Hơn... và Hơn... !

Những suy tư từ Ga 15,2b như là một lời mời gọi gởi đến các nhà giáo Con Đức Mẹ Vô Nhiễm trong biến cố Hội Nghị Dòng 20. Trước hết,...


Những suy tư từ Ga 15,2b như là một lời mời gọi gởi đến các nhà giáo Con Đức Mẹ Vô Nhiễm trong biến cố Hội Nghị Dòng 20.

Trước hết, chúng ta cũng điểm qua vài chữ HƠN trong bốn sách Tin Mừng:

Mt 10,24: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ

Mt 10,31: “Anh em đừng sợ, anh em còn qúy giá hơn muôn vàn chim sẻ

Mt 10,37: “Ai yêu cha, yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy

Mc 1, 19a: “Đi xa hơn một chút

Lc 15,7: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”

Ga 15,2b: “Còn cành nào sinh hoa trái thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.”

Khi nói đến chữ HƠN, chúng ta mau mắn đặt nó trong nghĩa so sánh hơn thua. Ngẫm nghĩ cho sâu về chữ HƠN trong Tin Mừng, nó không chỉ có ý nghĩa so sánh hay cân lường mà dường như là một sự thách thức sống các giá trị Tin Mừng.

Thật vậy, Chúa Giêsu luôn đòi hỏi các môn đệ và những người đi theo Ngài, những người đang lắng nghe Tin mừng một thái độ sống xứng đáng với Nước Thiên Chúa. Lối sống này thúc đẩy chúng ta luôn tiến bước, luôn vươn lên, chứ không được lùi bước, chùn bước, hay chỉ ì ạch hoặc bằng lòng dậm chân tại chỗ. Không, HƠN đặt chúng ta trong một sự năng động chuyển mình, trong một tiến trình không ngừng tìm tòi và khám phá. HƠN bắt chúng ta cố gắng và cố gắng mãi. Sự HƠN này có lẽ làm cho chúng ta cảm thấy mệt mỏi, đau đớn, đôi khi thất vọng nữa… đó là lúc chúng ta đã đổ hết công sức mà kết quả chẳng thêm hoa trái gì. Chúng ta nhớ rằng, đây là lúc Chúa Giêsu đang cắt tỉa nơi chúng ta những trái trăng xấu xí, sần sùi, sâu sia, khô héo… để cành của chúng ta mới có đủ sức và đủ chất sinh ra những trái mới, trái ngon ngọt, trái chín mọng… và nhiều trái HƠN. Đúng thế, Chúa Giêsu không muốn chúng ta ù lì, hay chỉ bằng lòng, thỏa mãn với cách sống chúng ta đang có nhưng phải HƠN và HƠN.

Nhìn chữ HƠN trong vai trò của một nhà giáo, thiết tưởng đây là một điều phải lẽ đúng không ạ! Chúng ta đã, đang và sẽ cố gắng cho công cuộc giáo dục của Hội Dòng chúng ta. Bên cạnh thi đua thành tích theo phong trào và đòi hỏi của xã hội, chúng ta còn phải miệt mài suy tư làm sao để mang tinh thần Kitô giáo vào việc giáo dục. Thật là đẹp và ý nghĩa biết bao, với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn chúng ta cùng nhau chọn chủ đề cho Hội Nghị Dòng lần thứ 20: “Giáo dục Đức tin và văn hóa theo định hướng truyền giáo.”

Vậy, điều mà chữ HƠN muốn nói với chúng ta ở đây là gì? – “Theo định hướng TRUYỀN GIÁO”- đây là cái mới và cái HƠN phải không các chị? Như thế, chúng ta cần định hướng cái gì? Làm sao? Và theo cách thức nào? Điều này chị em chúng ta đã học tập, chia sẻ, bàn hỏi và thậm chí đã sống. Nhưng có lẽ qua Hội Nghị Dòng lần này, Thiên Chúa muốn chúng ta phải HƠN. Vậy chúng ta phải HƠN như thế nào đây? Phải chăng là “đi xa HƠN một chút” trong cái nhìn, cái nghĩ và cái hành xử như thầy Giêsu và như cô giáo Maria - Mẹ hiền Vô Nhiễm của chúng ta?

Quả thật, chữ HƠN theo tinh thần Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn xa trông rộng với tấm lòng chạnh thương (Mt 14,14). Chữ HƠN làm cho suy nghĩ của chúng ta thấu đáo hơn, bao dung hơn. Chữ HƠN cũng có thể nhắc nhở chúng ta hành động và cư xử bằng một “trái tim thịt mềm” (Ed 36,26), một con tim quả cảm. Chữ HƠN còn cho phép chúng ta vươn tay dài hơn, chân bước xa hơn đến những trẻ em chưa hoặc không được đến trường bằng những cách thế phù hợp... Tóm lại, chữ HƠN thúc đẩy chúng ta không chỉ nỗ lực bên ngoài, mà cả chiều sâu nội tâm.

Bài viết này như muốn nói lên và gởi gắm niềm thao thức về việc định hướng truyền giáo trong sứ mạng giáo dục. Mong sao mỗi chị em chúng ta và chính em cùng nhau xác tín rằng: trước khi “vẽ vời đường lên Trời cho con trẻ” thì chính chúng ta đã thấm nhuần con đường này rồi. Thật không dễ chút nào, nhưng chúng ta có thể sống con đường này - con đường của chữ HƠN - nhờ tháp nhập sâu hơn mỗi ngày vào Chúa Giêsu Thánh Thể. Và như Mẹ Maria, chúng ta hãy Tin Mừng hóa đời sống của chúng ta để trở thành “những nhà sư phạm đã được chính Lời Chúa huấn luyện” (Ls.111)

Maria Thuần Lương - FMI

(Ghi lại dịp Tĩnh Tâm năm tại Nhà Mẹ 3/2017)