, nỗi đau lòng của ngài, mối bận tâm của ngài, đó là sự giáo dục nhắm mục đích phần rỗi các linh hồn. Nói cách khác, ngài quan tâm hết sức, hết tâm trí và nhận thấy có một sứ mạng cấp bách, khẩn trương, đó là việc giáo dục Kitô giáo, giúp cho con trẻ học và sống làm người và làm con Chúa.

Thiên Chúa Quan Phòng đã không phụ lòng tin tưởng của ngài. Thiên Chúa đã chúc phúc cho mối bận tâm không nguôi đó của ngài. Thiên Chúa đã nghe và thấu hiểu tâm tư và dự án của ngài về ý định thiết lập dòng Chị Em Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông, để đào tạo các nữ tu-nhà giáo dạy giáo lý và chữ nghĩa cho con trẻ, ngài viết:

“Các nữ tu này một khi đã có bằng cấp, chính họ cũng sẽ đi vào trong các giáo xứ, dạy dỗ và đào tạo đời sống đạo đức cho các trẻ nữ của chúng tôi. Bởi vì thiếu trường công giáo, ít nữa trong một vài trung tâm, lớp trẻ này đang thoát khỏi tầm tay của chúng tôi và vào các trường công lập, nơi đó người ta duy trì nghiêm ngặt thái độ không màng đến tôn giáo, chẳng mang lại một sự bảo toàn nào cho đức tin con cái của chúng tôi.”[19]

Vậy, từ những thao thức “liên hệ đến phần rỗi của một số lớn các linh hồn”, Đức Cha Allys đã nghĩ đến việc thành lập dòng Chị em Con Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông và lập Dòng Anh em hèn mọn Thánh Tâm Chúa Giêsu chẳng bao lâu sau đó. Rồi từng bước, trong khôn ngoan và nguyện cầu, ngài đã mời gọi một số thiếu nữ bản xứ và chia sẻ hoài bão thao thức của ngài cho họ. Chính ngài truyền lửa phụng sự Thiên Chúa qua giáo dục cho các chị Tiền bối ngay từ thuở ban đầu.

Đức Cha Allys mang trong mình tầm nhìn bao quát về giáo dục, nhưng cũng rất thấu hiểu và đi vào chi tiết của từng hoàn cảnh, tiếp cận với mỗi cá vị. Ngài không chỉ quan tâm đến cả một đám đông mà còn chú ý đến từng nhân vị. Điển hình là với trường hợp thầy Thích, một tân tòng, và sau đó ít năm thầy lại muốn vào tu khi tuổi đời đã 26 (một trong những điều kiện để được nhận vào Tiểu chủng viện, là 12 đến 14 tuổi). Đức Cha Allys hiểu rõ hoàn cảnh và đón nhận con người rất độc đáo nầy. Ngài uyển chuyển với chương trình giáo dục đào tạo dành cho thầy. Ngài cho phép thầy vừa học tiếng Latinh và chương trình đào tạo linh mục, vừa làm giáo sư dạy Pháp văn, Hán văn, Quốc văn cho chủng sinh. Chỉ sau 2 năm tu tập vừa làm trò vừa làm thầy, thầy Thích được gửi vào Đại chủng viện Phú Xuân, Huế, và 6 năm sau được thụ phong linh mục ngày 18-12-1926.[20] Thật là cái nhìn tinh tế và khôn ngoan của một nhà giáo dục.

Còn nữa, trong khi làm việc loan báo Tin Mừng bằng cách giáo dục, Đức Cha không tiếc tiền bạc khi cần phải sử dụng chúng theo đúng mục đích. Có lần, ngài nói: “Nếu phải tốn kém 1000 đồng để cho vài ba trẻ em được chắc chắn lên Thiên đàng thì không đáng làm như vậy sao?”[21]

4/ Người truyền lửa với lòng quả cảm và nụ cười trên môi không hề tắt.

Vị Toàn quyền chính phủ Pháp Pierre Pasquier khen ngợi Đức Cha Allys khi trao tặng ngài huy chương vào ngày 14/7/1921:

“Khi chính quyền gắn huy chương đỏ trên áo tím Giám mục của ngài là có ý biểu dương những đức tính hùng dũng và chắc chắn nơi ngài. Ngài mang những đức tính ấy với một lòng quả cảm, không bao giờ tắt nụ cười trên môi với lòng nhiệt thành đến độ hăng say, một sự lạc quan thổi vào những ngọn lửa đang chận chờn.”[22]

Nói về con tim quả cảm là nói về tính đức tính hùng dũng và chắc chắn của ngài, như vị Toàn quyền thốt lên. Sự thường, các phẩm chất hùng dũng, chắc chắn là những đức tính diễn tả khả năng chịu đựng những gian nan thử thách, để đi đến cùng của sự trọn vẹn và hoàn hảo của một ai đó. Đó cũng chính là sự kiên trì. Kiên trì, như thánh Phaolô sống và làm chứng, là một nhân đức của những người không ngừng chiến đấu để làm chứng cho Đức Kitô (x. 1 Tm 6,11-12). Với Đức Cha Allys, con tim quả cảm là một bằng chứng tình yêu chân thật của ngài dành cho Đức Kitô, một tình yêu dán cặp mắt và tâm trí vào Đức Kitô, như một vận động viên dán mắt vào vạch đích để lao mình tới.  

Hùng dũng - chắc chắn là những thuộc tính thiết yếu và tiêu biểu của kiên trì và trung tín. Để sống kiên trì và trung tín hàm chứa trong đó một lòng tin tưởng vững chắc, một quyết tâm không chùn bước trước trước bất kỳ khó khăn nào để đi đến cùng chu toàn ý Chúa. Đức Cha chia sẻ:

“Lòng tin tưởng không thể lay chuyển và luôn hướng về phía trước.”[23]

“Dù bất cứ giá nào, con sẽ đi cho đến cùng!”[24]

“Con sẽ rất vui mừng khi được làm việc cho đến giờ chết để phát triển các công trình của Giáo phận.”[25]

Một lần nữa chúng ta thấy “cường độ” và “trường độ” tình yêu của Đức Cha Allys thao thức với “việc nhà Chúa” như lời Thánh vịnh “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Tv 69,10). Chúng ta nhận ra một sự năng động, một chuyển động tới trong kiên định của Đức cha. Ngài là một con người rất năng động, mà không phải duy hoạt động. Nơi ngài, tỏa ra sự kiên định phi thường, đó là: “tin tưởng không thể lay chuyển, “luôn hướng về phía trước”, “đi cho đến cùng”, “làm việc cho đến giờ chết”…

Những điều: “Ao ước làm vui lòng Chúa”, “làm việc cho đến giờ chết”, “cho Danh Chúa được cả sáng và cho nhiều linh hồn được cứu rỗi,… diễn tả niềm say mê, sức sống, nhiệt huyết tràn trào từ con tim và khối óc của ngài. Ngài mang trong mình một tầm nhìn bao quát về truyền bá Phúc Âm, sống và hành động một cách bền bỉ, không nản lòng dù thời gian kéo dài, dù chưa thấy được kết quả. Kiên định và nhẫn nại, đây là hồng ân mà Chúa Thánh thần ban cho mỗi Kitô hữu, và rất rõ nơi ngài: hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (x. Gl 5, 22-23).

Linh mục John J.Considine trong một dịp viếng thăm xứ truyền giáo Đông Dương năm 1932, ghé thăm Đức ChaAllys và sau đó, mô tả về ngài:

“Năm mươi năm trước, con người này đã lên thuyền từ nước Pháp xa xôi, mang theo nhiệt huyết tuổi trẻ, tầm nhìn, sức khỏe, và ngọn lửa đức tin. Và kể từ ngày đó, người ấy không bao giờ bước chân ra khỏi xứ An Nam, nơi mà người ấy đã nhận làm quê hương.”[26]

Trong thực tế, khi cuộc sống của ai đó không còn mục đích, động lực, không còn lửa tình yêu nữa thì mọi thứ sẽ trở nên nặng nề, trống rỗng. Lúc ấy, ý nghĩa và tình yêu sẽ trở nên bất định, và chắc chắn nụ cười trên môi sẽ tắt. Với cha chúng ta thì khác. Ngọn lửa đức tin, yêu mến Chúa và say mê các linh hồn vẫn luôn giữ nóng trong cuộc sống ngài. Ngài giữ mãi được con tim quả cảm và nụ cười không hề tắt. Khí phách hùng dũng- chắc chắn ấy vẫn tỏa sáng và tiếp tục truyền lửa tình yêu cho đến hơi thở cuối cùng. Hẳn vậy, nói về Đức Cha là nói về sự kiên trì và trung tín, và dường như hai phẩm tính này không tách rời nhau mà chỉ quyện làm một trong ơn gọi của ngài.

Kết luận

* Đức Cha Allys là một người truyền lửa: Yêu mến Thánh Thể và ham thích cầu nguyện, Ước ao rất nồng nhiệt làm vui lòng Chúa và một tình yêu rất lớn đối với các linh hồn, Đau buồn khi thấy các học sinh có đạo đi học trường với thầy cô lương dân, và có con tim quả cảm và nụ cười trên môi không hề tắt. Ngài như một người mang trong mình một dự án lớn lao, ước mong cho dự án ấy được hoàn thành… Dự án đích thực của ngài là không ngừng cho vinh danh Thiên Chúa hơn và phần rỗi của các linh hồn thông qua con đường giáo dục. Ngài hăng say và quyết tâm thực hiện cho bằng được dự án ấy, dù sức lực hao mòn, khó khăn giăng bủa, ngài vẫn “quyết đi cho đến cùng”.

* Có lẽ đã có lúc hoặc sẽ có lúc bản thân chúng ta giống như “hết lửa”! Hết “lửa” là hết còn độ “nóng”. Hết còn “nhiệt”! Hết còn “nhiệt thành”, hết còn “nhiệt tâm”, hết còn “nhiệt tình”, hết còn “nhiệt huyết” … Khi ấy, thân xác, tâm hồn chúng ta có thể sẽ kiệt quệ, mòn mỏi, ủ rũ, đờ đẫn. Ấy là lúc chúng ta cần trở về bên “nguồn lửa” là Thánh Thể, và cần sự “tiếp lửa” của những chị em khác, của các cộng tác viên. Chúng ta không thể trao ban điều chúng ta không có. “Một trái tim lạnh lùng không bao giờ có thể khiến những trái tim khác bừng cháy!”[27]

* Chúng ta học với Đức Cha Allys bài học trở nên nhà lãnh đạo truyền lửa. Ở vai trò lãnh đạo trong giáo dục, chúng ta phải là người giữ lửa và truyền lửa. Trước khi truyền lửa đi, mỗi chúng ta phải giữ lửa nghĩa là có một cảm nghiệm nội tại về Thiên Chúa. Lửa của lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng, lửa yêu mến và tín thác vào Chúa Giêsu Thánh Thể, lửa của tình yêu,… Khi đã bị “thiêu đốt”, nóng đủ, chúng ta mới có thể truyền động lực, truyền đam mê, truyền niềm vui cho mọi người, bắt đầu từ những cộng tác viên gần nhất. Nếu không quan tâm đủ “cường độ” và “trường độ” của việc sống với Chúa Giêsu Thánh Thể, nghiền ngẫm Lời Chúa, chúng ta có thể vẫn là những nhà giáo chuyên nghiệp, nhưng không phải là những nữ tu-nhà giáo CĐMVN tin-sống-dạy dỗ và sống giáo dục như nhận lãnh một “sứ mạng”.

* Xin mượn câu nói của thánh Vinh Sơn[28] nói với các nhà truyền giáo trong tu đoàn của mình để diễn tả sứ mạng cao quý của Đức Cha Allys - Đấng Sáng lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm: Ơn gọi của Đức Cha là để nung đốt tâm hồn con người, thực hiện điều mà Con Thiên Chúa đã thực hiện, khi Người đem lửa xuống thế gian và làm cho lửa ấy bừng cháy nhờ tình yêu của Người. Bởi vậy, Đức Cha được sai đi không chỉ để yêu mến Thiên Chúa mà để làm cho Thiên Chúa được mọi người yêu mến. Đức Cha Allys đã chọn phương châm hành động cho đời giám mục của mình: Diligo Omnes, và cuộc đời ngài tựa như ngọn lửa cháy sáng, tỏa sức nóng đến mọi người, gần nhất được hưởng là chính chúng ta.

Lời sau cùng, xin trích lời của Đức Thánh Cha Phanxicô như một lời chúc gửi đến quý chị em:

“Hãy ra đi với niềm vui của việc truyền giáo

bằng cách giáo dục và giáo dục

bằng cách truyền bá Phúc Âm.”[29]

Tài liệu

AMEP (Archives des Missions Étrangères de Paris)

APF (Archivio Storico di Propaganda Fide)

Compte-Rendu ou Lettres Communes [des MEP], (Rapport Annuel des Evêques, Huế)

Catholic Press- Sydney, 30/1/1936, https://nhathothaiha.net/56040-657/

Dòng CĐMVN, Tiểu sử hai Đấng Sáng lập

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Dòng Sư huynh La San, 21/5/2022, https://dcctvn.org/

Sứ điệp của Đức thánh cha Phanxicô cho ngày Thế giới Truyền giáo 2023, https://hdgmvietnam.com

Tông huấn Evangelii Nuntiandi

Tuần báo Nam Kỳ Địa Phận, năm 1936

Nhà Mẹ, 14/10/2023

Nt. M. Ter Phạm Thị Bích Thủy, FMI


[1] Tiểu sử hai Đấng Sáng lập, tr.23

[2] AMEP, thư 1934

[3] Lm. Joseph Trần Văn Trang, trích tuần báo Nam Kỳ Địa Phận, năm 1936, tr.291-384.

[4] APF, thư Allys, 9/8/1931

[5] APF, thư Allys, 25/4/1926

[6] Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 76

[7] AMEP, 1927

[8] APF, thư Allys 4/9/1923  

[9] Sứ điệp của Đức thánh cha Phanxicô cho ngày Thế giới Truyền giáo 2023

[10] x. Nam kỳ địa phận, Joseph Huế, 29/6/1939

[11] AMEP, thư Allys, Thư 19/5/1892 trình bày về hai Hoàng tử trở lại đạo (hoàng tử Chức và Thuyền)

[12] APF, thư Allys, 20/11/1924

[13] APF, thư Allys, 21/6/1925

[14] AMEP, thư 1929

[15] Compte-Rendu, 1914

[16] APF, Thư 17/10/1929.

[17] Thư 4/9/1923 Đức cha Lécroat, Khâm sứ Tòa Thánh

[18] Compte-Rendu, 1914

[19] Compte-Rendu, 1923

[20] https://tgpsaigon.net/bai-viet/chan-dung-linh-muc-viet-nam-linh-muc-giuse-maria-nguyen-van-thich-42856

[21] Tiểu sử hai Đấng Sáng lập, Nhà Mẹ 2015, tr.20

[22] AMEP, No 1272

[23] APF, thư Allys, 20/11/1924

[24] APF, thư Allys, 21/6/1925

[25] APF, thư Allys, 1/5/1931

[26] Catholic Press- Sydney, 30/1/1936, do Duc Trung Vu, CSsR dịch, đăng trên Web https://nhathothaiha.net/56040-657/

[27] Sứ điệp của Đức thánh cha Phanxicô cho ngày Thế giới Truyền giáo 2023

[28] Thánh Vinh Sơn đã nói với các nhà truyền giáo trong tu đoàn của mình: “Chúng ta được Thiên Chúa tuyển chọn để làm khí cụ thể hiện tình phụ tử bao la của Người, vì Người muốn cho tình yêu ấy củng cố và trải rộng nơi các linh hồn… Vì thế, ơn gọi của chúng ta không chỉ là đến phục vụ giáo xứ hay giáo khu, mà phục vụ toàn thế giới. Để làm gì? Thưa là để nung đốt tâm hồn con người, thực hiện điều mà Con Thiên Chúa đã thực hiện, khi Người đem lửa xuống thế gian và làm cho lửa ấy bừng cháy nhờ tình yêu của Người. Bởi vậy, tôi được sai đi không chỉ để yêu mến Thiên Chúa mà để làm cho Thiên Chúa được mọi người yêu mến. Quả chưa đủ nếu tôi yêu mến Thiên Chúa, trong khi người thân cận lại chưa yêu mến Người.” Đoạn này được ĐGH Gioan Phaolo II trích dẫn. x. Observatore Romano, ấn bản Anh ngữ 11/10/2000, tr.9. (x. Felix Podimittam, Ofm Cap, Canh tân Đời sống Thánh hiến, do Lm. Nguyễn Ngọc Kính chuyển ngữ, nxb Phương Đông, năm 2014. footnote.1, tr.170).

[29] Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Dòng Sư huynh La San, thứ Bảy, ngày 21/5/2022, https://dcctvn.org/duc-thanh-cha-phanxico-cac-truong-hoc-cong-giao-khong-nen-chi-mang-danh-nghia-kito-giao/